| Hotline: 0983.970.780

Gia súc, gia cầm lên Tây Nguyên: Gia Lai "bít cửa"!

Thứ Năm 13/02/2014 , 10:46 (GMT+7)

Từ giữa tháng 8/2013 đến nay, gia súc, gia cầm của Bình Định đã phải lâm cảnh khốn đốn vì bị tắc đường tiêu thụ tại thị trường các tỉnh Tây Nguyên khi Gia Lai liên tục “bế quan” theo các Công điện số 18/CĐ-UBND (ngày 20/8/2013) và số 01/CĐ-UBND (ngày 9/1/2014).

Từ giữa tháng 8/2013 đến nay, gia súc, gia cầm của Bình Định đã phải lâm cảnh khốn đốn vì bị tắc đường tiêu thụ tại thị trường các tỉnh Tây Nguyên khi Gia Lai liên tục “bế quan” theo các Công điện số 18/CĐ-UBND (ngày 20/8/2013) và số 01/CĐ-UBND (ngày 9/1/2014) với quy định “Tạm dừng nhập gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm vào tỉnh Gia Lai; kể cả quá cảnh qua địa bàn, dù đã được cấp giấy kiểm dịch”.

Quy định trái với Pháp lệnh Thú y

Bình Định là 1 tỉnh có ngành chăn nuôi khá phát triển so với các tỉnh trong khu vực với đàn trâu bò hơn 267.000 con, đàn heo hơn 678.000 con, đàn gia cầm hơn 6,5 triệu con. Hàng năm, gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm xuất đi các tỉnh Tây Nguyên gồm Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Kom Tum… với số lượng rất lớn.

Tuy nhiên, vào giữa tháng 8/2013, với lý do tăng cường thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 127 TW tại văn bản số 38/BCĐ-QLTT (ngày 9/8/2013), UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Công điện số 18 “bít” cửa ngõ đi qua địa bàn tỉnh đối với gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm. Phân tích của ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định thì Công điện số 18 của UBND tỉnh Gia Lai chẳng ăn nhập gì với tinh thần chỉ đạo của văn bản số 38 Ban Chỉ đạo 127 TW.


Gia súc từ Bình Định không được quá cảnh Gia Lai để đi các tỉnh Tây Nguyên

“Văn bản số 38 của Ban Chỉ đạo 127 TW chỉ đạo việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu; buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm nhập lậu qua biên giới các nước Lào và Campuchia. Cả Công điện số 12/CĐ-BNN-TY của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng chỉ đạo việc tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn lây nhiễm cúm gia cầm qua biên giới. Hơn thế nữa, hiện Gia Lai không xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm bắt buộc phải công bố dịch theo quy định của Bộ NN-PTNT.

Ở Bình Định cũng không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Do đó, Công điện số 18 của UBND tỉnh Gia Lai quy định cấm vận chuyển gia súc, gia cầm qua địa bàn tỉnh này là nằm ngoài phạm vi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 127 TW và Công điện của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Ngoài ra, việc “bế quan” đối với gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm qua Gia Lai không phù hợp với Pháp lệnh Thú y và Nghị định số 33/2005/NĐ-CP (ngày 15/3/2005) của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y và các văn bản hướng dẫn của Bộ NN-PTNT về quy định kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật”, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định, ông Phan Trọng Hổ, nói.

Trước bất hợp lý của sự “bế quan” đối với gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm của Gia Lai, ngày 10/10/2013, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản số 4178/UBND-TH kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét, chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đã được cơ quan thú y có thẩm quyền kiểm dịch theo quy định của pháp luật được qua địa bàn tỉnh Gia Lai trên QL19 để đến thị trường các tỉnh Tây Nguyên, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi của Bình Định. Tuy nhiên, đến giờ “cửa ngõ Gia Lai” vẫn đóng im ỉm. Gia Lai vẫn nói “không” với gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm từ Bình Định đi qua địa bàn.

Khốn khổ dắt dây

Theo thống kê của Chi cục Thú y Bình Định, mỗi tháng tỉnh này xuất đi các tỉnh Tây Nguyên hơn 10.000 con heo; hơn 700 con bò; hơn 30.000 con gia cầm và hơn 1 triệu quả trứng gia cầm các loại. Lượng hàng xuất kể trên góp phần đảm bảo cung cấp nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng các địa phương nói trên; đồng thời giúp sản phẩm chăn nuôi của Bình Định ổn định đầu ra, người chăn nuôi yên tâm sản xuất.

Thế nhưng từ khi Gia Lai “bít cửa”, không chỉ có người chăn nuôi ở Bình Định lâm cảnh long đong vì mất nhiều thị trường tiêu thụ lớn mà cả thương lái đến chủ các phương tiện chuyên vận chuyển gia súc, gia cầm từ Bình Định đi các tỉnh Tây Nguyên cũng long đong theo.

Chị H ở phường Bình Định, TX An Nhơn (Bình Định), một thương lái chuyên cung cấp gà cho thị trường các tỉnh Tây Nguyên, than thở: “Suốt mấy tháng nay những người chuyên buôn bán gà đi Tây Nguyên như tui đều lâm cảnh khốn đốn. Bạn hàng thì kêu như réo vì không có hàng để bán, nhưng làm sao ai dám đi khi cái chốt chặn bên kia đèo Cù Mông thuộc địa phận Gia Lai không cho gia súc, gia cầm đi qua.

Thà nghỉ mua bán, nhịn ăn nhịn tiêu chứ đi kiểu phập phồng mất đứt vốn như chơi, lúc ấy đến cả cháo cũng không có mà ăn. Gần Tết Giáp Ngọ vừa qua, tui làm liều đi trót lọt mấy chuyến. Ăn Tết xong mua gà chuẩn bị đi khai hàng đầu năm thì nghe thông tin Gia Lai lại không cho gà đi qua. Lỡ mua rồi đành phải nhốt gà lại chờ họ cho đi mới dám đi. Gà nhốt lâu bị xuống cân, đành bán đổ bán tháo cho các quán ăn, thà chịu lỗ chút đỉnh còn hơn mất vốn”.


Không xuất được, chợ gà cũng ế ẩm vì vắng thương lái đi mua

Chị L, chủ phương tiện chuyên vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh Tây Nguyên cũng bức xúc: “Xe tui chạy tuyến đường Bình Định - Đăk Lăk đã 3 năm nay, chở đủ thứ hàng nhưng chủ yếu là gà. Tui có đến 15 bạn hàng đi gà, mỗi chuyến đi từ 30 đến 40 giỏ (20 con/giỏ). Mặc dù gà của bạn hàng xe tui có kiểm dịch đàng hoàng nhưng suốt mấy tháng qua phía Gia Lai vẫn không cho đi. Qua năm mới, bạn hàng tưởng Gia Lai đã dỡ bỏ lệnh “cấm vận gà”, ai nấy đều đi mua gom chuẩn bị đi thì sáng nay (11/2) nghe các nhà xe bạn thông tin là cái chốt tại đèo Cù Mông vẫn chặn gắt, tui cấp tốc gọi điện thông báo với bạn hàng đừng mua gà nữa. Bạn hàng tui khóc ròng. Bạn hàng gà đi không được thì nhà xe cũng đói theo. Đói dắt dây!”.

Theo chị P, một thương lái ở Kon Tum chuyên mua gà ở Bình Định về bán tại địa phương cho biết, từ khi gà bị “chặn” tại cửa ngõ Gia Lai, người tiêu dùng ở Kon Tum đành phải chịu ăn các loại gia cầm và gia súc giá đắt vì khan hàng. Các quán cháo gà, phở gà gọi hàng reo réo nhưng không có gà để bán. Các quán nhậu cũng vắng hẳn món lẩu gà lá giang, gà chiên mắm, gà nướng mọi…

Thậm chí đến cả trứng gà, trứng vịt cũng khan hiếm trên thị trường. Người tiêu dùng gặp khó thì người buôn bán chạy chợ càng gặp khó hơn, vì không có hàng để mua đi bán lại, đành chịu thất nghiệp dài dài suốt thời gian qua. Không chỉ ở Kon Tum, người tiêu dùng và người mua bán thịt gia súc, gia cầm ở Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước… cũng lâm cảnh tương tự. Thậm chí đến người chăn nuôi gia cầm ở các tỉnh Tây Nguyên cũng gặp trắc trở trong SX bởi không có gà giống để thả nuôi.

“Gia Lai không cho gia súc, gia cầm nhập tỉnh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan đàn gia súc, gia cầm của tỉnh là điều còn có thể hiểu được. Về chuyện cấm luôn việc vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm từ Bình Định qua QL19 thuộc địa bàn Gia Lai để về các tỉnh Tây Nguyên là quy định quá đáng.

Sự thể trên ngoài gây bức xúc cho người tiêu dùng, còn tạo điều kiện cho tư thương ép giá và đáng quan ngại nhất là người chăn nuôi ở Bình Định hoang mang vì việc tiêu thụ sản phẩm bị ách tắc”, ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất