| Hotline: 0983.970.780

Giã từ vũ khí

Thứ Tư 13/08/2014 , 10:22 (GMT+7)

Một sát thủ chim trời nức tiếng đến mức GS. Võ Quý, nhà điểu học, từng phải thốt lên mà rằng: "Ông Thắng ơi là ông Thắng! Ông cứ bắt như thế này chẳng mấy chốc mà hết chim mất". Thế mà đột nhiên ông bỏ nghề, bỏ lưới chuyển sang bảo vệ chim…

Khiến chuyên gia Úc bái phục

Ông Hoàng Văn Thắng sinh ra trong một gia đình bẫy chim gia truyền đã bốn thế hệ. Chừng hai mươi năm trước, có đoàn chuyên gia Úc do GS. Võ Quý dẫn đầu đến Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) bắt chim để đeo vòng khảo sát. Cả một tuần vật lộn nhưng họ chỉ giăng lưới bẫy được sáu, bảy con trong khi nhu cầu cần đến hai trăm con.

Bí quá GS. Võ Quý đành tìm đến dân bản địa để cầu cứu. Lời đến tai hai sát thủ chim nổi tiếng đất Giao Thủy cũng là hai anh em ruột Hoàng Văn Thắng và Hoàng Văn Thế. Ông Thắng thủng thỉnh: “Nhà nước yêu cầu thì chúng tôi đánh thôi, 200 con thì chỉ một đêm là có đủ”. Mấy người xung quanh mới nghe thấy thế liền nhao nhao: “Ông nói khoác nó vừa vừa thôi chứ!”.

Đêm ấy các chuyên gia Úc cũng bủa lưới cùng một khu vực với hai anh em ông Thắng. Lưới của anh em ông dài 400 m còn lưới của chuyên gia Úc tuy chỉ dài 300 m nhưng lại là lưới ba tầng chứ không phải lưới đơn.

Cao tay hơn, ông Thắng để cho họ toàn quyền đánh trước. Ba bốn giờ chiều, bắt đầu nước ròng, chim trời ăn theo mép nước cứ lùi dần, lùi dần xuống bãi. Chừng sáu giờ tối, lưới bủa xong, thuyền hai anh em ông rút ra xa. Ba giờ sau họ quay lại. Những tiếng chim kêu “oác oác” váng trời như một chiếc phản lực cất cánh. Chim mắc đen lưới, lắm đoạn kéo sà sát cả đất.

Thấy cảnh dân lân cận túa ra xem. Họ đếm được gần 700 con chim trong lưới của anh em ông Thắng và bảy con chim trong lưới của chuyên gia.

Một lều bạt được dựng ngay trên bờ. Các chuyên gia chọn ra 200 con chim để đeo vòng rồi thả tất về trời. Phủi phủi lông chim lúc bấy giờ vẫn dính đầy người, GS. Võ Quý cầm tay hai anh em ông Thắng bái phục mà ánh mắt đầy lo ngại.

Thời ăn chim thay... rau

Hồi ấy ở Giao Xuân có năm thuyền chuyên đi đánh chim, mỗi chuyến đi hai ba ngày rồi dừng lại lấy đồ tiếp tế, chuyển chim về bán. Lắm khi thực phẩm chưa đến, thợ săn toàn phải ăn chim thay rau. Chim nhiều vô kể. Các đàn chim bay đen như những đám mây, còn dưới rặng phi lao, trứng vịt trời trắng, xanh lấp loáng nắng.

Trong cuốn sách dày cộp “500 loài chim Việt Nam”, tôi hỏi về 300 loại chim biển, ông Thắng không lạ bất kỳ con nào, từ hình dáng, màu sắc lông, tiếng kêu đặc trưng đến hương vị… thịt. Cứ như lời ông, cú mèo nổi tiếng là hôi nhưng đã qua lửa lại rất dậy mùi từ xào, nấu, nướng hay quay đều thơm tưng bừng, thơm nức mũi. Đã thế xương cú mèo lại giòn tan, nhai cứ gọi là rau ráu.

Bà Trần Thị Thuận, vợ ông Thắng, kể hồi ấy thuyền bẫy chim thường đi dọc các bãi cửa sông Hồng, từ cồn Lu sang cồn Ngạn, cồn Mờ. Mỗi thuyền phiên chế bốn năm người, lưới của anh nào anh ấy đánh nhưng chim thì nhốt chung một khoang rồi chia.

Chỉ những con to như vịt, ngỗng, mòng mới chia, còn con nhỏ ăn thay rau hoặc nhiều quá thì vứt. Thịt chim ê hề nhiều lúc chẳng buồn động đũa mà mồm miệng chỉ thèm quay thèm quắt một vài ngọn rau muống...

Buổi chia, các bà vợ lội bộ đội thúng chim về. Lắm buổi bà Thuận tay cắp 5-7 đôi ngỗng trời, đầu đội một cái thúng chứa 23 đôi mòng từ bến Giao An về nhà độ hơn một cây số mà phải nghỉ dăm bảy chặng.

Chim mang về, con chết vặt lông, thui rồi bán sáng, con sống cứ quây vào cót chiều mang đi chợ huyện. Vàng lúc ấy 400-500 nghìn đồng/chỉ mà một buổi bán chim được trên 1 triệu đồng.

"Gác kiếm" vì GS. Võ Quý

Một lần về thăm ông Thắng, GS. Võ Quý vui miệng hỏi rằng có bao giờ bắt được chim đã đeo vòng chưa. Ông Thắng hồn nhiên: “Đợi em tí nhé”, rồi lật đật chạy vào trong buồng lúc sau khệ nệ ôm một… vốc vòng đủ loại, đủ mã của các quốc gia, các tổ chức bảo tồn chim khiến vị GS phải rên lên mà rằng: “Ông Thắng ơi là ông Thắng. Ông bắt như vậy là hết chim của Việt Nam, của thế giới mất”.

14-39-52_dsc_7902
Những tấm lưới năm xưa dùng để bắt chim

Ở ông Thắng có một giác quan rất nhạy. Hễ lội chân xuống bãi bùn mà cảm thấy nóng là y như rằng ông biết bão sắp đổ vào vùng mình, còn vẫn mát rượi thì sẽ không sao dù nhà đài có cảnh báo gì gì đi chăng nữa.

Sát thủ chim cười hề hề: “Chừng nào nhà nước còn chưa cấm thì chúng em vẫn còn bắt bác ạ”. Vị GS trầm ngâm một hồi rồi bất ngờ hỏi: “Hay là Thắng làm bảo vệ chim cho Nhà nước đi, cái tài bắt chim sẽ có tác dụng đấy”. “Bảo vệ chim là như thế nào hả bác?”, ông Thắng hỏi. “Là theo dõi lượng chim đến, chim đi, hằng tháng báo về cho tôi”. "Thế thì quá dễ", ông Thắng reo lên rồi nhận lời.

Rừng ngập mặn có hàng trăm đàn chim, hàng vạn con nhưng con nào mới, con nào cũ khó mà qua được cặp mắt sắc như ưng, như cắt của ông. Chim mới thường gầy, xấu, xác xơ còn chim cũ trơn lông, đỏ da. Chim mới lớ nga lớ ngớ rất dễ bẫy còn chim cũ sau dăm bảy lần thoát lưới đã khôn hơn rất nhiều…

Ngày hôm nay nhìn chúng ăn ở đâu ông phán đoán được mai di chuyển đến bãi nào. Thường một khu vực chim chỉ ăn ba ngày, đến ngày thứ tư là chuyển. Trước khi chuyển, con đầu đàn mang theo ít bộ hạ thân cận sẽ do thám bãi mới. Hôm sau y như rằng cả đàn bỏ đi sạch.

Ông Thắng là người đầu tiên tự nguyện bỏ nghề bẫy chim ở vùng đất ngập nước này. Thu nhập từ bẫy chim quá lớn trong khi công theo dõi đàn chim chỉ ba cọc ba đồng nên trước quyết định của chồng, bà Thuận cứ gọi là tiếc hùi hụi…

Không chỉ bỏ bẫy, ông còn lân la ra mấy thuyền săn chim ở Vườn quốc gia Xuân Thủy để thuyết khách. Toàn anh em, họ hàng cả, nể ông một phần, nể luật pháp một phần, dần dà họ bỏ nghề tàn sát chim trời.

Dõi theo những cánh chim trời được độ ba năm, vết thương sọ não một thời ông đi bộ đội bỗng tái phát. Tình hình trầm trọng đến nỗi ông nằm bệnh viện mà người nhà đã bàn tính chuyện đóng hòm, lo hậu sự. Thoát chết trong gang tấc, việc đầu tiên ông làm sau khi rời phòng cấp cứu về nhà là rút cánh cửa lồng phóng sinh cho hai con chim khiếu bởi ông thấm lắm cái cảnh cá chậu, chim lồng.

Từ bỏ nghề săn chim, vết thương trong đầu ông dần lành lại. Không còn bị ám ảnh bởi những cánh chim mắc lưới đập liên hồi, những mắt chim đen nháy như hạt đậu ươn ướt nhìn người bắt, những tiếng kêu “oác oác” đầy oán thán, tâm hồn ông thấy thanh thản.

Khi HTX Du lịch Giao Xuân được thành lập, ông Thắng trở thành tình nguyện viên dẫn khách chuyên về mảng chim. Đi trên đê biển lộng gió, một con chim nhỏ như ngón chân cái bay vù qua.

Khách hỏi: “Ông ơi, chim gì đấy?”. “Chim chích cháu ạ”. Đi đoạn nữa lại một con chim tương tự bay qua, khách hỏi, ông bảo: “Chim vành khuyên cháu ạ”. Người khách trẻ tuổi bắt bẻ: “Vẫn chim đấy mà sao khi thì ông bảo chim chích, khi lại là vành khuyên?”.

Ông chỉ cười hiền: “Chúng có hình dáng giống nhau nhưng vành khuyên có vành ở mắt còn chim chích thì không. Vành khuyên thường bay dưới một mét là là mặt đất để tìm mồi còn chim khuyên bay cao hơn…”.

Giải thích cặn kẽ đến mức như thế khách chỉ còn nước chắp tay mà phục lăn.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.