| Hotline: 0983.970.780

Giá đường lại tụt mạnh: Bán hay đừng?

Thứ Năm 18/03/2010 , 09:52 (GMT+7)

Diễn biến giá đường lại gây bất ngờ lớn, khi từ đỉnh điểm cơn sốt giá đầu năm 2010 bỗng nhiên... rơi tự do trong nửa tháng nay. Nhiều ý kiến trấn an các DN không nên hoang mang bán tháo.

Diễn biến giá đường lại gây bất ngờ lớn, khi từ đỉnh điểm cơn sốt giá đầu năm 2010 bỗng nhiên... rơi tự do trong nửa tháng nay. Một số DN SX, kinh doanh đường trở nên hoang mang và đã bán tháo đường. 

Trao đổi với NNVN, một số DNNK đường cho biết giá đường trên thế giới đã đột ngột tụt dốc trong 10 ngày cuối tháng 2/2010 và tiếp tục giảm mạnh từ đầu tháng 3 đến nay. Cụ thể vào trung tuần tháng 3/2010, giá đường giao tháng 5/2010 tại thị trường New York đã giảm tới gần 30% so với thời điểm cuối tháng 2/2010. Đến thời điểm này, giá đường thô NK tại nhiều nước đã giảm tới 200 USD/tấn (từ mức cao nhất trong tháng 2/2010 là 600 USD/tấn xuống còn 400 USD/tấn). Tương tự giá đường tinh từ 750 USD/tấn xuống mức 550 USD.

Hôm qua, Cục Chế biến – Thương mại NLTS&NM cũng cho biết ngay sau khi giá đường NK thế giới giảm mạnh từ cuối tháng 2, đầu tháng 3/2010 trở lại đây, hiện giá đường tại các NM trong nước cũng đã giảm tuy không nhiều lắm, tuy nhiên có nơi giá đường RS bán buôn tại NM với giá dưới 15 nghìn đồng/kg, đường RE dưới 16 nghìn đồng/kg (so với giá bán buôn đỉnh điểm đầu năm 2010 trên 18 nghìn đồng/kg).

Trao đổi với NNVN về việc tại sao hiện chưa phải là vụ SX đường của các cường quốc mía đường trên thế giới (vụ thu hoạch mía của các nước như Ấn Độ, Braxin vào tháng 6 hàng năm) nhưng giá đường trong nước vẫn giảm mạnh? Liệu có phải do sự can thiệp của hoạt động đầu cơ hay không? Bà Phạm Thị Sum, Chủ tịch HĐQT Cty CP Đường Biên Hòa nhận định: Việc giá đường trong nước đang lên cơn sốt cao chót vót bỗng đột ngột hạ thấp hơn cả giá mặt bằng trước đây một phần do đã qua dịp Tết Nguyên đán nên lượng “cầu” trong nước giảm mạnh, khiến giá hạ là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên tác động lớn vẫn là do giá đường NK trên thế giới hạ. Điều này có thể do các tập đoàn quốc tế lấy tháng 3/2010 này làm hạn hoàn thành năm tài khóa. Vì vậy nhiều quỹ đầu cơ đường lớn phải tung hết hàng dự trữ để thu hồi vốn, kéo theo lượng “cung” tăng đột biến khiến giá hạ.

Bà Phạm Thị Sum Chủ tịch HĐQT Cty CP Đường Biên Hòa: 

“Đúng lí ra thì lúc đường trong nước sốt giá, DN phải tung hàng ra để hạ nhiệt. Còn lúc giá hạ, “anh” phải ghim hàng lại. Như vậy thì mới bình ổn được thị trường chứ! Đằng này nhiều DN, cả SX và kinh doanh đường của chúng ta thì lại làm ngược lại. Thế nên thị trường đường nước ta lúc nào cũng y như thị trường cổ phiếu vậy. Lúc cổ phiếu hạ thì đua nhau bán, còn lúc tăng lại đổ xô đi mua”.

Tuy nhiên, bà Sum vẫn nhận định trong năm 2010, thế giới vẫn sẽ thiếu đường do tình trạng mía mất mùa vẫn khó có khả năng khôi phục lại nhanh chóng. Vì cây mía khác cây lúa, là cây dài ngày không thể gia tăng diện tích trong vài ba tháng nên về cung đường không đáng lo ngại là dư thừa nhiều. Hơn nữa đường trong nước cũng không dư dả gì, bởi năm nay sản lượng đường các NM SX ra hụt khoảng trên 150.000 tấn so với năm ngoái và lần đầu tiên sau nhiều năm Việt Nam đạt sản lượng đường dưới 1 triệu tấn. Đây là điều mà các DN SX và NK đường trong nước cần bình tĩnh trước diễn biến bất thường của thị trường trong thời gian gần đây.  

Tuy nhiên theo vị Chủ tịch HĐQT Cty Đường Biên Hòa tiết lộ thì qua “nắm tình hình” sau khi giá đường đảo chiều từ đầu tháng 3/2010 trở lại đây, nhiều DN SX đang chuyển sang hoang mang và cố gắng đẩy hàng ồ ạt ra thị trường bất chấp giá rẻ do lo ngại giá đường tiếp tục hạ. Trong khi đó nhiều DN NK một mặt e ngại không dám nhập hàng về, một mặt cũng đua nhau bán tống bán tháo. Số DN được cấp quota NK đường không may đã trót ký đơn nhập hàng lại mang tâm trạng của người mất của do thời điểm ký đơn hàng đầu năm 2010 giá đường NK có nơi lên tới 730 USD/tấn, chỉ sau vài chục ngày đã hạ xuống 500 USD/tấn...

Xung quanh câu chuyện giá đường liên tục "biến hóa" gần đây, trong khi quota NK đường vẫn được cấp đều đều hàng năm, chuyên gia của một DN mía đường lớn ở phía Nam bức xúc:

“Đầu năm nay giá đường trong nước cao ngất ngưởng. Nhiều DN chế biến lớn xin được quota NK đường đã lên mặt đưa ra dọa DN SX đường trong nước rằng: Đấy, giá đó các ông không bán thì chúng tôi nhập hàng về liền? Có ai ngờ chỉ vài chục ngày sau giá đường thế giới đã tụt thê thảm! Nhiều ông trót ký đơn nhập từ đầu năm đơn giá tới 750 USD/tấn, cộng cả thuế 5%, rồi tất tật các khoản phí vận thì lúc này mới thấm!. Tôi bảo: Đấy, sao giờ các ông không nhập đi!”

Theo bà Sum, việc các DN bán đường ồ ạt vào thời điểm nhạy cảm này rất có thể khiến giá đường năm nay lại sốt nếu vụ mía sắp tới chúng ta mất mùa. Hơn thế, nó sẽ khiến tâm lí nông dân trồng mía hoang mang không trồng mía nữa vì thấy giá đang rẻ. Vì hiện đang là vụ trồng mía chính ở ĐBSCL. Năm 2009 nông dân trồng mía lãi to (nhiều nơi lãi hơn 20 triệu đồng/ha) nên vụ này đang hăng hái chuyển sang trồng mía. Giờ này “ông” DN lại bán tháo ra khiến giá hạ thì tôi e nông dân họ khựng lại, không trồng mía nữa thì gay go!".

"Các DN nên bình tĩnh, cùng nhau để giữ giá đường ổn định ở mức 15-17 nghìn đồng/kg. Nếu giữ được giá đó thì cả DN SX và cả DN kinh doanh đường sẽ đều có lãi. Muốn làm được điều này thì cần có sự vào cuộc của Qũy bình ổn giá của Nhà nước để DN vừa có vốn duy trì được SX, vừa có thể ghim hàng lại” – bà Sum nêu quan điểm.

Giá đường bán lẻ chưa hạ

Mặc dù giá đường bán buôn tại các NM trong nước và đường NK đã hạ thấp nhưng theo ghi nhận của PV NNVN chiều qua tại các siêu thị và thị trường bán lẻ ở Hà Nội thì giá đường vẫn chưa hạ. Tại siêu thị Fivimart số 27A Lí Thái Tổ (Quận Hoàn Kiếm), giá đường trắng tinh luyện của Cty Liên doanh Mía đường Việt- Đài vẫn bán giá 19.600đ/kg, đường trắng tinh luyện của Cty CP Đường Biên Hòa giá hơn 21 nghìn/kg... Nhiều đại lý nhỏ tại khu vực quận Long Biên, Hoàn Kiếm cũng cho biết đang bán lẻ đường trắng giá từ 19 đến 21 nghìn đồng/kg. Các chủ đại lý cho biết do lúc mua vào giá cao như vậy nên phải bán nguyên giá đó.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm