| Hotline: 0983.970.780

Giả thuyết Triều Tiên là một nước 'không bình thường' và không hành động...

Thứ Sáu 16/09/2016 , 13:15 (GMT+7)

Mặc dù là một nước trong nhóm nghèo nhất thế giới nhưng Triều Tiên lại nằm trong nhóm ít nước có đủ trình độ để sản xuất vũ khí hạt nhân. Đất nước này cũng duy trì chính sách ưu tiên tất cả nguồn lực cho quân đội. Theo đuổi chương trình hạt nhân là con đường logic...

Sau vụ thử hạt nhân hồi tuần trước mà nhiều nhà khoa học cho là mạnh nhất CHDCND Triều Tiên từng thực hiện thì những phản ứng đã trở nên quen thuộc của cộng đồng quốc tế lại được khơi dậy mạnh mẽ.


Ảnh vệ tinh chụp hầm thử hạt nhân của Triều Tiên

 

Sẽ có những lệnh trừng phạt mới được ban hành, hiệu quả của nó sẽ là không đáng kể (nếu như những lệnh trừng phạt trước không có tác dụng thì không có lí do gì để tin rằng lần này nó sẽ có hiệu quả) nhưng sẽ là liều thuốc tinh thần cho các nước liên quan rằng ít nhất họ đang làm một điều gì đấy. Một chỉ trích có lẽ sẽ được nhấn mạnh lại một lần nữa là hành động của Kim Jong Un và Triều Tiên chứng tỏ Triều Tiên là một nước không thể đàm phán được và không tuân theo bất kì một qui luật nào.

Liệu nhận xét này có đúng?

Giả thuyết Triều Tiên là một nước “không bình thường” và không hành động theo bất kì một lí lẽ hợp lí nào là một giả thuyết hay được những nhà lãnh đạo thế giới gọi Triều Tiên sau mỗi một khi đất nước bí ẩn nhất thế giới này làm căng thẳng tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Nó đi theo dòng logic là mặc dù là một nước trong nhóm nghèo nhất thế giới nhưng Triều Tiên lại nằm trong nhóm ít nước có đủ trình độ để sản xuất vũ khí hạt nhân. Đất nước này cũng duy trì chính sách ưu tiên tất cả nguồn lực cho quân đội. Đã có nhiều ghi chép về lương thực được gửi theo đường cứu trợ của Mỹ, Hàn hay các tổ chức cứu trợ thế giới để cứu đói cho dân thường bị điều chuyển thẳng vào kho của quân đội.

Việc đóng cửa với thế giới cũng khiến cho Triều Tiên tụt lại ở mọi mặt mặc dù là một nước có tài nguyên và khoáng sản. Vào cuối những năm 1950 sau khi cuộc chiến Triều Tiên kết thúc, Triều Tiên là nước giàu hơn Hàn Quốc nhưng nếu như Hàn Quốc ngày nay là nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á và thứ 11 thế giới thì Triều Tiên lại lùi lại đáng kể so với chính họ sau cuộc chiến, hậu quả của những lệnh cấm vận liên tục và những nước đồng minh cũ cũng không muốn “dây dưa” với nước này trừ Trung Quốc. Một vài ví dụ đơn giản này chỉ làm minh họa thêm sự tưởng chừng phi logic của chính quyền Bình Nhưỡng trong cách vận hành đất nước.

Và nếu nói Triều Tiên là một nước “không bình thường” cũng có phần đúng. Điều này thể hiện rõ nhất qua chính sách đối nội của họ khi là một trong những nước có hồ sơ nhân quyền tồi tệ nhất thế giới. Chính quyền Bình Nhưỡng như tồn tại ở một thời gian, không gian khác so với phần còn lại của thế giới.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un có lẽ cũng là “xưa nay hiếm” với kiểu hành xử mạnh tay mà phương Tây xếp vào hàng “độc tài”. Xử tử chú ruột để củng cố quyền lực ngay sau khi lên chức lãnh đạo tối cao hay xử tử quan chức bằng súng phòng không làm mọi người liên tưởng đến ISIS nhiều hơn là lãnh đạo một nhà nước được luật pháp quốc tế công nhận.

Triều Tiên cũng là nước duy nhất trên thế giới mà mạng internet bị cấm sử dụng mà thay vào đó là một hệ thống mạng riêng của nhà nước này được thiết kể đặc biệt để kiểm soát khối lượng thông tin mà người dùng có thể truy cập.

Nhưng không nên để những điều này làm mờ nhận định cuối cùng về Triều Tiên, đặc biệt là trong cách tiếp cận đối với chương trình hạt nhân. Khác xa nhận định rằng theo đuổi chương trình hạt nhân chứng minh sự phi logic của Bình Nhưỡng, theo đuổi chương trình hạt nhân là con đường logic duy nhất của Triều Tiên để đạt được lợi ích quốc gia của mình.

Điều này nghe có vẻ phi lí vì lợi ích quốc gia của Triều Tiên sao lại là tự làm đói dân của mình và tách xa với thế giới. Từ góc nhìn của Triều Tiên, lợi ích quốc gia hàng đầu của họ là duy trì chế độ chính trị hiện tại và giữ quyền lực cho Đảng Lao động. Bất kì sự gần lại với thế giới cũng sẽ khiến điều này thay đổi.

Việc phát triển vũ khí hạt nhân cũng là điều dễ hiểu nếu phán xét Triều Tiên theo phương diện này. Chỉ khi được công nhận là một nước sở hữu vũ khí hạt nhân thì hiểm họa về một cuộc xâm lược quân sự của Mỹ và Hàn Quốc mới không trở thành hiện thực. Nhiều người lúc này sẽ chỉ về ví dụ về chiến tranh Triều Tiên khi Trung Quốc lúc đó đưa hơn 1 triệu quân tràn qua sông Áp Lục để đối đầu trực tiếp với Mỹ nhưng hoàn cảnh khi đó rất khác lúc này. Mỹ và Trung Quốc ít có khả năng đụng độ trực tiếp do ràng buộc kinh tế nên Triều Tiên buộc phải tìm cách tự cứu mình.


Tên lửa chiến thuật tầm xa Scud, loại tên lửa sẽ trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều nếu Triều Tiên có được công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp lên tên lửa

 

Nhiều học giả lo ngại việc Triều Tiên, theo logic của một người “không bình thường”, sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công trước. Điều này gần như không có khả năng xảy ra. Triều Tiên là một nước kì lạ nhưng giới lãnh đạo đủ thông minh để không đưa họ vào con đường tự sát. Việc có được vũ khí hạt nhân và liên tục tổ chức thử nghiệm là cách Triều Tiên răn đe các nước khác về tiềm lực của mình và chớ có suy nghĩ về thay đổi chế độ Triều Tiên bằng liệu pháp quân sự.

Giấc mơ về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên khó có thể trở thành hiện thực. Một khi chính quyền ở Triều Tiên vẫn xem việc duy trì sự tồn tại của chế độ là mục tiêu hàng đầu thì con đường duy nhất để đạt được điều đó là sở hữu vũ khí hạt nhân. Có thể hiện tại Triều Tiên chưa có công nghệ thu nhỏ vũ khí này để lắp lên tên lửa hành trình nhưng nếu điều này trở thành hiện thực trong tương lai, nó cũng sẽ không làm gia tăng nguy hiểm cho Mỹ nhiều lắm. Lí do đơn giản là nếu như Mỹ không nổ phát súng đầu tiên thì Triều Tiên không có lí do gì để làm điều tương tự.

(Nghiên cứu sinh, Đại học Manchester)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.