| Hotline: 0983.970.780

Gia Lai định hướng tái canh gần 14.000ha cà phê

Thứ Tư 26/09/2018 , 13:45 (GMT+7)

Với diện tích hiện có khoảng 94.000ha cà phê, Gia Lai là một trong những địa phương có diện tích cà phê lớn của cả nước.

14-25-00_vuon_c_phe_ti_cnh_cu_b_ln_pht_trien_tot
Vườn cà phê tái canh phát triển tốt

Tuy nhiên, rất nhiều diện tích đã già cỗi, quá chu kỳ khai thác cần được cải tạo. Tỉnh Gia Lai định hướng đến năm 2020 phải tái canh gần 14.000ha cà phê.

Bà Nguyễn Thị Thúy Lan (thôn Hợp Hòa, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) có vườn cà phê hơn 1ha đã trên 20 năm tuổi. Vườn quá già cỗi, gia đình quyết định tái canh trồng mới. Cây giống được địa phương cấp không, mà theo bà Lan thì: "Cây giống rất đẹp, vườn cây lên xanh tốt, hy vọng sẽ mang lại năng suất, chất lượng cao".

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Prông, ông Nguyễn Văn Gặp cho biết: Kế hoạch từ nay đến năm 2020, huyện sẽ tái canh 2.000ha cà phê, riêng năm 2018 sẽ tái canh 400ha. Theo đăng ký của các địa phương, huyện đã cấp không cây giống phục vụ tái canh cho 481ha, đạt 130% kế hoạch. Đến nay, chương trình cấp cây giống đã hoàn thành, bà con đang khẩn trương xuống giống.

Ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, cho biết: "Kế hoạch tái canh cà phê năm 2018 là 2.270ha. Theo số liệu chúng tôi nắm được thì đến hết năm 2018 sẽ đạt khoảng 8.500ha, tức khoảng 63 - 65% kế hoạch toàn giai đoạn. Trong 2 năm còn lại, diện tích còn lại 5.000ha khả năng sẽ hoàn thành".

Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương phối hợp với các Sở, ngành liên quan, xác định cụ thể diện tích tái canh, thẩm định vườn cây đủ điều kiện tái canh để đề xuất với tỉnh hỗ trợ giống. Ngoài ra, đặc biệt chú trọng mở các lớp tập huấn, xây dựng các mô hình điểm để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh vườn cây cho bà con, ông Uyển cho biết thêm.

Thông qua Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), chương trình khuyến nông địa phương, chương trình hợp tác công tư về cà phê..., trong 3 năm qua, Sở NN-PTNT Gia Lai đã phối hợp với các địa phương tổ chức 131 lớp tập huấn và cấp chứng nhận về sản xuất và tái canh cà phê bền vững cho hơn 4.500 học viên (trong đó hơn 1.800 học viên là đồng bào dân tộc thiểu số); đã xây dựng được 14 mô hình điểm và đang triển khai xây dựng 18 mô hình điểm về sản xuất và tái canh cà phê bền vững, 15 vườn mẫu sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, VietGAP… trên địa bàn các huyện trọng điểm cà phê của tỉnh.

Nhằm tăng giá trị kinh tế cho các diện tích cà phê đang tái canh, tỉnh Gia Lai đã đề ra giải pháp trồng xen các loại cây ăn quả trong vườn cà phê theo hướng sản xuất bền vững. Trong tổng số gần 94.000ha cà phê toàn tỉnh, có khoảng hơn 4.200ha đã được trồng xen với các loài cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm như hồ tiêu, điều, sầu riêng, bơ, mít, xoài, chôm chôm…

Chương trình tái canh cà phê còn là tiền đề bước đầu, nhằm hình thành nên các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi bền vững. Tại Cty TNHH Vĩnh Hiệp, ngoài việc đầu tư sản xuất 45ha cà phê theo tiêu chuẩn organic (hữu cơ), doanh nghiệp còn liên kết với gần 4.000 hộ dân xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C với diện tích gần 5.000ha tại 4 địa phương là Đăk Đoa, Chư Sê, Chư Prông, Ia Grai. Còn với Cty TNHH Nestle thì đã liên kết với 9 doanh nghiệp trong tỉnh, xây dựng gần 8.500ha cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C với gần 5.000 hộ gia đình tham gia. 

Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty TNHH Vĩnh Hiệp khẳng định, để nâng giá trị và tạo sức cạnh tranh cho cà phê Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng, chúng ta cần phải xây dựng được vùng nguyên liệu đạt chuẩn chất lượng theo qui trình canh tác hữu cơ, từ đó mới tạo ra sản phẩm cà phê tốt nhất đủ sức cạnh tranh với cà phê rang xay trên thị trường thế giới.

Chỉ tính riêng trong 3 năm (2015 - 2017), tỉnh Gia Lai đã tái canh được hơn 6.000ha cà phê, dự kiến trong năm nay sẽ tiếp tục tái canh khoảng 2.300ha. Sở NN-PTNT tỉnh đã lồng ghép các chương trình khuyến nông triển khai cấp không cây giống cà phê đạt chuẩn TR4, TR9, TRS1 cho người dân các địa phương xây dựng nông thôn mới, vùng đồng bào dân tộc thiếu số khó khăn… Đến tới thời điểm này, toàn tỉnh đã tái canh được gần 2.000ha, đạt gần 90% kế hoạch.

 

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.