| Hotline: 0983.970.780

Giá gà lông màu rớt thê thảm

Thứ Tư 26/02/2014 , 10:38 (GMT+7)

Do ảnh hưởng của dịch CGC, giá gà lông màu ở Đông Nam bộ đang giảm rất mạnh.

Do ảnh hưởng của dịch CGC, giá gà lông màu ở Đông Nam bộ đang giảm rất mạnh. Nhiều hộ chăn nuôi khẳng định họ đang bị thương lái lợi dụng tình hình dịch bệnh để ép giá gà xuống đáy.

BÁN GÀ MÀ THẮT RUỘT

Theo phản ánh của các chủ trang trại gà ở Đồng Nai, do ảnh hưởng của dịch CGC, giá gà lông màu trên địa bàn tỉnh này đang rớt một cách thê thảm. Hiện tại, giá gà lông màu do các trang trại bán ra chỉ còn 32.000 đ/kg. Thậm chí, có những giống gà lông màu, giá thu mua của thương lái đã xuống dưới 30.000 đ/kg.

Nói tới chuyện giá gà lông màu, bà Nguyễn Thị Vân, chủ Trại gà ở xã Gia Tân 1 (Thống Nhất), sốt ruột: “Giá xuống từng ngày chú ạ. Trước Tết, giá gà lông màu tuy có giảm nhưng cũng còn ở mức 36.000-37.000 đ/kg, tức là còn giúp cho người chăn nuôi cầm cự được. Sau Tết, nhất là từ khi có thông tin dịch CGC, giá gà lông màu cứ thế giảm xuống liên tục.

Giá hiện giờ, tiếng là còn 32.000 đ/kg, nhưng khi đến thu mua, chắc chắn thương lái còn lợi dụng dịch CGC để ép xuống vài giá nữa. Cứ đà này, dù có giữ được đàn gà lông màu qua khỏi dịch CGC, thì người chăn nuôi cũng lại thê thảm vì thua lỗ, nợ nần”.


Giá gà lông màu ở Đông Nam bộ đang rớt mạnh

Bà Cao Thị Ten, chủ trại gà ở ấp 2, xã Phú Ngọc (huyện Định Quán), cho biết, giá thành nuôi gà lông màu theo cách nuôi thông thường, hiện phải từ 37.000- 38.000 đ/kg trở lên. Như vậy, với mức giá bán ra hiện còn 32.000 đ/kg, rõ ràng người nuôi gà lông màu ở Đồng Nai đang lỗ nặng.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cũng xác nhận, giá thành nuôi gà lông màu nói chung trên địa bàn tỉnh này hiện khoảng 38.000 đ/kg, có những hộ nuôi với giá thành trên 40.000 đ/kg. Vì thế, hầu hết các hộ nuôi gà lông màu ở Đồng Nai đang phải khóc dở mếu dở khi mỗi kg gà bán ra, họ phải chịu lỗ ít nhất là 6.000 đ/kg, nhiễu hộ lỗ 8.000-10.000 đ/kg. Lỗ về giá đã đành, người nuôi gà lông màu ở Đồng Nai lại còn méo mặt vì rất khó bán được gà bởi ảnh hưởng của dịch CGC.

Chủ một trại gà ở Trảng Bom, than thở: “Ngày nào trên mặt báo cũng tràn ngập thông tin về dịch CGC, về người chết do nhiễm virus cúm. Có thể vì thế mà người tiêu dùng cũng ngại ăn gà vịt so với trước đây. Do đó, lượng gà mà cánh thương lái thu mua hàng ngày cũng giảm hẳn. Trong khi đó, gà lông màu được nuôi ở Đồng Nai lại đang khá nhiều. Vì thế, giá gà hiện đã xuống còn 32.000 đ/kg, mà kêu thương lái vô bán cũng khó lắm”.

TẠO ĐIỀU KIỆN TIÊU THỤ GIA CẦM AN TOÀN

TP HCM là thị trường tiêu thụ gia cầm lớn nhất ở Nam bộ. Vì thế, tình hình tiêu thụ gà, vịt, chim cút ở TP HCM có tác động lớn tới người chăn nuôi, giá gia cầm các tỉnh trong khu vực, nhất là trong bối cảnh đang có thông tin về dịch CGC.

Theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM, trên địa bàn TP HCM hiện chỉ có một cơ sở giết mổ gia cầm An Nhơn, với số lượng gia cầm giết mổ bình quân 60.000-70.000 con/ngày. Từ đầu năm đến nay, cơ sở này đã giết mổ trên 3,2 triệu con gà từ các tỉnh đưa về. Ngoài ra, còn có trên 3.100 tấn thịt gà, trên 891 tấn thịt vịt, trên 61 ngàn con chim cút được giết mổ tại các tỉnh và đưa về TP.

Ông Thảo cho biết, riêng về lượng gia cầm giết mổ đưa về TP trong vài tuần qua, không thấy giảm so với cùng kỳ năm ngoái hay so với thời điểm trước Tết Giáp Ngọ. Như vậy, có thể thấy, nếu không tính sản phẩm gia cầm đông lạnh NK, thì việc tiêu thụ gia cầm giết mổ ở TP HCM vẫn đang diễn ra bình thường.

Để đảm bảo ngăn chặn không cho gia cầm nhiễm virus CGC từ các tỉnh lọt vào TP, nhưng vẫn giúp người chăn nuôi tiêu thụ được gia cầm không bị bệnh, trong thời gian qua, Chi cục Thú y TP HCM và các tỉnh đã phối hợp kiểm tra các cơ sở giết mổ gia cầm cung cấp cho thị trường TP này.

Theo đó, các Chi cục thống nhất quan điểm chỉ có các cơ sở giết mổ công nghiệp mới được phép đưa sản phẩm về TP HCM tiêu thụ; sản phẩm gia cầm giết mổ từ các tỉnh phải đăng ký thương hiệu, công bố tiêu chuẩn chất lượng. Kết quả đến nay Long An đã có 19 thương hiệu (16 cơ sở giết mổ), Đồng Nai có 14 thương hiệu (12 cơ sở), Bình Dương có 7 thương hiệu (7 cơ sở), Tiền Giang có 6 thương hiệu (6 cơ sở), Tây Ninh có 5 thương hiệu (5 cơ sở) và BR-VT có 3 thương hiệu (3 cơ sở).

Bên cạnh đó, trong bối cảnh đang có dịch CGC, ngành NN-PTNT TP HCM đã đề nghị ngành nông nghiệp các tỉnh lân cận gồm Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai và BR-VT, cung cấp danh sách các cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung an toàn dịch bệnh giữa các tỉnh, để phối hợp kiểm tra, giám sát khi tiếp nhận nguồn gia cầm, thủy cầm đưa vào giết mổ.

Tuy nhiên, theo một vị đại diện của Sở NN-PTNT Tây Ninh, ở tỉnh này, gia cầm chủ yếu nuôi nhỏ lẻ, do đó chỉ có 1-2 cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung an toàn dịch bệnh. Nếu chỉ gà vịt được nuôi tại các cơ sở tập trung an toàn dịch bệnh mới được đưa vào tiêu thụ ở TP HCM, thì sẽ gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm gia cầm của nông dân Tây Ninh.

Vì thế, nếu ở nơi xuất đi, cơ quan chức năng đã thực hiện kiểm dịch đầy đủ, nghiêm túc, thì cũng nên tạo điều kiện cho những sản phẩm gia cầm nhỏ lẻ có chứng nhận không bị dịch bệnh được tiêu thụ trên địa bàn TP.

Có một điều lạ là trong khi giá gà lông màu giảm do ảnh hưởng CGC, thì giá gà lông trắng (chủ yếu do DN đầu tư) lại đang tăng khá. Nếu như cách đây chưa lâu, giá gà lông trắng ở Đông Nam bộ còn ở mức thảm hại là 24.000-25.000 đ/kg, thì đến đầu tuần này đã ở mức 33.000-34.000 đ/kg. 

Đây là mức giá đã đủ để giúp cho những người nuôi gà trắng thoát ra khỏi tình trạng thua lỗ nặng nề về giá, bởi đã ngang hoặc nhỉnh hơn chút xíu so với giá thành.

Lý giải về việc giá gà lông trắng tăng mạnh trong khi giá gà lông màu, giá trứng đều giảm do ảnh hưởng bởi dịch CGC, ông Nguyễn Trí Công cho rằng, giữa con gà lông màu với con gà lông trắng, thì gà lông màu nhạy cảm hơn với tình hình dịch bệnh... Vì vậy, mới có chuyện giá gà lông trắng đang tăng lên trong khi giá gà lông màu giảm mạnh.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.