Thanh long XK sang Trung Quốc |
Theo Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm nay, có tới 6 mặt hàng nông sản chủ lực giảm về giá trị XK so với cùng kỳ năm trước, trong đó có những mặt hàng bị suy giảm khá nhiều.
Cụ thể: Gạo đạt 311,594 triệu USD, giảm 23,4%; cà phê đạt 551,762 triệu USD, giảm 19,3%; hạt điều đạt 390,902 triệu USD, giảm 16,7%; sắn và sản phẩm từ sắn đạt 151,828 triệu USD, giảm 13,3%; hạt tiêu đạt 100,918 triệu USD, giảm 12,5%; rau quả đạt 585,498 triệu USD, giảm 9,7%; TĂGS và nguyên liệu đạt 84,443 triệu USD, giảm 1,4%. Như vậy, 2019 là năm mà XK nông sản 2 tháng đầu năm có nhiều mặt hàng bị giảm giá trị XK nhất trong 10 năm qua (năm 2016, có 6 mặt hàng bị giảm giá trị XK trong 2 tháng đầu năm là cà phê, chè, hạt tiêu, sắn và sản phẩm từ sắn, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ).
Trong danh mục thống kê các nhóm hàng hóa XK chủ lực của Tổng cục Hải quan, co 12 mặt hàng thuộc ngành nông nghiệp là thủy sản; rau quả; điều; cà phê; chè; hạt tiêu; gạo; sắn và sản phẩm từ sắn; TĂGS và nguyên liệu; cao su; gỗ và sản phẩm gỗ; sản phẩm mây, tre, cói và thảm. Dẫu biết rằng những tháng đầu năm thường không phải là thời điểm chính về XK của phần lớn mặt hàng nông sản chủ lực, nhưng việc có tới 7 mặt hàng bị giảm giá trị XK trong 2 tháng đầu năm, là một điều đáng lo ngại.
Nguyên nhân chính là gì? Không khó để nhận ra đó là những khó khăn về mặt thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc. Trong 7 mặt hàng bị giảm giá trị XK, có tới 4 mặt hàng mà Trung Quốc là thị trường lớn nhất, gồm gạo, sắn và sản phẩm từ sắn, rau quả, TĂGS và nguyên liệu.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, XK rau quả sang Trung Quốc đang bị chững lại do một số chính sách, quy định mới của nước này như không mua bán qua đường tiểu ngạch, phải có chứng nhận nguốn gốc, thông tin trên bao bì … Về những quy định mới từ phía Trung Quốc, ông Shi Xinbiao, một chuyên gia về thị trường Trung Quốc, cho biết rõ thêm rằng ngày 10/12/2018 Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ra thông báo khẩn đối với Hải quan cả nước Trung Quốc, trong đó đưa ra những yêu cầu rõ ràng đối với các hạng mục kiểm dịch hoa quả XNK giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Theo đó, từ 1/1/2019 các cơ quan Hải quan khi tiến hành kiểm dịch thực vật với hoa quả nhập từ Việt Nam, phải xác nhận hoa quả có nguồn gốc từ các nhà vườn, các cơ sở đóng gói đã được đăng kí với các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng như đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận. Nếu phù hợp với yêu cầu thì mới cho phép tiến hành kiểm dịch. Nếu phát hiện hàng hóa có nguồn gốc không phải từ các nhà vườn, cơ sở đóng gói đã được đăng kí thì không được phép nhập vào Trung Quốc.
Khi các DN của Trung Quốc NK hoa quả của Việt Nam qua Cục kiểm dịch XNK Quảng Tây xin “Giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập cảnh” thì cần phải cung cấp hình ảnh chụp bao bì có chứa những thông tin truy xuất chất lượng hoa quả. Ngoài ra DN phải ghi rõ bằng tiếng Anh và tiếng Trung tên, xuất xứ, tên hoặc mã số cơ sở đóng gói hoa quả, cũng như mã vạch, mã QR, tem nhận diện chống hàng giả để tiện kiểm tra, theo dõi.
Những chính sách, quy định mới vừa được áp dụng từ đầu 2019, khiến cho XK rau quả 2 tháng đầu năm sang Trung Quốc gặp khó khăn. Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực XK sang Trung Quốc cũng gặp khó khăn tương tự.
Việc Trung Quốc đang xả kho ngô dự trữ, khiến cho giá ngô của nước này trở nên cạnh tranh hơn với các sản phẩm thay thế như sắn lát, qua đó ảnh hưởng không nhỏ tới XK sắn, nguyên liệu TĂCN của Việt Nam sang thị trường này. Với hạt gạo, nhu cầu yếu của thị trường thế giới, cộng với những khó khăn mới trong XK gạo sang Trung Quốc như đánh thuế cao tới 50% từ giữa năm 2018 và một số quy định khắt khe khác, đã khiến cho giá trị gạo XK giảm mạnh nhất trong các mặt hàng nông sản chủ lực.
Với các mặt hàng điều, cà phê và hạt tiêu, giá trị XK giảm có nguyên nhân chính là do giá XK những mặt hàng này đều giảm khá nhiều do cung đang vượt cầu trên phạm vi toàn cầu. Thị trường hạt tiêu toàn cầu vẫn đang chịu sức ép dư cung, giá giảm chủ yếu ở các quốc gia sản xuất chính như Brazil, Việt Nam, Ấn Độ. Thị trường cà phê toàn cầu cũng như vậy do sản lượng cà phê tăng cao ở các quốc gia sản xuất chính như Brazil, Việt Nam, Colombia, Indonesia dẫn đến giá giảm. Ngoài ra một số quốc gia sản xuất cà phê đang có kế hoạch gia tăng sản lượng mặt hàng. Cụ thể: Kenya đang lên kế hoạch cải thiện sản lượng cà phê từ mức 35 triệu lên 240 triệu kg/năm; Ethyopia cũng đặt mục tiêu tăng sản lượng cà phê gấp 5 lần so với hiện tại trong vòng 5 năm tới…