| Hotline: 0983.970.780

Giấc mơ 20 năm thành hiện thực

Chủ Nhật 30/04/2017 , 09:30 (GMT+7)

Gần 20 năm qua, lần đầu tiên, đồng bào dân tộc S’tiêng ở thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước (nay là khu định cư Tiểu khu 119), được sống trong những căn nhà kiên cố, những con đường được rải bê tông sạch đẹp và được sống một cuộc sống đúng nghĩa.

Từ "5 không" thành "5 có"

Có mặt tại khu định cư 119 khoảng 11 giờ trưa, chúng tôi thấy không khí nhộn nhịp, nét mặt người dân ai cũng tươi roi rói, tiếng nói chuyện râm ran, tiếng trẻ em tan trường gọi nhau í ới. Tất cả tạo nên một không khí mới, một hơi thở cuộc sống mới mà ở đó thấy rõ được sự gắn kết của người dân với nhau.

18-02-22_nh-1
Đường vào khu định cư 119

“Cuộc đời của tôi, các con, các cháu tôi đã nở hoa rồi”, lời nói phấn khởi của chị Thị Thủy (32 tuổi), một trong những hộ gia đình ở khu định cư mới - khu định cư Tiểu Khu 119.

Chị Thủy cho biết, trước khi chuyển về đây, chị và hàng chục hộ khác phải sống trong cảnh “5 không” (không điện, đường, trường, trạm, nhà ở), tách biệt dưới một thung lũng ở thôn Tân Lập. Bà con thiếu thốn đến độ một bữa ăn no, một cái áo lành, một giấc ngủ không lo lắng cũng trở nên xa xỉ. Năm tháng trôi qua, người dân ở đây chưa bao giờ có một mùa xuân trọn vẹn. Luôn bị ám ảnh bởi những con đường sình lầy, những ngôi nhà tuềnh toàng “vặn mình kêu răng rắc” mỗi khi mưa to gió lớn.

18-02-22_nh-2
Chị Thị Chép (bên phải) và chị Thị Hương (giữa) trong niềm vui về nơi ở mới
18-02-22_nh-3
Gia đình chị Thị Thủy

Ông Điểu Tứ (47 tuổi), bí thư thôn và được người dân xem như một già làng có uy tín, kể: “Năm 1997, khoảng 200 đồng bào dân tộc S’tiêng từ xã Long Hà, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước (nay thuộc huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) đến thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa khai hoang. Tôi là đội trưởng đội khai hoang. Khi đó, bà con cũng được cấp đất làm nhà, làm rẫy nhưng đời sống không cải thiện nhiều vì ai cũng khư khư giữ tập quán canh tác lạc hậu. Gần 20 năm, cái nghèo dai dẳng bám lấy 42 hộ đồng bào.

Cách trung tâm xã 15km về hướng Tây, thôn như ấp chiến lược biệt lập với thế giới bên ngoài. Mùa khô, đường bụi mù, che khuất tầm nhìn, nhưng dù sao vẫn còn đi được. Mùa mưa, đường lầy lội chặn đứng hầu hết các loại phương tiện. Đồng bào ra trung tâm xã mua bán, các cháu đi học chỉ có thể đi bộ, xe máy phải cuốn xích vào bánh mới đủ khả năng thoát khỏi những vũng sình lầy.

Điện không có đã đành, nước sạch bà con cũng phải lấy từ lòng hồ thủy điện Cần Đơn. Nhiều gia đình quanh năm chỉ dựa vào mấy chục cây điều và làm thuê. Có những lúc đói kém, ngọn lang, củ sắn là cứu cánh duy nhất. 42 căn nhà tạm bợ, lụp xụp là nơi trú mưa, tránh nắng của 200 người. Xung quanh chẳng có gì ngoài vài cây điều, rau lang, cỏ dại.

Cái bụng không no nên cái chữ không đến. Ở đây, người già mù chữ, người trung niên, thanh niên đa phần chỉ học hết cấp 1, thậm chí lớp 1, 2. Các cháu nhỏ học nhờ ở nhà trưởng thôn Điểu Tứ. Cái dốt, cái nghèo cứ thế nương nhau, đeo đẳng đồng bào từ thế hệ này sang thế hệ khác...”.

18-02-22_nh-6
Nhà ông Điểu Tứ, Bí thư thôn, nơi tiếp nhận các chương trình hỗ trợ đồng bào

Kể đến đây, ông Điểu Tứ như muốn thoát khỏi những hình ảnh trong quá khứ, ông xua tay nói: “Thôi không nhắc đến chuyện cũ nữa, giờ được chuyển về đây là chúng tôi hạnh phúc lắm rồi, mong bà con cố gắng xây dựng kinh tế gia đình để cuộc sống sung túc hơn. Đến bây giờ, nhiều lúc chúng tôi vẫn không tin khi được sống trong những ngôi nhà mà trước đây, dù chỉ là giấc mơ chúng tôi cũng không dám mơ đến”.
 

Những người biến giấc mơ thành hiện thực

Đó chính là những người lính của Đoàn kinh tế - quốc phòng 778 (Quân khu 7 - đóng ở xã Phú Nghĩa). Đơn vị đã khảo sát, tham mưu cấp trên và chính quyền hỗ trợ về mặt chủ trương, chính sách, đồng thời vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm giúp đỡ vật chất, tinh thần.

18-02-22_nh-4
Cảnh mua bán nhộn nhịp ở khu tái định cư 119

“Người đi đầu trong công tác xóa nhà tạm, xóa đói cho đồng bào S’tiêng ở thôn Tân Lập là Đại tá Đặng Công Bầu, Trưởng đoàn kinh tế - quốc phòng 778 và ông Trần Quang Ty, Bí thư Huyện ủy Bù Gia Mập. Đã rất nhiều lần, vào giờ nghỉ trưa, tôi thấy các ông đi xe máy từ đơn vị, cơ quan đến nơi người dân ở để nắm bắt tình hình đời sống của bà con, cùng với sự giúp sức, hỗ trợ của công ty, doanh nghiệp, nhất là sự chung sức của những người lính Đoàn 778, chính quyền xã Phú Nghĩa. Họ là những người “hóa phép” giấc mơ của người S’tiêng ở thôn Tân Lập thành hiện thực”, ông Điểu Tứ nói.

Đại tá Nguyễn Thành Ruân, Chính ủy Đoàn kinh tế - quốc phòng 778 cho biết: Nhận thấy người dân thôn Tân Lập rất khó khăn, việc hỗ trợ, giúp đỡ bà con chính là trách nhiệm nên đoàn quyết tâm giúp dân thoát nghèo và có nơi ở thuận lợi hơn. Sau khi có chủ trương thành lập khu định cư, đoàn vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay góp sức giúp đồng bào nơi đây, đồng thời xét theo mức độ khó khăn lập danh sách các hộ cần nhà trước và thực hiện từng bước. Sau 3 đợt xây nhà và bàn giao, đoàn đã dời cả một sóc gồm 42 hộ đồng bào S’tiêng từ đội 6, thôn Tân Lập về khu định cư.

“Khi phối hợp với Đoàn 778 xây 15 căn nhà đầu tiên cho khu định cư, thấy người dân cực khổ nên ngoài số tiền hỗ trợ 50 triệu đồng/căn của Đoàn 778 và mỗi hộ đóng góp 10 triệu đồng, tôi hỗ trợ thêm mỗi căn 6,53 triệu đồng và ủng hộ một căn nhà trị giá 66,53 triệu đồng”, ông Tạ Văn Định, Giám đốc Cty TNHH thương mại - dịch vụ Thăng Long ở thôn 11, xã Long Hà, huyện Phú Riềng cho biết.

18-02-22_nh-7
Bộ đội giúp đồng bào S’tiêng kỹ thuật làm nông nghiệp

Cuộc sống mới cơ bản đầy đủ, sum vầy với nhiều điều tươi sáng. Chúng tôi nhớ như in ánh mắt rạng ngời khi gặp người dân ở khu định cư. Nhất là gia đình ông Điểu Tứ. “Cuộc sống của chúng tôi đã sang một trang mới. Mọi người ai cũng ưng cái bụng. Ngoài được cấp nhà, còn được hỗ trợ cây, con giống để phát triển kinh tế, nuôi con ăn học”, ông Điểu Tứ chia sẻ. Không chỉ có cuộc sống ổn định, gia đình Điểu Tứ còn vươn lên trở thành triệu phú đầu tiên ở khu định cư. Trước đây, khi ở thôn Tân Lập, gia đình ông chỉ có 300 cây cao su, ra nơi ở mới, được cấp thêm cây giống, được tiếp cận thông tin, đường sá thuận tiện nên ông đẩy mạnh phát triển sản xuất. Hiện gia đình ông có 10ha cao su và điều.

“Để dời được các hộ đồng bào S’tiêng về khu định cư mới là nỗ lực của tất cả các cấp và tấm lòng của các nhà hảo tâm. Chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa trong việc tạo điều kiện thuận lợi để bà con phát triển kinh tế. Khu định cư Tiểu khu 119 là công trình chào mừng kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh và thể hiện lòng biết ơn với những người đã góp sức để khu định cư có một diện mạo mới như hiện tại”, ông Đặng Sỹ Oánh, Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa.

 

Xem thêm
Lợi ích của trồng rừng đạt chứng chỉ FSC

Chứng chỉ rừng FSC giúp tăng giá trị của sản phẩm và mặt hàng từ 20 - 30% so với những sản phẩm cùng loại, góp phần khai mở kiến thức người trồng rừng...

Nghệ An thực hiện tốt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững

Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tạo chuyển biến căn cơ trên địa bàn Nghệ An, tỉnh này triển khai thực sự hiệu quả thông qua tỷ lệ giải ngân 100%.

Di chuyển thành công 3 gấu ngựa từ Hà Nội về Vườn quốc gia Bạch Mã

Thừa Thiên - Huế 3 gấu ngựa do một chủ nuôi ở xã Phụng Thượng, Hà Nội tự nguyện chuyển giao đã về tới Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam II, đặt tại Vườn quốc gia Bạch Mã.

Bình luận mới nhất