| Hotline: 0983.970.780

Gia đình “người rừng”

Thứ Sáu 26/11/2010 , 09:36 (GMT+7)

Cách nay một năm, tôi được nghe kể ở xã Làng Nhì (Trạm Tấu, Yên Bái) có một gia đình “người rừng”. Giữa thời đại văn minh này làm sao có câu chuyện hoang đường đó? Đã mấy bận tôi định lên Làng Nhì, khi thì nghe sạt lở núi tắc đường, lúc lại bận việc. Bởi thế, mãi đến hôm nay tôi mới lên được.

Cách nay một năm, tôi được nghe kể ở xã Làng Nhì (Trạm Tấu, Yên Bái) có một gia đình “người rừng”. Giữa thời đại văn minh này làm sao có câu chuyện hoang đường đó? Đã mấy bận tôi định lên Làng Nhì, khi thì nghe sạt lở núi tắc đường, lúc lại bận việc. Bởi thế, mãi đến hôm nay tôi mới lên được.

>> Nơi tận cùng gian khó

Chủ của gia đình “người rừng” tên là Trang A Đế, người Mông ở bản Chống Tầu, năm nay khoảng 46 tuổi. Bí thư xã Làng Nhì Mùa Sáy Tông cho biết: Do thiểu năng trí tuệ nên A Đế không đi học. Lớn lên Đế lấy vợ, không hiểu vì sao hai người bỏ nhau. Trong bản Chống Tầu có một người phụ nữ câm điếc tên là Hờ Thị Mỷ, A Đế nhập nhằng với cô ta, một lần anh trai của Mỷ bắt gặp hai người quan hệ với nhau, bèn họp anh em họ hàng lại buộc Đế phải lấy Mỷ…

Gia đình nhà Hờ Thị Mỷ có một chiếc lán canh nương ở Hang Á, cách bản Chống Tầu hơn hai giờ đi bộ. Do xấu hổ với việc làm trái với phong tục cưới hỏi của người Mông hay vì sự kỳ thị của dân bản hoặc mặc cảm việc mình làm mà Trang A Đế và Hờ Thị Mỷ rủ nhau lên lán canh nương giữa đồi núi hoang vu để ở? Họ sống tách biệt với dân bản, sinh con đẻ cái ở đó, không dịch vụ y tế, không đăng ký hộ khẩu. Tất cả những quyền tối thiểu của con người mà xã hội và chế độ dành cho, họ đều từ chối.

Ngôi nhà mới của gia đình “người rừng” Trang A Đế

Năm tháng qua đi, kể từ ngày vợ chồng hai con người khốn khổ ấy dắt nhau lên lán ở tám năm hay mười năm, người ta cũng chỉ đoán mang máng như thế. Cứ vài năm vợ chồng ấy lại cho ra đời một đứa trẻ. Ba đứa trẻ sinh ra trong cái lán canh nương chật trội, bẩn thỉu giữa một đống chăn chiếu nhầu nát, chả khác gì một mớ giẻ rách.

Mảnh nương của vợ chồng Trang A Đế sau vài năm bị rửa trôi bạc màu, gieo lúa lúa không lên, tra ngô ngô không mọc. Đế ngày ngày vào trong rừng chặt cây, hay đẽo những cành và gốc cây pơ mu mà lâm tặc khai thác bỏ lại mang bán, kiếm mỗi ngày vài ba chục ngàn lấy tiền đong gạo, mua dầu, muối…nuôi vợ con. Buổi sáng, Đế dậy vác rìu vào rừng từ khi tờ mờ đất, tối mịt mới trở về “nhà”.

Còn Hờ Thị Mỷ sáng dậy dắt lũ con vào rừng kiếm rau măng, đào củ rừng, gõ trứng kiến… kiếm được gì thì ăn cái nấy, chả khác gì cuộc sống của con người thuở hồng hoang. Bí thư Mùa Sáy Tông bảo: Trang A Đế là người lười lao động, mặc dù bố mẹ vợ có chia cho con gái một ít ruộng nương, nhưng Đế không cho vợ làm, anh ta cũng chẳng làm, chỉ thích lên rừng kiếm cái ăn ngay thôi…

Vì không biết nói, Mỷ chỉ biết ra hiệu, vợ chồng cũng chỉ ra hiệu với nhau nên những đứa con của họ không ai dạy nói, chúng cũng chỉ biết ra hiệu. Thực ra, thì chúng cũng đã bập bẹ biết nói tiếng người, đó là thời kỳ đầu khi hai vợ chồng đưa nhau lên lán ở, quanh đó có một vài lán làm nương của bà con dân bản, họ qua lại lán của vợ chồng Đế, nhờ đó mà lũ trẻ biết nói vài ba câu.

Trang A Vổng lủi thủi một mình ở nhà

Do các đám nương mỗi năm bạc màu, người ta bỏ không làm nữa nên chẳng mấy người qua lại lán của vợ chồng Đế. Không tiếp xúc thường xuyên với mọi người trong cộng đồng, nên những câu nói mà lũ trẻ học được cũng quên dần.

Cuộc sống của gia đình “người rừng” ấy sẽ chẳng ai biết đến, nếu Trạm Tấu không tổ chức triệt phá cây thuốc phiện niên vụ 2008-2009. Trưởng ban Dân vận huyện Trạm Tấu Giàng A Lử, người dẫn đầu đội quân triệt phá cây thuốc phiện ở xã Làng Nhì khi đi qua lán của gia đình Trang A Đế, anh ngạc nhiên thấy một gia đình như thế, khi về anh báo cáo lại những gì mà anh đã nhìn thấy với lãnh đạo huyện. Ngay lập tức huyện Trạm Tấu chỉ thị cho xã Làng Nhì tổ chức đưa gia đình Tráng A Đế trở về hoà nhập với cộng đồng.

Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Trang A Xay đèo tôi bằng xe máy lên nhà Trang A Đế. Nhà A Đế nằm ở đầu bản Nhì trên, cách trụ sở UBND xã chừng 2 cây số, nhưng phải vượt qua mấy cái dốc mặt ngựa. Nhà của A Đế được làm bằng nguồn vốn theo Quyết định 167 của Chính phủ, ban đầu nhà dựng gần với ba hộ dân đầu bản. Nhưng vì những hộ đó không muốn ở gần vợ chồng Đế, ngược lại vợ chồng Đế cũng không muốn ở gần ai, bởi họ đã quen sống biệt lập nên xã lại phải di chuyển nhà của A Đế cách xa ba hộ dân kia.

 Theo tay Trang A Xay chỉ, thì ba hộ hàng xóm của A Đế khuất sau cánh rừng trước mặt, có lẽ cách ngôi nhà gia đình A Đế khoảng một tầm hú? Ngôi nhà của A Đế thấp lè tè nằm lọt thỏm giữa bốn bề cây rừng, cỏ mọc rườm rà khắp các lối đi, vắng lặng như thể nhà hoang. Trang A Xay cho hay, khi chuyển gia đình A Đế từ lán trên nương xuống được vài tháng thì vợ A Đế mất, chị mất khi chửa đứa thứ tư.

Gia đình A Đế được chính quyền đón về tái hoà nhập với cộng đồng, nhưng không một mảnh nương, không một thước ruộng cuộc sống của cả nhà vẫn trông vào đôi bàn tay A Đế vào rừng đẽo gỗ. Thành ra cuộc sống của họ chẳng khác gì những năm tháng sống trên rừng. A Đế cho thằng con lớn năm nay chừng 10 tuổi cho một gia đình anh em ở xã Pá Lau nuôi, khi vợ chết họ hàng vận động A Đế cho đứa con gái út Trang Thị Ca năm nay chừng 6 tuổi cho gia đình người anh em tên là Trang Pla Dơ nuôi hộ. Bây giờ Đế chỉ nuôi thằng Trang A Vổng, năm nay chừng 8 tuổi.

Trang A Xay ngồi nói chuyện và ra hiệu với thằng bé

Khi chúng tôi tới, cửa nhà A Đế đóng im ỉm, Trang A Xay vạch tấm ván cửa ngó vào phía trong bảo: Thằng này đi rừng từ sớm, chắc tối mới về. Chỉ một mình thằng Vổng ở nhà, anh có vào không? Tôi lách qua chiếc cửa hẹp vừa bằng chiều ngang tấm ván bước vào nhà. Vách nhà thưng bằng những tấm ván hở hông hốc, vì nhà quá thấp, mặc dù lúc này đang là giữa trưa nhưng trong nhà chỉ nhìn thấy mờ mờ, phải một lúc sau mắt tôi mới quen.

Bếp nấu ăn đặt ở giữa nhà, dường như lửa đã tàn từ đêm qua, bên phải là một đống chăn nhàu nhĩ cùng những chiếc quần áo, đen bẩn vứt lung tung chồng lên nhau chả khác gì búi giẻ rách. Thằng Vổng cựa quậy trong đống chăn, nó từ từ nhô cái đầu tóc bù xù ra, chả khác gì lông con gấu, đen nhánh bết vào nhau bởi mồ hôi và khói bếp. Hai mắt mở to nhìn tôi sợ hãi, mũi và hai bên má ngoa nghếch lở loét đỏ lòm.

Trang A Xay ngồi xuống bên đống chăn, giọng anh nhẹ nhàng: Vổng à, cán bộ đến thăm Vổng đấy…Rồi anh khẽ lật tấm chăn lên, thằng bé vội co tấm chăn lại. Thì ra cu cậu không mặc quần áo, chẳng biết thằng bé có quần áo hay không, nó co rúm lại quấn chặt tấm chăn vào người. A Xay cho tôi biết, sau hai năm đưa gia đình A Đế về đây, mấy đứa trẻ đã biết nói tiếng người, thằng Vổng ở với bố không tiếp xúc với trẻ con hàng xóm, nó thui thủi ở trong nhà chơi với mấy cái ống bơ thịt hộp mà bố nó nhặt ở trên rừng về, còn bố nó thì suốt ngày vắng nhà, nên thằng bé nói chưa được nhiều. Anh hỏi, nó chỉ ừ và gật.

Trên đường trở về, Trang A Xay cho tôi hay: Mấy người anh em muốn đón thằng Vổng về nuôi, cho đi học, nhưng Trang A Đế không nghe. Có một cái gì đó cay cay trong khoé mắt tôi. Tôi tự hỏi: Với cuộc sống mà thằng bé đang sống, thì không hiểu tương lai của nó rồi đây sẽ ra sao?
Tôi mở vung lần lượt 8 chiếc nồi đặt quanh bếp lửa, tất cả trong đó đều chẳng có gì, mấy chiếc bát đen đúa chồng đống lên nhau, duy nhất một chiếc bát có một nhúm muối. Bố thằng Vổng lên rừng từ lúc mờ đất, chắc từ sáng đến giờ thằng bé chưa ăn một thứ gì vào bụng. Tôi nhìn khắp nhà, không thấy một bao gạo, một bắp ngô hay một củ sắn, nồi xoong thì nhẵn thín, chắc nó đợi đến tối bố nó mới mang thức ăn về cho.

Nhìn mấy người lạ vào nhà, thằng Vổng kéo chăn trùm kín đầu, tôi gọi: Vổng à, cán bộ cho tiền để mua gạo ăn này... A Xay dịch lại lời tôi bằng tiếng Mông, thằng bé khẽ nhô đầu ra, tôi đưa cho nó tờ 100 ngàn đồng. Nhìn thấy tờ giấy bạc xanh xanh có nhiều hoa văn, thằng Vổng vội lật chăn ra nó cầm đồng tiền như một thứ đồ chơi lần đầu tiên nó thấy. Nó ngắm nghía, đưa đồng tiền lên soi, rồi dán vào mắt nhìn qua kẽ vách …Nó chẳng biết đó là tiền. Với nó, đó chỉ là một thứ đồ chơi.

 A Xay vừa nói vừa khum lòng bàn tay như cầm bát cơm bàn tay kia cầm đũa vừa nói vừa ra hiệu, rằng đây là tiền, tối bố về đưa cho bố để mua gạo. Thằng Vổng gật gật, rồi nó tìm chiếc túi khâu bằng khăn len cất vào rồi lại mở ra…(Hết)

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sụt lún nghiêm trọng tại kho một công ty lương thực thiệt hại 10 tỷ đồng

CẦN THƠ Vụ sụt lún xảy ra tại kho Bến Thủy của một công ty lương thực, ước tính thiệt hại 10 tỷ đồng, ngành chuyên môn đang tìm hiểu nguyên nhân.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm