| Hotline: 0983.970.780

Gặp lại 'người xưa'

Thứ Sáu 08/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

Công trình “Lò cao kháng chiến” nằm trong hang Đồng Mười, xã Hải Vân, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa như một kỳ tích bị lãng quên đã dần phát lộ./ Công binh xưởng trong lòng núi

Tìm dấu người xưa

Trong chuyến trở lại Như Thanh lần thứ hai (2015), chúng tôi may mắn được tiếp xúc gần như đầy đủ thân nhân của những người đã xây dựng nên công trình lò cao kháng chiến năm xưa.

Ngoài PGS.TS Trịnh Đông A, trưởng nam ông Trịnh Tam Tỉnh và ông Trịnh Trinh Tường, trưởng nam kỹ sư Trịnh Văn Yên, lần này còn có kỹ sư Lương Ngọc Hải, nguyên giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trưởng nam kỹ sư Lương Ngọc Khuê; TS Nguyễn Văn Thơ, trưởng nam Đốc công Nguyễn Văn Thân và bà Lê Thị Như Xuân, con gái kỹ sư Lê Quang Thiệu.

Từng cung đường như gần hơn khi trên xe họ cùng ôn lại những kỷ niệm thời thơ ấu từng gắn bó với xứ Thanh. Ông Lương Ngọc Hải, ông Nguyễn Văn Thơ nhớ đến những năm tháng học tại Chuối, rồi trường trung học Lam Sơn. Vùng Vạn Thiện và Vạn Thọ là nơi sinh ra ông Trịnh Vạn Thiệu và Trịnh Vạn Thọ, con trai kỹ sư Trịnh Tam Tỉnh.

Cụ bà Lê Quang Thiệu, tuổi cao, thời tiết thay đổi theo lời bác sĩ dặn không được đi xa. Không trở lại thăm vùng đất từng gắn bó, thỉnh thoảng cụ lại gọi điện thoại cho cô con gái để nhắc đến những địa danh xưa.

Như Xuân cũng được ông Lê Quang Thiệu đặt tên cho cô con gái út của mình. Em bé Lê Thị Như Xuân ngày mới lọt lòng nay đã ngoài 60 tuổi, như được sống lại với thời bé thơ, mỗi điểm dừng chân lại nhờ tôi bấm máy để lưu lại khoảnh khắc, mà bà nhủ thầm rằng để mang về cho mẹ.

Kỹ sư Lương Ngọc Hải, năm nay 77 tuổi, chậm rãi bước đến trước cửa hang Đồng Mười, xã Hải Vân, nơi đặt lò cao. Ông đang chìm trong suy tưởng để tìm lại chiếc lán nho nhỏ là chỗ cha ông, kỹ sư Lương Ngọc Khuê hay nằm.

Sau đợt thí nghiệm thành công, ông được cha dẫn vào để xem gang ra. Đến giờ, cha vỗ vỗ vào người, đánh thức: “Gang ra rồi đấy, xuống mà xem”. Hải bật dậy như cái lò xo. Gang ra, đó là một kỳ công với những người công nhân quân giới trong kháng chiến chống Pháp.

Đặt chân vào trong lòng hang những khẩu hiệu trên tường vẫn còn y nguyên: “Đề cao tương trợ; Giúp nhau kiểm điểm; Thành tích viết tự thuật”.

Ông Hải cứ thẫn thờ trước thân lò cao vẫn nguyên vẹn. Lòng hang tối om. Ánh sáng của đèn pha xe máy lẫn đèn pin không đủ.

Ông Trịnh Trinh Tường chỉ dẫn từng bộ phận của thân lò. Gần 60 năm trước, họ đã được theo cha vào chứng kiến những dòng suối gang ra đời. Ký ức trên nửa thế kỷ bao năm khép cửa nay mở tung. Bao kỷ niệm cứ nối tiếp nhau ùa về: Nút lò làm bằng đất sét trộn với bột than. Bác thợ chọc lò lao tới. Những giọt gang đầu tiên rơi, đập xuống dưới sàn, bắn tóe lên, như pháo hoa. 

“Cái đẹp không phải khi gang ra chạy như suối nhỏ đâu. Cái đẹp nhất là lúc đục đất sét để thông nút lò. Do áp suất lò, tạo ra những hoa lửa như bắn pháo hoa, lúc bấy giờ mới đẹp. Rồi suối gang mới chảy ra”, kỹ sư Lương Ngọc Hải nhớ lại.

“Sau này, tôi được anh Vũ Đình Huỳnh ở Văn phòng của Bác Hồ cho biết, Bác rất quan tâm đến công việc SX của các xưởng quân giới, đến việc xây dựng lò cao Như Xuân. Bác tuy bận nhiều việc, nhưng đọc kỹ báo cáo và quyết định của Thường vụ Trung ương Đảng về xây dựng lò cao Như Xuân. Bác đồng ý, ghi trên báo cáo 6 chữ: “Kỹ thuật, lâm mộc, an toàn”, dặn dò cần phải bảo đảm 3 vấn đề này” (Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lê Thanh Nghị).

Nhưng, để thí nghiệm thành công và ứng dụng được lò cao tuôn những dòng suối gang trong lòng hang Đồng Mười thật không đơn giản. Đó là những ngày tháng lao tâm khổ tứ của biết bao trái tim và khối óc của những nhà trí thức, những cán bộ và công nhân kỹ thuật những năm 1950 như Trịnh Tam Tỉnh, Trịnh Văn Yên, Lương Ngọc Khuê, Lê Quang Thiệu, Nguyễn Văn Thân...

Dòng gang sáng trắng trong rừng kháng chiến

Công việc hình thành dự án diễn ra sôi nổi, thu hút tâm trí các nhà trí thức, chuyên gia kỹ nghệ. Họ tiếp thu toàn bộ tài sản ở xưởng thí nghiệm lò cao Cát Văn (Thanh Chương, Nghệ An) kể cả đội ngũ công nhân rất quý, trong đó có những người thợ đầu ngành ở Trường Thi, ở Hòn Gai chuyển về; đồng thời cũng rút kinh nghiệm từ những thất bại trong thí nghiệm xây dựng lò cao trước đó của kỹ sư Võ Quý Huân (1 trong 4 kỹ sư theo Bác Hồ từ Pháp về nước năm 1946).

Nhưng cũng từ đây bắt đầu một cuộc đấu tranh cực kỳ phức tạp xung quanh chủ trương xây dựng lò cao luyện gang trong rừng. Không ít người phản đối, cho ban chủ nhiệm đề tài là phiêu lưu mạo hiểm, điếc không sợ súng, lò cao luyện gang là thuộc về một công nghiệp tối tân phải có nhà, xưởng lò, máy đổ sạ, sắt thép như núi mới làm được, có phải chỉ vài cái lều, cái lán đâu mà giấu kín trong rừng được.

Trong khi cuộc đấu tranh về chủ trương cứ tiếp diễn thì dự án luyện gang cứ hình thành, cuộc tập hợp cán bộ, công nhân về Công binh xưởng Hóa chất miền Nam cứ chuẩn bị. Ngày 16/3/1950, bản dự án thứ nhất mang tên “Dự án thí nghiệm và SX gang năm 1950 - 1951” được trình lên Nha Quân giới xét duyệt. Đến cuối năm 1951, lò cao Như Xuân đã thí nghiệm luyện gang thành công ngay từ buổi chạy lò đầu tiên, gang ra đạt chất lượng tốt.

Ông Trịnh Tam Tỉnh nhớ lại: “Khoảng hai giờ sáng, dòng gang sáng trắng tuôn ra khỏi miệng lò trong tiếng reo hò vang động rừng núi, trong niềm vui hân hoan của hàng trăm người. Chúng tôi nhặt những thỏi gang nguội đập thử xem hạt gang bên trong. Đúng là gang rồi. Mừng vui khôn xiết. Lần đầu tiên trong rừng kháng chiến, công nhân ta đã nấu luyện được gang từ quặng của đất nước”.

Gang SX ra từ lò cao Như Xuân đã được đưa vào SX vũ khí, mà quan trọng nhất là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Kết thúc kháng chiến chống Pháp, lò cao Như Xuân cũng hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình.

Tháng 8/1960, được giao nhiệm vụ phục hồi lò cao Như Xuân, ông Trịnh Văn Yên đã về thăm lại thung lũng đồi Xuân Phong, thăm hang Đồng Mười với các lò NX1, NX2 và bật lên cảm xúc: “Đồi lim lần bước rẽ lau xanh/ Non nước Như Xuân vẫn đượm tình/ Vác đá ghi công trào tự lực/ Rừng cây niên dấu lửa kim sinh”.

Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Bình luận mới nhất