| Hotline: 0983.970.780

Gặp lại người đàn bà khốn khổ vì con vịt

Thứ Năm 24/10/2013 , 10:38 (GMT+7)

Sinh năm 1958, khi 20 tuổi, chị Trần Thị Lựu (xã Quỳnh Châu, Quỳnh Lưu, Nghệ An) vào bộ đội ở binh chủng công binh, chuyên phá bom mìn.

Vợ chồng cựu binh Trần Thị Lựu và Phan Xuân Lợi

Sinh năm 1958, khi 20 tuổi, chị Trần Thị Lựu (xã Quỳnh Châu, Quỳnh Lưu, Nghệ An) vào bộ đội ở binh chủng công binh, chuyên phá bom mìn. Chị không thể nhớ hết mình và đồng đội đã phá mấy trăm quả bom mìn và sửa chữa bao nhiêu con đường.

Chuyện một thời

Cuối 1982, chị Lựu và anh Lợi (đang là người lính, ở cùng xã) tổ chức đám cưới, chỉ sau một ngày trăng mật họ lại chia tay nhau trở về đơn vị công tác. Đầu năm 1983, bị sốt rét rụng hết tóc, cộng với hoàn cảnh gia đình chị đã được đơn vị cho xuất ngũ. Năm đó chị có thai đứa con đầu lòng. 

Sau hai lần bị thương, kiệt quệ sức lực,  cuối năm 1987 anh Lợi  được phục viên trở về quê nhà với bệnh binh 2/3, thương binh 4/4. Bấy giờ có vợ có chồng nhưng anh Lợi ốm yếu lắm vì bị viêm dạ dày, viêm đa khớp, hàng ngày không giúp được gì cho vợ con, nhưng lại cần rất nhiều tiền để đi viện liên miên.

Một chuyện đau buồn đến với gia đình, đứa con thứ ba của chị Lựu là Phan Thị Loan đang chăn vịt đứng trên bờ ao gần đường QL 48, một chiếc xe ô tô đi qua do phóng nhanh nên bị lật đổ đè lên cháu Loan.  Chị Lựu vét đến đồng tiền cuối cùng và bán sạch tài sản, cộng vay mượn để đưa cháu Loan đi cứu chữa mà không qua khỏi.

Nghe chồng, nghe hàng xóm chân tình khuyên giải chị Lựu nén nỗi đau hàng ngày mờ sáng đi cấy, cày thuê cho nhiều nhà khác để đổi lại họ cho mượn trâu, bò cày cấy ruộng mình. Những hôm có chợ phiên chị thức suốt đêm xay bột làm bánh xèo, bánh cục đi bán để mua về tý cá tý thịt bồi dưỡng cho chồng con. Cộng thêm, chị nuôi gà, vịt, lợn để các con có việc làm. Lúc trăng lên hoặc trưa hè chị rủ con đi đóng gạch.

Chỉ sau 3 năm chị Lựu đã tích góp, tự xây được 3 gian nhà cấp bốn hiện còn ở đến bây giờ. Chị thường nói với chồng con; ai cũng ước mơ giàu có, nhưng hoàn cảnh của mình làm sao mà đạt được. Thôi chỉ mong cho các con khỏe mạnh, học hành đến nơi đến chốn, mong sao trời yên biển lặng.

Đúng là cuộc đời không đẹp như ước mơ. Ngày 18/7/2000 một tai ương đã ập đến để chị phải đi kêu kiện hơn 1 năm trời. Hôm đó đàn vịt 10 con của chị đang ăn ở đám ruộng hoang thì bị bảo vệ đồng xóm 9 lùa về bắt phạt 10 nghìn đồng/con vì vi phạm cấm của bảo vệ. Chị Lựu quá uất ức, vịt ăn trên ruộng khai hoang của nhà mình nên kiên quyết chống lại. Đàn vịt bị bảo vệ bán ngay. Chị Lựu viết đơn kiện lên xã Quỳnh Châu. Xã không giải quyết, chị lại đội đơn lên huyện Quỳnh Lưu. Thấy sự việc vô lý, huyện giao xã bắt bảo vệ xóm 9 đền vịt cho chị Lựu 10 nghìn đồng/con, nhưng xã, xóm cứ vòng vo.

Hơn một năm trời chị Lựu cứ lên huyện lại lên tỉnh. Cuối cùng vì sức ép của cấp trên xã cũng chấp thuận bắt bảo vệ xóm đền cho chị Lựu 10 con vịt bằng 100 nghìn đồng. Nhưng kèm theo quyết định này xã lại bắt chị Lựu nộp phạt 150 nghìn đồng vì “vi phạm quy chế bảo vệ đồng”.

Cầm quyết định xử phạt vô lý của xã, chị Lựu đội nón cời ra quốc lộ bắt xe lên tỉnh. Thế nhưng khi thấy chị Lựu cán bộ tiếp dân tỉnh không xem giấy tờ gì nữa mà nói: Chúng tôi đã biết chuyện con vịt của bà rồi, cứ về dưới đó sẽ giải quyết.

Về  nhà nén uất ức chờ đợi vẫn thấy im lặng, chị Lựu lại lên huyện Quỳnh Lưu, huyện bảo về xã. Không biết là lần thứ mấy nữa  chị Lựu lại khăn gói lên tỉnh, với quyết tâm không làm ra lẽ phải thì không về. Tôi hỏi: “Nếu được đền, chị chỉ được 100 nghìn, bù lại chị đã mất nhiều lần như thế sao vẫn cứ theo kiện?”.

“Đúng thế, nhưng cái lớn lao tôi kiện là bảo vệ danh dự cho gia đình, để kẻ làm sai không ức hiếp ai nữa”. Và lần này Phòng tiếp dân tỉnh cũng không giải quyết việc con vịt của chị Lựu nữa vì đã giao huyện giải quyết…

Uống một ngụm nước, chị Lựu kể tiếp. “Anh thấy có uất ức không? Lần này tôi định nằm lăn ra trước sân UBND tỉnh kêu trời thì có người dân cùng đi kêu kiện mách với tôi: Bà đến cái ông đang xách ca táp đi ra xe đó mà hỏi, ông ta có quyền giải quyết đấy. Oan ức nhiều quá rồi, tức thì tôi nhào tới ôm lấy ông  cán bộ kêu trời.

Bỗng có 2 công an chạy tới, người ôm, kẻ gỡ tay tôi để giải thoát cho ông cán bộ. Cùng lúc đó có mấy anh nhà báo đến chụp ảnh, lấy thông tin. Hôm sau, Báo Tiền phong số 31 ra ngày 5/8/2001 đã có phóng sự “Hành trình đi tìm công lý của một người phụ nữ” và bài “Hơn một năm trời, người đàn bà khốn khổ vì con vịt” đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Ngay sau 2 bài báo đó, tỉnh Nghệ An đã lệnh cho UBND huyện Quỳnh Lưu giải quyết dứt điểm, tôi được đền 100 nghìn từ 10 con vịt mà không bị xử phạt gì nữa”. Vừa kể chị vừa cười chảy cả nước mắt: “Anh biết ông cán bộ tỉnh tôi ôm lấy đó là ai không? Phó Chủ tịch UBND tỉnh đấy”.

Và bây giờ

Bây giờ chị Lựu đã là bà, sinh được 5 con, hiện còn 4. Ba người con đầu đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng đã có việc làm. Con út đang học phổ thông cuối cấp. Chị nói: “Tôi mà không lao tâm khổ tứ đi kiện thì bây giờ kinh tế chắc không thua kém ai. Bù vào sự mất mát, các con tôi đứa nào cũng cần cù, học giỏi, chịu khó chịu khổ”.

Anh Phan Xuân Lợi giờ đã già, ốm. Anh Lợi bảo: Thật may tôi có người vợ kiên gan đã chèo lái con thuyền gia đình cập bến hạnh phúc hôm nay, tôi thấy hiếm có người phụ nữ nào có sức chịu đựng được như thế. 

Chị Lựu cắt lời chồng: “Tôi hay đi kêu kiện, tưởng ai cũng ghét, vậy mà có năm anh Lợi phải đi bệnh viện 4 lần, xã trích quỹ tình thương hỗ trợ 500.000 đồng, rồi làng xóm người 50.000 đồng, 30.000 đồng, cân đường, hộp sữa đến thăm hỏi. Làng xóm ai cũng tốt cả nhưng có một số kẻ bảo thủ, thích quyền thế coi thường pháp luật, chà đạp lên luân thường đạo lý, không thể run sợ, nhịn nhục, phải làm đến nơi cho họ biết mà chừa đi”. 

Chị bảo, năm 2012 cả xã bình bầu hộ nghèo, gia đình văn hóa, gia đình hiếu học, nếu công bằng thì vợ chồng tôi đều đạt cả 3, nhưng các ông ở xã tức tôi hay đi kiện nên gạt bỏ hết. Trong lúc đó Chủ tịch và Phó chủ tịch xã Quỳnh Châu bố mẹ đều được hộ nghèo. Tôi viết đơn kiện lên huyện, lên tỉnh. Chỉ sau 6 tháng bố mẹ của các quan xã bị cắt hộ nghèo.

Chị Lựu cười, cái cười chua chát của người chiến thắng nhưng phải trả giá quá đắt cho nhiều năm kêu kiện, tố cáo.

Đi một vòng quanh xóm để kiểm chứng thêm về sự kiên cường của chị Lựu ai cũng nói: Bà Lựu thật kiên gan, bền chí, không ai làm được như thế.

Chúng tôi lên UBND xã, gặp ông Nguyễn Bính Khảng, tân Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu. Khi gợi đến câu chuyện của chị Lựu xóm 9, xem chừng ông Khảng không mặn mà lắm, nhưng ông cũng không chê trách được điều gì. Ông Khảng công nhận cán bộ xã có hộ nghèo không đúng tiêu chí vì bà Lựu kiện nên đã bị cắt. Còn những chuyện tiêu cực khác từ trước do chủ tịch khác làm.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm