| Hotline: 0983.970.780

Giải bài toán cơ giới hóa cây lúa

Thứ Hai 28/11/2011 , 10:10 (GMT+7)

Cơ giới hoá nông nghiệp là nội dung có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

Hà Nội đang nỗ lực giải bài toán cơ giới hóa cho cây lúa

Cơ giới hoá nông nghiệp là nội dung có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Cơ giới hoá có vai trò tích cực góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

CƠ GIỚI HOÁ TRONG SẢN XUẤT LÚA Ở HÀ NỘI

Hà Nội có diện tích sản xuất lúa hàng năm trên 200.000 ha, là một trong các địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn ở miền Bắc. Tuy nhiên diện tích sản xuất lúa của từng hộ còn nhỏ lẻ, manh mún, đây là rào cản lớn đối với tiến trình đưa cơ giới hoá vào sản xuất lúa ở Hà Nội, với bình quân 4,8 thửa/hộ và diện tích bình quân chỉ khoảng 400m2/thửa, nhiều nơi diện tích ô thửa chỉ đạt khoảng 200m2/1thửa.

Việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất lúa chỉ mới tập trung thực hiện được khâu làm đất (đạt trên 80%) còn lại khâu cấy cơ bản vẫn theo phương pháp gieo cấy truyền thống; các khâu thu hoạch, phơi sấy, bảo quản chủ yếu do các hộ nông dân trực tiếp tổ chức thực hiện theo phương pháp thủ công, quy mô hộ gia đình. Cơ giới hoá trong khâu làm đất cơ bản do tư nhân thực hiện bằng các loại máy có công suất nhỏ từ 8 - 12 mã lực, hoạt động dịch vụ của các hộ làm cơ giới hoá hiệu quả còn chưa cao.

Lý do máy có công suất nhỏ, nông dân thu hoạch lúa để gốc rạ dài, tầng đế cày ngày một nâng lên dẫn tới không phù hợp với sinh trưởng của cây lúa; mặt khác ruộng đất nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất không đồng loạt, mạnh nhà ai nhà ấy làm nên máy móc phải di chuyển nhiều, không phát huy hết công suất. Vai trò dịch vụ của HTX DVNN chưa được phát huy, theo thống kê hiện nay HTX DVNN tổ chức dịch vụ làm đất cho dân mới đạt 20,4%.

Để đưa cơ giới hoá đồng bộ vào sản xuất lúa thì trước tiên phải làm tốt công tác dồn ô đổi thửa, trong khi việc dồn ô đổi thửa là rất khó khăn do giá đất chênh lệch nhau giữa các vùng lớn. Vì vậy cần phải có sự liên kết giữa các hộ nông dân có ruộng liền kề để phá bỏ bờ thửa, để lại bờ vùng, thuận lợi cho việc đưa cơ giới hoá. Đây là tiền đề để các hộ nông dân trong cùng dòng họ, trong gia đình đổi quyền sử dụng đất để tập trung vào sản xuất tại một vùng, thuận lợi cho việc đưa cơ giới hoá và đưa các tiến bộ kỹ thuật mới vào trong sản xuất lúa, từ đó mới hình thành được các vùng sản xuất tập trung, vai trò dịch vụ của HTX mới được phát huy.

MỘT SỐ MÔ HÌNH THÚC ĐẨY ĐƯA CƠ GIỚI HOÁ

1. Sau khi nghiên cứu tổng kết những kinh nghiệm sản xuất lúa của các tỉnh vùng ĐBSCL, năm 2007 Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã đưa gieo thẳng lúa theo hàng bằng giàn kéo tay vào sản xuất lúa ở Hà Nội; mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều người dân hưởng ứng, từ 5 ha năm 2007, đến năm 2011 diện tích gieo thẳng lúa theo hàng bằng giàn kéo tay ở Hà Nội đã lên tới 13.000ha.

Đây chính là tiền đề phát huy vai trò dịch vụ của các HTX DVNN, thành lập các tổ dịch vụ, khuyến khích cơ sở làm dịch vụ cho người dân từ khâu làm đất, ngâm ủ, gieo sạ, phun thuốc trừ cỏ... từ đó hình thành các vùng sản xuất tập trung, gieo cùng một giống, cùng một thời gian, chăm sóc bón phân đồng loạt, thuận lợi cho việc đưa cơ giới hoá từ khâu gieo cấy đến khâu thu hoạch.

2. Trên cơ sở kết quả của mô hình gieo thẳng lúa theo hàng bằng giàn kéo tay, từ năm 2009 đã thực hiện hỗ trợ được 32 máy làm đất, 25 máy phun thuốc, 51 máy gặt đập liên hợp cho HTX dịch vụ, hộ nông dân để tổ chức dịch vụ làm đất, chăm sóc, thu hoạch cho nông dân.

Từ việc hỗ trợ máy làm đất, máy phun thuốc, máy gặt đập liên hợp đã thúc đẩy nông dân tổ chức làm đất, chăm sóc tập trung, sản xuất cùng một loại giống trong vùng sản xuất, gieo cấy cùng thời điểm, lúa chín đồng đều thuận lợi cho việc thu hoạch bằng máy và đây cũng là nền tảng để nông dân nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của việc dồn ô đổi thửa, thuận lợi cho việc đưa cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất, nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa.

3. Bên cạnh mô hình đưa cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất lúa, năm 2011 Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục xây dựng mô hình hỗ trợ đưa cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất lúa trên nền gieo thẳng theo hàng, HTX DVNN làm dịch vụ cho nông dân từ làm đất, ngâm ủ giống, kéo sạ, phun thuốc trừ cỏ, thuốc BVTV đến khâu thu hoạch; Tuyên truyền, vận động các hộ nông dân có ruộng liền kề liên kết phá bờ thửa để lại bờ vùng thành ô lớn để đưa cơ giới hoá đồng bộ vào trong sản xuất lúa.

Thực hiện triển khai tại 4 điểm, với quy mô 380ha, hỗ trợ 20 máy làm đất có công suất 24 - 34 mã lực (trong đó 10 máy Nhật, 10 máy Trung Quốc), 11 máy gặt đập liên hợp bề rộng cắt 1,8m và 19 máy phun thuốc Nhật Bản. Mô hình bước đầu đạt kết quả tốt, giúp giảm chi phí so với sản xuất theo phương pháp truyền thống từ 6 - 8 triệu đồng/ha, phát huy được vai trò dịch vụ của các HTX. Năm 2012 tiếp tục mở rộng mô hình ở các xã xây dựng NTM, tuyên truyền và vận động các hộ dân liên kết với nhau, nâng cao vai trò dịch vụ của HTX, hoạt động có hiệu quả, đưa các tiến bộ khoa học mới vào sản xuất lúa, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy thành công thực hiện các tiêu chí của NTM.

4. Đối với các hộ nông dân, HTX không hưởng lợi từ mô hình khuyến nông có nhu cầu mua máy, Trung tâm Khuyến nông giúp hỗ trợ thông qua việc cho vay vốn quĩ khuyến nông để thúc đẩy đưa cơ giới hoá vào sản xuất.

GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY CƠ GIỚI HOÁ

Lợi ích của việc đưa cơ giới hoá vào trong sản xuất nông nghiệp đã được thấy rõ. Để tiếp tục thúc đẩy quá trình đưa cơ giới hoá vào sản xuất cần phải có các giải pháp sau:

1. Phải đặt việc quy hoạch lại đồng ruộng, đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt chú trọng công tác dồn ô đổi thửa lên hàng đầu nhất là các xã xây dựng NTM.

2. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ quản lý cho HTX, củng cố và đổi mới hoạt động của các HTX, nâng cao kỹ năng sử dụng máy móc, thiết bị và tổ chức tốt các khâu dịch vụ, từ đó hình thành các tổ dịch vụ mang tính chuyên nghiệp phục vụ cho nông dân.

3. Tuyên truyền vận động nông dân đồng thuận với chủ trương chính sách của Đảng, làm tốt công tác dồn ô dổi thửa, thuận lợi cho việc đưa cơ giới hoá, để cùng chung tay xây dựng NTM đạt kết quả.

4. Xây dựng cơ chế chính sách để hỗ trợ cho các cơ sở thực hiện tốt việc dồn ô đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng, xây dựng cơ sở hạ tầng và chính sách hỗ trợ máy móc đồng bộ cho sản xuất, làm tiền đề cho các HTX dịch vụ tổ chức sản xuất và dịch vụ cho nông dân.

5. Phối hợp với các nhà sản xuất, kinh doanh máy móc thiết bị phục vụ sản xuất để trình diễn các loại máy móc, các tiến bộ kỹ thuật mới trong cơ giới hoá sản xuất lúa, làm cơ sở để các địa phương lựa chọn loại máy phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương mình.

6. Lựa chọn doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, từng bước xây dựng mô hình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa phục vụ nội tiêu, hướng tới xuất khẩu.

Trung tâm Khuyến nông Hà Nội có một số đề xuất, kiến nghị như sau:

- Đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục hỗ trợ xây dựng các mô hình cơ giới hoá đồng bộ, mô hình liên kết trong sản xuất lúa cho các tỉnh, thành phố trong đó có Hà Nội.

- Đề nghị UBND thành phố Hà Nội: Sớm phê duyệt và triển khai chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của TP Hà Nội; Giao cho ngành Nông nghiệp xây dựng và triển khai Đề án phát triển cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2012 - 2016.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Ninh Bình phấn đấu thêm 30 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên

Theo Sở NN-PTNT Ninh Bình, năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên và có thêm sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao.

Bình luận mới nhất