| Hotline: 0983.970.780

Gặp ông Trần Văn Vót, người được tạm hoãn chấp hành án

Thứ Hai 09/01/2017 , 08:12 (GMT+7)

Biết tin ông Trần Văn Vót đã được tạm hoãn chấp hành án, chúng tôi tìm đến làng Nhân Phúc (xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) để gặp ông. / Thủ tướng yêu cầu xem xét giải quyết vụ 'Liệu có thêm hai ông Chấn?'

Đón chúng tôi là một người đàn ông ngót bẩy mươi, tiều tụy, lọm khọm, mắt mờ, tai điếc, da xám ngoét.

15-45-26_su-hon-23-nm-tu-dy-ong-trn-vn-vot-moi-gp-li-nguoi-me-gi-cu-minh
Sau hơn 23 năm tù đày, ông Trần Văn Vót mới gặp lại người mẹ già của mình
 

Người đó chính là Trần Văn Vót. Ông cho biết:

- Chiều ngày 7/12/2016, ban giám thị trại giam Ba Sao gọi tôi lên, bảo tôi ký một số giấy tờ, tôi bảo: "Tôi không có tội, tôi không ký bất cứ giấy tờ nào cả”. Họ hỏi tôi: "Ông có muốn được về quê chữa bệnh không?”. Tôi trả lời: "Đưa tôi đi đâu là quyền của các ông. Chữa bệnh cho tôi hay không cũng là quyền của các ông. Nhưng tôi nhắc lại là tôi không có tội, tôi không ký cái gì cả”. Sau đó họ đưa tôi lên xe. Đến khoảng 7 giờ tối thì về đến UBND xã Phú Phúc. Họ điện cho người nhà ra đó đón tôi về.

Ông Vót cũng cho biết thêm, kể từ ngày bị bắt đến nay, ông không bao giờ nhận tội, vì ông cho rằng mình không có tội, và không ký bất cứ một thứ giấy tờ nào.

Sau 23 năm, 6 tháng, 11 ngày, kể từ ngày bị bắt (27/5/1993), lần đầu tiên ông được gặp lại người thân của mình. Thân sinh ông đã mất từ lâu, theo lời thân mẫu ông kể lại, thì cụ mất là do uất hận vì nỗi oan mà người con trai duy nhất của mình phải mang.

Ngày ông bị bắt, thân mẫu ông mới ngoài 60, nay đã xấp xỉ 90 nhưng may vẫn còn minh mẫn, người vợ đầu còn xanh, giờ tóc cũng đã bạc, đứa con gái út mới 8 tuổi, giờ đã ngoài ba mươi, đã thành mẹ của hai đứa con. Ngôi nhà thiếu vắng bàn tay ông trong suốt chừng ấy năm, trở nên hoang tàn, rệu rã, vườn đất bị mưa xói mòn, cây cối cằn cỗi...

Từ ngày ông về đến nay, ngày nào cũng có rất đông người đến thăm, không chỉ người trong xã mà còn có cả người ở các địa phương khác. Hôm chúng tôi đến cũng vậy, hàng chục người đã đến thăm ông. Nhắc đến vụ án xẩy ra ngày 29/11/1992 tại bãi Bạc Hà ở xã Phú Phúc, khiến 1 người bị chết và 21 người bị thương, tất cả đều là người Nhân Phúc, ai nấy nghẹn ngào, nhiều người bảo:

- Qua kết luận về vụ án của TAND Tối cao và VKSND Tối cao ngày 19/11/2016, chúng tôi đã mất hết lòng tin vào hai cơ quan này. Người ném quả lựu đạn rành rành là người khác, có rất nhiều người trông thấy, thế mà họ cứ nhất định đổ sống đổ chết cho người vô tội. Chỉ mong được UBTV Quốc hội cho thành lập đoàn giám sát, thì sự thật của vụ án mới được sáng tỏ.

Về nhà được mấy ngày, ông Trần Văn Vót được người nhà đưa lên Viện Lao Trung ương để khám. Kết quả cho thấy phổi của ông đã bị rỗ hết. Hàng ngày, ông phải tiêm một liều thuốc rất cao và uống cả vốc thuốc theo đơn của bác sỹ. Buổi sáng tiêm và uống thuốc vào, người cứ lâng lâng như say, phải nằm đến hai, ba giờ chiều mới tỉnh. Nhưng khi được hỏi về vụ án, ông bật dậy:

- Khi ấy tuy đang ở trong trại giam, nhưng tôi cũng theo dõi và biết được thông tin về kết luận của TAND Tối cao và VKSND Tối cao về vụ án vào ngày 19/11/2016. Còn rất nhiều điều mâu thuẫn và vô lý trong kết luận của hai cơ quan này. Tất cả 21 người bị thương trong vụ án đều bị thương ở phía trước.

Nhưng tại sao khi trả lời báo chí, họ lại đổi trắng thay đen, nói rằng tất cả đều bị thương ở phía sau, ở lưng, ở mông? Tại sao họ phải đổi trắng thay đen như vậy? Công an đã vẽ sơ đồ từ chỗ Trần Ngọc Thanh đứng ném trái lựu đạn, đến chỗ lựu đạn nổ rồi bắt Thanh ký vào.

Đo trên thực địa, thì khoảng cách đó là 69 mét. Trong khi người đạt giải nhất trong cuộc thi ném lựu đạn ở quân khu III là anh Trần Thanh Thảo, mới ném được 59 mét. Tại sao lại có sự vô lý đến vậy? Vì sự thực là Thanh không ném trái lựu đạn đó. Tôi cũng không đưa trái lựu đạn cho Thanh. Mà do công an dựng đứng lên việc này.

Tục ngữ có câu “nói gian nó dàn ra mặt”, vì dựng việc nên mới có cái sơ đồ vô lý đó. Thế mà khi trả lời báo chí, họ lại nói là Thanh ném trái lựu đạn ở vị trí cách những người làng Nhân Phúc chừng 10 mét. Căn cứ nào để họ khẳng định như vậy? Tại sao rất nhiều người tố cáo đã bị các điều tra viên ép cung, bức cung, buộc phải khai là có nhìn thấy tôi và Trần Ngọc Thanh có mặt ở bãi hôm đó, lại không ai được tổ thẩm tra của TANDTC và VKSNDTC, Bộ Công an gọi lên để xác minh? Cũng không có ai trong tổ thẩm định về gặp cụ Trần Văn Điền, người đã kêu oan cho chúng tôi suốt 23 năm qua, để tiếp nhận, kiểm tra thông tin của cụ, nhưng sao khi trả lời báo chí, họ lại khẳng định rằng những lá đơn kêu oan của cụ là không có cơ sở? Cụ Điền là cán bộ quân đội, là bố của anh Trần Văn Việt, người bị chết trong vụ án.

Nếu tôi và Trần Ngọc Thanh là người ném trái lựu đạn giết chết con trai cụ, liệu cụ có kêu oan cho chúng tôi trong chừng ấy năm không? Và vì sao mà hồ sơ của vụ án lại bị hủy, trong khi suốt từ khi bị bắt đến nay, cả tôi và Trần Ngọc Thanh đều liên tục kêu oan? Việc hủy hồ sơ vụ án đó nhằm mục đích gì? Có đúng quy định của pháp luật hay không? Và nếu hồ sơ vụ án đã bị hủy rồi, thì TANDTC, VKSNDTC lấy gì làm căn cứ để kết luận là chúng tôi không oan?

Những câu hỏi trên của ông Trần Văn Vót, cũng là những băn khoăn, day dứt của tất cả những người quan tâm đến vụ án nổi tiếng này, dù TANDTC, VKSNDTC đã có kết luận.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.