| Hotline: 0983.970.780

Gia tăng bệnh tay chân miệng ở phía Nam

Thứ Sáu 12/10/2018 , 08:25 (GMT+7)

Dân nhập cư và công nhân lao động ở các tỉnh Đông Nam bộ ngày một tăng, đó chính là nguy cơ khiến dịch bệnh tăng cao và diễn biến phức tạp. 

Trước sự lây lan nguy hiểm của bệnh tay chân miệng (TCM), Bộ Y tế, UBND TP.HCM cũng đã có những chỉ đạo với các bệnh viện, trường học, gia đình…

12-20-00_hinh_1-
Số bệnh nhi mắc TCM tăng cao trong tháng 9/2018

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), 9 tháng qua, cả nước ghi nhận 53.529 ca mắc TCM; trong đó 6 trường hợp tử vong (1 ở Bến Tre, 1 ở Đồng Tháp, 1 ở Bình Dương, 1 ở Đồng Nai, 2 ở Tây Ninh). Các tỉnh, TP có số ca mắc TCM tăng nhanh như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng…

Tại TP.HCM, theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP, trong 40 tuần năm 2018, số ca TCM là 21.322 ca (nội trú là 4.066 ca), trong đó 6 ca độ 4 và 14 ca độ 3. Đặc biệt ở tuần 38 có 289 ca bệnh TCM nhập viện, tăng 47% so với trung bình 4 tuần trước đó (194 ca), tăng 130% so với tuần cùng kỳ 2017 (124 ca).

Theo ghi nhận của PV Báo NNVN, dọc hai bên hành lang của Khoa nhiễm, BV Nhi Đồng 2, phải tăng cường thêm giường bố để cho trẻ nội trú nằm điều trị (đối với những ca mắc TCM nhẹ) để tránh trẻ phải nằm chung, dễ lây lan bệnh.

Anh Chu Văn Thanh ở Bình Phước có 2 con sinh đôi 15 tháng tuổi đều mắc bệnh TCM. Lúc đầu một bé sốt cao trên 38 độ, anh nghĩ con viêm họng nên cho uống thuốc hạ sốt, đến ngày thứ hai thì bé xuất hiện vài đốm hồng, và lúc này đứa con thứ hai cũng bị sốt cao. Nghi con bị mắc TCM, vợ chồng anh đưa con lên BV Nhi Đồng 2 mới biết 2 bé đều mắc TCM độ 3.

Trong phòng cấp cứu của Khoa nhiễm, hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Hưng ở Đăk Lăk cùng bà ngoại thay phiên nhau chăm sóc bé N.H.T.A (16 tháng tuổi). Anh cho biết, con bị sốt cao gần 40 độ, anh cứ nghĩ con sốt vì mọc răng.

12-20-00_hinh_2
BS Trần Ngọc Lưu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đang điều trị cho bé N.H.T.A 16 tháng tuổi, quê ở ĐăkLăk

“Chủ nhật tôi cho bé đi khám ở một phòng khám tư vẫn chưa phát hiện bệnh TCM, nhưng sang đầu tuần, thấy con nổi hồng ban dưới lòng bàn chân một vài nốt nhỏ nên tôi đưa cháu đến BV tỉnh. Chiều cùng ngày thì bé lên cơn co giật, mắt nhìn một chỗ mà không có biểu hiện gì, nghiến răng liên tục nên cả nhà đã đưa bé cấp cứu tại BV Nhi Đồng 2”.

BS Trần Ngọc Lưu, người trực tiếp điều trị cho bé A cho biết: “Khi vào viện đã bị TCM ở độ 4, đã qua giai đoạn sốc, nhưng bé bị nhiễm trùng phổi nên phải điều trị kháng sinh tích cực. Hiện bé có biểu hiện di chứng như lay gọi có biết nhưng không phản ứng, về lâu dài phải điều trị ổn định viêm phổi và nhiễm trùng cùng với vật lý trị liệu để hồi phục chức năng”.

Theo BS Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa nhiễm, đối với những trẻ có nguy cơ như sốt cao liên tục không hạ sốt, nổi hồng ban ở tay chân, loét miệng, chảy nước miếng nhễu nhão, đau miệng, quấy khóc bứt rứt, đêm ngủ không ngon thì phải cho trẻ đi đến cơ sở y tế để khám.

Bệnh TCM diễn biến rất nhanh, nếu không điều trị kịp thời, gặp biến chứng như viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp… có thể dẫn đến tử vong. Khi trẻ sốt cao liên tục không hạ, đi đứng loạng choạng, khi ngủ giật mình, chới với thì nên đưa trẻ đi khám ngay. Hiện nay, phác đồ điều trị đã chuẩn hóa và nơi nào cũng có thể điều trị được, đối với những trường hợp mắc TCM nhẹ thì điều trị tại cơ sở tuyến dưới.

Trẻ bị bệnh TCM cho nghỉ học từ 7- 10 ngày, cách ly với các trẻ khác để tránh lây nhiễm. Quan tâm hơn đối với nhóm trẻ từ 1- 3 tuổi vì nhóm này chiếm 80-90% số ca mắc bệnh TCM do không có kháng thể, đề kháng yếu. Ngoài ra, phải vệ sinh, sát khuẩn vật dụng, đồ chơi của trẻ ở nhà, trường học nơi có trẻ bị bệnh TCM…

Bệnh viện phải tách ly những trẻ bị bệnh với trẻ mắc bệnh khác để tránh lây nhiễm chéo và hạn chế người thân tới thăm. BS Việt cũng cho biết, bệnh TCM gia tăng, nhưng chưa bùng phát mạnh như năm 2011, bởi các BV có thể kiểm soát được bệnh, cùng với trang thiết bị y tế ngày càng hiện đại.

12-20-00_hinh_3
Hai con của anh Chu Văn Thanh ở Bình Phước đều mắc TCM độ 3

Còn tại Đồng Nai, BS Trần Minh Hòa, PGĐ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, tính đến ngày 8/10, có 2.880 ca TCM nhập viện, 5.480 ca ngoại trú. Số ca tiếp tục tăng cao trong tháng 9, trong đó 200 ca nội trú và 500 ca ngoại trú mỗi tuần.

Tại Bình Dương, có 112 ca mắc sởi và hơn 3.000 ca bệnh TCM. Đây cũng là 1 trong 5 tỉnh miền Đông Nam bộ có số ca bệnh tay chân miệng và sởi tăng cao trong thời gian gần đây.

Tại Hội nghị “Tăng cường công tác phòng, chống bệnh TCM và sởi 26 tỉnh, thành phía Nam diễn ra chiều 10/10”, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, dịch bệnh có chiều hướng phát sinh ở các KCN, nơi có số lượng công nhân lao động, người nhập cư, vãng lai biến động liên tục.

Trong khi đó, điều kiện nhà ở, vệ sinh môi trường, nước thải, nước sạch kém. Đặc biệt, có đến 90% đối tượng là người nhập cư, công nhân chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc không rõ lịch sử tiêm chủng.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) yêu cầu các bệnh viện phải tập trung phát hiện bệnh nhân TCM sớm và điều trị kịp thời, phân luồng, điều trị theo đúng phác đồ, tránh để quá tải ở bệnh viện tuyến trên. Bên cạnh đó, kiểm soát nhiễm khuẩn, chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Phải phòng chống dịch trước khi có dịch

Chiều 11/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến làm việc, thăm hỏi các bệnh nhân, y bác sĩ của BV Nhi Đồng 1 (TPHCM) trong thời điểm bệnh theo mùa (sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng) có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp trong tháng 8, 9 và 10 như hiện nay.

Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác cấp cứu, khám chữa bệnh của BV, đặc biệt Phó Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực của các cán bộ, y bác sĩ suốt 3 tháng trước khi các bệnh mùa mưa tăng cao đã cải tạo được khu căng tin khang trang, sạch sẽ để có thể kê thêm 40 giường nằm cho bệnh nhân.

Phó Thủ tướng ghi nhận sự hợp tác ứng cứu khi có dịch bệnh, cũng như trong hội chẩn để chăm sóc bệnh nhi của 3 BV Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Nhi đồng TPHCM. “Phòng chống dịch bệnh phải làm quyết liệt, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, chính quyền và triển khai trước khi dịch xuất hiện, chứ không phải có dịch rồi mới chống”, ông Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

PV

 

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.