| Hotline: 0983.970.780

Giá đường vẫn... tung tác

Thứ Năm 09/12/2010 , 10:46 (GMT+7)

Đường và mía tuy cùng tăng giá, nhưng thực tế không đồng nhịp. Dư luận lên tiếng một số NMĐ lãi khủng: 5.000đ/kg đường? Một giám đốc NMĐ xác nhận điều đó đúng.

Tại cuộc họp giao ban SX và tiêu thụ mía đường khu vực ĐBSCL và miền Đông Nam bộ tổ chức tại Sóc Trăng ngày 7/12/2010, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Bùi Bá Bổng và Hiệp hội Mía đường Việt Nam (HHMĐVN), vấn đề giá đường cát chực chờ leo thang và cạnh tranh nguyên liệu giữa các NMĐ lại được xới tung lên.

Đường đắt đỏ

Dự báo giá đường cát thế giới sắp tới sẽ còn ảnh hưởng tới giá đường trong nước.

Từ tháng 8/2010 đến nay, thị trường mía đường các tỉnh phía Nam gần như lúc nào cũng tăng, ngay cả khi các NMĐ phía Nam lần lượt  vào vụ mía đường mới. Diễn biến cho thấy tháng 8/2010: giá đường 16.200-16.500 đ/kg, nhưng sang tháng 9 giá bắt đầu tăng lên 17.000-17.100 đ/kg; tháng 10 lên tiếp 18.000-19.100 đ/kg; đến cuối tháng 11 bình quân tăng lên trên dưới 20.000đ/kg. Đó là giá bán buôn, giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng có lúc lên tới 24.000-26.000đ/kg. Thật kinh khủng.

Chưa hết, dự báo giá đường cát thế giới sắp tới sẽ còn ảnh hưởng tới giá đường trong nước. Ông Nguyễn Văn Lộc – Tổng Giám đốc NMĐ Biên Hòa – Tây Ninh nhận định: “Sang năm tới cán cân cung-cầu đường ước đoán sẽ cân bằng và lượng đường thế giới chỉ có thể tăng thêm đôi chút. Tuy nhiên, riêng nhu cầu thị trường các nước vùng Viễn Đông và Châu Đại dương vẫn thiếu đường. Trong đó, các nước tiêu thụ nhiều là Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Indonesia… Hiện nay đường VN ngang bằng giá đường TQ với khoảng 1.000 USD/tấn".

Theo ông Lộc, Việt Nam sản xuất đường dùng nội địa là chính. Lượng đường dự trữ tại các nhà máy ít, thường ép mía đến đâu xài đường đến đến không có dư. Do vậy, nếu trường hợp đột xuất thời tiết khí hậu bất thường xảy ra rất có khả năng sốt đường.

Tranh mua mía

Đường lên giá, mía hút hàng. Hệ quả tất yếu dẫn tới cuộc tranh giành mía nguyên liệu. Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Cty Mía đường Cần Thơ nói: “Năm nay, khắp vùng trồng mía ở ĐBSCL náo động vì mỗi chuyện NMĐ NIVL tại Long An (DN vốn đầu tư nước ngoài - Ấn Độ, không là thành viên HHMĐVN). DN này tung hoành bằng cách ra giá cao, thả thương lái thu mua mía ở những vùng nguyên liệu của những NMĐ khác trong vùng đã bỏ công sức đầu tư để đưa về Long An”.

Thu hoach mía ở Sóc Trăng.

Tức khí, một số NMĐ ở các tỉnh miền Tây đã lên tiếng đề nghị HHMĐVN: sẽ trả đũa bằng cách thả cho thương lái ngược lên Long An tranh mua mía nguyên liệu nếu không có sự giải quyết ổn thỏa. Còn ở miền Đông Nam bộ (ĐNB) trước đây hiếm có chuyện tranh chấp nguyên liệu thì từ vụ mía này một vài NMĐ đã báo động tình trạng xé rào xâm lấn nguyên liệu đã xảy ra lẻ tẻ.

Vụ mía đường 2010-2011 các NMĐ phía Nam có kế hoạch ép 5.128.000 tấn mía, sản xuất 425.799 tấn đường. Trong đó, ĐBSCL ép 3.573.000 tấn mía, SX 275.999 tấn đường; ĐNB ép 1.555.000 tấn mía, SX 149.800 tấn đường. Vùng ĐBSCL hiện có 52.000ha mía, sản lượng khoảng 3,2 triệu tấn. So với tổng công suất 10 NMĐ trong khu vực cần 3,6 triệu tấn mía thì vẫn còn thiếu. Ở vùng ĐNB có nhiều vùng trồng mía rộng lớn như Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Thuận… Trong đó Tây Ninh hiện có gần 30.000ha mía, dự kiến qui hoạch mở rộng lên 45.000ha. Tuy nhiên các NMĐ vùng này như Biên Hòa – Tây Ninh, Bourbon – Tây Ninh, La Ngà… đang báo động thiếu nguyên liệu vì cạnh tranh giá trị giữa mía và cây trồng khác như khoai mì (sắn), cao su, điều.

Theo HHMĐVN, tại ĐBSCL giá mía nguyên liệu 10 CCS từ tháng 9/2010 đến nay lũy tiến tăng dần từ 1-1,1 triệu đồng/tấn cho đến nay là 1,2 đến 1,5 triệu đồng/tấn. Ở vùng ĐNB giá mua mía 10 CCS tại ruộng 950 ngàn đồng/tấn đến 1 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên trên thực tế, nông dân kêu ca giá mía vẫn không được như giá NMĐ đưa ra, hơn nữa cách tính chữ đường và cách mua mía xô giữa các NMĐ lại rất khác nhau.

Phía các NMĐ đổ cho rằng giá khác nhau là do chữ đường thấp, lẫn tạp chất. Còn một số địa phương phản ảnh NMĐ chưa thật sự chú trọng đầu tư vùng nguyên liệu. Chính sách NMĐ đưa ra chủ yếu cho thương lái chứ chưa tới nông dân. Như vậy có thể thấy cuộc tranh chấp mía - đường đang lúc cao trào. Áp lực đường đang đè lên mía. Đường và mía tuy cùng tăng giá, nhưng thực tế không đồng nhịp. Dư luận lên tiếng một số NMĐ lãi khủng: 5.000đ/kg đường? Một giám đốc NMĐ xác nhận điều đó đúng.  

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho rằng: “Một nước đông dân, có nhu cầu đường cao không thể nhập khẩu mãi mà phải tự chủ. Muốn vậy cần duy trì diện tích mía đường hiện có. Hiện nay cả nước có 250.000ha mía. Nếu có các giải pháp khoa học kỹ thuật yểm trợ như: giống mía năng suất, chữ đường cao, xây dựng qui trình VietGAP cho cây mía cùng với từng bước đưa cơ giới vào hỗ trợ sản xuất… để tăng khả năng thu hồi đường từ 4 tấn đường/ha mía lên hơn 6 tấn đường/ha mía thì sản lượng đường nước ta mới nâng lên hơn 1,5 triệu tấn và thậm chí 2 triệu tấn đường trong những năm tới”.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm