| Hotline: 0983.970.780

Gạo hữu cơ, cung không đủ cầu

Thứ Năm 03/12/2015 , 07:10 (GMT+7)

Khác với một số nông sản hữu cơ đang chật vật tìm kiếm đầu ra thì gạo hữu cơ tuy có giá cao hơn hẳn 30 - 50% gạo thông thường nhưng vẫn không có đủ bán.

Đã 3 năm qua, bà Trần Thị Lan ở thôn Thượng Phúc (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) trồng lúa hữu cơ. Theo bà thì làm lúa hữu cơ mất thêm nhiều công hơn SX thông thường (dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu..) nhưng có gạo sạch và dễ bán. Ở làng bây giờ, nhiều gia đình đã chuyển sang cấy 100% diện tích lúa hữu cơ như nhà ông Trần Văn Như cấy hẳn 1 mẫu.

Ông Như cho hay, trước đây cấy lúa kiểu thông thường dù năng suất cao nhưng khó bán bởi chất lượng quá thấp. Khi trồng lúa hữu cơ được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ vật tư, kỹ thuật rất kỹ càng, gạo xuất ra bao nhiêu người buôn mua hết đến đó. Cấy lúa kiểu này ít sâu bệnh nên không phải sử dụng thuốc trừ sâu vừa đỡ tốn tiền lại ít công. Ngoài 2 vụ xuân, mùa, vụ đông gia đình ông còn gieo đậu tương để tăng thêm thu nhập.

Khác với thôn Thượng Phúc đã làm quen với phương pháp cấy lúa hữu cơ được 6 vụ, nông dân thôn Hòa Xá mới là vụ đầu tiên. Quy trình cũng không có gì quá khó làm, chỉ là áp dụng kỹ thuật SRI (giảm chi phí đầu vào, giảm sử dụng tài nguyên tự nhiên).

Theo hướng dẫn của Trung tâm KN Hà Nội, các giai đoạn quan trọng là cấy mạ non một dảnh, cấy thưa, quản lý nước, làm cỏ sục bùn và dùng phân hữu cơ nên lúa phát triển thông thoáng, ít có sâu bệnh. Với năng suất đạt khoảng 1,5 tạ/sào sẽ cho thu nhập 1,7 triệu đồng, tăng được 500.000 đồng so với cấy lúa thông thường.

Chủ nhiệm HTXNN xã Đồng Phú ông Phạm Văn Thành cho hay, ban đầu cũng có nhiều hộ lo lắng khi áp dụng phương pháp cấy lúa mới mà ngại nhất là ở công đoạn không được sử dụng thuốc sâu sẽ bị sâu bệnh tấn công, tàn phá năng suất. Nhưng ngẫm đi ngẫm lại, phương pháp này lại rất thân thiện cho môi trường và sức khỏe của mỗi người nông dân nên một số hộ chấp nhận đi tiên phong.

Sau mỗi vụ làm số nông dân đăng ký tham gia mô hình ngày một nhiều bởi họ đã thấy được lợi ích rõ ràng của lúa hữu cơ rất tiết kiệm vật tư, nhiều vụ canh tác không có sâu bệnh bất thường và không phải nghĩ đến đầu ra.

"Cái gì còn lo ế chứ lúa sạch chẳng bao giờ phải lo cả. Với năng suất bình quân đạt 1,5 tạ/sào, ít hơn so với các mô hình thâm canh nhưng lúc bán gạo lại sướng hơn hẳn, đạt 25.000 đồng/kg, trong khi nhiều loại gạo thông thường bán 10.000 - 12.000 còn khó. Như vậy với mỗi sào lúa hữu cơ tổng thu được 3 triệu đồng, thực lãi gần 2 triệu".

Chính vì những ích lợi mỗi ngày một được khẳng định thêm nên xã Đồng Phú đang trồng 20 ha lúa hữu cơ, tập trung chính tại ba thôn là Hạ Dục, Thượng Phúc và Hòa Xá. Số lượng đăng ký mỗi ngày một thêm đông.

Điều đáng quý là tất cả diện tích lúa hữu cơ đều được các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ nên bà con rất yên tâm mở rộng diện tích. Vụ đông này, sau lúa hữu cơ, ở Đồng Phú sẽ xuất hiện những cánh đồng thí điểm trồng khoai tây và đậu tương hữu cơ.

“Thị trường nông sản hữu cơ đang rất mở rộng, giá cả bán thường đắt gấp rưỡi, gấp đôi. Không chỉ gia tăng được lợi nhuận cho bà con nông dân, điều quan trọng hơn là khi áp dụng mô hình này bà con sẽ tập làm quen với việc ghi chép tất cả những công đoạn của sản xuất.

Điều này đảm bảo cho yêu cầu truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, giúp tìm kiếm được thị trường dễ dàng, bền vững hơn”, ông Phạm Văn Thành khẳng định.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất