| Hotline: 0983.970.780

Gia cảnh khốn khó nuôi hai con tật nguyền

Thứ Sáu 19/07/2013 , 10:40 (GMT+7)

Chị Quyên và anh Nguyễn Văn Sơn kết hôn năm 1997, trong hoàn cảnh gia đình hai bên đều nghèo đói...

Con trai đầu bị bại não nằm một chỗ, cô con gái thứ 2 bị teo cơ bẩm sinh khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó là người chồng bị bệnh gai đốt sống lưng. Đó là những gì đau đớn nhất mà gia đình chị Nguyễn Thị Quyên ở xóm 9, xã Thọ Thành, Yên Thành (Nghệ An) phải gánh chịu.

Chị Quyên và anh Nguyễn Văn Sơn kết hôn năm 1997, trong hoàn cảnh gia đình hai bên đều nghèo đói, anh chị dắt nhau về ở trong ngôi nhà đắp phên đất do bên nội dựng cho. Rồi lần lượt 4 đứa con ra đời, nhưng thật đau đớn khi hai đứa con đầu sinh ra lại mang bệnh tật. Anh chị phải bươn chải đủ thứ nghề để mưu sinh và chữa chạy bệnh tật cho con, nhưng rồi vẫn không đâu vào đâu.

Nhớ lại lúc mới sinh đứa con đầu lòng là cháu Nguyễn Văn Trường (14 tuổi), giọng chị như trầm xuống: “Lúc mới sinh ra Trường cũng khỏe mạnh bình thường chứ không hề có biểu hiện của bệnh tật. Mãi đến khi lên lớp 1, trong một lần đang đi học thì bỗng nhiên cháu lên cơn co giật và nằm ngất ngay tại lớp, gia đình vội đưa cháu vào bệnh viện Đa khoa Vinh, và ở đây các bác sỹ kết luận cháu bị viêm não”.

Nhận bệnh án của con mình mà anh chị đều không tin, bởi anh chị cũng không hiểu căn bệnh mà con mình mắc phải là như thế nào và trong họ hàng nội ngoại thì chưa từng có ai bị bệnh tật như vậy cả. Cứ vậy sự lo lắng, đau đớn tột cùng luôn hiện ra trên khuôn mặt khắc khổ của người mẹ.

Từ đó, cháu không thể đến lớp được nữa, sức khỏe thì ngày một yếu đi, chân tay bắt đầu teo tóp rồi co quắp lại. Nhìn thân hình gầy khô và ngày một ốm yếu của con, anh chị càng thêm lo lắng, muốn đưa con ra Hà Nội để khám bệnh một lần nhưng vì kinh tế gia đình quá khó khăn, anh em ai nầy đều nghèo cả nên đành chịu.

Chị Quyên không thể đi phụ hồ được nữa, thay vào đó chỉ ở nhà để giúp con trong việc ăn uống, vệ sinh rồi uống thuốc, còn lại một mình anh Sơn phải gồng mình làm thuê gấp đôi gấp ba những mong có tiền để chạy chữa cho con. Nói về chồng mình, chị Quyên chia sẻ: “Anh ấy vất vả lắm, đi làm thuê quanh năm. Hết công việc ở nhà là anh lại vào Sài Gòn đi phụ hồ rồi đến mùa gặt lúa lại về giúp vợ. Hễ nhận được tiền công là gửi ngay về cho gia đình, đôi dép đã món hết gót cũng không dám mua...".


Chị Quyên bên các con

Hiện giờ cháu chỉ có nằm hay ngồi một chỗ với đôi chân đan chéo vào nhau, không nói được, cũng không tự ăn uống, vệ sinh được, cứ như đứa trẻ con chỉ biết cười với dòng nước miếng chảy dài vì ngắn lưỡi.

Đến 2003, chị cố gắng sinh thêm em bé nữa là cháu Nguyễn Thị Thảo, nhưng bất hạnh vẫn cứ đeo bám gia đình, cháu bị teo cơ bẩm sinh, chân phải bị teo lại nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn.

Chị cho biết: “Gia đình cũng đã đưa cháu đi Bệnh viện Nhi Nghệ An để khám bệnh nhiều lần, nhưng các bác sỹ bảo trường hợp của cháu phải ở lại điều trị hàng tháng trời may ra mới có kết qủa. Song ở bệnh viện lâu như vậy thì biết lấy tiền ở đâu mà chạy chữa, gia đình đành đưa về nhà và tập vận động chân đều đặn mỗi ngày cho cháu”.

Giờ Thảo đã học đến lớp 4, tuy đi lại gặp nhiều khó khăn, nhưng em đi học rất đầy đủ. Thương mẹ, thương anh nên hễ đi học về là em giúp mẹ nấu ăn hay tranh thủ ra đồng mò cua bắt ốc về cải thiện bữa cơm cho cả nhà. “Cứ hôm chuyển trời là chân em đau nhức lắm, như những con sâu đang bò trong ống chân vậy. Giờ đi học gần nhà còn được, chứ không biết lên cấp 2 rồi cấp 3, học xa nhà thì đôi chân khập khiểng này không biệt có trụ nổi không” – Em Thảo nói.

Chồng chị do làm việc nặng nhiều nên hiện giờ cũng bị gai đôi đốt sống lưng phải mua thuốc uống đều mỗi tháng. Hiện giờ gia đình anh chị đã kiệt quệ vì những khoản vay nóng để đi khám bệnh rồi thuốc thang, ăn uống cho con, không biết lấy đâu để trả nợ.

Nước mắt lưng tròng, chị nói: “Giờ chỉ mong sao ông trời cho mình sức khỏe để còn lo cho các con và chồng, chứ chị mà nằm một chỗ thì gia đình này không biết sẽ ra sao”.

Mong sao các nhà hảo tâm giúp đỡ gia cảnh này. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ trên hoặc liên hệ với chị Quyên, ĐT: 0169.966.4790. Hay gửi về văn phòng Báo NNVN tại ĐBSCL, số 49 Lý Tự Trọng, TP.Cần Thơ, ĐT: 07103.835431, chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm