| Hotline: 0983.970.780

Gần 1.000 tỷ đồng của ACB, Navibank gửi tại Vietinbank thuộc trách nhiệm của ai theo quy định của pháp luật?

Thứ Tư 31/12/2014 , 10:00 (GMT+7)

Số tiền mà Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Nam Việt giao cho nhân viên đem gửi tại Ngân hàng Công thương là tiền hợp pháp, do các ngân hàng này huy động của nhân dân nên được pháp luật bảo vệ. 

Nội dung bản Kết luận điều tra, Cáo trạng và phần xét hỏi tại tòa án, nhiều khoản tiền của khách hàng trong vụ án như Ngân hàng Nam Việt (200 tỷ), Ngân hàng Á Châu (718,9 tỷ) đã được chuyển vào tài khoản của khách hàng mở tại Ngân hàng Công thương, qua hệ thống thanh toán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đã được Ngân hàng Công thương theo dõi hạch toán đầy đủ trên hệ thống sổ sách kế toán. Nhưng các cơ quan tố tụng lại nhận định rằng, việc Ngân hàng Nam Việt, Ngân hàng Á Châu cho nhân viên vay tiền để gửi vào Ngân hàng Công thương là trái pháp luật, nhân viên của hai Ngân hàng này đã không quản lý thẻ tiết kiệm mà để Huyền Như quản lý, lợi dụng chiếm đoạt, nên lợi ích của các Ngân hàng này không được bảo vệ.

Tôi cho rằng, nhận định nêu trên là không có cơ sở, gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp của khách hàng gửi tiền tại Ngân hàng Công thương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Ngân hàng Á Châu và Ngân hàng Nam Việt. Bởi lẽ:

Sai phạm của một số cá nhân lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Nam Việt trong việc giao tiền cho nhân viên của mình gửi tiền tiết kiệm lấy lãi tại Ngân hàng Công thương là chuyện nội bộ của các Ngân hàng này. Cơ quan pháp luật có quyền xử lý tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

Số tiền mà Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Nam Việt giao cho nhân viên đem gửi tại Ngân hàng Công thương là tiền hợp pháp, do các ngân hàng này huy động của nhân dân nên được pháp luật bảo vệ. 

Ngân hàng Công thương nhận tiền gửi của các nhân viên Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Nam Việt đúng trình tự, thủ tục theo quy định, tiền gửi là tiền của các Ngân hàng trên huy động hợp pháp của người dân, thì phải chịu trách nhiệm quản lý, bảo đảm sự an toàn các khoản tiền này.

Trong vụ án này, Huyền Như, lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, dùng thủ đoạn làm giả lệnh chi, giả chữ ký của các chủ tài khoản rồi chuyển hết số tiền từ TKTGTK của nhân viên ACB đi trả nợ và chiếm đoạt số còn lại trong TKTGTK của 19 người là thủ đoạn gian dối nhằm mục đích lừa đơn vị quản lý tiền gửi là Ngân hàng Công thương, để chiếm đoạt tài sản thuộc trách nhiệm quản lý của Ngân hàng Công thương là có dấu hiệu phạm vào tội “tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Nếu Tòa án phúc thẩm kết luận Huyền Như tham ô số tiền trong tài khoản của các nhân viên Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Nam Việt mở tại Ngân hàng Công thương, thì người bị hại trong vụ án này là Ngân hàng Công thương và Ngân hàng Công thương phải chịu trách nhiệm trước người gửi tiền là các nhân viên Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Nam Việt theo sổ tiết kiệm đã phát hành hợp lệ, phải trả lại họ các khoản tiền gửi khi đến hạn theo thỏa thuận.

Mối liên hệ giữa vụ án “bầu Kiên” và vụ án “Huyền Như”

Như đã phân tích ở phần trước, nếu Tòa án phúc thẩm kết luận Huyền Như tham ô số tiền trong tài khoản của các nhân viên Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Nam Việt mở tại Ngân hàng Công thương, thì người bị hại trong vụ án này là Ngân hàng Công thương và Ngân hàng Công thương phải chịu trách nhiệm trước người gửi tiền là các nhân viên Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Nam Việt theo nội dung các sổ tiết kiệm đã phát hành cho khách hàng hợp lệ, phải trả lại họ các khoản tiền gửi và lãi phát sinh khi đến hạn theo thỏa thuận.

Nếu vậy, Ngân hàng Á Châu không bị coi là mất tiền, thậm chí còn được hưởng thêm toàn bộ lãi xuất phát sinh với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng do Ngân hàng Công thương có trách nhiệm thanh toán. Nên các sai phạm (nếu có) của các cán bộ lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng Á Châu không những không gây thiệt hại mà còn mang lại lợi nhuận lớn cho Ngân hàng Á Châu và hành vi của họ không cấu thành tội cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế và/hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.