| Hotline: 0983.970.780

Giả thuyết về con gà

Thứ Năm 02/02/2017 , 09:22 (GMT+7)

Trận bão vừa tràn qua khu làng nghèo. Già nửa số nóc nhà trong làng bị sụp. Nhà giáo Thứ bị tốc gần hết một bên mái...

LỜI TÁC GIẢ:

Vài năm trước, một nhà văn đáng kính đã viết trong hồi ký của mình chuyện về nhà văn Nam Cao mà ông được chứng kiến. Đó là câu chuyện buồn, không hay ho, và rất khó tin, khiến giới văn chương sửng sốt, choáng váng. 

Tôi đã thử tìm cách lý giải câu chuyện rồi nói với một nhà thơ già. Ông bảo tôi:

- Như chú nói thì làng quê Nam Cao chỉ cách làng chú một con sông hẹp. Có thể hồi bé, chú ở trong đám trẻ hai làng vẫn bơi qua sông chơi với nhau. Đấy chính là cái lý để chú “xông ra” viết về chuyện này. Nếu có người không hiểu sâu xa sự việc, cứ trói gô nhà văn tử tế của quê chú vào một điều xằng bậy, thì chú có yên lòng không? 

Vâng, thì tôi viết. Và viết theo lối viết của nhân vật chính trong truyện này.                      

*** 

Trận bão vừa tràn qua khu làng nghèo. Già nửa số nóc nhà trong làng bị sụp. Nhà giáo Thứ bị tốc gần hết một bên mái. Dù chẳng có chút kỹ thuật gì về việc lợp nhà bằng rạ, Thứ vẫn liều trèo lên dặm vá cho cái mái kín lại. Che đậy sơ sài như y đang làm, thì gặp trận mưa đền cây sau cơn bão trong nhà sẽ lũ lụt như ngoài sân. Thứ chỉ muốn không nhìn thấy bầu trời xám xịt đáng ghét, như bộ mặt thiết bì của một kẻ hung ác, lão Trời độc địa ấy, vừa tàn phá cái cơ ngơi khốn khổ của y.

Từ trên cao, Thứ nhìn rõ khu vườn bị giập vùi tan hoang. Những cây chuối gẫy gục. Giàn trầu không đổ sập vun lại thành một đống nát tươm như bị giày vò, chẳng còn hái lượm gì được mấy bó lá trầu để bán gỡ gạc. Nhưng theo hẹn cũ thì trưa nay đám văn nhân kéo về nhà Thứ để “xa lánh chốn kinh kỳ phồn hoa giả tạo” như họ thường nói cho hay, chứ thực ra chỉ để lang bạt, huyên thiên chuyện trời biển văn chương với nhau. Họ đã nghĩ đến Thứ. Và y nghĩ đến bữa rượu trưa nay.

Ngồi trên nóc nhà, Thứ đờ người ra tính toán khoản tiền đi chợ mua thức ăn đãi khách. Túi chẳng còn mấy đồng. Mà con bé Lý bị cảm mấy hôm nay, đang nằm trên cái võng rách ho rũ từng cơn.

Có tiếng ông ổng của một gã đàn ông phía lối ngõ sau nhà:

- Nhà giáo Thứ mà cũng bị tốc mái à? Rõ là Trời cũng không biết tôn sư trọng đạo, chẳng nể gì thày giáo cả!

Cái giọng khiêu khích của lão Đoành, Trạch Văn Đoành, người xóm Đình, đi lính cho Tây về, bỏ tiền cho làng ăn khao, được cái chức kỳ mục hạng chót, gọi là ông Cửu. Lão nổi tiếng hay bỡn cợt xỏ xiên không từ cả các bậc chức sắc trong làng. Đoành đang đứng đái bên hàng rào, chõ lên hỏi chuyện Thứ.

Giáo Thứ cười gượng:

- Thế nhà ông Cửu có sao không? Chắc Trời cũng sợ ông hay nói móc máy nên không dám động đến…

Cửu Đoành cười hơ hớ:

- Mái úp chụp xuống đất nằm phục vị mẹ nó rồi.

- Thế mà ông Cửu còn ngao du đó đây như là nhàn nhã lắm vậy?

Đoành thở hắt ra:

- Nói cho vui với ông giáo thôi, chứ nhà tớ, cái chuồng lợn bị cuốn bay. Con lợn giống sắp đẻ lứa đầu mất tiêu. Bị cú đòn đau quá nên vứt mẹ nó đấy, đi lung tung cho nhẹ người, tiện thể dò xem có dấu vết con lợn không… Chắc là trộm. Mẹ cha thằng Chí Phèo. Không nó thì bố con Lý Cường thừa lúc mưa bão cho tay chân đi thăm thú xóm láng, tiện thể khoắng của rơi vãi. 

Giáo Thứ phì cười:

- Ông Cửu bé mồm kẻo mang vạ. Nghi như thế, nhẹ nhất là bị Chí Phèo đốt nhà. Còn Bá Kiến mà biết thì phải lên công đường hầu kiện, sạt nghiệp đấy.

- Đoành này sợ chó gì. Thằng nào đốt nhà tớ thì nhà nó cháy trước. Còn Bá Kiến, tớ nắm khối chuyện của bố con lão. Phạm đến tớ, tớ cho tán gia bại sản.

Cửu Đoành đái xong buông ống quần lừ lừ bước đi.

Giáo Thứ nghĩ tới bữa rượu trưa nay đãi đám bạn văn chương. Y leo xuống, lấy tiền đưa cho vợ:

- Có mười lăm đồng. Tôi giữ ba đồng nay mai ra trường lớp ngoài Hà Nội. Còn đâu, nhà cầm. Trưa nay mua ít thức nhắm đãi mấy ông khách.

Vợ Thứ cầm tiền mà mặt vẫn rầu rĩ. Tiền thuốc cho con Lý, tiền trả nợ mua sợi, tiền ăn đến cuối tháng… chưa tính tiền sửa nhà… Giờ lại còn đãi bạn nữa. 

*** 

Mấy ông khách văn Hà Nội đến. Tiếng Tây, chữ Hán, toa, moa, lúy… hiền huynh, ngu đệ… bốn người mà ồn như chục người. Giáo Thứ trở về cái không khí văn chương quen thuộc mà y đã bỏ lại chốn kinh kỳ vài tháng nay. Và y sung sướng lắm.

Nguyên Bính cẩn thận treo chiếc vet-tông vải kaki lên cái đinh đóng trên cột nhà, nói:

- Tốc mái, nhà dột nát cũng chẳng phải là tệ. “Tai nương nước giọt mái nhà / Nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn”. Thơ họ Cù làm để an ủi giáo Thứ đấy. Bạo chúa Nê-rông xưa đã phải đốt trụi cả cái kinh thành Rôma để lấy hứng làm thơ. Còn đây là tự dưng được trời tạo cảnh đổ nát giúp gọi hồn văn chương.

Trần Trân vênh vang:

- Kẻ sĩ phải biết khổ cái khổ của trăm họ. Không nằm nhà dột sao có văn hay làm thiên hạ nhỏ lệ được?

Châu Thanh ngâm nga bịa đặt ứng khẩu theo thơ TTK - “Hai sắc hoa Ty-gôn”:

Tôi sợ chiều nay cơn bão nữa

Chiều nay cơn bão tựa chiều qua

Gió về thông thốc chân mây xám

Người ấy lại lên dặm mái nhà

Mọi người vỗ tay khen hay.

Giao Ngọc nhìn quanh, lắc đầu thở dài:

- Trời chẳng thương người hiền lành. Có khi sống ác lại được sung sướng. Nếu giáo Thứ mà là Nghị Thứ hay là Lý Thứ thì nhà cửa kiên cố chẳng lo bão gió. Lợn gà đầy sân. Cánh ta cũng hưởng lây.

Thứ nhăn nhó:

- Dễ gì mà ác được. Trời cho ác mới ác. Moa nghiệm thân mình. Cố ác cũng không ác được.

Trần Trân cười ha hả:

- Chí lý! Ác cũng là thứ lộc trời. Trời ban cho tính ác thì sống sung sướng, vô tư.

Tất cả cười vỗ tay, có người hô lên bằng tiếng Pháp:

- Cái ác vạn tuế!

Giao Ngọc cau mày:

- Phởn vừa thôi các toa. Dân chúng đang cơn tai ương mình lại tung hô cái ác.

Họ ngồi trên hè, đứng dưới sân, cười nói sảng khoái. Giáo Thứ đã quên tình cảnh bi đát của mình. Y nghĩ, lão Bá Kiến có bao giờ được bè bạn thế này? Nhà ngói sân gạch là cái đếch gì?

Thứ vui lắm. Y cười:

- Quá trưa rồi, chư huynh bỏ áo ngoài, rửa mặt cho mát rồi ta uống rượu.

Nguyên Bính hớn hở:

- Rượu à? “Ồ, tuyệt vời. Hoan hô rượu!” [lại tiếng Pháp] - Mấy tháng nay giáo Thứ biệt kinh kỳ, giờ mới được thù tạc cùng nhau, ta phải uống bù cho đến mức không biết đứng lên bằng cái gì, như trong truyện huynh ấy viết. Đệ có cái vet-tông của người yêu thơ mới tặng, thiếu tiền thì bảo trẻ đem đổi rượu. - Rồi vỗ tay ngâm:

“Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu

Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu”.

(Thương tiến tửu của Lý Bạch, có câu: Này là áo lông cừu giá ngàn vàng/ Gọi đứa nhỏ đem đi đổi lấy rượu ngon/Cùng bạn uống cho tiêu mối sầu vạn cổ

Dưới bếp, vợ Thứ mặt rầu rầu vừa lo nấu ăn cho khách, vừa trông ấm thuốc cho con bé Lý. Thứ xuống bếp sắp xếp các món vào chiếc mâm đồng đã lau bóng. Mắt Thứ sáng lên vui thích:

- A, gà luộc rắc lá chanh… lại cả món gì như thịt bê thui nữa này. Ở đâu ra vậy?

- Tôi mua rượu của nhà Trương Thống, thấy thịt nghé mua luôn. Cái chuồng trâu đổ kẹp chết con nghé, ông ấy làm thịt bán gỡ ít vốn. Chắc là thầy em với các ông ấy hài lòng?

- Lại còn không hài lòng. Mình là hiền thê đệ nhất trên đời đấy.

- Không dám, em lạy ông giáo. “Hiền thê” tiêu mất hơn năm đồng rồi, còn chín đồng mấy hào. Rồi chẳng biết xoay xở thế nào để đủ gạo cho con “hiền thê” ăn đến hết tháng.

Giáo Thứ cười trừ:

- Kệ đời. Cứ biết hôm nay đã. - Rồi y bưng mâm ra sân, đặt lên chiếc chiếu sờn mép đã trải sẵn.

Thứ đứng bên mâm rượu xoa hai tay lấy điệu bộ khổ chủ nhà đám:

- Thôi thì để rước các quan dùng tạm dưa muối. Nhà cháu quê mùa chẳng có gì. Gọi là tấm lòng thành.

Nguyên Bính nhìn qua mâm rượu, gật gù, lấy giọng kẻ cả:

- Nào thì ngồi. Ái chà! Gà béo vàng… lại cả như là bê thui nữa. Nhà giáo Thứ này cũng biết lo liệu đấy chứ nhỉ. Được, các quan sẽ chiếu cố. 

Giao Ngọc xuống bếp khẩn khoản mời bà chủ nhà lên cùng ngồi, nhưng vợ Thứ từ chối: “Dạ, các bác cứ tự nhiên, em còn bận lo cho con bé cháu bị ốm”.

Trần Trân nhắc: “Anh giáo đã xẻ phần chị ấy với các cháu chưa?”

Thứ lấy vẻ khúm núm: “Thưa đã, nhà cháu có bớt lại chút ít cho mẹ đĩ. Còn lũ trẻ thì…trẻ con không được ăn thịt gà. Nứt mắt mà đã thịt gà thì chỉ tổ cam sài thôi”.

Cả bọn cười phá lên vì Thứ đã nhại cái tên truyện “Trẻ con không được ăn thịt chó”. Ai cũng biết Thứ rất yêu thương vợ con.

Họ ngồi ăn uống. Và dĩ nhiên lại chuyện văn chương.

- Anatole France sáo ngữ quá. Véo von lâm li cứ như kịch cải lương.

- Còn Balzac thì hùng hục như một mụ nhà quê hộ pháp mắn đẻ, sòn sòn một lũ. Đẻ văng tê như thế tất sẽ có đứa con sài đẹn rất khó coi. Như “Le Père Goriot” ấy [Lão Gô-ri-ô], các toa có thấy hay không? Moa bảo xoàng! Tìm đâu ra một kẻ yêu thương đến phi lý như vậy? Loại độc ác đến bệnh hoạn thì không thiếu, chứ nhân nghĩa kiểu Victor Hugo thì đời làm gì có.

- Ờ, cả “Eugénie Grandet” [Ơ-giê-ni Gơ-răng-đê] của lúy cũng vậy. Giả quá!...

- Chỉ Maupassant mới là bậc đại thánh. Riêng một đoản thiên “L’Héritage” [Món gia tài] của lúy cũng đủ đánh tan cả đội ngự lâm quân của Dumas gồm đến gần chục tập về cái đám Đac-ta-nhăng… ta-nhít gì đó.

- Hình như Maupassant bị thần kinh?  

- Đúng, cứ phải điên thì viết mới hay được. Lúy bị tâm thần nặng nên mới có những kiệt tác thế.

Rồi họ bình phẩm đến các văn sĩ xứ Annam:

- Me-sừ Hoan mới có truyện “Vui vẻ trẻ trung” trên Tiểu thuyết thứ Bảy. Lúy viết hề hài tuy nhảm nhưng cũng còn cười gượng được, chứ viết tình hận mếu máo những “Lá ngọc cành vàng” với “Tắt lửa lòng”… thì bày đặt lộ liễu quá, chán như cháo loãng không muối.

- Còn cha Thứ Lễ cứ làm thơ cho thiên hạ nhờ, bệnh gì phải nhảy sang trinh thám với ma quái, hỏng cả ngòi bút. Mà trinh thám thì đến già cũng chẳng bén gót được Georges Simenon bên Pháp, chứ đừng nói là Arthur Conan Doyle của Ăng-lê.

- Ma quái thì đã có Bồ Tùng Linh lão tổ ngự thượng đỉnh rồi, đến Nguyễn Dữ xứ Nam ta liều mạng viết “Truyền kỳ mạn lục” cũng chỉ như copy, chẳng ra sao. Thế mà Thứ Lễ nhà mình còn múa bút nữa.

Như trong mọi cuộc rượu của các văn nhân trên thế gian, bao giờ các bậc danh nhân cũng bị lôi ra đốn hạ không thương tiếc. (*)

Đúng lúc ấy có tiếng hắng giọng rất cố ý như tiếng khọt khẹt của cái loa điện trên nóc chiếc xe bán thuốc rong trước khi vào bài quảng cáo. Rồi:

- Nghe cho thủng đơ..ơi-i-i-i… Ới thằng già thằng trẻ, ới đĩ liệt đĩ khỏe… đứa nứt mắt mới đẻ, đứa sắp sang tiểu sành... dỏng tai ra nghe chửi….đơ…ơi-i-i-i…

Các văn nhân nhăn mặt lại như có một luồng xú uế theo chiều gió chợt đưa đến.

Mụ hàng xóm nhà Thứ, cách một khu vườn đang chõ sang chửi đứa ăn trộm gà nhà mụ.

-… Thằng không cha không mẹ, thằng sứt mẻ khắp mình… Thằng mang tội ngục hình… ăn cắp gà nhà bà… thì mày phải chết đâm chết che…ém…

Thứ nói như người thuyết minh xi-nê-ma: “Đấy là mụ chửi Chí Phèo…”

- Thằng bố già con trẻ… Thằng vợ nhớn vợ bé… Thằng giàu nứt giàu nẻ… Đứa gà lợn đầy chuồng… Vườn chuối chín trăm buồng… mà còn ăn cắp con gà nhà bà… thì nhà mày chết cả già lẫn trẻ…

Thứ nói, như phiên dịch một thứ thổ ngữ: “Đấy là mụ chửi bố con Bá Kiến".

Trần Trân gật gù: “Các toa có thấy không? Đúng năm chữ một, chủ đề bi phẫn uất ức… Đích thị thơ ba-lat rồi [ballad]. Không ngờ chốn quê này, ngoài giáo Thứ là văn nhân, lại còn có bậc thi nhân đại tài như vậy!”

Cả bọn cười khoái trí vì phát hiện của Trần Trân.

- Thằng mồm nhai xương ống, miệng nuốt sống móng giò, đớp thịt bò thịt chó, đổ trộm đăng trộm đó, ăn cắp gà nhà bà… Con mày không chết già, còn mày là chết non..!

Thứ cười: “Nghi phạm Trạch Văn Đoành. Mới gặp moa sáng nay. Chính nhà lão cũng bị mất con lợn”. Lão này nổi tiếng trong truyện “Đôi móng giò”.

Đám văn nhân đang thù tạc bật cười sặc sụa. Nguyên Bính suýt bị hóc mẩu xương, phải khục khoạc mãi mới thoát.

- Thằng già kề miệng lỗ… Phải bán chó bán mèo… Để con cái tha phương… Chết đầu đường xó chợ… ăn cắp gà nhà bà… Mày sẽ bị….

Giáo Thứ lắc đầu, thở dài, “thuyết minh” tiếp:

- Đến lão Hạc rồi. Lão mới bán con chó Vàng thân thiết nhất đời. Lão khóc với moa tự cho mình là kẻ khốn nạn, đang tâm phản bội cả một con chó.

- Thằng thày giáo thày mác… Đứa dở bác dở thằng… mày mượn gió bẻ măng… mày nhân giông nhân bão… sang trộm gà nhà bà…

Không ai cười nữa. Mụ đã chửi đến giáo Thứ. Cả làng chỉ mình Thứ làm nghề giáo học. Nguyên Bính quăng cái chén xuống chiếu, đứng phắt dậy, hùng hổ sắn tay áo, để lộ cổ tay gầy khẳng:

- Sacrebleu!... [Mẹ kiếp!] Để moa sang cho mụ La Sát này một trận…

Giáo Thứ vội kéo Bính ngồi xuống:

- Xin toa… Nhà mụ có mấy thằng con như hổ báo. Chúng xé xác toa ngay. Với lại… với lại… vụ này…  -  Thứ chợt ho rũ một hồi dài.

Giao Ngọc nhíu mày, đặt tay lên vai Thứ:

- Huynh định nói gì?

Thứ nhăn mặt khổ sở:

- Các toa đừng chửi… Con gà nhà mụ, là do… moa…

Mọi người nhổm cả dậy:

- Sao… Cái gì?

Thứ đưa bàn tay lên che mắt, nói đứt quãng:

- Đến nước này thì moa đành phải nói… Con gà trống thiến ấy sổng chuồng… dạt sang bên này… Cu cậu đói, sục sạo khắp nơi… moa đang tính không biết lấy gì thết các toa… Thế là con quỷ trong người moa trỗi dậy, nhớ gã Chí Phèo có lần nói mánh khóe của hắn: “... Trộm gà thì đừng đánh bả, khó bán mà ăn không ngon, có khi ngộ độc. Cứ rắc nắm thóc rải dẫn vào bếp. Cu cậu theo vào. Đang mải ăn… lấy thúng chụp, lùa tay vào tóm, vặn cổ thật nhanh, không kịp quác quác. Moa đã làm đúng như thế... moa xin lỗi các toa…

Bên kia vườn, mụ La Sát đang tái bản bài chửi cả làng. Mới đến nhà Bá Kiến. Rồi sẽ lại đến giáo Thứ.

Trần Trân phóng đôi đũa xuống mâm, chửi đổng: “Đéo mẹ cái đời chó má!”

Châu Thanh ngửa mặt lên trời than: “Ai cho ta lương thiện?”

Giao Ngọc tự đấm vào đầu: “Còn ở đây mà nghe chửi à, về!”

Thứ tỏ vẻ sượng sùng:

- Thôi thì… Đệ sẽ chôn vội lông, xương gà… để phi tang. Xin làm ơn quên chuyện này và đừng chửi đệ. Coi như một cuộc đi hát Khâm Thiên quỵt, dậy sớm, chuồn,… đành như các cụ thời Tú Xương: Cao lâu thường ăn quỵt / Thổ đĩ lại chơi lường… kệ cho bọn gái nó chửi, như chửi bố nó... 

Về Hà Nội vậy. Khi ra đến bến đò, Nguyên Bính sực nhớ ra điều gì. Y nhìn đồng hồ bảo các bạn:

- Hai tiếng nữa mới có ô tô. Đệ quên cái mũ ở nhà giáo Thứ, chạy ù trở lại.

Vợ chồng Thứ đang thu vén mâm cơm cho lũ con. Mấy đứa trẻ mắt sáng lên nhìn những thức ăn ngon.

Nguyên Bính gọi Thứ vào trong nhà, hỏi nhỏ:

- Toa nói thật đi, chuyện voleur [trộm, cắp] con gà là thế nào?

 Thứ nhăn nhó, khổ sở:

- Thôi mà… sự thể đã như vậy rồi, huynh còn xoáy mãi vào mối hận nghìn đời của đệ làm gì.

Nguyên Bính cau mày:

- Không, nghe này tên láu cá! Moa sẽ thử viết truyện ngắn theo kiểu của toa. Đây! - Nguyên Bính nói như đọc truyện:

……                                   

“Hắn ngồi trên nóc túp nhà xiêu vẹo, tốc mái. Hắn nhìn xuống khu vườn tan tác vì cơn bão. Khôi phục lại mọi thứ phải tốn một đống tiền. Tình cảnh của hắn thật bi đát. Vậy mà trưa nay mấy gã bạn văn chương trời đánh ngoài Hà Nội lại về nhà hắn để làm một cơn bão thứ hai, giáng vào cái túi tiền còm của hắn. Làm thế nào bây giờ? Thôi thì cứ vét mấy đồng còn lại đưa cho vợ để thị đi chợ, mọi chuyện tính sau… Rồi hắn cũng có một mâm cơm tươm tất đãi khách. Vừa ăn uống, hắn vừa nghĩ đến bữa tối nay và ngày mai nữa. Mà mấy gã lấy “tửu phá thành sầu” thì biết bao nhiêu rượu thịt các “tửu tướng” ấy mới phá đổ được thành sầu?

Đúng lúc ấy mụ La Sát bên hàng xóm gào lên chửi rủa đứa trộm gà nhà mụ. Chửi cả làng, không chừa ai, kể cả hắn cũng bị mụ điểm danh. Hắn nóng bừng mặt, nhưng rồi chợt nảy ra một kế. Khổ nhục kế. Hắn lấy giọng đau khổ nói với các bạn rằng mụ La Sát chửi hắn không oan. Hắn bắt trộm con gà ấy thật. Các văn nhân nghẹn họng, không thể tiếp tục cuộc rượu được nữa. Họ khinh hắn, ghét hắn và thương hắn. Dù có phớt đời đến đâu họ cũng chẳng thể ở lại được. Về!” 

- Đấy, tên giáo quèn trường tư đã nghe thủng chưa?

Thứ gượng cười, hỏi Nguyên Bính:

- Do đâu mà toa lại luận ra như vậy?

Nguyên Bính vênh mặt:

- Moa từng sống kiếp lang bạt, ra Bắc vào Nam, khốn khổ nhiều vì cảnh ăn nhờ ở đậu. Moa cũng là người nhà quê, biết rằng gia đình quê nào dù nghèo đến đâu cũng cố nuôi vài con gà phòng khi có khách, ngày giỗ ngày tết. Bệnh gì phải trộm gà hàng xóm để nghe chửi? Moa đã đọc truyện ngắn “Nhỏ nhen” của toa, có đoạn nói về một gã cho người yêu vay 2 đồng bạc, rồi cứ tiếc mãi, sợ nàng không trả, sau cô nàng nói là bị mất 2 đồng bạc ấy. Một người bạn gã nọ đoán ngay ra rằng chính gã đã rình móc trộm lại số tiền đó của mình, để khỏi bị nàng quỵt. Người bạn ấy đã xứng đáng là tri kỷ của gã.

Cả hai cùng cười đến ho sặc sụa. Thứ nắm lấy hai tay Nguyên Bính, nói:

- Huynh cũng đúng là tri kỷ của ngu đệ. Nhưng xin giữ điều ấy trong lòng, đừng để mấy gã kia chửi đệ là chơi ác. 

Trên chiếc đò ngang thưa khách, chỉ có bốn người. Bốn khách văn ngồi im lặng.

Nguyên Bính chợt vỗ đùi phá lên cười ha hả:

- Moa phục giáo Thứ quá!

 Trần Trân nhăn mặt cau mày:

- Thôi đi các toa, quên chuyện ấy đi. Đó là nỗi đau của cả chúng ta.

Châu Thanh, Giao Ngọc ngồi im lìm, nhìn mặt sông rộng.   

***

TÁI BÚT:

Hơn nửa thế kỷ sau, những người trong câu chuyện này: Nam Cao, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân,  Thanh Châu đã thành người thiên cổ, chỉ còn Ngọc Giao. Ông đã kể lại rất chân thực câu chuyện trong một hồi ký để tỏ lòng thương cảm những người bạn văn của mình ở một thời khốn khó. Ngọc Giao là một nhà văn cẩn trọng và thật thà. Thật thà như tên một cuốn tiểu thuyết của ông,“ Đất”. Nhưng bà vợ Nam Cao đã rất phẫn nộ bác bỏ chuyện ấy, nói rằng chính bà làm bữa cơm rượu rất chu đáo bằng tiền của nhà mình. Còn Ngọc Giao đau đớn nói rằng ông chỉ thuật lại như sự thật. Thiên hạ hoang mang.  

Tôi nghĩ, nhà văn Ngọc Giao chẳng thể bịa đặt ra câu chuyện mà chính Nam Cao đã nói ra trong bữa rượu hôm đó. Nhưng… sao ta có thể tin Nam Cao đã làm chuyện ấy, dù chỉ là bất đắc dĩ? Các nhân vật của ông thường tự dằn vặt vì những chuyện cỏn con. Vậy thì làm một chuyện tệ hại như vậy, Nam Cao sẽ sống như thế nào, sau đấy? 

Rồi trong đầu tôi nảy ra một giả thuyết. Tôi đã tìm đọc lại một số tác phẩm của Nam Cao để củng cố giả thuyết này.

Và tôi đã viết thành câu chuyện trên.


(*) Đoạn trên nói về một số nhà văn Pháp nổi tiếng và tác phẩm của họ thường được các nhà văn Việt Nam thời tiền chiến nhắc đến trong lúc cao hứng.

Ngoài ra, trong truyện có sử dụng vài câu đơn giản bằng tiếng Pháp, tiếng Hán [có thuyết minh bên cạnh], và dùng một số đại từ trong tiếng Pháp như Moa: Tôi. Toa: Anh. Lúy: Nó; và Huynh, Đệ trong Hán tự, cho phù hợp với thời điểm và không khí của truyện.

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

U23 Indonesia tạo địa chấn khi vượt qua U23 Úc

U23 Indonesia đã tạo nên cú sốc khi có chiến thắng 1-0 trước U23 Australia ở lượt trận thứ 2, qua đó rộng cửa vào tứ kết giải U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm