| Hotline: 0983.970.780

Gần 40% người Việt Nam thoát nghèo sau 20 năm

Thứ Sáu 25/01/2013 , 08:57 (GMT+7)

Tỷ lệ nghèo ở Việt Nam giảm từ gần 60% xuống 20,7% trong 20 năm qua. Tuy nhiên, bất ổn vĩ mô, những cú sốc bên ngoài... đang đặt ra những thách thức mới cho công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Tỷ lệ nghèo ở Việt Nam giảm từ gần 60% xuống 20,7% trong 20 năm qua. Tuy nhiên, bất ổn vĩ mô, những cú sốc bên ngoài... đang đặt ra những thách thức mới cho công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Thạch Thị Thanh, 41 tuổi, một nông dân ở tỉnh Trà Vinh ở ĐBSCL chia sẻ rằng trước kia gia đình bà chỉ thu hoạch một vụ lúa mỗi năm do thiếu hệ thống tưới tiêu và điện. "Đời sống ngày ấy rất vất vả. Giờ thì năng suất tăng, nhờ có thêm nhiều giống mới và có hệ thống mương do nhà nước làm. Nhà tôi bây giờ có thể trồng hai, ba vụ mỗi năm", bà Thanh chia sẻ.


Năm 2010, 50% người nghèo tại Việt Nam là đồng bào các dân tộc thiểu số

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), bà Thanh là một trong số khoảng 30 triệu người Việt Nam đã thoát khỏi đói nghèo trong vòng hơn hai thập kỷ qua. Tỷ lệ nghèo giảm từ gần 60% hồi đầu những năm 1990 xuống 20,7% năm 2010, báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới có tên "Khởi đầu tốt, nhưng chưa phải đích đến: Thành tựu ấn tượng của Việt Nam về giảm nghèo và những thách thức mới" cho hay.

Việt Nam cũng đạt được những thành tựu trong giáo dục và y tế. Tỷ lệ nhập học ở bậc tiểu học của người nghèo đạt hơn 90% và ở bậc trung học cơ sở là 70%. Bà Thanh chưa từng đi học, nhưng bà hy vọng cháu mình sẽ tốt nghiệp phổ thông để có thể tìm được việc làm tốt hơn với thu nhập ổn định. "Hiểu biết nhiều thì lương cao hơn", bà bày tỏ.

Trình độ học vấn tăng và sự đa dạng hóa các hoạt động phi nông nghiệp, như làm việc ở công trường, nhà máy hoặc làm người giúp việc tại nhà, cũng đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam.

Bà Valerie Kozel, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, và là tác giả chính của báo cáo chia sẻ: "Những thành tựu đạt được rất ấn tượng. Tuy nhiên, tăng trưởng đang suy giảm trong những năm gần đây do các bất ổn vĩ mô và các cú sốc từ bên ngoài, bất bình đẳng gia tăng, nghèo trong nhóm dân tộc thiểu số vẫn cao và khó xóa bỏ". Theo chuyên gia Kozel, những người nghèo còn lại ở Việt Nam khó để tiếp cận, họ phải đối mặt với những thách thức như sự cô lập, hạn chế về tài sản, trình độ học vấn thấp, sức khỏe kém.

Báo cáo cũng nhấn mạnh nghèo phổ biến trong nhóm dân tộc thiểu số là quan ngại của Việt Nam. Thực tế, 53 dân tộc thiểu số chỉ chiếm chưa tới 15% dân số quốc gia lại chiếm tới gần 50% số người nghèo trong năm 2010. Đa số các dân tộc thiểu số ở Việt Nam vẫn sinh sống ở các vùng sâu, vùng xa và những vùng cao nơi năng suất lao động thấp.

Chuyển đổi và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng cũng góp phần làm gia tăng bất bình đẳng về thu nhập và cơ hội. Một số người nghèo, đặc biệt những người sống ở khu vực nông thôn và thành phố nhỏ, chưa có nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục và y tế chất lượng cao, cũng như việc làm tốt.

Cũng theo báo cáo này, với mức độ đô thị hóa nhanh, nghèo đô thị cũng trở thành thách thức mới ở Việt Nam. Số dân nông thôn di cư ra thành thị để làm việc trong khu vực tư nhân và dịch vụ đang tăng, chủ yếu là công việc không chính thức và không có những phúc lợi về an sinh xã hội hoặc việc làm, như bảo hiểm y tế và lương hưu.


Biểu đồ và số liệu do WB công bố

"Trong thời gian tới, công cuộc xóa đói giảm nghèo sẽ gian nan hơn, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn từ phía Chính phủ, xã hội và bản thân người nghèo", bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội nhận định.

Chuyên gia Kozel chia sẻ thêm: "Quan trọng là phải để tăng trưởng mang lại lợi ích cho mọi nhóm dân, bằng cách mở rộng đầu tư vào khu vực nông thôn và tăng năng suất lao động nông nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều lạo động...

"Việt Nam cũng nên cải thiện các chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội để có thêm nhiều hộ nghèo được hưởng lợi. Hiện nay, chỉ khoảng 50% hộ nghèo nhất hưởng lợi từ chương trình giảm nghèo của Chính phủ, và mức trợ cấp nhìn chung còn rất thấp", bà Valerie Kozel nhận định.

Năm 2010, Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Thế giới cập nhật chuẩn nghèo mới, phản ánh tốt hơn điều kiện sống của người nghèo. Dựa trên chuẩn này và hệ thống theo dõi nghèo cập nhật, tỷ lệ nghèo của cả nước năm 2010 là 20,7% so với con số chính thức là 14,2% cùng kỳ tính theo chuẩn nghèo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

(Theo VnExpress)

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.