| Hotline: 0983.970.780

Giá trái cây... rơi tự do

Thứ Ba 23/08/2011 , 09:52 (GMT+7)

Trong vòng 1 tháng qua, giá hầu hết các loại trái cây đều giảm mạnh và chưa có dấu hiệu chững lại.

Trong vòng 1 tháng qua, giá hầu hết các loại trái cây đều giảm mạnh và chưa có dấu hiệu chững lại. Nhiều nhà vườn ở đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đông Nam bộ (ĐNB) đang chán nản tới mức bỏ mặc trái chín không thèm thu hoạch. 

12 KG CHÔM CHÔM = 1 TÔ PHỞ 

Có mặt tại các xã Bình Lộc, Bảo Vinh thuộc huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, người dân ở đây cho chúng tôi biết, hiện hầu hết các loại trái cây giá đều giảm mạnh. Dọc theo các ngả đường liên xã và dọc theo QL 1, người dân tranh thủ gánh trái cây ra đứng “vừa bán vừa cho” kiếm được đồng nào hay đồng đó vì bỏ đi thì cũng tiếc mà để ở nhà chờ thương lái đến mua thì chẳng khác nào ôm cây đợi thỏ.

 Bác Ba Thắng (Nguyễn Văn Thắng), một nông dân trồng chôm chôm tại ấp 2, xã Bình Lộc cho biết, tính đến thời điểm hiện nay giá chôm chôm đã giảm hơn một nửa so với đầu vụ. Thời điểm đầu tháng 7 chôm chôm thường bán được giá 3.000- 3.500 đồng/kg nhưng nay chỉ còn 1.400-1.500 đồng/kg. Các loại khác như chôm chôm Thái và chôm chôm nhãn đầu vụ có thể bán được giá 7.000-8.000 đồng/kg nay thương lái chỉ mua khoảng 3.000-4.000 đồng/kg. 

Ông Lê Văn Ớ, Chủ nhiệm CLB Năng suất cao ấp 2, xã Bình Lộc cho rằng, sở dĩ giá trái cây giảm mạnh là do năm nay “không biết do thời tiết thuận lợi hay sao mà nhiều loại trái cây đồng loạt vào vụ thu hoạch rộ cùng một thời điểm”.

Ông Ớ cho biết, mọi năm ở Bình Lộc khoảng giữa tháng 7 chôm chôm đã bắt đầu cho thu hoạch rộ nhưng năm nay được mùa, nhiều vườn trái chín muộn hơn. Trong khi đó thời điểm này cũng là vụ thu hoạch của nhãn, ổi và sầu riêng vì thế thương lái đến mua thưa hơn. Nhiều vườn chôm chôm chín đỏ cây nhưng không có người đến hỏi, đành phải hái bớt mang ra ngoài lề đường bán vì nếu để trên cây sẽ làm cây quá nặng, gió mạnh sẽ gãy đổ, thiệt hại cho mùa sau. 

May mắn hơn các địa phương trồng chôm chôm ở Long Khánh, do xử lý trái vụ được nên phần lớn diện tích chôm chôm của HTX Hoà Phước (Long Hồ, Vĩnh Long) đã thu hoạch sớm từ thời điểm quý 1 đạt giá rất cao. Tuy nhiên, ông Võ Thành Công, Chủ nhiệm HTX Hoà Phước cũng cho biết, hiện vẫn còn khoảng 1/3 diện tích chôm chôm của HTX do nằm ngoài đê bao, không xử lý trái vụ được nên giờ mới thu hoạch, chịu bán giá thấp bằng 20% giá thời điểm đầu năm.

 Cụ thể, theo ông Công, thời điểm tháng 2, tháng 3 chôm chôm đường bán tại vườn cho thương lái miền Bắc có lúc đạt đỉnh ở mức 48.000 đồng/kg (giá trung bình khoảng 40.000 đồng/kg), chôm chôm Java bán được giá từ 24.000- 27.000 đồng/kg nhưng nay chỉ còn bán được khoảng 7.000-8.000 đồng/kg. “Nếu tính giá thuê nhân công thu hoạch khoảng 15.000 đồng/giờ (120.000 đồng/người/ngày) thì với giá bán 7.000 đồng/kg, người dân không còn lời được bao nhiêu”-ông Công cho biết. 

80% BÁN CHO THƯƠNG LÁI 

Không chỉ có chôm chôm nhiều loại trái cây khác như măng cụt, sầu riêng, ổi, mít tố nữ cũng đang chịu chung cảnh được mùa rớt giá. Nhiều nhà vườn trồng măng cụt trên địa bàn tỉnh Bình Dương cho hay, hiện giá măng cụt đã tụt xuống còn 17.000-18.000 đồng/kg, trong khi đó thời điểm đầu tháng 6 giá 1kg trái cây đặc sản này luôn ở mức 34.000-35.000 đồng.

Ông Nguyễn Văn Vinh, chủ một vườn măng cụt rộng gần 1ha ở phường An Thạnh, thị xã Thuận An cho biết, hiện nay trồng măng cụt không có ăn vì chi phí chăm sóc mỗi lúc một cao. Tại khu vực miệt vườn Lái Thiêu (vốn nổi tiếng là vùng chuyên canh măng cụt của tỉnh Bình Dương) trong vòng 5 năm trở lại đây tốc độ đô thị hoá rất nhanh nên các vườn măng cụt thu hẹp dần. Do môi trường đất, nước bị ô nhiễm nên nhiều vườn cây bị nhiễm sâu bệnh khá nặng.

Ý kiến chuyên gia

Theo ông Nguyễn Đức Lộc (Viện Chính sách và Chiến lược PTNN-NT, Bộ NN-PTNT), tình trạng được mùa mất giá của nhiều loại trái cây diễn ra nhiều năm nay có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính vẫn do thiếu điều tiết hợp lý trong khâu trồng lẫn khâu tiêu thụ. Nghiên cứu của ông Lộc cho thấy, hiện nay kênh phân phối sản phẩm trái cây nói chung và rau củ quả nói riêng của người dân phụ thuộc tới 80% vào thương lái. Chỉ có khoảng 7% sản lượng rau củ quả làm ra được người dân và các HTX bán trực tiếp cho DN chế biến với giá thu mua tương đối ổn định. Số lượng sản phẩm cung cấp trực tiếp từ vườn đến người tiêu dùng không qua khâu trung gian nào chỉ chiếm khoảng 3%.

“Như vậy, đa phần nhà vườn trái cây chỉ biết trông chờ vào đường tiểu ngạch đầy may rủi do lệ thuộc vào đối tác và nhiều khả năng bị thu hẹp do lối kinh doanh “bán cả đường đi lối về” của thương lái”-ông Lộc nhận định.

“Trước đây chi phí bón phân, xịt thuốc không đáng bao nhiêu nhưng hiện nay hầu hết các vườn đều bị sâu vẽ bùa, sâu bọ trĩ, nấm hồng… phá hoại khiến chi phí chăm sóc đội lên gấp đôi gấp ba. Trong khi đó giá bán lại quá rẻ, vì thế nhiều hộ không còn muốn đầu tư cải thiện giống mới, chỉ để vườn cũ thu được bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu, vườn quá già cỗi thì chặt bỏ cây để đất trống hoặc rao bán cả vườn”-ông Vinh nói. 

Tương tự như măng cụt, hàng trăm hộ dân trồng sầu riêng ở các địa phương thuộc tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp cũng đang phải “chịu trận” khi giá thương lái thu mua mỗi ngày mỗi giảm. 

Tại HTX sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy, Tiền Giang), khoảng 3 tuần qua 1kg sầu riêng Ri6 người dân chỉ bán được 17.000-19.000 đồng, thấp hơn so với đầu vụ khoảng 5.000-6.000 đồng, sầu riêng sạch loại 1 cũng chỉ bán được giá 28.000-30.000, thấp hơn hồi đầu tháng 7 khoảng 4.000-5.000 đồng/kg. Anh Ngô Tấn Trung, Phó Chủ nhiệm HTX cho biết, giá trái cây giảm chủ yếu do thương lái ép giá. Hiện nhiều nơi, thương lái đến mua cả vườn rồi dùng hoá chất ép sầu riêng chín sớm để thu hoạch cùng một đợt lúc giá còn cao.

Việc làm này không những làm cho chất lượng sầu riêng giảm mà còn khiến nhà vườn làm ăn chân chính bị vạ lây do người tiêu dùng quay lưng. “Nhà vườn làm ăn đàng hoàng đến khi thu hoạch vừa phải hứng chịu mức giá thấp do nguồn cung rộ vụ lại phải chịu chung “tai tiếng” chín ép, chín sượng của những nơi làm ăn chụp giật nên giá bán rất thấp. Như thế là không công bằng”-anh Trung bức xúc nói. 

TRÁI CÂY VỀ CHỢ TĂNG, GIÁ TIẾP TỤC GIẢM

Ban quản lý chợ Nông sản thực phẩm Thủ Đức-TP.HCM cho hay, hiện nay đang mùa vụ của nhiều loại trái cây nên lượng hàng về chợ đầu mối tăng hơn các tháng trước khoảng 500 tấn/ngày, đạt mức hơn 2.000 tấn/ngày. Ghi nhận tại chợ Thủ Đức ngày 22/7 giá nhiều loại trái cây ở mức thấp: chôm chôm từ 6.000 - 9.000 đồng/kg (tuỳ loại), dưa hấu 5.000 - 6.000 đồng/kg, giảm 1.000-2.000 đồng/kg so với tuần trước, thanh long 8.000 - 10.000 đồng/kg, cam sành 15.000 - 25.000 đồng/kg, giảm từ 3.000-5.000 đồng so với đầu tháng.

Các thương lái cho rằng giá một số loại trái cây như chôm chôm, nhãn, ổi… có thể còn tiếp tục giảm vì nguồn cung ở các địa phương còn khá nhiều. Thời điểm này một diện tích chôm chôm đường ở Tiền Giang và Vĩnh Long đang vào vụ thu hoạch.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Hệ thống Farm ERP của Lộc Trời đạt Top 10 Giải thưởng Sao Khuê 2024

Đây là động lực giúp hệ sinh thái Lộc Trời tiến về phía trước, tiếp tục vượt qua những 'đỉnh núi', cùng bà con kiến tạo giá trị vững bền cho nông nghiệp Việt Nam.