| Hotline: 0983.970.780

Giá dầu giảm nâng hiệu quả khai thác hải sản

Thứ Năm 23/04/2020 , 08:50 (GMT+7)

Dù khó khăn xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa, hiệu quả khai thác của đa số sản phẩm hải sản của ngư dân thời gian qua vẫn đạt khá nhờ giá dầu giảm mạnh

Theo Tổng cục Thủy sản, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua việc tiêu thụ hải sản gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến giá hải sản giảm so với thời gian trước khi có dịch.

Cụ thể, các loại cá để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, loại bán tại nhà hàng, bếp ăn tập thể giảm sâu (khoảng từ 30%) do không xuất khẩu được và nhiều nhà hàng, bếp ăn tập thể nghỉ chống dịch. Giá cá ngừ trung bình còn giảm từ 10-15% do xuất khẩu giảm. Hiện nhiều công ty giảm lượng thu mua do không đủ công suất kho lạnh để trữ hàng nên giá cá tiếp tục giảm. Giá bán các loài hải sản khai thác khác bán tại chợ nội địa giảm trung bình từ 20-25% tùy từng sản phẩm.

Hiệu quả của đại đa số các nghề đánh bắt vẫn đạt khá dù ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Vũ Đình Thung

Hiệu quả của đại đa số các nghề đánh bắt vẫn đạt khá dù ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Vũ Đình Thung

Mặc dù vậy theo khảo sát của Tổng cục Thủy sản, hiệu quả sản xuất khai thác thủy sản của đa số các sản phẩm hải sản trong 4 tháng đầu năm 2020 của ngư dân vẫn đạt khá. Các tàu nghề vây, rê cá trích, cá nục, cá cơm đạt hiệu quả khá cao. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trung bình đạt 50-60 triệu đồng/chuyến, một số tàu đạt 100-150 triệu đồng/chuyến. Nghề vây, rê cá ngừ (cá ngừ vằn, cá ngừ sọc dưa) sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trung bình đạt 30-40 triệu đồng/chuyến. Nghề chụp (mực, cá nục) sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trung bình đạt 25-30 triệu đồng/chuyến...

Trao đổi với NNVN, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, do ảnh hưởng của việc xuất khẩu khó khăn bởi tác động của dịch Covid-19, thời gian qua, chỉ có nghề câu cá ngừ đại dương (cá ngừ vây vàng, mắt to) là bị tác động sâu, giá bán sản phẩm giảm do lượng xuất khẩu giảm.

Tuy vậy, do giá dầu giảm mạnh so với cuối năm 2019 (giảm 35%) nên ngư dân vẫn đang tích cực bám biển sản xuất ở tất cả các vùng biển để khai thác hải sản. Tại hầu hết các địa phương chưa xảy ra tình trạng nhiều tàu cá nằm bờ không đi khai thác do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Về cơ bản, hoạt động sản xuất khai thác hải sản của ngư dân chưa bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 (do giá dầu giảm, trong khi nhiên liệu chiếm 50 - 70% chi phí khai thác)..

Tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng trên toàn cầu nên việc các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại đã tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Điều này khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại các thị trường giảm mạnh, đặc biệt là các mặt hàng thủy sản có giá cao. Đó là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng khiến xu hướng tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản sẽ có những thay đổi. Các thị trường sẽ tăng cường nhập khẩu thủy sản đông lạnh, tiện dụng, dễ chế biến tại nhà sẽ cao hơn thủy sản tươi sống.

Những sản phẩm thủy sản đóng hộp cũng sẽ được ưa chuộng. Đây là những yếu tố giúp tạo động lực tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Quảng Bình giám sát chặt hơn 150 tàu cá của một số tỉnh vào tránh bão

Sau bão số 6, tỉnh Quảng Bình đã quản lý chặt chẽ hơn 150 tàu cá của ngư dân các tỉnh vào tránh trú bão.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.