| Hotline: 0983.970.780

Gập ghềnh bước chân giữ rừng

Thứ Ba 09/06/2020 , 10:28 (GMT+7)

Trời quá trưa, nắng vẫn như đổ lửa, cái nắng từ khoảng trồng rừng bị phát trắng khiến khi quạt vẫn nóng lên hầm hập.

Con đường mở ra để phục vụ trồng rừng và khai thác rừng xuyên qua những vạt rừng già Trường Sơn. Ảnh: T.Phùng.

Con đường mở ra để phục vụ trồng rừng và khai thác rừng xuyên qua những vạt rừng già Trường Sơn. Ảnh: T.Phùng.

Anh Trương Văn Nam, nhân viên hợp đồng bảo vệ rừng (BVR) thuộc Trạm BVR số 8 của Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn thuộc Cty TNHH Một thành viên Lâm công nghiệp Long Đại (Cty Long Đại) dập lửa bếp và bưng xuống nồi canh.

Quệt mồ hôi, anh khoe: “Hôm qua, bắt được mấy con chè khé (cua rừng) nên có nồi canh ngon”. Bữa cơm được dọn ra, chỉ có nồi cá khô nhỏ kho ớt và nồi canh chè khé giã nhuyễn nấu với rau rừng…

Nhỏ nhoi giữa rừng già…

Từ Trạm BVR số 8, nếu đi xe máy theo con đường khai thác sau gần 3 giờ đồng hồ thì hết tuyến đường. Nếu đi bộ thì gần cả nửa ngày mới đến nơi.

Đến đây, có một chốt BVR của Trạm BVR số 8 nằm dưới một gốc cây dâu sát dòng suối Xà Biên. Nói là chốt, nhưng thực ra chỉ có tấm bạt được căng qua dây rừng làm mái.

Trong chốt buộc 3 cái võng bạt, là nơi ăn nghỉ của 3 anh em lực lượng BVR, gồm Trần Xuân Tiến - tổ trưởng và hai tổ viên là Nguyễn Đức Tuấn và Trương Văn Nam. Anh Tiến bảo: “Đây là lán của người trồng rừng, họ về rồi nên mấy anh em cũng lấy làm nơi đóng chốt luôn”.

Lực lượng BVR của Lâm trường Trường Sơn làm nhiệm vụ đối đầu với hiểm nguy chỉ bằng tay không. Ảnh: T.Phùng

Lực lượng BVR của Lâm trường Trường Sơn làm nhiệm vụ đối đầu với hiểm nguy chỉ bằng tay không. Ảnh: T.Phùng

Từ chốt, hàng ngày 3 anh em thay phiên nhau tuần rừng để ngăn chặn người lạ và BVR tự nhiên. Buổi sáng, ăn cơm sớm và phân công nhau theo kiểu vòng tròn: người trực ở chốt, người đi tuần rừng.

Mỗi người một hướng. Theo lộ trình thì cố gắng đi trưa về chốt ăn cơm. Cũng có khi phải làm cơm nắm mang theo ăn giữa rừng cho lại sức để về chốt.

Đêm ở chốt, anh em đốt lên đống lửa để lấy khói quạt vào chốt cho đỡ muỗi. Mùa hè, muỗi rừng như vãi trấu. Khói lên được một lúc cũng đỡ phần nào. Đi rừng mệt nên anh em ngủ lắng nhanh.

Khi bếp tắt, hết khói thì muỗi lại nhào lên. Nằm trong võng, dùng chăn phủ hết cả đầu lẫn chân tránh muỗi. Được lúc, nóng quá mồ hôi chảy ướt cả võng.

Ngày ba bữa cơm, thức ăn chỉ duy nhất là cá khô nhỏ kho nước với ớt. Hôm nào trời mát, anh em về con suối bên chốt đặc rong rêu để bắt cua rừng. Có được thì dành mấy con nấu nồi cháo bồi bổ sức. Còn lại mấy con nhỏ hơn, để trưa mai nấu nồi canh húp cho mát dạ.

Anh Tuấn nói: “Em ở chốt vậy là ngót tháng rưỡi nay rồi đó. Có lẽ cùng không có ai thay cho mà tranh thủ về nhà một bữa”. Anh em ai cũng canh cánh nỗi lo trong lòng.

Thường đi tuần rừng thì có được hai người, lỡ bề gặp nguy thì còn cách cứu nhau. Nhưng vì diện tích rừng quá rộng, nhiều cửa rừng nên phải chia nhau tuần tra các vùng khác nhau.

“Vừa đi vừa lo lắng. Cành cây gãy trúng người, rắn rết bất ngờ hay trượt chân giữa dòng suối cạn nhô nhổm đá… thì khó mà kêu được ai trợ giúp”, anh Tuấn bộc bạch.

Nhiều nhân viên BVR đi tuần rừng nhưng cũng tính đến xin thôi việc vì thu nhập thấp. Ảnh: T.Phùng.

Nhiều nhân viên BVR đi tuần rừng nhưng cũng tính đến xin thôi việc vì thu nhập thấp. Ảnh: T.Phùng.

Anh Trần Văn Trung, phụ trách BVR của Lâm trường Trường Sơn cũng đang ở rừng để hỗ trợ cho anh em trong nhiệm vụ tuần tra, đẩy đuổi người lạ ra khỏi rừng ở các tiểu khu do Trạm BVR số 8 đảm nhận.

Anh Trung bảo trước khi phát hiện ra vụ xâm hại rừng thì anh em trong lực lượng cũng cố hết mình chứ không phải lơi là nhiệm vụ.

Nhưng vì lực lượng quá mỏng nên phải bố trí theo kiểu “rải mành mành” ở khắp các trạm, chốt. Chẳng hạn như ở Trạm BVR số 8, trong thời gian dài chỉ có bố trí được 2 anh em. Trong khi đó diện tích rừng bảo vệ lên đến trên 7.200ha.

“Ngay cả chỉ đi tuần thôi cũng đã đuối rồi chứ đừng nói đến đấu tranh với lâm tặc. Nhiều lần đối mặt lâm tặc, anh em cũng xuống nước năn nỉ họ ra khỏi rừng thôi chứ trong tay chỉ là cái dùi cui nhựa. Trong khi đó, người bên họ gấp hai, ba lần bên mình và ở giữa rừng thẳm thì làm sao trấn át được”, anh Trung chia sẻ.

Vì lực lượng mỏng, yếu nên đã có lần, ban đêm, lâm tặc xông vào chốt (bản Zìn Zìn) đánh đập nhân viên khiến hai anh Đoàn Ngọc Tú và Lê Xuân Hoàn phải chạy vào rừng để giữ an toàn tính mạng.

May mắn là anh Tú phát hiện được một người trong số đó nên tránh được cuộc truy đuổi, đánh đập. Đến quá nửa đêm, hai anh em mới hú tìm được nhau trong nỗi lo sợ đám lâm tặc quay trở lại…

Chốt BVR nằm giữa rừng già. Ảnh: T.Phùng.

Chốt BVR nằm giữa rừng già. Ảnh: T.Phùng.

Cần tăng cường sự phối hợp…

Theo anh Trung, anh em trong lực lượng BVR rất lo lắng về trách nhiệm giữ rừng. Nhưng quyền lợi thì cũng rất… hạn hẹp. Dù công việc nặng nhọc, nguy hiểm… nhưng thu nhập lại không đáng là bao.

Sau 18 năm gắn bó với công việc, lương được nhận của anh Trung trên 5 triệu đồng/tháng. Những anh em còn lại cũng nằm ở mức từ 4,2 - 5 triệu đồng/tháng.

Anh Nguyễn Ngọc Minh có 15 năm gắn bó với nhiệm vụ BVR có mức thu nhập 5,5 đồng/tháng. Anh Minh bảo, bỏ tiền mua cái xe máy khoảng hai chục triệu để phục vụ công tác tuần tra. Chạy đường rừng, qua khe suối nên chỉ ba tháng là thay bộ nhông, xích, đĩa, bốn tháng là thay bộ má phanh. Khoảng 2 năm là bán xe cho đồng nát chỉ được vài triệu.

“Chi phí đó trích từ đồng lương mà ra chứ anh em có thu nhập gì khác nữa đâu”. Anh Minh cũng đang gặp khó khăn, vợ đau bệnh hiểm nghèo, hai con còn nhỏ. “Rất khó để yên tâm công tác khi mà mỗi tháng chỉ đưa cho vợ nuôi con được vài triệu đồng mà đi biền biệt 28 ngày/tháng. Tôi đang định xin nghỉ việc”, anh Minh buồn ra mặt.

Những năm trước đây, lực lượng BVR của Lâm trường Trường Sơn trên 50 người. Sau này do áp lực công việc lớn, thu nhập thấp, chi phí sinh hoạt cao nên người lao động cũng dần bỏ việc.

Ông Châu Ngọc Dương, Giám đốc Lâm trường Trường Sơn cho hay: “Đến nay, chúng tôi chỉ còn lại 27 người, trong đó có cả người ốm đau, người chờ chế độ nghỉ hưu. Vì phải chia lực lượng ở 9 trạm, 1 đội cơ động và 4 chốt, nên mỗi cơ sở cũng chỉ bố trí được 2 người là hết quân số”.

Bữa cơm đơn giản và đạm bạc giữa rừng già. Ảnh: T.Phùng.

Bữa cơm đơn giản và đạm bạc giữa rừng già. Ảnh: T.Phùng.

Từ năm ngoái đến nay, Cty Long Đại đã một số lần thông báo tuyển dụng hợp đồng BVR. Tuy nhiên, số người dự tuyển cũng hạn chế. Thậm chí tiêu chuẩn dự tuyển được hạ xuống nhưng người tìm đến không được như kế hoạch đặt ra. Hiện Cty đang tuyển dụng hợp đồng BVR thêm 25 người nhưng có lẽ cũng khó như những lần trước.

Nhiều anh em BVR chia sẻ rằng đã có thâm niên trên dưới 10 năm gắn bó với công việc. Nay đổi đi làm việc khác thật không dễ dàng chi.

“Tuy nhiên, biết đến lúc nào thì đời sống được cải thiện để phần nào phụ giúp vợ con. Chứ với áp lực công việc như hiện tại thì nhiều người khó mà trụ được”, một nhân viên hợp đồng BVR bộc bạch.

Đốt lửa, buộc võng tại chốt để tránh muỗi và nghỉ ngơi sau một ngày tuần rừng. Ảnh: T.Phùng.

Đốt lửa, buộc võng tại chốt để tránh muỗi và nghỉ ngơi sau một ngày tuần rừng. Ảnh: T.Phùng.

Rõ ràng, rừng Trường Sơn hiện còn rất nhiều gỗ quý, nhất là gỗ lim, gõ, táu… nên đây là địa bàn mà lâm tặc thường xuyên “nhòm ngó” đến.

Vì vậy, để có hệ thống bảo vệ vững chắc thì không chỉ là chủ rừng mà cần có sự vào cuộc khẩn trương của chính quyền địa phương các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Nhiệm vụ BVR không chỉ là của chủ rừng mà cần có sự phối hợp hành động giữa chính quyền các địa phương ven rừng, liền kề với rừng với chủ rừng.

Ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình nhìn nhận: “Nếu thiếu đi sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ rừng và chính quyền các địa phương thì việc giữ được rừng gỗ quý là rất khó”.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất