| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 22/09/2008 , 10:16 (GMT+7)

10:16 - 22/09/2008

Giá cả bấp bênh-ai được lợi?

Giá nông, thuỷ sản trồi sụt liên tục trong thời gian qua. Chính những thời điểm này, đáng ra DN phải cùng chia sẻ khó khăn với người nông dân để làm vững thêm mối liên kết 4 nhà.

Giá nông, thuỷ sản trồi sụt liên tục trong thời gian qua. Chính những thời điểm này, đáng ra DN phải cùng chia sẻ khó khăn với người nông dân để làm vững thêm mối liên kết 4 nhà.

Nhưng thực tế diễn biến thị trường những tháng qua cho thấy, mối liên kết này hết sức lỏng lẻo. Chiếc bánh lợi nhuận đã không được các bên phân chia hợp lý. Câu chuyện giá cá tra là một minh chứng rõ ràng nhất.

Những tháng qua giá cá tra xuất khẩu giữ ổn định ở mức cao, thị trường luôn rộng mở. Thế nhưng DN xuất khẩu lại thu mua cá trong nước với mức giá hết sức chênh lệch. Có thời điểm DN ép giá nông dân xuống hơn 13.000 đồng/kg mà họ vẫn kêu khó khăn, đề nghị Chính phủ cấp tiền cho vay ưu đãi để thu mua. Hiện nay giá thu mua lên đến 18.000 đồng/kg, DN xuất khẩu vẫn vui vẻ chấp nhận. Như vậy, mức chênh lệch 5.000 kg một kg cá nguyên liệu thời gian qua, không ai khác là chính các DN thu mua xuất khẩu được hưởng. Loại trừ một phần chi phí do chênh lệch tỷ giá đô la thì các DN này vẫn “ăn đậm” nhờ ép được nông dân bán cá giá rẻ.

Đối với gạo cũng vậy. Giá gạo xuất khẩu từ mức kỷ lục 1.000 USD/tấn giờ xuống 600- 700 USD/tấn. Khi xuất được giá cao, các DN mua lúa của nông dân cao nhất là 6.000 đồng/kg, hiện nay giá xuất khẩu chỉ giảm 200- 300 USD/tấn, thì các DN đã hạ giá thu mua lúa trong nước xuống gần một nửa (có lúc giá lúa ở ĐBSCL chỉ còn hơn 3.000đ/kg).

Thị trường TĂCN cũng đang trong tình trạng này. Giá nguyên liệu chỉ nhích một tý là các DN sản xuất trong nước ồ ạt tăng giá bán đối với nông dân. Nhưng khi giá giảm thì DN lại hết sức “bình tĩnh” trong việc điều chỉnh giá. Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao, hiện nguyên liệu sản xuất TĂCN đã giảm trung bình 8- 15%, song các DN sản xuất lại chỉ giảm giá bán cám có 2- 3%. Các DN luôn viện đủ lý do như nguyên liệu giá cao đã nhập về còn tồn trong kho, lãi suất ngân hàng quá cao. Vậy thử đặt lại câu hỏi: Khi nhập được nguyên liệu giá rẻ dự trữ trong kho, DN có sẵn sàng bán cám giá rẻ cho người chăn nuôi không?

Không có người trồng lúa, người nuôi cá thì không có DN xuất khẩu. Người dân không chăn nuôi thì DN sản xuất cám bán cho ai? Vẫn biết như vậy, nhưng thời gian qua khi có những biến động trên thị trường, các DN đã kêu rất mạnh, rất nhiều, song chính bản thân họ đã không chia sẻ hết khó khăn với người nông dân. Nếu tình trạng này tiếp tục tái diễn thì chúng ta khó có hy vọng về một nền nông nghiệp hàng hoá, bền vững trong tương lai.