| Hotline: 0983.970.780

Gập ghềnh đường về quê: Dựng lều đón tết

Thứ Năm 20/01/2022 , 12:03 (GMT+7)

Tết cận kề nhưng anh Lê Văn Tập vẫn phải chạy ăn từng bữa. Với anh lo đủ cơm ăn hàng ngày cho 2 con đã khó chứ đừng nói đến bánh chưng, hoa đào.

Chạy ăn từng bữa

Túp lều 3 bố con anh Tập tá túc sau khi về quê tránh dịch Covid-19. Ảnh: Thanh Nga.

Túp lều 3 bố con anh Tập tá túc sau khi về quê tránh dịch Covid-19. Ảnh: Thanh Nga.

Chiều cuối năm Tân Sửu, sương mù giăng bạc bầu trời xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Những cơn mưa phùn cuộn theo gió lạnh thốc liên hồi vào túp lều dựng tạm chưa đầy 20 mét vuông của ba bố con anh Lê Văn Tập, ở xóm Bắc Hà.

Thấy chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hải, hàng xóm như được dịp bày tỏ lòng trắc ẩn. Chị bảo, kể từ ngày chạy dịch Covid-19 ở miền Nam trở về (tháng 8/2021) đến nay, bố con anh Tập khốn khó không còn lời nào để diễn tả. Bà con lối xóm thương tình, người góp cho cân gạo, con cá; người biếu chiếc chăn, tấm vải; mua hỗ trợ cái bếp ga, xoong nồi, bát đũa… phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Anh Lê Văn Tập xuất thân trong gia đình thuần nông. Năm 2008, chàng trai sinh năm Ất Sửu kết duyên cùng chị Lê Thị Hường, người xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh. Một năm sau hai vợ chồng quyết định Nam tiến lập nghiệp.

Tết này Tường Vi ao ước có kẹo ăn và được mua bộ quần áo, dày dép mới. Ảnh: Thanh Nga.

Tết này Tường Vi ao ước có kẹo ăn và được mua bộ quần áo, dày dép mới. Ảnh: Thanh Nga.

Cuộc sống nơi đất khách quê người tuy lạ lẫm nhưng bình yên với sự hiện diện của cô con gái đầu lòng. Tuy nhiên, vì bị bệnh tim bẩm sinh cháu bé qua đời khi mới được 3 tháng tuổi. Hai năm sau chị Hường sinh bé thứ hai đặt tên là Lê Thị Tường Vi, đến năm 2013 sinh thêm con trai Lê Tuấn Duy.

“Vợ chồng tôi làm công nhân công ty giày da ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Đồng lương ít ỏi chỉ đủ thuê trọ và sinh hoạt hàng ngày. Đến khi phát hiện con gái Tường Vi bị bệnh thiếu máu bẩm sinh thì những món nợ vay chạy chữa cho con chất cao hơn núi, chắc hết đời tôi cũng chẳng trả nổi”, anh Tập xoa đầu con gái giọng chùng xuống xót xa.

Đầu năm 2021, “cơn sóng thần” Covid-19 quét qua các tỉnh phía Nam mà TP Hồ Chí Minh là tâm dịch. Lúc này, công ty của vợ chồng anh Tập cũng đóng cửa phòng dịch, cả gia đình cầm cự 3 tháng ở phòng trọ thì kiệt quệ. Anh Tập chạy xe máy về quê trước, đến tháng 8/2021, 3 mẹ con chị Hường khăn gói về sau.

Hơn một thập kỷ xa quê, ngày trở về ruộng đất không, nhà cửa không, gia đình anh Tập phải dựng túp lều cạnh nhà anh trai làm chỗ trú mưa che nắng, còn chị Hường rời bỏ bố con anh quay trở vào Nam. “Vợ tôi đi chắc sẽ không về nữa. Bây giờ ba bố con chạy ăn từng bữa. Còn tương lai thế nào tôi cũng không dám nghĩ tới”, anh Tập thở dài mệt mỏi.

Mỗi ngày, đều đặn, anh Tập vừa phải làm mẹ vừa phải làm cha. Chăm sóc các con từ miếng ăn, giấc ngủ, nhưng điều khiến anh lo lắng nhất chính là việc duy trì sự sống cho con gái.

Đây là nơi 3 bố con anh Tập sẽ đón tết cổ truyền dân tộc. Ảnh: Thanh Nga.

Đây là nơi 3 bố con anh Tập sẽ đón tết cổ truyền dân tộc. Ảnh: Thanh Nga.

Theo phác đồ điều trị, mỗi tháng con gái anh phải tiếp máu một lần, mỗi lần 2 lít, tương đương khoảng 5 triệu đồng (tính cả chi phí nằm viện). Tuy nhiên, không ít lần Tường Vi phải nằm ở nhà thoi thóp vì anh Tập không vay được tiền đưa con nhập viện.

“Tường Vi bị bệnh đã đành, nhiều lần bác sỹ khuyên tôi đưa cháu Duy đi khám vì cháu cũng có biểu hiện bị bệnh giống chị gái nhưng tôi sợ không dám đưa đi. Nếu biết con bệnh mà không có tiền chạy chữa tôi lại càng đau lòng hơn”, mắt anh Tập ngân ngấn lệ.

“Con thích kẹo và dày dép mới”

Khi chúng tôi nhắc đến tết cổ truyền, anh Tập bảo, tết với gia đình anh là một điều xa xỉ. Trong túp lều xiêu vẹo đến chiếc bàn thờ thắp hương cho bố mẹ anh cũng chưa sắm được, nói gì đến bánh chưng, quần áo mới cho các con hay hoa mai, hoa đào…

Căn nhà của vợ chồng anh Lam phải nhờ sự hỗ trợ của chính quyền xã mới không dột trên nóc, hỏng dưới nền. Ảnh: Thanh Nga.

Căn nhà của vợ chồng anh Lam phải nhờ sự hỗ trợ của chính quyền xã mới không dột trên nóc, hỏng dưới nền. Ảnh: Thanh Nga.

Cháu Vi ngồi cạnh bố thủ thỉ: “Con nhớ mẹ. Tết đến, con muốn gia đình đoàn tụ, muốn được ăn kẹo, mua quần áo và dày dép mới”. Những câu nói của Vi khiến chiếc khẩu trang của anh Tập thấm đẫm nước mắt.

Ở một hoàn cảnh khác, vợ chồng anh Phạm Hồng Lam và chị Nguyễn Thị Hằng, ở xóm Minh Châu cũng đang đứng trước nguy cơ không có tết.

Đầu năm 2021, vợ chồng anh Lam gửi 3 người con cho ông bà nội để vào Sài Gòn làm công nhân công ty điện tử. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, anh chị phải khăn gói về quê với hai bàn tay trắng. Căn nhà cấp 4 xây thô chưa hẹn ngày hoàn thiện cũng phải nhờ sự trợ giúp của chính quyền xã mới không bị dột trên hỏng dưới.

Chị Hằng cho biết, hiện tại anh chị đang thất nghiệp, trong khi chi phí sinh hoạt, tiền học của các con và tiền trả lãi ngân hàng mỗi tháng tối thiểu cũng phải đến 4 triệu đồng. Cận tết thầy cô gọi điện hỏi tiền học cho con chị cũng chưa có để nộp.

Chị Hằng khóc không nói nên lời khi nghĩ đến cái tết thiếu thốn trăm bề. Ảnh: Thanh Nga.

Chị Hằng khóc không nói nên lời khi nghĩ đến cái tết thiếu thốn trăm bề. Ảnh: Thanh Nga.

“Ở thành phố người ta đón tết đủ đầy với váy áo mới, thịt cá, hoa mai, hoa đào… còn với tôi, tết năm nay chỉ mong có cái bánh chưng, gói kẹo cho các con đỡ tủi thân. Chỉ vì dịch bệnh mà khổ như thế này”, chị Hằng ôm con khóc không nói nên lời.

Được biết, chị Hằng có tiền sử bệnh tim, con trai út bị bệnh động kinh nên thường xuyên phải nhập viện điều trị, cuộc sống vốn đã thiếu thốn nay do dịch bệnh lại càng chật vật hơn.

Theo chia sẻ của ông Phạm Thái Hoa, Chủ tịch UBND xã Lâm Hợp, trước đây các tỉnh phía Nam là miền đất hứa, giúp rất nhiều hộ dân trên địa bàn xã thoát nghèo. Lúc bấy giờ nhiều hộ đi cả gia đình, bỏ lại vườn không nhà trống nên bây giờ, sau nhiều năm trở về, nhà cửa rêu phong phủ kín, trống hoác, hư hỏng, xập xệ. Đặc biệt, đồ dùng sinh hoạt hầu như đã hư hỏng hoặc thiếu thốn nên việc bắt nhịp lại cuộc sống thực sự nan giải.

“Vừa qua chúng tôi đã rà soát, đưa ra giải pháp chăm lo tết cho người dân. Song để có được cái tết sum vầy, đủ đầy như những năm trước là rất khó. Trong đó, một số hộ như anh Lê Văn Tập hay Phạm Hồng Lam đứng trước nguy cơ không có tết nếu không có sự chung tay hỗ trợ của chính quyền địa phương và mạnh thường quân”, ông Hoa nói.

Dịch Covid-19 khiến vợ chồng chị Hằng thất nghiệp nhiều tháng liền. Ảnh: Thanh Nga.

Dịch Covid-19 khiến vợ chồng chị Hằng thất nghiệp nhiều tháng liền. Ảnh: Thanh Nga.

Về lâu dài, Chủ tịch xã Lâm Hợp còn lo ngại tình hình an ninh trật tự trên địa bàn sẽ bất ổn do lực lượng lao động nhàn rỗi, thất nghiệp lớn.

Xã Lâm Hợp được sáp nhập từ 2 xã Kỳ Lâm và Kỳ Hợp, với dân số hơn 2.300 hộ/7.896 nhân khẩu. Đây là xã thuộc diện khó khăn phía Tây huyện Kỳ Anh.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn có 523 công dân từ vùng dịch phía Nam và phía Bắc trở về địa phương lánh nạn. Trong đó, 36 hộ thuộc diện khó khăn, cần sự chung tay của mạnh thường quân cả nước để bà con có điều kiện vui xuân, đón tết.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.