| Hotline: 0983.970.780

Giá dưa hấu tăng vụt

Thứ Năm 17/04/2014 , 07:15 (GMT+7)

Các ngày qua, giá dưa hấu đột ngột tăng lên 7 ngàn đồng/kg, người trồng dưa vô cùng phấn khởi. Đáng tiếc, dưa không còn mà bán...

* Chỉ cần bảo quản vài tuần đủ cứu người trồng dưa

Các ngày qua, giá dưa hấu đột ngột tăng lên 7 ngàn đồng/kg, những người xuống giống trà dưa muộn, thu hoạch ngay trong thời điểm dưa tăng giá này vô cùng phấn khởi. Đáng tiếc, dưa không còn mà bán...

Theo kinh nghiệm những người có thâm niên trồng dưa hấu, kể từ nay đến đầu tháng 4 âm lịch dưa sẽ còn tăng giá, vì nguồn dưa tại các địa phương đã dần cạn, trong khi thị trường tiêu thụ tại Trung Quốc vẫn còn ăn mạnh. Điều này cho thấy, nếu tránh được cảnh thu hoạch ùn ứ, hoặc chỉ cần bảo quản sau thu hoạch tốt 2-3 tuần thì dưa hấu sẽ không mất giá, cứu thua cho người trồng dưa hàng ngàn tỷ đồng.

Ông Lê Đình Chiến ở Diên Khánh (Khánh Hòa), thương lái chuyên thu dưa hấu khắp các địa phương trong cả nước bán sang thị trường Trung Quốc, cho biết: “Thời điểm những xe chở dưa hấu đi dồn dập, bị kẹt ở cửa khẩu Tân Thanh, phải đến cả chục ngày mới bán được thì khi ấy, một phần dưa bị dồn ứ, một phần dưa đã héo cuống nên phải bán giá rẻ.

Bây giờ, các địa phương gần như đã thu hoạch cạn dưa nên không còn tình trạng xe dưa ùn ứ, chỉ đi 2 ngày là sang đến bãi bán, lượng dưa nhập vào Trung Quốc ít đi và còn tươi nên bán được giá cao. Hiện Trung Quốc đang thu mua dưa hấu của Việt Nam với giá 3,5 NDT/kg, quy ra tiền Việt gần 12.000đ/kg”.

Theo kinh nghiệm nhiều năm trong nghề mua bán dưa hấu sang Trung Quốc, ông Chiến cho biết thêm: Hàng năm, Gia Lai là địa phương thu hoạch dưa hấu đầu tiên; vào tháng 11, tháng Chạp là nhiều địa phương ở tỉnh này đã có dưa bán, Phú Bổn là địa phương cuối cùng của tỉnh này thu hoạch dưa hấu. Cùng lúc với Gia Lai, những vùng dưa hấu ở tỉnh Bình Thuận cũng thu hoạch ào ạt. Tiếp đến, các tỉnh Phú Yên và Bình Định thu hoạch rộ cùng lúc.

Đến đầu tháng 2 âm lịch thì các tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam hái dưa đồng loạt. Điều này chứng tỏ người trồng dưa ở khắp nơi không biết có hẹn hò với nhau gì hay không, mà hầu như xuống giống đồng loạt, do đó mới có chuyện thu hoạch cùng lúc như vậy để gây nên tình trạng ứ hàng như chúng ta thấy trong thời gian vừa qua!?

Ngoài việc phân chia thời vụ thì vấn đề bảo quản sau thu hoạch cần phải nghiêm túc đặt ra. Bởi, chưa nói cần đến kho lạnh bảo quản dưa hàng tháng, chỉ cần bảo quản bằng các phương pháp thông dụng, rẻ tiền như bao gói khí điều biến; chế phẩm phủ màng... cũng đủ sức giữ dưa hấu tươi nguyên 2-3 tuần đến 1 tháng, giúp điều tiết giá cả, giảm thiệt hại rất lớn cho người trồng dưa. 

Về vấn đề này, ông Trần Tiến Lãng, cố vấn kỹ thuật Cty TNHH-TM Trang Nông, một người đã nhiều năm gắn bó với cây dưa hấu, cho biết: “Các vùng trồng dưa ở Nam bộ đã thu hoạch xong trước Tết Nguyên đán, còn vùng Bắc Trung bộ thời tiết rét không xuống giống sớm được.

Tại Trung Quốc thì vì quãng thời gian trước Tết thời tiết cực kỳ giá rét càng không thể trồng dưa, do đó vào thời điểm sau Tết phải nhập dưa của Việt Nam. Từ thực tế trên, người trồng canh vào thời điểm sau Tết phải có dưa thu hoạch nên xuống giống đồng loạt như vậy”.

Ông Lê Đình Chiến giải thích thêm: “Hàng năm, Trung Quốc bắt đầu nhập dưa hấu của Việt Nam từ đầu tháng 11 âm lịch năm trước kéo dài đến cuối tháng 3 âm lịch năm sau. Sau đó dưa hấu bên Trung Quốc bắt đầu thu hoạch nên không nhập dưa Việt Nam nữa.

Do đó, để tranh thủ có dưa thu hoạch trong thời điểm Trung Quốc ăn mạnh bán được giá cao, nên sau mùa mưa của miền Trung, địa phương nào thời tiết ấm trước là người trồng dưa lập tức xuống giống. Hiện nay, tại Thanh Hóa, Nghệ An và Hải Dương dưa hấu mới đang ra bông, cuối tháng 4 đầu tháng 5 âm lịch mới thu hoạch, thời điểm này Trung Quốc đã hết nhập dưa nên những trà dưa này chỉ bán nội địa”.

Chuyện dưa hấu bị ùn ứ dẫn tới ế ẩm không phải chuyện mới mẻ gì, thế nhưng do loại cây trồng này có đầu ra không chắc chắn, lệ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc nên các địa phương không khuyến khích nông dân trồng; mà khi đã không đưa vào cơ cấu cây trồng thì không quan tâm, thậm chí có nhiều tỉnh không biết diện tích trồng dưa trên địa bàn có bao nhiêu ha. Cây dưa và người trồng dưa đang bị ngành chức năng thả nổi.

Dẫu cây dưa hấu không được khuyến khích trồng, nhưng thực tế cho thấy không loại cây trồng nào lãi cao bằng dưa, nông dân thấy cây nào có lãi thì trồng, chỉ có điều nếu tắc đầu ra lại cũng không cây nào gây lỗ nặng bằng cây dưa. Cây dưa hấu đang ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng trăm nghìn hộ nông dân là vậy.

Do đó, nên chăng đã đến lúc ngành chức năng của các tỉnh có phong trào trồng dưa hấu mạnh cần ngồi lại với nhau, bàn bạc, thành lập nên các hội, ví như “Hội những người trồng dưa hấu” như ông Phó GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định Hồ Ngọc Hùng từng đề xuất. Hội này có chức năng phân chia thời vụ cho người trồng dưa ở các địa phương để tránh thu hoạch đồng loạt gây ùn ứ sản phẩm. Có như vậy thì cây dưa hấu mới có thể phát triển bền vững, và người trồng dưa sẽ tránh được thiệt hại đáng tiếc!

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Phía sau mặt cỏ xanh của Sân vận động Thiên Trường

Thiên Trường, sân nhà CLB Bóng đá Thép Xanh Nam Định gần đây được đánh giá có chất lượng mặt cỏ top đầu V-League, vậy điều gì đã làm nên màu xanh tươi mới này?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm