| Hotline: 0983.970.780

Giấc mơ Sabi hồi sinh đã thành hiện thực

Thứ Tư 10/10/2018 , 14:30 (GMT+7)

Vốn là “vùng đất chết”, ít loại cây gì sống nổi nên nhiều người dân phải bỏ vườn rẫy đi tha phương tìm kế sinh nhai. Vậy mà...

15-03-18_nh_6
Cây xoài đã giúp người dân Sabi đổi đời (Trong ảnh: Sơ chế xoài đóng gói xuất bán ra thị trường

Vậy mà đến nay vùng đồi Sabi ở ấp 2A, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đã chuyển mình, phủ xanh bằng những vườn cây trái sum suê, nhiều người đã quay về làm giàu trên chính mảnh đất từng bỏ hoang...
 

Sống lại đất bạc màu

Tìm về xã NTM Xuân Bắc dọc hai bên đường nhựa dẫn vào các ấp khang trang sạch đẹp, những vườn cây ăn trái tươi tốt sum suê, phủ một màu xanh mát mắt.

Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Bắc, Dương Thị Phương Thoa phấn khởi: “Là địa bàn khai hoang, với nhiều tên gọi của thời kỳ mở đất như “Đồi chốt Mỹ, cánh đồng Tám mẫu, cầu Be, cánh đồng chó ngáp" vốn là vùng sâu, vùng xa của huyện. Nhất là đồi Sabi, từng được xem như vùng đất chết, ấy thế mà bây giờ lại trở thành vùng kinh tế trọng điểm của xã”.

Đồi Sabi rộng 170ha, có 146 hộ dân, trước đây cằn cỗi đến nỗi cây mì là loại cây có sức chống chịu khô cằn tốt nhưng vẫn lụi tàn không mọc lên được. Còn bắp, đậu, lúa thì èo uột chẳng cho bông, hạt.

Gặp chúng tôi, ông Trần Thanh Xuân, một trong những người đầu tiên hồi sinh vùng đồi Sabi nhớ lại: “Năm 2000, tôi tìm đến đây thấy còn hoang tàn không có sức sống. Vậy nhưng nhìn chất đất rất tiềm năng, tôi tin có sức người, sỏi đá cũng thành cơm, nên quyết tâm mua lại đất hoang để cải tạo trồng cây ăn trái”.

15-03-18_nh_3
Ông Xuân bên vườn cây ăn trái nhà mình

Việc ông Xuân làm khiến nhiều người nói ông là khùng, thừa tiền. Vậy nhưng, bỏ ngoài tai mọi dị nghị, ông bắt tay ngay vào cải tạo đất sét pha cát để trồng xoài và hoa màu.

Gần 20 năm trước, Sabi xơ xác trong nắng mưa, dân không điện, đường. Nhà cửa tạm bợ, rẫy vườn bỏ hoang. Đồi Sabi thường thiếu nước vào mùa khô nhưng thừa mứa nước vào mùa mưa, nên ông phải bỏ cả trăm triệu đồng đầu tư đường dây điện hạ thế kéo từ đầu ấp vào tận rẫy tưới cây; sửa đường để vận chuyển nông sản.

Ông dùng phân vi sinh, phân chuồng phủ lên những gốc cây mới trồng để chúng đủ sức bám rễ, nhú chồi nơi vùng đất Sabi nghèo dinh dưỡng. Chẳng tiếc công sức ngày đêm cải tạo đất, chăm sóc cho vườn cây trái, chẳng bao lâu vườn rẫy bắt đầu phủ một màu xanh tươi tốt giữa mùa nắng hạn khiến nhiều nông dân Sabi ngỡ ngàng.

Cải tạo thành công vùng đất đồi Sabi như ý, ông Xuân còn vận động anh em, bạn bè kéo về đây mua thêm đất làm vườn. Ông cho biết: “Mấy năm sau, khi vườn cây ăn trái của gia đình tôi cùng bạn bè bắt đầu cho thu hoạch, nhiều người mới giật mình. Không chỉ thế, tôi còn trồng thêm dừa, cam, quýt…”.
 

Giấc mơ Sabi thành hiện thực

Ông Xuân tâm huyết vận động những chủ đất bỏ vườn hoang, hoặc mạnh dạn cưa cây điều kém hiệu quả để chuyển sang cây trồng khác. Ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm giúp bà con nông dân cùng làm vườn. Ông còn bày cho họ cải tạo đất bằng cách bón phân vi sinh, phân chuồng, phân xanh và chăm sóc cây trái hiệu quả.

15-03-18_nh_7
Cải tạo đất trồng cây ăn trái hiệu quả cao
Theo ông Xuân, dù có nhiều đất nhưng người dân vẫn phải chịu cảnh nghèo khó là do bản thân họ không chịu cải tạo đất, không biết cách “bắt” đất làm giàu. Do vậy, khi bán vườn rẫy rồi, thấy ông Xuân canh tác tốt, nhiều chủ đất lại quay về làm mướn cho ông.

Anh Lại Hồng Chí, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp cây ăn trái đồi Sabi xác nhận: “Ở vùng đồi Sabi này có 3 hộ tiêu biểu trong cải tạo đất, chuyển đổi cây trồng hiệu quả, là hộ ông Xuân, ông Dương và ông Đảm đều là thành viên HTX. Từ thành công của họ đã lôi kéo nhiều người dân Sabi hối hả quay về vườn rẫy bám đất làm giàu”.

Theo anh Chí, chính quyền xã, huyện cũng tiếp sức cho bà con bằng việc hỗ trợ vốn, phân bón, kỹ thuật, giống cây trồng và đầu tư đường dây điện trung, hạ thế, đường giao thông vào tận đồi Sabi.

Tất cả đều hướng đến giấc mơ làm giàu và xóa đi nỗi ám ảnh nghèo khó của vùng đất khó khăn nhất không chỉ của xã Xuân Bắc mà còn là của huyện Xuân Lộc.

Sabi nay đã chuyển mình thành những khu vườn, rẫy cây trái xanh tươi, nhiều hộ dân đã thoát nghèo nhờ trồng cây ăn trái. Chủ nhiệm CLB Cây xoài N.S.C đồi Sabi, anh Hoàng Văn Đảm vui vẻ cho biết, anh rất tự hào là hộ tiên phong thoát nghèo nhờ trồng xoài, cam, quýt.

15-03-18_nh_2
Vợ chồng anh Chí thăm vườn xoài đang đậu trái non

“Từ năm 2010 đến nay, người dân làm kinh tế khá mạnh và đang trở nên giàu có nhờ tích cực cải tạo đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chúng tôi cùng giúp nhau làm giàu trên mảnh đất bạc màu, khiến những ngôi nhà tôn, cách ván lụp xụp dần thay bằng nhà xây kiên cố, khang trang, nhiều hộ sắm được cả xe hơi chạy”, anh Đảm nói.

CLB Cây xoài N.S.C là tiền thân của HTX cây ăn trái đồi Sabi, cây chủ lực vẫn là xoài, các thành viên CLB rất tích cực sản xuất theo quy trình VietGAP để cho ra những trái xoài chất lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chị Dương Thị Phương Thoa, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Bắc cho biết, đến năm 2013, vùng đồi Sabi, ấp 2A đã không còn hộ đặc biệt khó khăn. Khi xã được tỉnh công nhận xã NTM năm 2014, thì kinh tế của bà con bắt đầu khá lên nhiều...

Ông Trần Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã Xuân Bắc cho biết: Chúng tôi ghi nhận tâm huyết và công sức cải tạo đất của những nông dân tiên phong, dần lôi kéo nhiều người quay về bám đất làm giàu trên chính quê hương mình. Đến nay, toàn xã có 12/12 ấp thực hiện tốt các phong trào của địa phương, đạt các tiêu chí NTM và đang thực hiện các tiêu chí nâng cao.

 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm