| Hotline: 0983.970.780

Giá heo hơi 50.000 đồng/kg chỉ là cá biệt

Thứ Hai 28/05/2018 , 09:15 (GMT+7)

Trước tình hình giá heo hơi đang tăng mạnh trong thời gian qua, ngày 26/5, Cục Chăn nuôi đã kiểm tra tình hình nuôi heo ở Đồng Nai nhằm đánh giá thực tế nguồn cung hiện nay.

Tại Đồng Nai, giá heo hơi hiện đang phổ biến ở mức 46.000 - 47.000 đồng/kg. Ông Lê Xuân Huy, Phó TGĐ Cty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam (CPV), cho hay, giá heo hơi mà CPV đang thu mua tại các trang trại hợp tác với Cty là 47.000 đồng/kg. Hàng ngày, CPV vẫn đang cố gắng đáp ứng đầy đủ đơn hàng của các đối tác. Họ đặt mua thịt heo với khối lượng bao nhiêu, CPV cố gắng đáp ứng hết bấy nhiêu.

11-46-40_gi_heo_50000_chi_l_c_biet
Một trang trại heo của C.P Việt Nam

Còn mức giá heo hơi 50.000 đồng/kg hoặc hơn ở một số địa phương? Về việc này, ông Nguyễn Kim Đoán, PCT Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết, sau 1 năm rưỡi giá heo luôn ở mức thấp, hàng loạt hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không còn khả năng chịu đựng, đã phải bỏ nuôi heo. Ở một số nơi, những thương lái nhỏ vốn chỉ mua, giết mổ với số lượng rất ít để bán thịt tại chỗ, không có khả năng vào mua ở các trang trại lớn. Họ buộc phải đi lùng heo hơi trong chuồng của một số hộ dân vẫn còn nuôi, và bị những hộ này hét giá theo kiểu “52.000 đồng/kg hơi, có mua thì mua”. Do đó, những mức giá 50.000 đồng/kg hơi hoặc hơn chỉ là cá biệt, mang tính cục bộ, không phản ánh đúng mức giá chung trên thị trường hiện nay. Ông Đoán khẳng định rằng trong đợt khủng hoảng giá heo kéo dài vừa qua, nếu không có nỗ lực của các công ty, trang trại lớn trong việc duy trì đàn heo, giá heo hơi hiện tại còn bị đẩy lên cao hơn nữa.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, giá heo hơi phổ biến trên toàn quốc hiện nay ở mức 45.000 - 46.000 đồng/kg. Những mức giá cao cỡ 50.000 đồng/kg hơi chỉ xuất hiện mang tính chất cục bộ tại một số địa phương mà nguồn heo hơi nuôi trong dân gần như không còn. Tại những nơi ấy, một số hộ dân còn nuôi heo đã tranh thủ hét giá cao khi những người thu mua, giết mổ với số lượng nhỏ tìm đến hỏi mua.

Hiện tại, nguồn cung thịt heo nói chung đang thấp hơn một chút so với nhu cầu. Nhưng nếu làm tốt những giải pháp sau sẽ góp phần làm tăng nguồn cung thịt heo, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng: Nâng cao năng suất vỗ béo heo thịt bằng thức ăn tốt, nguồn nước tốt, làm mát chuồng trại, qua đó làm tăng khối lượng thịt; bán heo ra đúng thời điểm (155 - 160 ngày nuôi), đúng khối lượng (100 - 120 kg/con); chăm sóc tốt đàn heo sinh sản nhằm nâng cao năng suất sinh sản, heo con sinh ra cần được giữ lại nuôi toàn bộ thành heo thương phẩm.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Dương, hiện nay, miền Bắc đã vào mùa hè, trời nóng bức, khó chịu, nên nhu cầu tiêu thụ thịt heo sẽ giảm. Còn theo đại diện của CPV, ở phía Nam, nhu cầu tiêu thụ thịt heo đang chuẩn bị giảm. Trước hết là do vào mùa hè, học sinh, sinh viên nghỉ học, khiến cho các bếp ăn tập thể ở các trường cũng tạm nghỉ. Khi bước vào tháng 7 âm lịch là mùa ăn chay, nhu cầu tiêu thụ thịt heo cũng sẽ giảm đi.

Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, từ nay đến hết Tết Nguyên đán năm 2019, nếu duy trì được giá heo hơi ở mức 40.000 - 45.000 đồng/kg là rất tốt. Vừa đảm bảo lợi nhuận tốt để người chăn nuôi có điều kiện phục hồi sau một thời gian dài thua lỗ nặng nề, vừa để người tiêu dùng vẫn chấp nhận được. Trong năm 2019, giá heo hơi chỉ cần giữ quanh mức 40.000 đồng/kg là tốt cho cả chăn nuôi lẫn tiêu dùng.

Theo báo cáo của các Sở NN-PTNT, trên cả nước hiện đang có 3,9 triệu heo nái. Nếu như trước thời điểm xảy ra khủng hoảng giá heo hơi, 60% lượng heo nái ở trong dân, thì hiện nay, phần lớn thuộc về các công ty, trang trại lớn. Nguyên nhân là do trong thời gian xảy ra khủng hoảng giá heo kéo dài, các công ty, trang trại lớn vẫn cố gắng duy trì đàn nái, cộng với việc tăng đàn nái tự nhiên. Trong khi đó, hàng loạt hộ nuôi nhỏ lẻ đã không thể duy trì đàn nái trong chuồng.

 

Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm