| Hotline: 0983.970.780

Gặp ngư dân trở về từ đảo Natona

Thứ Tư 17/12/2008 , 08:00 (GMT+7)

Sau hơn 1 tháng bị giữ tại đảo Natona (Indonesia), máy trưởng Huỳnh Văn Trường vừa được thả về nước với đầy ắp kỷ niệm buồn…

Anh Huỳnh Văn Trường buồn bã kể chuyện
Do đi lạc vào vùng biển Indonesia, chiếc tàu câu mực BĐ 0219 TS do ông Nguyễn Văn Đốc ở xã Hoài Tân (Hoài Nhơn-Bình Định) làm thuyền trưởng đã bị chính quyền sở tại bắt giữ vào ngày 18/10. Sau hơn 1 tháng bị giữ tại đảo Natona (Indonesia), máy trưởng Huỳnh Văn Trường vừa được thả về nước với đầy ắp kỷ niệm buồn…

Chuyến ra khơi “đen đủi”

Tiếp chuyện chúng tôi với đầu tóc vừa bị cạo trọc, anh Huỳnh Văn Trường (35 tuổi) ở thôn Đệ Đức 3, xã Hoài Tân (Hoài Nhơn) vừa vò vò đầu vừa ái ngại: “Không phải tôi “mốt miết” gì đâu, là do trước khi thả về họ đã bắt cạo trọc như vậy”. Rồi anh Trường kể: “Xuất phát từ vùng biển Mỹ Tho, sau khi khởi hành, tàu của chúng tôi dừng lại cách đảo Côn Sơn 30 hải lý để câu mẻ mực đầu tiên. Đến 22 giờ tối ngày 17/10, tàu tiếp tục di chuyển, đến 10 giờ sáng hôm sau tàu đang chạy thì bất ngờ thấy tàu kiểm ngư của Indonesia ra hiệu bảo chúng tôi dừng lại. Lúc ấy, anh Nguyễn Văn Đốc thuyền trưởng mới kiểm tra máy định vị thì mới biết tàu mình đã đi lạc vào biển Indonesia. Tôi là máy trưởng cùng 8 thuyền viên khác trên tàu đều hốt hoảng vì đi biển bao nhiêu năm nay nhưng ai bị bắt như thế này. Tàu Indonesia lập tức cho người sang áp giải tất cả chúng tôi sang tàu của họ và cho 2 thuỷ thủ Indonesia sang điều khiển chiếc tàu bị bắt".

Tiếp theo đó là chuỗi ngày kinh hoàng với anh Trường. "Chúng tôi bị nhốt dưới hầm tàu, sau đó họ tiếp tục truy bắt thêm 5 chiếc tàu giã cào khác của ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu đang hoạt động gần đó. Sau khi xác định ai là thuyền trưởng, máy trưởng, họ liền thả 7 thuyền viên của tàu chúng tôi cùng 1 chiếc tàu giã cào để chở số thuyền viên được thả trở về Việt Nam. Còn tôi và thuyền trưởng Nguyễn Văn Đốc bị đưa về đảo Natona. Ở đảo, anh Đốc bị họ đưa đi giam riêng 1 trại, còn tôi được ở lại bến cảng trông coi, bơm nước cho cả 13 chiếc tàu vừa bị bắt cùng đợt với tàu chúng tôi. Những ngày bị “giam lỏng” ở đó không ai còn chút tài sản gì, lại không được cấp lương thực nên tôi phải lùng sục trên những chiếc tàu bị bắt để tìm gạo, mắm ăn qua bữa. Suốt 34 ngày ở đảo Natona tôi chỉ được gặp anh Đốc có 2 lần. Đó là quãng thời gian đen tối nhất của đời tôi, vừa lo cho mình vừa thương vợ và đứa con mới 3 tuổi ở nhà trông ngóng trong sợ hãi. Khi biết mình được thả tôi mừng “hú hồn”. Anh Đốc thì bị họ giam giữ chờ ngày ra toà”.

Nước mắt người trong bờ

Chúng tôi tìm đến nhà thuyền trưởng Nguyễn Văn Đốc. Căn nhà đơn sơ chìm trong buồn bã trước cảnh người mẹ già, cô vợ trẻ cùng những đứa con bé bỏng ngày ngày ngồi trước hiên trông ngóng anh Đốc trong vô vọng. Hai đứa con anh Đốc (cháu Nguyễn Văn Tổng -13 tuổi và cháu Nguyễn Văn Thống-9 tuổi) đi lại với gương mặt thất thần. Chúng tôi hỏi cháu Tổng: “Cháu có biết ba đang ở đâu không?”. Tổng rươm rướm nước mắt: “Mẹ nói ba con bị bắt ở trên biển, đang ở xa lắm, con sợ ba không được về với con nữa”.

Bà Nguyễn Thị Mươi (60 tuổi), mẹ của anh Đốc buồn bã: “Khi chồng tôi hy sinh, ông ấy chỉ để lại cho 4 mẹ con chúng tôi cái bằng liệt sỹ nên 2 đứa con trai phải theo tàu đi bạn từ nhỏ để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Đến năm 1998, với số tiền dành dụm được trong nhiều năm, hùn hạp thêm với anh em họ hàng, Đốc sắm được chiếc tàu 200 triệu đồng. Giờ chiếc tàu bị bắt, kể như con tôi trở thành trắng tay”.

Vợ anh Đốc, chị Phan Thị Phượng (33 tuổi) tiếp lời: “Sau khi tàu anh ấy bị bắt, mấy anh em cùng quê đang làm trên vùng biển gần đó hay tin, ngày hôm sau gọi về báo cho gia đình biết. Sau đó mấy hôm thì hai vợ chồng liên lạc được với nhau. Gần 2 tháng nay, dù không có tiền nhưng tuần nào tôi cũng chạy vạy gọi sang anh ấy 2 lần để động viên an ủi, mỗi lần tốn hơn trăm ngàn. Khi đi, anh ấy không mang theo tiền nhưng có mang theo sợi dây chuyền 6 chỉ vàng 18K, thế nhưng sợi dây chuyền cũng bị mất trong lúc bị bắt.

Anh ấy cho biết mỗi ngày họ chỉ cấp cho mỗi người 1 lon gạo, đói quá, những người cùng bị giam giữ trong trại phải lượm dừa khô ăn tạm. Hai tháng nay tôi phải vay mượn thêm tiền của bà con họ hàng, đổi USD rồi mang vào tận Vũng Tàu chờ có người cũng có tàu bị Indonesia bắt trước đó sang chuộc tàu mang dùm qua cho anh ấy. Từ đó đến nay tôi đã gửi 2 đợt tiền tổng cộng 400 USD. Cho đến bây giờ anh ấy cũng chưa biết số phận mình sẽ ra sao, chỉ biết nằm chờ ngày họ đưa ra toà. Nghe đâu là qua Tết họ mới xử anh ấy và mức án thấp nhất mà những thuyền trưởng phải nhận là 3 năm tù. Cách đây 1 tháng gia đình tôi đã làm đơn kêu cứu gửi lên Sở Ngoại vụ TPHCM để nhờ can thiệp nhưng đến nay chưa thấy hồi âm”.

Anh Nguyễn Tấn Hùng- Trưởng thôn Đệ Đức 3, xã Hoài Tân (Hoài Nhơn): “Do thiếu hiểu biết nên nhiều ngư dân cứ làm “lụi”, bất chấp dẫn đến vi phạm thì hối hận đã không kịp. Để hạn chế tình trạng này, các cơ quan chức năng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền luật pháp trên biển đến với những ngư dân chuyên đánh bắt xa bờ”.

Gánh nặng đang trĩu nặng trên vai người vợ trẻ. Chồng thì bị giam giữ tận xứ người chưa biết bao giờ được đoàn tụ, giờ phải 1 nách 2 con ngày ngày bám vào mấy sào ruộng làm kế sinh nhai. Lại còn phải lo toan chạy vạy có tiền gửi sang cho chồng.

Chắc chắn bi kịch này hiện không chỉ xảy ra với gia đình anh Đốc vì anh máy trưởng vừa được trả tự do Huỳnh Văn Trường cho biết thêm: “Hiện có rất nhiều người và tàu đánh cá của đánh cá của ngư dân Việt Nam còn đang bị giữ tại hòn đảo Natona và các đảo lân cận”.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất