| Hotline: 0983.970.780

Gia cố đê bao khó khăn

Thứ Sáu 10/08/2012 , 11:15 (GMT+7)

Năm nay, nước lũ được dự báo cao có thể đạt đỉnh lũ năm 2011 và có thể gây thiệt hại như năm qua.

* Đảm bảo an toàn mới cho SX

Năm nay, nước lũ được dự báo cao có thể đạt đỉnh lũ năm 2011 và có thể gây thiệt hại như năm qua. Do vậy, các tỉnh ĐBSCL đã có kế hoạch và biện pháp chủ động cho việc ứng phó để bảo vệ vụ TĐ.

Đầu tư chưa hoàn chỉnh

Ông Phạm Văn Lê, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi An Giang, nhận định: “Đáng lo là tình hình lũ năm nay có thể bằng đến cao hơn so với mực nước lũ năm 2011, dự kiến đỉnh lũ đầu nguồn đến vào cuối tháng 9, đạt mức báo động 2-3, từ 4,2-4,5 m. Ngành cũng khuyến cáo các địa phương cần cảnh giác cao, không lơ là trong vụ TĐ tới đây”.

Vụ lúa TĐ năm nay, An Giang có 350 ô bao để SX, với tổng chiều dài 190 km. Trong năm, tỉnh đã đầu tư 164 tỉ đồng nhằm gia cố đê bao ở 11 huyện, thị. Tính đến nay, An Giang đã thực hiện được 125 km đê bao, 71 công trình cống đập ở các kênh, mương bị cơn lũ năm 2011 làm hư hại và nạo vét 25 công trình kênh, mương nội đồng.


Đê bao ở An Giang

Vụ này An Giang dự kiến xuống giống 150.000 ha, tăng 1.000 ha so với năm 2011. Tỉnh tập trung vào những vùng có đê bao an toàn; còn những vùng nào đê yếu hoặc chưa hoàn chỉnh thì không xuống giống, nhằm tránh thiệt hại. Tuy còn nhiều khó khăn, thiếu vốn hơn 60 tỉ đồng mà ngân sách huyện, tỉnh đầu tư có giới hạn, nên các huyện phải vận động thêm DN, người dân; nhưng nhìn chung, các địa phương đã hoàn thành đạt 80% khối lượng công trình gia cố đê bao. Riêng một số công trình trong kế hoạch cho phép xuống giống lúa TĐ, dù hệ thống đê bao chưa hoàn chỉnh, thì cho đắp đập hai đầu nguồn nước lại để ngăn lũ, chờ năm sau có kinh phí sẽ đầu tư thêm.

Theo ông Lương Phương Anh, Trưởng trạm thủy lợi TP. Long Xuyên (An Giang): “Diện tích xuống giống trong vụ lúa TĐ năm nay khá lớn trên 500 ha, có 7 tiểu vùng mở mới được đầu tư 1,8 tỉ đồng và 2 tiểu vùng tự phát xuống giống nằm ngoài đê bao với diện tích 30 ha. Ngành nông nghiệp đã đến lập biên bản những hộ dân nằm ngoài đê bao, buộc cam kết nếu có bị thiệt hại sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh.

Với số tiền tỉnh đầu tư như đã nêu, công trình đê bao được thực hiện vẫn chưa thể nói hoàn chỉnh. Còn việc vận động dân ủng hộ làm đê bao cũng gặp khó, đất đã manh mún dân lại không chịu hiến cho nhà nước. Vì vậy, thực hiện quy hoạch đê bao cũng gặp khó khăn; khó cả về đồng vốn trên rót về cho địa phương".

Tính đến ngày 9/7/2012, tổng số diện tích các huyện trong tỉnh An Giang đăng ký là 161.600 ha. Có khoảng 62.700 ha, chưa đảm bảo trong điều kiện lũ 2000-2011, gồm: Châu Phú có 20 công trình cần gia cố khắc phục sạt lở phục vụ diện tích 9.894 ha; Chợ Mới có 13 công trình cần gia cố, nâng cấp phục vụ 11.894 ha; Thoại Sơn có 76 công trình cần gia cố, nâng cấp phục vụ 30.000 ha; Tịnh Biên có 3 công trình cần gia cố nâng cấp phục vụ 1.460 ha; Tri Tôn có 17 công trình cần gia cố nâng cấp phục vụ 9.500 ha; Châu Thành có 14 công trình cống cần gia cố nâng cấp; Tân Châu có 5 công trình cần gia cố nâng cấp… với tổng kinh phí khoảng 61 tỉ đồng.

Về hệ thống trạm bơm điện phục vụ tưới, tiêu, tính đến năm 2011 toàn tỉnh An Giang có 1.316 trạm bơm điện (chưa tính năm 2012), phục vụ tưới, tiêu cho khoảng 150.000 ha đất SX nông nghiệp. Trong đó diện tích gieo trồng được tưới bằng trạm bơm điện cả năm 233.000 ha (đạt 36% so diện tích gieo trồng cả năm 648.000 ha), diện tích được tiêu bằng trạm bơm điện cả năm 461.000 ha (đạt 71%).

Năm 2012 toàn tỉnh đầu tư xây dựng 174 trạm bơm điện, diện tích phục vụ 24.688 ha. Đã giao mốc thi công và đang tiến hành giải phóng mặt bằng 174 trạm bơm điện để bàn giao cho điện lực. Điện lực thực hiện trồng trụ đạt trên 95%, kéo đường dây đạt trên 67% và lắp đặt trạm biến áp đạt gần 46%. Hiện nay, Điện lực An Giang đang tiến hành đầu tư mới 174 trạm biến áp, bình quân đạt trên 70%. Tuy nhiên vẫn còn 2 trạm vướng mặt bằng trồng trụ (TS và CT) và 32 trạm cần phải đốn cây xanh để kéo đường dây điện (TT 2, CT 21, TS 9).

Với định hướng chỉ đạo SX của UBND tỉnh An Giang theo Quyết định số 192/QĐ-UBND, ngày 8/2/2012 và để đảm bảo phục vụ SX lúa TĐ trước mắt, các địa phương vận động nhân dân triển khai thực hiện gia cố đê bao. Đến ngày 31/7/2012, Châu Phú đã thực hiện gia cố các điểm sạt trên 70%; Thoại Sơn thực hiện gia cố thêm 8 công trình đảm bảo phục vụ tăng thêm 10.000 ha; Tịnh Biên đang xúc tiến thi công 3 cống đập bảo vệ 1.460 ha; Tân Châu đã thực hiện gia cố 4 tuyến đê; Châu Thành đã gia cố tạm các cống, đập.

Nhìn chung, diện tích thực hiện nêu trên phù hợp thực tế SX và như vậy, diện tích SX vụ TĐ 2012 có thể còn khoảng 150.000 ha, giảm trên 10.000 ha, so với đăng ký ban đầu (trong đó Chợ Mới giảm 6.000 ha; Tri Tôn 3.000 ha; Châu Thành 250 ha). Nguyên nhân thực hiện giảm là do giá lúa thấp và chi phí đầu tư cho một số tiểu vùng quá lớn, việc huy động đóng góp của nhân dân gặp nhiều khó khăn).

Xuống giống dứt điểm trong tháng 9

Tại Đồng Tháp, ông Lê Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: “Hiện tỉnh đang khẩn trương chỉ đạo thu hoạch lúa HT; nhưng bên cạnh đó cũng đang tích cực triển khai các huyện, thị ráo riết thực hiện gia cố và bổ sung các đê bao, ô bao quan yếu để chuẩn bị cho vụ lúa tới”. Theo dự kiến lịch thời vụ xuống giống vụ TĐ của Đồng Tháp trong tháng 8-9 sẽ dứt điểm. Kế hoạch toàn tỉnh xuống giống vụ lúa TĐ 2012 là 87.731 ha, giảm 11.127 ha so với vụ TĐ 2011.

Ông Hùng cho biết thêm, thông thường vụ lúa TĐ khi thu hoạch rơi vào mùa lũ và để rút kinh nghiệm việc lũ gây thiệt hại lớn như ở vụ lúa năm 2011; năm nay tỉnh chỉ đạo triển khai các ô bao, bờ bao nào đảm bảo an toàn mới cho phép SX lúa TĐ, không mạo hiểm xuống giống đại trà như các năm trước. Mặt khác, để đảm bảo an toàn, tránh thiệt hại cho người dân, các huyện Tân Hồng và Hồng Ngự không SX vụ TĐ năm nay; nhưng sẽ tập trung xuống giống sớm vụ lúa ĐX 2013 khi nước lũ vừa rút.

Vụ TĐ năm nay các huyện thuộc tỉnh Long An đều giảm diện tích đáng kể. Huyện Tân Hồng có  9.640 ha hoàn toàn không xuống giống; huyện Hồng Ngự có 2 xã Thường Thới Tiền và Thường Phước 2 với diện tích 2.600 ha cũng không SX. Các huyện khác cũng giảm diện tích lúa TĐ như: Tháp Mười giảm 5.000 ha; Tam Nông 5.381ha; Cao Lãnh 4.500 ha… Riêng huyện Thanh Bình có đê bao an toàn nên vụ lúa TĐ năm nay diện tích tăng 2.649 ha.

Về tiến độ nâng cấp đê bao từ sau mùa lũ năm 2011 cho đến nay có trên 686 ô bao được gia cố và nâng cấp, tăng thêm 67 ô bao với chiều dài 657 km (so với năm 2011). Tổng kinh phí của tỉnh phục vụ gia cố đê bao hơn 335 tỉ đồng. Riêng tại vùng cây ăn trái khu vực phía nam tỉnh Đồng Tháp, nhu cầu năng cấp đê bao rất cấp thiết. Vì vậy, tỉnh đã thực hiện nâng cấp 56 ô bao cho vùng này trên 352 tỉ đồng, để đảm bảo an toàn khi nước lũ về.

Ông Dương Minh Đức, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết thêm về vấn đề thủy lợi - đê bao lửng và trạm bơm: Vấn đề của đê bao lửng và cống đập là để tận dụng được phù sa mỗi khi nước lụt về; nhưng mặt khác, vẫn đảm bảo được tiến độ SX trong mùa nước; khi cần tháo nước thì phải sử dụng đến trạm bơm điện.

Có điều, muốn làm được việc này cần có hướng khắc phục điện cho trạm bơm. Mà điện được đầu tư trên cơ sở tính toán hiệu quả kinh doanh, nên nếu không có điện thì hình thức đê bao lửng sẽ không phát huy được tác dụng. Trong khi, đê bao kép kín cũng có vài điều bất lợi, như không lấy được phù sa và dễ dẫn đến sạt lở.

Năm 2011, hệ thống đê bao kiểm soát lũ trên toàn tỉnh đã bộc lộ những nhược điểm: Bị tràn, sạt lở và hư hỏng nặng, có một số tiểu vùng gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư sửa chữa, gia cố và nâng cấp đê bao. Năm 2012, các tỉnh đã đầu tư để khắc phục tình trạng trên.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Quy hoạch vùng trồng hoa hồng lớn nhất tỉnh Kon Tum

Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) được quy hoạch xây dựng thành vùng trồng hoa hồng Bulgaria lớn nhất Kon Tum.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm