Sáng 9/10, tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị Triển khai kế hoạch sản xuất ngành trồng trọt năm 2021.
Năm 2020, giá trị sản xuất trồng trọt tỉnh Thanh Hóa đạt 89 triệu đồng
Năm 2020, tỉnh Thanh Hóa gieo trồng được trên 408 nghìn ha cây trồng (99,5% kế hoạch); sản lượng lương thực đạt 1,56 triệu tấn; tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt trên 20,1 nghìn tỷ đồng; giá trị sản phẩm 89 triệu đồng/ha, tăng 3,5 triệu đồng so với năm 2019.
Theo kế hoạch, năm 2021, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu gieo trồng 407 nghìn ha cây trồng, riêng lúa 230 nghìn ha; sản lượng lương thực ổn định ở mức 1,5 triệu tấn.
Điểm mới trong sản xuất nông nghiệp năm 2021 của tỉnh Thanh Hóa là địa phương sẽ tăng diện tích lúa thâm canh năng suất, chất lượng hiệu quả cao lên 150 nghìn ha; mở rộng diện tích cây gai lấy sợi thêm 600 ha phục vụ nhà máy dệt sợi. Thanh Hóa phấn đấu đạt giá trị sản xuất bình quân 92 triệu đồng/ha trở lên, tăng 3 triệu đồng/ha so với năm 2020.
Năm 2021, Thanh Hóa ra kế hoạch tích tụ thêm trên 2,5 nghìn ha để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Để đạt được mục tiêu đề ra cho sản xuất nông nghiệp năm 2021, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật; tăng cường kết nối với doanh nghiệp trong liên kết sản xuất theo hướng tích tụ, tập trung quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực; triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất; xây dựng các mô hình sản xuất hữu cơ gắn với an toàn thực phẩm.
Phát biểu thảo luận tại hội nghị, một số đại biểu cho rằng, việc tích tụ đất đai tại tỉnh Thanh Hóa hiện nay gặp những khó khăn nhất định cần tháo gỡ. Một số địa phương đều kiến nghị giảm diện tích đất trồng mía, sắn để chuyển sang cây trồng khác nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích. Nhiều đại biểu cho rằng, tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ người dân sản xuất vụ đông.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Quyền cho rằng, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa năm 2020 đạt được kết quả cao hơn năm 2019 là nhờ tái cơ cấu nông nghiệp, tích tụ đất đai chuyển dịch đúng hướng; các chính sách hỗ trợ đã kích cầu sản xuất, giúp tăng hiệu quả sản xuất... Tuy nhiên, giá trị sản xuất trồng trọt vẫn ở mức thấp so với các lĩnh vực khác trong ngành nông nghiệp.
"Giá trị sản xuất trồng trọt trên đợn vị diện tích đạt 89 triệu/ha là cao hơn mức bình quân chung cả nước, cao hơn các năm nhưng vẫn đang còn ở mức thấp và tăng rất chậm. Các mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm vẫn còn hạn chế" - ông Quyền nêu quan điểm.
Tỉnh Thanh Hóa chú trọng hai cây trồng mới
" Các huyện phải ban hành kế hoạch sản xuất, xây dựng phương án sản xuất cho từng loại cây trồng, trên cơ sở đó có phương án chỉ đạo; cần tăng cường liên kết trong sản xuất và coi trọng các sản phẩm có nhà máy chế biến; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; củng cố các hình thức sản xuất, coi trọng kinh tế hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã.... Thời gian tới, Thanh Hóa cần phải đưa 2 cây trồng mới là cây gai và cây thức ăn gia súc vào nhóm cây trồng chủ lực." - ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa.