| Hotline: 0983.970.780

Giá heo tăng vọt, chạm mốc 38.000 - 40.000 đồng/kg

Thứ Năm 12/04/2018 , 08:25 (GMT+7)

Tuần trước, giá heo ở Nam Bộ đã tăng nhẹ từng ngày. Sang tuần này, trong mấy ngày qua, giá heo tăng vọt một cách chóng mặt. Ở nhiều nơi, giá heo hơi hiện đã ở mức 38.000 - 40.000 đồng/kg.

15-27-20_gi_heo_tng_lien_tuc
Một trại heo ở Chợ Gạo, Tiền Giang

Theo ông Trầm Quốc Thắng, chủ trang trại Gia Phát (xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM), giá heo hơi đang tăng chóng mặt kể trong mấy ngày đầu tuần này. Thứ 7 tuần trước, giá heo hơi ở Củ Chi dù đã tăng so với trước đó, nhưng mới chỉ ở mức bình quân 30.000 - 31.000 đồng/kg. Tới ngày thứ Hai tuần này, giá heo hơi đã nhảy lên ở mức 35.000 đồng/kg. Và đến thứ Tư (11/4), đã tăng lên tới 38.000 - 40.000 đồng/kg.

Tại “thủ phủ chăn nuôi” Đồng Nai, trong những ngày qua, giá heo hơi cũng tăng mạnh. Theo thông tin của một số chủ trang trại, giá heo hơi trên địa bàn hiện đã ở mức khoảng 37.000 - 38.000 đồng/kg. Thông tin từ Cty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, giá thu mua heo mà công ty đưa ra trong ngày 11/4 đã ở mức 37.000 đồng/kg. Ở nhiều tỉnh ĐBSCL, giá heo hơi hiện ở mức 36.000 - 37.000 đồng/kg.

Vì sao giá heo hơi tăng mạnh? Ông Trầm Quốc Thắng cho rằng, nguyên nhân chính là chênh lệch cung cầu. Trong hơn 1 năm qua, do giá heo thường ở mức thấp, phần lớn các hộ chăn nuôi nhỏ đã “kiệt sức”, không còn khả năng nuôi heo tiếp nữa. Nhiều trang trại cũng đã phải bỏ trống chuồng. Đến thời điểm này, chỉ còn các công ty duy trì được đàn heo.

Chính vì vậy, nguồn cung heo trên thị trường đã giảm xuống tới mức thấp hơn so với nhu cầu trên thị trường nội địa. Đây là nguyên nhân chính khiến cho giá heo đang tăng mạnh trong bối cảnh heo ở Đông Nam Bộ hiện vẫn gần như không xuất được sang Trung Quốc.

Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch HĐQT Cty Thanh Bình (Đồng Nai), cũng cho biết, hiện nay heo hơi ở tỉnh này vẫn chưa đi được ra phía Bắc để xuất sang Trung Quốc, bởi giá heo bên đó đang ở mức thấp. Do đó, thị trường Trung Quốc hiện không có tác động gì tới việc tăng giá liên tục vừa qua. Nhu cầu tiêu thụ ở thị trường nội địa vẫn đang khá ổn định, không có gì đặc biệt so với thời điểm chưa tăng giá.

Vì vậy, việc giá heo tăng mạnh chủ yếu do lượng heo thương phẩm đã giảm nhiều xuống mức thấp hơn so với nhu cầu của thị trường nội địa. Khi thấy giá heo hơi có dấu hiệu tăng lên, nhiều người chăn nuôi đã chủ động giữ heo lại, không vội bán ra ngoài, nhằm đợi giá cao hơn nữa mới bán để gỡ gạc lại vốn liếng sau một thời gian thua lỗ kéo dài. Các công ty có đàn heo lớn cũng nương theo diễn biến của thị trường mà nâng giá thu mua heo hơi cho các trang trại nuôi gia công. Những yếu tố này cũng góp phần “kích” giá heo Đông Nam Bộ tăng liên tục trong những ngày qua. Tuy nhiên, sự kích giá này hiện đang là một điều tốt để đưa giá heo hơi lên trên giá thành, giúp cho người chăn nuôi thoát lỗ.

Một yếu tố cũng không kém phần quan trọng trong việc làm cho giá heo hơi tăng mạnh là thị trường Campuchia đang có nhu cầu cao về thịt heo cho dịp tết cổ truyền của nước này. Những ngày qua, một lượng heo không nhỏ ở các tỉnh Nam Bộ đang được đưa tới biên giới Tây Nam để đi sang Campuchia. Ông Phạm Đức Bình cho hay, phải tới ngày 13/4, khi tết cổ truyền ở Campuchia kết thúc, thị trường này mới không còn nhiều tác động tới giá heo hơi ở Việt Nam.

Đánh giá về đợt tăng giá heo mạnh mẽ trong những ngày qua, nhiều chuyên gia, doanh nhân, chủ trang trại đều cho rằng hiện tại chưa thể khẳng định được sự tăng giá này có bền vững hay không, giá heo còn tăng lên nữa hay không… Vì vậy, dù giá heo hiện tại đã ở mức giúp cho người chăn nuôi có lãi sau một thời gian dài thua lỗ, nhưng bà con cũng cần bình tĩnh, xem xét, đánh giá thật thận trọng về cung cầu, không nên vội vàng đua nhau tái đàn.

Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm