| Hotline: 0983.970.780

Gia Lai: Phát triển đàn gia súc ăn cỏ

Thứ Năm 28/11/2019 , 09:05 (GMT+7)

Nhằm bù đắp lượng thịt lợn hao hụt do dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Gia Lai đã chủ động cấp không tinh bò lai đông lạnh để nông dân phối giống nhân tạo.

08-31-05_ong_cnh
Ông Võ Đình Cảnh (thôn Hòa Bình, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) chăm sóc đàn bò của gia đình.

Ông Trịnh Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Gia Lai cho biết: Hiện toàn tỉnh có 9 huyện, thị nhận tinh để phối nhân tạo bò thịt. Riêng huyện Krông Pa mỗi năm phối 1.000 con bằng tinh của dự án khoa học.

Dự án bắt đầu triển khai từ tháng 10/2018, đến nay đã cấp được trên 6.000 liều tinh, sản xuất được trên 4.000 bê lai. Cũng theo ông Việt thì: "Chúng tôi sẽ cấp tinh đến hết năm 2020 của chương trình này, sau đó sẽ triển khai các chương trình khác theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT".

Ông Võ Đình Cảnh (thôn Hòa Bình, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) nuôi bò từ năm 2002 bằng giống bò pha lai, chăn thả tự nhiên trên đồng cỏ. Tuy nhiên, diện tích đồng cỏ cứ bị thu hẹp dần do cây cà phê và hồ tiêu phát triển mạnh nên đến năm 2016, 2.000 trụ tiêu của gia đình bị chết, ông phá tiêu trồng cỏ, nuôi bò nhốt chuồng.

Hai con bò mẹ lai Sind ông mua từ năm 2016, cho phối giống bằng biện pháp truyền thống (đực nhảy), mỗi năm, một con mẹ sinh được một bê con. Năm 2018, ông bắt đầu cho phối dịch vụ hai giống bò BBB và Bahman, mỗi lần phối hết 500 ngàn đồng, được bảo hành đến khi bê non ra đời. Đến tháng 10/2018, cũng như nhiều gia đình khác, gia đình ông được thụ hưởng giống tinh bò lai cấp không từ chương trình, chỉ phải trả tiền công cho dẫn tinh viên.

Ông Cảnh cho biết: Hai con bò mẹ được phối giống nhân tạo từ chương trình hiện đang mang thai tháng thứ năm. Cả hai bò mẹ đều ăn uống bình thường, sức khỏe tốt. Cũng theo ông Cảnh thì giống của chương trình sẽ đảm bảo hơn giống trôi nổi bên ngoài, do vậy chỉ một lần phối là bò mẹ đã thụ thai.

Cũng ở huyện Chư Prông, lão nông Nguyễn Thanh Tâm (thôn Tân Lạc, xã Bình Giáo) có thâm niên nuôi bò trên 50 năm. Đã có lúc, ông không nhớ nổi là đàn bò của mình có bao nhiêu con.

"Hồi trước, đồng cỏ mênh mông, sáng lùa bò đi, tối lùa về, con nào cũng căng tròn. Giờ không còn đồng cỏ, tôi nuôi bò lai nhốt từ năm 2016 đến nay". Từ khi nuôi nhốt, ông cho phối dịch vụ, mỗi năm 3 bò mẹ đẻ được 3 bê con. Cuối năm 2018, ông được thụ hưởng chương trình cấp không tinh bò lai, mỗi lần phối chỉ phải trả tiền công. Hiện 2 con bò mẹ giống Bahman đã thụ thai được 3 tháng.

08-31-05_2_con_me_bhmn_cu_ong_tm_d_mng_thi_tu_tinh_giong_cu_du_n
Hai con bò mẹ giống Bahman của ông Tâm mang thai từ tinh giống của dự án.

Cũng như ông Cảnh, ông Tâm cho biết: Giống bò từ chương trình rất đảm bảo bởi đã qua khâu xử lý và kiểm dịch của cơ quan chuyên môn. Do vậy, chỉ cần một lần phối là bò mẹ đã mang thai, không tốn nhiều thời gian và tiền bạc như trước.

Theo ông Tâm thì, nếu chăm sóc bài bản, nuôi bò lai rất có lãi. Một con bê 3 tháng giống BBB bán được 8 - 10 triệu đồng, nếu 8 tháng có thể bán được 26 triệu đồng.

"Bà con rất yên tâm với tinh giống được Nhà nước cấp. Việc này giúp giảm chi phí cho nông dân, đặc biệt yên tâm cho sức khỏe của bò mẹ và chất lượng của bò con, bởi giống của chương trình chắc chắn là đảm bảo chất lượng", ông Tâm cho biết.

Ông Đào Viết Khả, dẫn tinh viên ở huyện Chư Prông: "Chương trình cấp giống tinh bò lai cho nông dân rất có ý nghĩa, bởi giúp nông dân giảm chi phí, có giống đảm bảo chất lượng do tránh trùng huyết. Đối với bà con là người dân tộc thiểu số, đã tiết kiệm được một nguồn kinh phí không nhỏ. Đặc biệt bà con rất thích giống BBB vì có lượng thịt nhiều".

Ông Trịnh Quốc Việt"Gia Lai có đàn bò khoảng 400.000 con, lớn thứ hai cả nước, sau Thanh Hóa. Với diện tích tự nhiên rộng, vẫn còn nhiều đồng cỏ, thời tiết thuận lợi nên có điều kiện để phát triển chăn nuôi bò.  

Do lượng thịt lợn bị hao hụt mạnh do tác động từ dịch tả lợn châu Phi, chủ trương của ngành là phát triển gia súc ăn cỏ, gia cầm và thủy sản để thay thế, tiến tới giảm mức tiêu thụ thịt lợn.

Hiện tiêu thụ thịt lợn chiếm trên 70% tổng lượng tiêu thụ về thịt, thịt bò mới chiếm 7%, cơ cấu tiêu thụ này là chưa tốt, đang hướng tiêu thụ thịt lợn chiếm 60%. Phát triển đàn bò còn để tăng nguồn phân hữu cơ, phục vụ nền sản xuất nông nghiệp bền vững".

Xem thêm
Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

1 ha hồi cho thu nhập 400 triệu đồng/năm

BẮC KẠN Giá bán khoảng 30.000đ/kg, có những năm đỉnh điểm lên tới 70.000đ/kg, cây hồi đem lại thu nhập cao, trở thành cây giảm nghèo, làm giàu của nhiều nông hộ ở tỉnh Bắc Kạn.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.