| Hotline: 0983.970.780

Gần 10 năm chờ đợi khu chăn nuôi tập trung

Thứ Ba 28/05/2019 , 09:14 (GMT+7)

Không ai có thể hình dung ra đám đất cây cối lưa thưa, ao chuôm luộm thuôm thậm chí có chỗ còn bỏ hoang, suốt ngày đêm râm ran tiếng nhái kêu kèng kẹc ấy lại là khu chăn nuôi tập trung của xã Tự Lập, huyện Mê Linh, TP Hà Nội.

Ông Trần Văn Hồng, người xóm 9 kể lại rằng, mấy năm trước, nghe theo lời động viên của chính quyền ông đem dồn 8,5 sào đất của nhà cộng với mua thêm 1 sào để ra đây làm trang trại cùng với 46 hộ khác trong xã. Đa số mặt bằng ở đây là những thửa ruộng trũng, đất xấu, đường không có, nắng thì bụi, mưa thì lầy mãi đến năm ngoái xã mới rải được chút đá răm.

16-25-06_nh_2
Trang trại xác xơ của ông Hồng.

Điện không có, nuôi con gì nắng cũng chết mà rét cũng chết, các hộ dân bí quá phải tự đóng tiền để kéo điện ra, mỗi nhà mất 18-20 triệu tiền vật tư, dây dẫn và công lắp: “Chúng tôi rất thất vọng bởi lẽ trên chẳng để đoái hoài gì cả đến người chăn nuôi ở đây, chẳng khác gì “đem con bỏ chợ”, tất cả đều phải tự túc hết”.

Sau khi mua thêm 1 sào ruộng rồi vượt lập đất lên, đầu tư đắp bờ, đắp đường, kéo điện ông Hồng mất tổng cộng khoảng hơn 200 triệu. Cụt hết vốn lại chẳng thể vay thêm được ở đâu nữa nên ông không thể bố trí sản xuất đúng theo dự định ban đầu. Giờ vật nuôi của gia đình chỉ là mấy con chó, chục con gà, ít cá thả chơi dưới ao, chuồng trại không có, cây trồng chủ lực không có nên thu nhập chẳng được bao lăm. Phần lớn những trang trại, gia trại khác ở đây cũng đều hoạt động kém hiệu quả như vậy.

Trả lời về chuyện này, ông Trần Văn Khánh, Chủ tịch xã Tự Lập lý giải đầu đuôi sự việc như sau: Năm 2009 UBND thành phố Hà Nội đã ra Quyết định 09 về việc quy hoạch tập trung các khu chăn nuôi ra xa khu dân cư với điều kiện diện tích mỗi khu trên 10 ha, những trang trại, gia trại tham gia vào khu có diện tích tối thiểu 1.000m2, sẽ được hỗ trợ đầu tư kinh phí làm hạ tầng đường, điện tận bờ rào công trình, cho vay vốn lãi suất thấp thời hạn 36 tháng.

Thấy quyết định này hợp lý quá xã liền tổ chức tuyên truyền vận động bà con đăng ký. Hà Nội lúc đó, nhờ chương trình nông thôn mới mà đột phá được công đoạn dồn điền đổi thửa, Tự Lập mới có 13,3 ha đầm sâu trũng tập trung, mời dân ra thuyết phục để họ nhận làm trang trại.

Việc xong đâu đấy, dân cũng đã ra kín khu, xã mới đề nghị lên Phòng kKnh tế, Phòng Kinh tế báo cáo lên huyện để nhận hỗ trợ, huyện hỏi lên thành phố thì lại bảo vướng Nghị định 46 về giữ đất lúa nên Quyết định 09 của thành phố Hà Nội vẫn đang chờ để sửa đổi, đến bây giờ vẫn chưa thực hiện. Chờ mãi đến gần 10 năm rồi mà chưa thấy đâu.

“Sự đã rồi, dân đã ra ngoài, giờ đây lại như người đánh bạc. Dân mất lòng tin lắm vì khi thuyết trình, vận động chính quyền đã vẽ ra một bức tranh đẹp, nào là đường trục ngoài đồng được bê tông hóa, nào là đường điện ngoài đồng chạy ra đến tận chân tường rào mỗi trang trại, nào là tập trung thế mới xử lý được chất thải, cách ly được ô nhiễm cuối cùng thực tế lại là như thế này. Chính quyền xã ở giữa đâm ra bị kẹt. Đến giờ dân vẫn còn nói chúng tôi đã lừa họ”, ông Khánh than thở.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì không chỉ ở Tự Lập mà nhiều khu chăn nuôi tập trung khác trên địa bàn các xã ở Hà Nội cũng lâm vào tình trạng này. Người dân rất mong mỏi chính quyền TP sớm có biện pháp tháo gỡ, giải quyết dứt điểm cho họ có thể yên tâm đầu tư vào sản xuất.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.