| Hotline: 0983.970.780

Giá đường VN cao hơn thế giới gần 200 USD/tấn

Thứ Tư 16/02/2011 , 09:40 (GMT+7)

Ông Martin Todd – Chuyên gia nghiên cứu ngành đường quốc tế (LMC International Company) cho biết, giá đường ở VN hiện nay cao hơn giá đường thế giới xấp xỉ 200 USD/tấn!

* NM ĐƯỜNG TIẾP TỤC LÃI “KHỦNG”: 5.000 ĐỒNG/KG

Ông Martin Todd – Chuyên gia nghiên cứu ngành đường quốc tế (LMC International Company) cho biết, giá đường ở VN hiện nay cao hơn giá đường thế giới xấp xỉ 200 USD/tấn! Trong khi đó, một DN ngành đường khẳng định, mỗi kg đường DN lời gần 5.000 đồng!

GIÁ CAO, LỜI TO… DẠI GÌ KHÔNG NEO!

Trước thông tin các DN ngành đường VN cố tình neo giá đường ở mức cao một cách vô lý nhằm trục lợi, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã yêu cầu Hiệp hội Mía đường VN giải trình về vấn đề này. Theo ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN: “Sau Tết, đột biến một số NM đường do vùng mía còn ít, muốn giữ đường lại để bán rải ra nên đã tăng giá đường lên. Hơn nữa, nhà thương mại đang mua đường của các công ty với giá 20.000 đồng/kg mà mình bán 19.000 đồng/kg thì đâu có được!”. Đặc biệt, ông Long còn lý giải: “VN cần giữ giá đường cao để thu mua mía giá cao cho nông dân, tạo động lực tốt cho nông dân phát triển mía”. Lý do này nghe qua rất hợp tình hợp lý, nhưng thực chất nông dân và người tiêu dùng được hưởng lợi bao nhiêu?

Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Văn Lộc - Tổng Giám đốc Cty CP Đường Biên Hòa cho biết, hiện giá đường giao dịch tại sàn London mấy ngày nay xoay quanh mức 770 – 820 USD/tấn. Trong khi đó, giá đường các nhà máy VN đang bán ra vẫn trên 20.000 đồng/kg (gần 1.000 USD/tấn). Tương tự, ông Martin Todd – Chuyên gia nghiên cứu ngành đường quốc tế (LMC International Company) khẳng định, giá đường ở VN vào thời điểm hiện nay đang cao hơn giá đường thế giới xấp xỉ 200 USD/tấn! “Vào những thời điểm khác, giá đường tại VN vẫn cao hơn trên 100 USD/tấn” – ông Martin Todd nói.

Những thông tin từ chính những người làm trong ngành mía đường đã chứng minh người tiêu dùng VN đang phải ăn đường giá đắt một cách vô lý, trong khi đó các DN ngành đường lại có mức lãi “khủng”. Ông Nguyễn Văn Lộc cũng không ngần ngại tiết lộ: “Nếu giá đường tiếp tục giữ ở mức cao như hiện nay thì có thể mỗi kg đường DN lời xấp xỉ… 5.000 đồng”. Vậy là lợi nhuận “khủng” này thực chất đang “chảy” vào túi của các DN ngành đường, còn nông dân không được hưởng lợi bao nhiêu từ chính sách mua mía của các DN.

Về bất cập này, TS.Hồ Cao Việt – Viện KHKTNN miền Nam bức xúc cho rằng, không có mặt hàng nào chỉ trong 2 năm qua giá lại tăng gần gấp đôi như mặt hàng đường tại VN. Người chịu hậu quả trực tiếp chính là hàng chục triệu người tiêu dùng khi phải ăn đường giá quá cao.

TẠI SAO PHẢI NHẬP 400.000 TẤN ĐƯỜNG/NĂM?

Ông Nguyễn Thành Long cho biết, VN đang tốn rất nhiều ngoại tệ để nhập tới 400.000 tấn đường mỗi năm (chính ngạch 250.000 tấn, còn lại là nhập lậu). Ông đổ lỗi chuyện thiếu đường là do nhà nước thiếu chính sách và nông dân không mặn mà trồng mía, còn các nhà máy luôn “đói mía” vì công suất dư thừa. Vậy đâu là nguyên nhân nào dẫn đến sự bất hợp lý này?

Theo Viện KHKTNN miền Nam, dù Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 26/2007/QĐ-TTg (ngày 15/2/2007) phê duyệt quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010 với các chỉ tiêu chủ yếu là: Diện tích mía 300.000 ha, năng suất bình quân 65 tấn/ha, chữ đường bình quân 11 CCS, sản lượng mía 19,5 triệu tấn và sản lượng đường là 1,5 triệu tấn; tuy nhiên, tính đến cuối năm 2010, tất cả các chỉ tiêu đề ra đều không đạt mục tiêu.

 TS Cao Anh Đương – Viện KHKTNN miền Nam cho biết: So với Úc, để sản xuất 1 tấn đường thì VN phải sử dụng lượng mía nhiều… gấp đôi! Giá thành đường của VN cao hơn nhiều giá đường trong khu vực, vì thế không cạnh tranh nổi ngay trên thị trường nội địa. Còn so với các nước trong khu vực, sản lượng đường của VN trên 1 ha cũng thuộc dạng “đàn em”. Cụ thể, nếu VN đạt trung bình 3,4 tấn đường/ha thì các nước như Philippin đạt 5,5 tấn đường/ha, Thái Lan khoảng 6,5 tấn đường/ha…

Theo TS.Cao Anh Đương – Viện KHKTNN miền Nam: Hiện cơ cấu phân chia tỷ lệ lợi nhuận trong ngành mía đường VN chưa hợp lý khiến nông dân bị thiệt hại nhiều nhất. Cụ thể, ở VN nông dân được hưởng bằng 60 kg đường/tấn mía nhưng chẳng biết ai giám sát chuyện này? Trong khi ở Úc tỷ lệ này là 66,6%, Barbados 77,5%, Mauritus 74%, Thái Lan 70% và được Chính phủ giám sát rất chặt chẽ.

VN cũng chưa hề có cơ chế hỗ trợ cho nông dân, trong khi ở Thái Lan, nông dân trồng mía hoàn toàn không phải lo về giống, về giá đường và đã có quỹ bình ổn giá luôn sẵn sàng hỗ trợ. Ngoài ra, việc quy hoạch phân chia vùng nguyên liệu chưa hợp lý (nhà máy ở quá xa vùng nguyên liệu); giống cũ chiếm tỷ lệ quá cao (trên 60%); DN chưa chia sẻ quyền lợi với người nông dân; hệ thống tổ chức ngành đường cũng chưa phù hợp và chính sách pháp luật riêng cho ngành mía đường chưa được hoàn thiện…

Cũng vì thế, từ nhiều năm nay, sản lượng mía của VN luôn ở mức thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu chế biến của các nhà máy đường, tình trạng thiếu mía nguyên liệu chế biến ngày càng trầm trọng, dẫn tới hiện tượng tranh mua tranh bán, ép giá, ép chữ đường… diễn ra tràn lan, không chỉ ở các tỉnh phía Nam như các năm trước đây mà còn lan rộng ra các tỉnh phía Bắc. Sản lượng đường sản xuất được hàng năm chỉ đủ đáp ứng khoảng 75% nhu cầu tiêu thụ đường trong nước và mỗi năm VN có thể phải nhập khẩu thêm trên dưới 400.000 tấn đường.

Một lần nữa, công luận lại thấy bức xúc khi công suất hoạt động của hàng chục nhà máy đường của VN bị đầu tư dàn trải, lãng phí, trong khi người dân vẫn phải chịu cảnh ăn đường giá cao ngất ngưởng!

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất