| Hotline: 0983.970.780

Gánh nợ nần chờ bảo hiểm

Thứ Ba 06/08/2019 , 13:10 (GMT+7)

Ngư dân Nguyễn Văn Thân nói trong nghẹn ngào: “Sau khi gặp nạn bị đắm tàu, tôi đã làm tất cả các thủ tục để được bảo hiểm trả tiền. Thế nhưng, gần 2 năm qua, vẫn chưa thấy động tĩnh gì..."

Ông Thân chia sẻ thêm: "Hai bố con tôi phải làm mướn với tàu bạn để có tiền trả nợ và trang trải cuộc sống”.

13-49-08_nnvn__1
Vợ chồng ông Thân kêu cứu với PV Báo NNVN.

Theo nghề biển từ nhỏ, lớn lên lập gia đình, ông Thân (sinh năm 1970, trú tại xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) vẫn bám biển mưu sinh. Lúc đó, hai vợ chồng dành dụm mãi mới sắm được con tàu nhỏ 350CV để ra khơi. Sau hơn 10 năm cùng con tàu vật lộn với biển cả, ông Thân có ý định đầu tư đóng mới con tàu có công suất lớn để vươn ra ngư trường lớn.

Đầu năm 2017, ông Thân quyết định đóng một con tàu vỏ gỗ mới công suất gần 1.100 CV với trang thiết bị hiện đại để vươn ra ngư trường Trường Sa. Toàn bộ chi phí hết gần 8 tỷ đồng. Ông Thân cho biết, gia đình bán con tàu nhỏ cộng với số tiền dành dụm và vay mượn người thân gần 3 tỷ đồng. “Số tiền 5 tỷ còn lại được vay theo Nghị định 67 của Chính phủ tại Ngân hàng NN- PTNT (Agribank) chi nhánh Bắc Quảng Bình”, ông Thân nói.

Sau khi con tàu được hạ thủy và có được các thủ tục để ra khơi, gia đình ông Thân được Cty Bảo Minh Quảng Bình (Tổng Cty CP Bảo Minh), liên hệ ký hợp đồng mua bảo hiểm. Hai bên thỏa thuận và ký kết với nội dung mua bảo hiểm bằng 70% giá trị con tàu (khoảng 5,2 tỷ đồng), kèm theo rủi ro tai nạn thuyền viên với mức 30 triệu đồng/người. Với hợp đồng bảo hiểm này, con tàu của ông Thân sẽ phải đóng gần 50 triệu đồng/năm. Nếu gặp rủi ro, phía bảo hiểm sẽ đền bù 100% số tiền trong hợp đồng đã ký (chưa tính khấu trừ).

Vào tháng 6/2017, chuyến xuất bến đầu tiên của ông Thân trên con tàu mới đã mang về niềm vui cho gia đình. “Chuyến đi đầu tiên và 3 chuyến đi sau đó, tàu mới đều bội thu. Trung bình mỗi chuyến biển, mỗi lao động có thu nhập gần 20 triệu đồng. Chủ tàu cũng được cả trăm triệu đồng. Tiền trả lãi ngân hàng được vợ chồng tôi trả đủ và đúng hạn”, ông Thân kể lại.

Nhưng rồi, điều không may đã xảy ra trong chuyến ra biển lần thứ 5 câu mực và cá ngừ đại dương ở vùng biển xa. Vào sáng 13/12/2017, tàu cá số hiệu QB-92869TS của ông Thân gặp trục trặc khi đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa. Ông Thân kể, lúc đó, anh em dưới hầm máy báo là bọ phá nước ở phần chân vịt và nước biển tràn vào rất nhanh. Mọi người dùng các loại vật liệu chặn chỗ bị phá nước và cho máy bơm hoạt động hết công suất.

"Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều không thành, con tàu cứ bị chìm dần. Xác định là không thể cứu được tàu, tôi phát tín hiệu cấp cứu và cho 5 ngư dân xuống thuyền thúng ra xa tàu. Còn tôi và con trai rời tàu sau cùng. Khi con tàu chìm hẳn thì mới bơi đến thuyền thúng. Vì thuyền nhỏ, chỉ chở được 5 người nên anh em cứ thay nhau hai người bơi dưới biển, tay bám vào be thuyền. Khi nào mệt thì có hai người khác nhảy xuống thay thế”, ông Thân thần người nhớ lại.

Tín hiệu cấp cứu được đất liền nhận, sau đó vài giờ, tàu cứu hộ đã ra đến, đưa cả 7 thuyền viên về cảng Đà Nẵng an toàn. Sau khi tàu chìm, ông Thân đã liên hệ với Cty Bảo Minh Quảng Bình để được đền bù. Ông Thân cho biết: “Tôi đã làm đơn thẩm định, cấp nộp giấy tờ cho Cty Bảo Minh Quảng Bình. Thế nhưng lúc thì họ nói thiếu cái này, lúc thiếu cái kia, rồi họ bảo chờ. Tôi cũng đến hỏi nhiều lần nhưng chưa được. Đáng ra chỉ mấy chục ngày là được đền bù, nhưng sự việc đã kéo dài gần 2 năm trời rồi. Khổ lắm”.

Trong gần hai năm khi không còn tàu, bố con ông Thân xin đi tàu bạn để kiếm thu nhập. “Chuyện sinh sống hàng ngày thì tôi không ngại, nhưng gần 2 năm với số tiền nợ và lãi vay cứ đè nặng trên đầu thì gia đình rất bị khủng hoảng về tinh thần. Trong khi đó, cơ quan bảo hiểm cứ thờ ơ”, ông Thân nghẹn ngào.

Bà Nguyễn Thị Hiểu (vợ ông Thân) nói trong nước mắt: “Tiền bảo hiểm hơn 1 năm rồi vẫn chưa lấy được, chưa tính tiền vay, chỉ tính tiền lãi thôi gia đình tôi cũng phải gánh hơn 40 triệu đồng/tháng. Hơn 1 năm qua trả tiền lãi không thôi đã trên 500 triệu. Nếu bảo hiểm họ chi trả sớm, nhà tôi còn có tiền mà đóng tàu ra khơi, kiếm tiền trả nợ, chứ cứ thế này kéo dài mãi thì chết”.

13-49-08_nnvn__2
Bà Nguyễn Thị Hiểu: “Kéo dài thêm nữa, gia đình tôi hết đường sống”.

Báo NNVN đã có buổi làm việc với Cty Bảo Minh Quảng Bình, lãnh đạo đơn vị này cho biết đã báo cáo sự việc với TCty CP Bảo Minh.

Qua thư trao đổi với PV, ông Nguyễn Phú Thủy- Phó Tổng giám đốc TCty CP Bảo Minh (có trụ sở tại Quận 1- TP HCM), lý giải vụ việc kéo dài là do chủ tàu chưa phối hợp tốt trong việc cung cấp hồ sơ tàu để công ty giám định đánh giá nguyên nhân tổn thất.

Hiện tại, Bảo hiểm Bảo Minh đã yêu cầu Công ty Giám định SICO làm rõ một số nội dung trong biên bản giám định để ra biên bản cuối cùng. Ngay khi nhận được biên bản giám định cuối cùng, trong vòng 15 ngày làm việc, Công ty Bảo Minh sẽ có thông báo kết quả về việc giải quyết sự cố này cho chủ tàu.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.