| Hotline: 0983.970.780

Gánh rơm vào thành phố

Chủ Nhật 08/10/2017 , 15:10 (GMT+7)

Sinh ra và lớn lên ở làng bãi ngoài đê sông Hồng, nếu không làm thơ, tôi hình dung chàng trai Chử Văn Long sẽ làm gì đây?

Làm anh giáo làng, hay bác nông dân chân tay lấm láp phù sa tất tưởi với vụ ngô vụ lúa? Hay làm anh xe thồ chở cát qua đê bán cho nhà ai đang xây dựng? Hay có đủ sức táo tợn chống sào đẩy con thuyền ngược dòng chở mắm muối, cá khô lên mạn ngược; để xuôi về thuyền nặng củ nâu, củ mài, măng giang, măng nứa?

16-44-53_trng_32
Nhà thơ Chử Văn Long

Làng xóm ngoài đê, mùa nước lũ thì quá vất vả rồi. Đặc điểm của làng ngoài sông quê anh, là nhà nào cũng đổ đất tân nền thật cao. Vậy mà, vệt nước lụt năm nào còn in trên tường hồi, ngập quá giang. Nhưng mùa xuân về trên xóm bãi, cây cối trong vườn bừng lên như mở hội. Cây bưởi, cây cam xanh rờn lá nõn. Hàng xoan ven bờ rào bung lên những chùm hoa tim tím, trăng trắng. Hoa xoan rụng tơi bời trên lối đi. Hoa ngâu, hoa mộc, hoa nhài, phả lên mùi hương ngan ngát. Người mẹ già lưng còng bên gốc trầu không, lẩm nhẩm đánh thức trầu và hái những tàu lá trầu già. Bà có tài nấu chè đỗ đãi.

Tôi đã được ăn miếng chè mẹ anh nấu bằng những hạt đỗ xanh đồ dừ, đánh nhuyễn. Hình như chè được nấu từ trong tết, qua giêng, bề mặt đĩa chè đã chớm lên lớp mốc. Chỉ việc lấy con dao bài, cắt gọt lớp mốc bỏ đi, cắt chia đĩa chè thành tám miếng nhỏ đều đặn, ăn ngon ơi là ngon. Vị bùi của đỗ xanh, vị thanh của đường kính quấy khéo, cho tôi thưởng thức cái vị quà quê thật là thư thái. Có lẽ anh có cảm xúc làm thơ, vì cái màu lá cây vườn rờn xanh ngày xuân. Vì những trận mưa hoa xoan trắng tim tím rải đầy lối ngõ. Và bởi tấm lòng thơm thảo của người mẹ già của anh. Người chưa từng đi xa khỏi lũy tre, bờ ruối vây quanh làng, nhưng lại mong người con trai của bà chân cứng đá mềm thỏa chí tang bồng trời Nam bể Bắc.

Anh kể lại trận lụt năm Ất Dậu. Ngày ấy, mới vài tuổi đầu, nhưng ấn tượng cả làng xóm ngập chìm trong nước lụt, thật ghê sợ. Nhất thủy nhì hỏa. Nước tràn vào, tường nhà bằng đất nện, đổ thùm thùm. Cả xóm tan hoang. Mấy ngày đêm sống trên nóc nhà, ăn cầm bữa bằng những trái mít xanh. Anh đã thề rằng, khi nước rút, dù đói nghèo thế nào cũng phải chuyển nhà vào trong đê cho đỡ khổ. Ước nguyện ấy, cả đời anh không thực hiện được. Vì kinh tế khó khăn, hay vì thói quen của con người? Thôi thì khổ mấy vẫn bám đất ông cha mà sống. Lũ lụt đi qua, quây lại mấy tấm liếp làm nhà ở. Lại bới đất vặt cỏ, kiếm củ khoai, bắp ngô.

Người không phụ đất, đất không phụ người. Cái làng nghèo ngày nào, nay đã có khuôn mặt mới. Nhà ngói, nhà tầng mọc lên. Con đường chạy vòng quanh làng được trải bê tông. Duy nhất, ba cây gạo đầu làng là vẫn còn nguyên và có phần cổ kính hơn xưa. Mùa hạ về, gốc gạo già nua thân vỏ sù sì, những cành cây như những cánh tay lực lưỡng vẫn tung lên trời những bông hoa dỏ chói như những đốm lửa giữa trời xanh. Những sợi tơ trời vẫn bay lưng lửng. Cũ càng và quen thuộc.

Chử Văn Long thì vẫn băn khoăn vì chưa viết được những câu thơ xứng đáng với sự sống của các “cụ” gạo đầu làng. Người cao tuổi quê tôi, cũng như quê anh, quen gọi những gốc gạo già nua, là những cụ gạo. Ngày khoác ba lô đi thoát ly khỏi làng, anh cúi đầu thầm vái các cụ gạo. Ngày trở về, vẫn những cụ gạo trầm tư lừng lững. Cây bừng hoa đỏ, thắp đuốc giữa trời xanh, vồn vã chào đón anh. Cuộc ra đi với lòng khát khao tuổi trẻ dựng xây đất nước, gần tám năm trời. Đấy là đợt thanh niên thủ đô đầu tiên xung phong đi xây dựng tổ quốc. May mắn cho anh, những năm sống giữa cánh rừng Hoành Bồ, Tiên Kiên, Móng Cái, đói và rét, bù lại cho anh được gặp những người bạn chí tình, rồi ảnh hưởng rất nhiều đến sự nghiệp thi ca của anh.

Đấy là tình bạn của năm người: Phạm Gia Bình, Nguyễn Mạnh Tuấn, Lê Hường, Hồng Cường và anh. Riêng chị Hồng Cường không theo đuổi nghiệp chữ nghĩa, nhưng lại rất mê thơ văn. Sau khi rời khỏi ngành lâm nghiệp, chị phấn đấu trở thành phó chủ tịch tỉnh ba khóa liền. Mãn kỳ hạn thanh niên xung phong, Phạm Gia Bình về Hà Nội viết văn, làm báo, làm xuất bản. Anh từng là nhà báo xuất sắc của báo Lao Động, là người biên tập nhiều kinh nghiệm của Nhà xuất bản Văn Hóa. Tiếc cho Bình quá, không may mắc bệnh hiểm nghèo, phải ra đi khi sự sống đương độ sung sức. Nguyễn Mạnh Tuấn trở thành hiện tượng của văn học thời kỳ đầu đổi mới.

Các tiểu thuyết “Cù lao chàm” và “Đứng trước biển” và hàng trăm kịch bản phim truyện xôn xao dư luận. Lê Hường trở thành nhà thơ, làm chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Quảng Ninh nhiều năm liền. Lê Hường và Hồng Cường thành duyên chồng vợ. Năm người bạn thân thưở đầu đời, năm số phận. Riêng Chử Văn Long, lại trở về sống ở cái làng ngoài bãi, mùa nước, lại xắn quần xắn áo cùng mẹ già và vợ con lo ôm chăn chiếu lên nóc nhà ngồi tránh lũ. Hàng ngày, lại đạp chiếc xe đạp quấn lốp, từ làng quê lên 19 Hàng Buồm, biên tập thơ. Chiếc xe quấn lốp tồn tại mấy năm thời bao cấp.

Thời đó, mua được chiếc lốp xe đạp, là cả một vấn đề . Có kỳ được phân phối lốp, anh đành phải cầm lốp ra chợ bán lấy tiền chênh lệch, mua cân mỳ sợi cho con ăn chống đói. Chiếc lốp cũ nát, được quấn bằng dây cao su đi tạm. Sự tạm bợ, gần hết một đời người. Càng vất vả, càng đói khát, con người càng nuôi hy vọng. Những câu thơ như chứa chất sự hy vọng. Đấy là hi vọng sợi khói bếp vẫn được ngủ yên trên mái nhà. Đó là cơn mưa hoa xoan tim tím trăng trắng vẫn rải đều ngõ nhỏ tháng giêng hai. Đấy là thùng gạo đủ ăn cho lũ con nhỏ…

Những câu thơ được viết dọc đường đi. Con đường từ làng lên phố hơn hai mươi cây số. Những câu thơ được viết trong trí nhớ, cùng bánh xe đạp quấn lốp nhảy lọc xọc trên đường. Tới cơ quan, anh vội ghi chép lên giấy. Có khi là cuốn sổ tay nhàu nát. Khi là tờ lịch vừa xé. Khi là trang báo in dở. Anh viết về tiếng chày giã gạo, giã bột quê anh. Niềm khát khao để đi qua cơn đói: “Nhịp chày buồn, nhịp chày vui. Đan đan quanh những tiếng cười trẻ thơ. Nghe tràn cối gạo trong mơ. Em ơi mới lạ lùng chưa tiếng chày”.

Câu thơ mà tôi thích “Thủng bao lòng cối còn nguyên tiếng chày”, nó chứa chất bao sự trầm luân của kiếp người. Sinh thời, nhà thơ Tô Hà còn sống, có lấy câu thơ này tuyển vào tập sách “Những câu thơ trong trí nhớ”. Ở cùng tờ báo Người Hà Nội, hai nhà thơ Tô Hà và Chử Văn Long thường gặp nhau vào buổi trưa. Người vợ Tô Hà đang ở nước ngoài, Chử Văn Long thì nhà xa, khi mọi người về nhà ăn trưa, thì hai nhà thơ kê mấy chiếc ghế tại phòng làm việc ngả lưng, đem thơ ra làm đồ nhắm cho qua bữa. Có nhiều bận, hai nhà thơ đã đọc thơ, tranh luận thơ thông chiều. Thơ, thay bữa cơm suông cho họ. Kiếp người, xem ra cũng chỉ là sống tạm. Có nhạc sỹ, đã nói là cõi tạm, là vậy. Nhân nói về sự tạm bợ, tôi nhớ một bài thơ mà anh viết đã lâu. Đấy là anh viết về cái cửa nhà đóng bằng gỗ tạm, anh hứa sẽ thay cửa tốt. Rồi người vợ chết, mà cái cửa nhà vẫn là cửa tạm. Câu chuyện bùi ngùi. “Đời người nhiều khi ngắn hơn những gì tạm bợ”, câu thơ ít thơ, nhưng nói thật nỗi niềm của anh.

Thực ra, nhà thơ Chử văn Long viết hay về những điều mơ hồ, nho nhỏ. Có thể chỉ là nỗi nhớ vu vơ, nhưng lại neo lòng người: “Trưa nay ngồi nhớ không đâu. Nhớ hòn sỏi nhỏ chìm sâu đáy hồ”. Hòn sỏi nhỏ, tay người con gái ném vu vơ xuống hồ ngày xưa, sao nhớ? Phải chăng cuộc sống khắc nghiệt, đã mất cả niềm tin, đã thôi thương nhớ? Anh lo “Làm sao giữ được tiếng cười sạch trong?”. May sao, “qua làn nước biếc mây trôi”, con người vẫn nhớ những gì đáng nhớ!

Một sự kiện ảnh hưởng lớn đến đời sống thi ca của Chử Văn Long, là khi người vợ đổ bệnh và ra đi vào tháng 2 năm 1999. Đời sống thường nhật bình dị, tình nghĩa vợ chồng tao khang, nhưng người vợ ra đi đường đột, anh bị suy sụp. Anh là người nhất mực thương vợ, viết liền hơn hai chục bài thơ khóc vợ. Có khi thương vợ, anh đâm giận lây cảnh vật quanh mình. Bài thơ “Ngõ hoa”, anh có kể rằng dưới dàn thiên lý ngát hương đêm trăng, vợ anh thường ngồi chơi, mà bỗng “Em đi bỏ lại trăng vàng/ ngẩn ngơ bóng lẻ trên giàn sáng soi”. Hương hoa lý vẫn vào ra khi người đã đi xa, không chịu được kỷ niệm lay thức “Anh buồn anh vác dao lên/ chặt dây cho hết hương đêm vào nhà”. Một thái độ dứt khoát, giận dỗi, ít thấy ở con người dung dằng, vân vi như anh. Nên “Ngõ hoa nay chẳng còn hoa/ trăng soi vằng vặc như là ngõ hoang!”.

Sự xuất hiện của người vợ mới, cũng rất đường đột. Chị là nhà thơ ở đất Nghi Xuân, nhà bên bờ sông Lam. Bảo rằng số phận, thì không có gì dám nói, chứ như ngày đầu đến với nhau, Chử Văn Long phải đương đầu bao đàm tiếu. Người con gái bên bờ sông Lam yêu anh, thương cảnh ngộ của anh, sẵn sàng lặn lội từ Hà Tĩnh ra chăm sóc và chia sẻ. Chỉ thi thoảng ra thăm nhau thôi, chứ họ vẫn ở đôi nơi, vì hoàn cảnh của họ phải như thế. Chị là nhà thơ, đọc thơ anh, chị hiểu anh mong muốn gì. Cảm kích vì có người yêu thương mình, anh liền viết gần hai mươi bài thơ tặng chị. Khi tập thơ “Ngôi sao đã khóc” của anh ra đời, một nửa tập thơ khóc vợ, một nửa tập thơ tặng người yêu mới, gây nỗi bất bình cho người thân và bạn viết của anh. Có một nhà thơ thân thiết, khi cầm tập thơ anh tặng, đã cực đoan xé tan tập thơ và gắt bẳn: không được! Nhà thơ Chử Văn Long chợt buồn, biết bạn hiểu sai lòng mình. Sao lại không được, khi người ta thành thật với chính người ta? Anh khóc vợ thật, yêu người con gái kia thật, anh viết thật về nỗi lòng của mình. Sách in ra, anh trịnh trọng dâng tập thơ lên bàn thờ, thắp nén hương thành kính, vái hương hồn người vợ...

Bây giờ, đã tuổi ngoại bảy mươi, mọi hám hố, ảo tưởng, dường như không còn nữa. Ngày ngày, anh có niềm vui chăm chút gốc na, gốc mít vườn nhà. Đất quê bãi màu mỡ, mùa xuân về, vẫn cho ngát hương thơm hoa cam hoa bưởi. Thi thoảng, cánh buồm nâu lại lừng lững trôi qua ô cửa sổ, lại khơi gợi nỗi nhớ người con gái làm thơ bên dòng sông Lam. Lại xốn xang khao khát chân trời xa xôi. Nhà thơ vẫn nhớ cái ngày cùng tôi đi chùa Hương trên chiếc xe máy cũ nát. Tiếng là học trường trung cao cơ điện, anh thạo về máy móc, vậy mà bữa đó hai anh em tay nhọ nhem dầu mỡ, loay hoay mãi, chiếc xe máy vẫn khi đi khi dừng. Cuối cùng cũng đến được chùa Hương. Đêm hôm ấy, nhà thơ Chử Văn Long và tôi trải báo nằm ngủ ngay bên thềm đền Trình. Đấy là cái đêm thanh khiết và bình yên không bao giờ gặp lại. Chuyện mới tưởng ngày nào, mà đã hơn bốn mươi năm trời.

(Kiến thức gia đình số 39)

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất