| Hotline: 0983.970.780

Ghè quý Tây Nguyên

Thứ Ba 08/02/2011 , 09:27 (GMT+7)

Ghè rượu (còn gọi là ché), đã từ lâu - là một tài sản lớn của người Tây Nguyên (bên cạnh cồng chiêng và những con trâu quý).

Ghè rượu (còn gọi là ché), đã từ lâu - là một tài sản lớn của người Tây Nguyên (bên cạnh cồng chiêng và những con trâu quý).

Ghè rượu không thể thiếu trong sinh hoạt lễ hội, đời thường và nhất là trong nghi thức đón khách của người Tây Nguyên. Thực chất cuộc đời của những chiếc ghè cũng có thân phận và giai thoại rất riêng.

Không rõ tự bao giờ, ngay cả đến già làng với đôi mắt nâu đầy ắp màu của thời gian núi đá, của cây rừng cũng chỉ phỏng đoán rằng: Ghè ruợu đã có tự hàng ngàn đời nay, trong quá trình di cư, quan hệ, trao đổi, bán buôn giữa người miền xuôi (dọc miền Trung) với người Tây Nguyên (trong đó có những lò gốm Bình Định chuyên làm ra những chiếc ghè phục vụ sinh hoạt, lễ hội của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên). Bởi vì, uống rượu ghè là một nếp văn hoá đặc thù của người dân tộc miền núi. Mỗi một đời ghè gắn liền với một giai đoạn lịch sử nhất định, với nền văn minh đời sống tinh thần riêng biệt từng vùng. Nó mang nhiều ý nghĩa với những huyền thoại dân dã nhưng vô cùng thú vị.

Hãy bắt đầu từ ý tưởng, cách nhìn nhận về tổ tiên, dòng họ của người Xê Đăng (vùng Kon Tum) theo truyền thuyết “Mẹ đẻ trăm trứng” thuở xa xưa rằng: Người Xê Đăng là ông tổ quản lý ghè “vợ - chồng”- nghĩa là hai ghè dính liền nhau. Từ đó đẻ ra các con:

Đứa con thứ nhất là người Bahnar - ghè bồng một con (tiếng Jrai là Xtốt một con)

Đứa con thứ hai là người Jrai - ghè bồng hai con (Xtốt hai con)

Đứa con thứ ba là người Ê Đê - ghè bồng ba con (Xtốt ba con).

Theo truyền thuyết này, thậm chí - đứa con thứ tư là người Kơ Ho - ghè bồng bốn con (Xtốt bốn con). Nghĩa là một ghè lớn và các con là những chiếc ghè nhỏ dính quanh. Đây là những ghè đặc biệt quý. Bên cạnh đó là các loại ghè quý mang các tên gọi: Broon, Lem, Tra, Quăn, Phung, Ba, Xông tai... có ý nghĩa và giá trị lớn (theo quan niệm của từng vùng khác nhau). Ở loại ghè cao từ 90cm trở lên, đến những chiếc ghè mà người lớn ngồi vào trong được, là loại ghè quý hiếm. Ngày xưa, một chiếc ghè như thế có thể đổi lấy 40 đến 50 con trâu của một nhà giàu hoặc một làng.

Dựa vào cơ sở nào để quy định giá trị của nó? Câu hỏi đặt ra đã được nhiều nghệ nhân giải thích rằng: Nếu ghè quý còn đến ngày nay thì ta chỉ cần lấy tay gõ vào thành sẽ nghe như tiếng chuông. Và chúng thường bị sứt tai - là do đồng bào chia của cho người chết (tại nhà mồ) phải chặt đứt một góc tai theo tục lệ. Điều đáng quan tâm ở đây là mỗi loại âm thanh của ghè phát ra cũng chứng minh cho một thời đại, một giai đoạn nào đó của bộ tộc. Ghè càng thô sơ (tức càng xưa) thì tiếng kêu càng âm vang, trong trẻo. Bằng kinh nghiệm lâu đời của mình, các già làng chỉ cần ghé tai của mình vào miệng ghè lắng nghe - một thứ âm thanh cộng hưởng nào đó phát ra, là có thể phân biệt ghè quý, ghè xưa.

Ghè quý, ghè xưa còn biểu hiện ở phong cách, tâm lý trang trí các hình thù như hoa văn, các loài thú, dây rừng... chìm nổi trên thân ghè khác nhau. Chẳng hạn: Ghè Broon chạm khắc hình nổi con rồng, hoặc hình nổi các loại thú rừng (thạch sùng, thỏ, con sư tử...); ghè Phung có 6 tai là đầu sư tử; ghè Ba có những nút chấm nổi chạy vòng quanh miệng ghè; ghè Quăn thì miệng và thành ghè có những đường dây rừng quấn quanh. Có những loại ghè hoa văn chạm âm (chìm bên trong)... Riêng ghè Tạc Rin với hình thức chạm, khắc kỹ xảo cao hơn, tinh vi về đường nét. Đặc biệt có một loại ghè có những núm đá dính chung quanh thành ghè nhô ra, hoặc cục đá to nằm dưới đáy ghè (thoạt trông như do lỗi người nung ghè), nhưng thực ra đó là quan niệm, cách nghĩ của của đồng bào Tây Nguyên cho là ghè quý - bởi nó đựng rượu càng ngon...tồn tại đến ngày nay một cách hiếm hoi.

Lại có một loại ghè nhỏ (bằng nắm tay trẻ con) chỉ dành cho già làng bỏ trứng vào để cúng giàng (trời)…

Tôi sống ở Tây Nguyên cũng đã lâu, đã uống không biết bao nhiêu rượu ghè, từ bao nhiêu ghè rượu của các dân tộc ở Tây Nguyên; đã chung chiêng, tuý luý với chất men ma mỵ của rượu ghè; đã nghiêng ngả say với những vòng xoang bất tận của các thiếu nữ Tây Nguyên… Tuy nhiên cho đến bây giờ, có ai hỏi tôi biết gì về ghè quý của người Tây Nguyên - quả thật, không dám nói nhiều.

Chỉ biết rằng, cuộc đời và thực thể của những chiếc ghè mãi mãi hành trình cùng với đời sống tâm linh mang nhiều ý nghĩa, giá trị truyền thống văn hoá của người dân Tây Nguyên. Có thể, chỉ nói theo già làng một tâm huyết: Đấy là một nếp văn hoá trong muôn vàn giá trị văn hoá ẩm thực của dân tộc đang tiếp tục gìn giữ tại vùng đất Tây Nguyên này.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất