| Hotline: 0983.970.780

Giá xăng dầu tăng vọt, hàng trăm tàu cá nằm bờ

Thứ Hai 05/11/2018 , 06:00 (GMT+7)

Những ngày qua hàng trăm tàu cá của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) đang phải nằm bờ do giá xăng dầu tăng cao.


Ngư dân kêu trời vì giá xăng dầu tăng vọt

 

Rao bán tàu

Ghi nhận của phóng viên tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền (BR-VT) nơi có đội tàu cá lớn nhất tại địa phương này, có hàng trăm chiếc tàu cá xếp hàng dài neo đậu không thể ra khơi. Dọc bờ cảng gần một cây số là những cảnh ngao ngán của ngư dân ngồi vật vờ mắt dõi về phía bến tàu. Những chủ tàu cá vốn một thời ăn nên làm ra như ông Cam, ông Thanh... thì giờ cũng chịu cảnh neo tàu như hàng trăm chủ phương tiện khác.

10-36-15_1
Hàng trăm tàu cá đang nằm bờ chờ giá xăng dần “hạ nhiệt” mới ra khơi.


Chỉ về phía những chiếc tàu cá đang nằm tại cảng, ông Nguyễn Viết Thanh, chủ tàu cá xã Phước Tỉnh tâm sự: “Trung bình mỗi chuyến đi phải 3 tháng, mà chi phí xăng dầu đã hết khoảng 200 triệu đồng/tháng, bởi vậy cứ đi là lỗ khiến chúng tôi không thể tiếp tục ra khơi được nữa”. Theo ông Thanh, do không đủ chi phí để ra khơi, ông cũng như một số chủ tàu ở đây đã sơn mới lại phương tiện để rao bán mong vớt vát lại chút vốn liếng và tìm cơ hội việc làm khác, nhưng cũng chẳng ai có nhu cầu mua.

10-36-15_3
Ngư dân không ra khơi được đành ngồi bờ chờ đợi

Chúng tôi tìm hiểu, những năm trước vào tháng 8 và 9, 10 (ÂL) là cao điểm của mùa đánh bắt hải sản xa bờ, các tàu cá liên tục ra khơi đánh bắt những vụ cá cuối cùng trong năm trước khi nghỉ tết Nguyên đán. Tuy nhiên, năm nay, tại các ụ tàu trên địa bàn tỉnh BR-VT, hàng trăm tàu cá đang xếp hàng dài neo đậu dù đang mùa đánh bắt.

Ngư dân Nguyễn Văn Nhỏ (ấp Tân An, xã Phước Tỉnh) đang sở hữu 3 cặp tàu lưới kéo chia sẻ: “Trước đây, mỗi chuyến biển kéo dài khoảng 30-40 ngày, nhưng bây giờ do ngư trường suy giảm nguồn lợi nên việc đánh bắt rất khó khăn và thường kéo dài tới khoảng 90 ngày mới kéo đủ lượng hải sản có thể đắp đổi chi phí. Do vậy, chi phí nhiên liệu cũng đội lên gấp mấy lần”. Theo ông Nhỏ, mỗi cặp tàu lưới kéo của ông tốn hơn 90 ngàn lít dầu diesel/chuyến biển. Do từ đầu năm đến nay, giá dầu tăng hơn 3.000 đồng/lít, khiến chi phí dầu cũng tăng gần 30 triệu đồng/cặp/chuyến biển so với trước đây.

Đồng thời, các chi phí khác cũng tăng theo, tổng cộng phải chi gần 500 triệu đồng cho mỗi chuyến biển, đã vậy nguồn lợi từ các ngư trường suy giảm nên nhiều chuyến biển gần đây ông Nhỏ chẳng có lãi, thậm chí thua lỗ nặng.

Ông Võ Cam, chủ tàu cá xã Phước Tỉnh cũng xác nhận, năm nay giá dầu tăng cao, sản lượng đánh bắt lại giảm nên ông đã bị thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Do đó, ông quyết định không đánh bắt vụ biển cuối cùng như mọi năm mà để cặp tàu lưới kéo lên ụ nằm bờ chờ bán. Tuy nhiên, hồi trước sắm ghe 10 tỷ, bây giờ bán 5 tỷ cũng chẳng ai mua.

Trạm xăng dầu vắng tanh

Hàng trăm tàu cá phải nằm bờ, cũng đồng nghĩa với việc các trạm kinh doanh xăng dầu cũng... nằm chờ. Cửa hàng xăng dầu Hòa Bình nằm ngay bên cảng cá xã Phước Tỉnh, từng cung cấp gần cả trăm ngàn lít mỗi ngày, với cảnh tàu thuyền ra vào tấp nập bơm dầu đi biển, còn bây giờ thì gần như vắng tanh.

10-36-15_4
Các trạm xăng dầu cũng vì thế mà đóng cửa chẳng bán buôn được lít nào

Ông Vũ Nghĩa, nhân viên cửa hàng xăng dầu, cho biết: “Ngày trước bơm cho ghe có khi lên đến 70 ngàn lít/ngày, bây giờ chỉ khoảng vài ngàn lít đổ lại, có hôm còn chơi không bán được lít nào. Đây cũng là tình hình chung của các cửa hàng xăng dầu tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh BR-VT.

Theo Chi cục Thủy sản BR-VT, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 6.300 tàu cá, trong đó gần 3.100 tàu có khả năng đánh bắt xa bờ, nhưng khoảng hơn 1.000 chiếc đang nằm bờ. Chỉ riêng ở xã Phước Tỉnh đã có tới gần 200 chiếc chủ yếu là các phương tiện hành nghề lưới kéo. 

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản BR-VT cho biết: “Nghề lưới kéo chiếm gần 40% nghề biển ở BR-VT, chi phí cho những chiếc tàu này rất lớn chính vì giá xăng dầu tăng cao, cộng với ngư trường ngày càng thu hẹp nên nhiều tàu phải nằm bờ. Do đó, chúng tôi kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có chính sách bình ổn giá dầu để hỗ trợ họ vươn khơi”. Theo ông Hoàng, việc giá dầu tăng quá cao đã khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn. Hiện chính quyền tỉnh đang tính tới bài toán vận động chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân một số vùng.

10-36-15_6
 Một số chủ tàu sơn mới lại phương tiện để bán chuyển nghề

“Theo ông Phạm Văn Minh, chủ tàu lưới vây công suất 500CV, tại TP.Vũng Tàu, trung bình mỗi chuyến biển kéo dài cả tháng, có khi đến 40 ngày cần tới 5 - 6 ngàn lít dầu. Nếu trước đây, chi phí cho mỗi chuyến biển chỉ cần 80-90 triệu đồng/tàu, thì nay tăng lên khoảng 150 triệu đồng. Trong khi nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm, tỷ lệ cá tạp cao, cứ đi khoảng vài 3 chuyến biển thì may mắn mới có chuyến lãi”.

Đến lúc phải giảm cường lực khai thác

Ông Nguyễn Bi, Phó phòng quản lý Khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thủy sản BR-VT cho biết: Những ngày qua nhiều tàu cá trên địa bàn tỉnh phải nằm bờ vì thị trường giá xăng dầu tăng cao. Tuy nhiên, có thể xem đây cũng là dịp để giảm tải khai thác cho vùng biển của ta. Trước đây ngành cũng đã khuyến cáo ngư dân nếu nghề đánh bắt kém hiệu quả thì nên chuyển sang nghề khác. Do vậy, cần tổ chức lại sản sản xuất, giảm lượng tàu thuyền và cường lực khai thác đánh bắt xuống, nhất là đối với nghề lưới kéo. Theo kế hoạch đến năm 2020 toàn tỉnh chỉ cho phép 5.000 phương tiện, nhưng nay đã phát triển lên hơn 6.000 tàu cá.

 

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Phía sau mặt cỏ xanh của Sân vận động Thiên Trường

Thiên Trường, sân nhà CLB Bóng đá Thép Xanh Nam Định gần đây được đánh giá có chất lượng mặt cỏ top đầu V-League, vậy điều gì đã làm nên màu xanh tươi mới này?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm