| Hotline: 0983.970.780

Giả mạo hồ sơ chuyển nhượng, doanh nghiệp chiếm đất của dân?

Thứ Sáu 16/09/2016 , 14:40 (GMT+7)

Theo phản ánh, năm 2006, ông Nguyễn Cảnh Hà hợp đồng thuê hơn 6ha đất trồng lúa của 21 hộ dân xóm 2, xã Lạc Sơn (Đô Lương, Nghệ An) để nuôi trồng thủy sản, thời hạn thuê 8 năm, đáo hạn vào ngày 1/11/2014. Tuy nhiên, năm 2008, người dân phát hiện...

Tuy nhiên, năm 2008, người dân phát hiện, toàn bộ diện tích trên đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên người thân ông Hà và được quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới An Thiên Lý. Nhưng nhiều năm qua, toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã đáo hạn thuê vẫn phải bỏ hoang do nông dân không được phép sản xuất trong khi dự án bị đình chỉ.

 

Ai đưa nông dân vào “bẫy”?

Ông Phạm Đình Tứ, Bí thư Chi bộ kiêm xóm trưởng xóm 2, xã Lạc Sơn cho biết, năm 2006, 21 hộ dân xóm 2, xã Lạc Sơn cho ông Nguyễn Cảnh Hà, Giám đốc Cty TNHH Thiên An thuê hơn 6ha đất lúa tại bàu Kịnh để nuôi trồng thủy sản, thời gian thuê 8 năm, giá 500.000 đồng/sào (500m2). Hợp đồng sẽ đáo hạn vào năm 2014, ông Hà hứa sẽ tạo công ăn việc làm ổn định cho con em 21 hộ gia đình.

Đến năm 2007, ông Nguyễn Khắc Sơn, cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện Đô Lương đưa 1 tập hồ sơ đã được bà Nguyễn Thị Hồng, 72 tuổi và Nguyễn Thị Kim Liên (mẹ kế và vợ ông Hà) ký tên bên B đến từng hộ dân để xin chữ ký, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Mục đích nhận chuyển nhượng vẫn là nuôi trồng thủy sản, thời hạn chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng là 8 năm.

“Trong suy nghĩ của chúng tôi, việc chuyển nhượng thời gian 8 năm cũng giống như việc cho họ thuê đất 8 năm. Hết thời gian đó thì bên B phải trả lại. Thực tế là các hộ dân vẫn bám vào nông nghiệp để nuôi sống mình nên không ai nghĩ sẽ bán đất đi để lấy tiền, nếu có bán cũng không có giá rẻ mạt như thế”, ông Tứ cho biết.

Nhưng đến năm 2008, dự án vẫn “án binh bất động”, 6ha ruộng cỏ lau mọc um tùm. Khi lên xã để hỏi, người dân mới tá hỏa, toàn bộ diện tích đất các hộ dân chuyển nhượng cùng với một số diện tích đất công ích của xã đã được cấp 34 GCNQSDĐ mang tên bà Hồng, bà Liên. Toàn bộ diện tích này đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới An Thiên Lý.

Ông Trần Doãn Sơn, một trong những hộ cho thuê đất cho biết: “Nếu biết có một dự án sắp triển khai, chúng tôi đã không cho ông Hà thuê đất mà lại thuê với giá rẻ mạt như vậy để đến nay có nguy cơ trắng tay.

Vì sao, GCNQSDĐ của chúng tôi vẫn chưa được thu hồi nhưng đã cấp GCNQSDĐ cho bà Hồng, bà Liên? Chúng tôi đã đồng loạt làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ và trả đất đúng thời hạn để nhân dân sản xuất. Nhưng đến nay, khi thời hạn thuê đất đã quá 2 năm, trong khi ruộng lau lách mọc đầy thì người dân vẫn không có đất trồng lúa.

Nhiều hộ làm liều đã xây dựng một số công trình, chuồng trại để thả cá, chăn nuôi nhưng chính quyền địa phương ra ngăn cản. Chúng tôi rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, không biết sẽ lấy gì ăn trong thời gian sắp tới. Khẩn thiết đề nghị các cấp ngành làm rõ trắng đen, xử lý nghiêm những người vi phạm và trả lại đất cho nông dân sản xuất”.

 

Giả mạo hồ sơ chuyển nhượng đất

Điều đáng nói, trong số 21 hộ có hợp đồng chuyển nhượng đất cho bà Liên và bà Hồng thì có 3 hộ khẳng định, họ đồng ý cho ông Hà thuê đất nhưng không hề ký vào hồ sơ chuyển nhượng đất cho bà Hồng, bà Liên. Thậm chí, một số hợp đồng còn ghi sai họ tên bên chuyển nhượng; một số chữ ký các thành viên trong gia đình cũng bị giả mạo. Những hộ còn lại, vì cho rằng, ông Hà chỉ thuê 8 năm (có ghi trong hợp đồng) rồi sẽ trả lại theo đúng cam kết nên đã đồng ý ký vào hợp đồng chuyển nhượng…

Kết luận Thanh tra số 30/KL-UBND.ĐC ngày 29/1/2011 của UBND tỉnh Nghệ An, do ông Nguyễn Đình Chi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký khẳng định diện tích được chuyển nhượng là đất 2 lúa. Bà Hồng, bà Liên nhận chuyển nhượng với mục đích nuôi trồng thủy sản là sai quy định, đề nghị UBND huyện Đô Lương hủy kết quả chuyển nhượng và thu hồi 34 GCNQSDĐ của bà Hồng, bà Liên.

10-40-19_2
Ông Sơn, ông Tứ cho rằng, cần xử lý nghiêm các đối tượng làm hồ sơ giả, trả lại đất cho dân sản xuất

 

Tuy nhiên, đến ngày 27/3/2013, ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An lại ký văn bản số 111/KL-UBND.KT rà soát lại Kết luận thanh tra số 30/KL-UBND.ĐC. Văn bản này gần như phủ bác lại toàn bộ văn bản thanh tra trước đó, cho rằng, diện tích đất được chuyển nhượng đa phần là đất 1 lúa, đất nuôi trồng thủy sản.

Đáng chú ý, văn bản này còn khẳng định, cả 21 hộ gia đình đã thỏa thuận ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ cho bà Hồng và bà Liên và “Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì 21 hộ gia đình, cá nhân nêu trên đã chấm dứt QSDĐ của mình vì bà Nguyễn Thị Hồng và và Nguyễn Thị Kim Liên đã hoàn thành nghĩa vụ của mình”.

Không chấp nhận kết luận này, các hộ dân tiếp tục viết đơn khiếu nại, tố cáo lên cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Đô Lương, yêu cầu điều tra làm rõ.

Ngày 18/7/2014, Công an huyện Đô Lương có Thông báo giải quyết đơn tố cáo số 801/CSĐT. Văn bản này kết luận: Trong 21 hợp đồng chứng nhận quyền sử dụng đất của 21 hộ dân (bên nhận chuyển nhượng - tức là bà Hồng và bà Liên) do Nguyễn Khắc Sơn tự ký…

Có 3 hộ (bên A - PV) không ký, viết vào hợp đồng; một số chữ ký của bên A do Nguyễn Khắc Sơn tự ký; một số chữ viết, chữ ký trong các hợp đồng không xác định được của ai... Văn bản này cũng khẳng định, ngày 29/1/2008, UBND xã Lạc Sơn đã bán cho ông Nguyễn Cảnh Hà 12.974m2 đất nông nghiệp và thu 362.272.000 đồng.

Công an huyện Đô Lương đã xác định được việc làm hồ sơ chuyển nhượng đất là do ông Nguyễn Khắc Sơn, cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện Đô Lương giả mạo chữ ký bên B (bên nhận chuyển nhượng) và một số chữ ký của bên A. Ông Hoàng Đình Dũng, nguyên Chủ tịch UBND xã và ông Đinh Xuân Thành cán bộ địa chính xã Lạc Sơn; bà Trần Thị Lành, cán bộ Văn phòng Đăng ký QSDĐ huyện Đô Lương cũng đã thừa nhận sai phạm trong việc bán đất cũng như liên quan đến việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của 21 hộ dân.

“Tôi nghĩ, những hành vì như vậy, nếu chỉ nhận hình thức khiển trách thì chưa đủ sức thuyết phục mà cần phải truy cứu trách nhiệm của những người này đồng thời không công nhận tính hợp pháp của các hợp đồng chuyển nhượng”, ông Sơn thẳng thắn.

+ Ngày 8/7/2015, UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 2899/QĐ-UBND.KT thu hồi, hủy bỏ kết luận thanh tra số 30 và 111. Ngày 13/8/2015, Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 01/2015/QĐ-ST đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hành chính, yêu cầu hủy Kết luận số 111. Ngày 15/8/2015, UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định số 1926/QĐ.UBND-XD về việc thu hồi hủy bỏ quy hoạch xây dựng dự án Khu đô thị mới Thiên Lý.

+ Liên quan đến sự việc, ông Nguyễn Trọng Hợi, Phó phòng TN-MT huyện Đô Lương cho biết: “Hiện tại, bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng đang tranh chấp nên không thể giao đất cho người dân sản xuất.

Theo Luật Đất đai từ 2013 trở về trước, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp là 20 năm, sau này gia hạn thành 50 năm. Thời điểm chuyển nhượng, các hộ dân có ý chuyển nhượng hết thời gian được cấp GCN, nếu thời hạn còn hơn 8 năm thì họ cũng chuyển hết.

Về lý, các hộ chuyển nhượng đã chấm dứt quyền sở hữu đất từ thời điểm chuyển nhượng. Giờ cũng sẽ gia hạn đủ 50 năm nhưng chưa biết nên gia hạn cho bên nào. UBND tỉnh cũng đang xin ý kiến của Chính phủ và Bộ TNMT hướng xử lý…”.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất