| Hotline: 0983.970.780

Giải bài toán cho mạ khay, cấy máy ở Hà Nội thế nào?

Thứ Hai 04/03/2019 , 13:30 (GMT+7)

Theo như tính toán thì gieo mạ khay, cấy máy giúp giảm chi phí khoảng 3,2 triệu đồng/ha so với cấy lúa bằng tay (cả về công lẫn giống), ngoài ra còn giúp tăng năng suất do cây mạ non phát triển, đẻ khỏe, ruộng cấy thưa nên thông thoáng ít sâu bệnh. Tuy nhiên hiện nay tỷ lệ cấy máy của Hà Nội mới ước đạt khoảng 5%.

Nhìn những người lao động của HTX Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội vất vả lẽo đẽo đi trong bùn đất theo sau chiếc máy cấy Kubota hệt như năm xưa rong trâu đi cày, ông Lê Văn Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Công Nông nghiệp Hà Nội đã nhận xét: “Chúng ta đang dùng thế hệ máy mà ngay ở Nhật Bản người ta bỏ đã lâu vì giờ toàn thế hệ máy cấy nhiều hàng, người ngồi trên mà lái chứ không đi theo như thế nữa”.

16-37-53_dsc_3928
Cấy máy ở Đại Thắng

Thế nhưng, điều đáng nói là những cái máy cổ lỗ đó cũng là mơ ước của hàng triệu nông dân Việt Nam nói chung và nông dân Thủ đô nói riêng bởi họ đang phải mỗi năm 2 vụ, còng lưng lội trong bùn lầy giữa khắc nghiệt của thời tiết mà cấy tay. Trong khi đó hạt thóc mỗi ngày một xuống giá, công lao động mỗi ngày một lên cao, phổ biến là 300-350.000đ/ngày mà nhiều lúc vẫn không thuê được.

Sân UBND xã Đại Thắng những ngày tháng 2/2019 này xanh mướt mạ vì diện tích làm mạ của HTX Nông nghiệp Phú Thắng không đủ nên phải nhờ. Năm 2012, xã bắt đầu triển khai đề án cơ giới hóa nông nghiệp, thuộc vào dạng sớm của Hà Nội nên nhận được hỗ trợ khá nhiều của thành phố và huyện. Hiện nay Đại Thắng có 7 máy làm đất, 10 máy cấy, 18.000 khay nhựa để làm mạ, 1 giàn gieo hạt giống lúa tự động với công suất 800 khay/giờ, 1 dây chuyền và xưởng sản xuất giá thể...

Nhờ đó mà công đoạn làm đất bằng máy được 100%, diện tích gặt máy cũng chiếm phần lớn nhưng công đoạn cấy máy dù thực hiện đã lâu vẫn chỉ đạt khoảng 30%. Xã cấy máy nhiều nhất ở Phú Xuyên là Nam Triều đạt khoảng 70-80%, còn tính chung toàn huyện chỉ đạt cỡ trên dưới 10%.

Để khuyến khích áp dụng cơ giới hóa, huyện đã hỗ trợ 80% tiền giá thể đối với các diện tích cấy máy với mục tiêu nâng diện tích đạt 1.350ha nhưng cũng rất khó. Trên phạm vi toàn thành phố, diện tích áp dụng cấy máy còn khiêm tốn hơn thế nhiều.

Hà Nội sau khi sáp nhập trở thành địa phương có diện tích sản xuất lúa mỗi năm khoảng trên dưới 200.000 ha. Gần đây, do được áp dụng cơ giới hóa ở khâu làm đất và thu hoạch nên năng suất, chất lượng lúa đã ngày một nâng cao, giá thành sản xuất ngày một hạ nhưng riêng ở khâu gieo cấy lúa-khâu cực nhọc nhất, gây ra nhiều bệnh về xương khớp nhất lại cơ bản vẫn theo phương pháp cấy tay truyền thống từ hàng ngàn năm trước.

Còn nhớ, cách đây chừng 10 năm, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã bắt đầu thử nghiệm gieo sạ bằng công cụ kéo tay và vụ đông xuân 2013 đã triển khai thí điểm gieo mạ bằng khay, cấy bằng máy.

Theo như tính toán thì gieo mạ khay, cấy máy giúp giảm chi phí khoảng 3,2 triệu đồng/ha so với cấy lúa bằng tay (cả về công lẫn giống), ngoài ra còn giúp tăng năng suất do cây mạ non phát triển, đẻ khỏe, ruộng cấy thưa nên thông thoáng ít sâu bệnh. Tuy nhiên hiện nay tỷ lệ cấy máy của Hà Nội mới ước đạt khoảng 5%.

Khác với máy cày bừa, gặt đập không cần tác động nhiều nhưng người dân, HTX vẫn tự động đầu tư, còn máy cấy, mạ khay thì không, vì sao? Trao đổi với nhiều chủ đại lý bán máy Kubota lẫn các cơ sở mạ khay, cấy máy tôi thấy những nguyên nhân chính nổi lên là: Trước tiên, mạ khay máy cấy không phải cứ có tiền là có thể đầu tư được mà nó là gồm nhiều thứ đi kèm như mặt bằng nhà xưởng rộng cỡ vài ngàn m2, trình độ kỹ thuật phải hiểu biết nhất định về giống, về gieo mạ, về canh tác...

Hơn nữa, môi trường để cây lúa cấy máy phát triển cũng cầu kỳ hơn lúa cấy tay. Mạ dược cấy tay cây dài khoảng 20cm thì mạ khay cây chỉ ngắn khoảng 10cm, đòi hỏi mặt ruộng phải thật phẳng, nước không bị ngập để cây lúa mới cấy xuống có thể phát triển sinh trưởng bình thường.

HTX nào làm tốt công tác điều tiết thời vụ, làm đất, thủy lợi thì mới đáp ứng được còn ở đâu lơ là cái là hỏng ngay. Một điều không thể không nói là tâm lý của nhiều người dân vẫn chưa quen với mạ khay cấy máy.

Chính vì vậy muốn giải “bài toán” về mạ khay cấy máy cần phải nghiên cứu kỹ thật kỹ những nguyên nhân để đề ra một chính sách “mồi” mang tính cách mạng thì mới mong thoát khỏi tình trạng loay hoay như hiện nay.

 

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...