| Hotline: 0983.970.780

Giải bài toán giá thành để nâng sức cạnh tranh cho trái cây xuất khẩu

Thứ Ba 07/06/2022 , 07:15 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Trái cây Việt Nam xuất sang Trung Quốc ngày càng chịu cạnh tranh khốc liệt với các nước trong khu vực. Hạ giá thành sản phẩm là bài toán sống còn.

"Chào thua" nếu không giảm được phí vận chuyển

Theo ông Phan Thanh Bút, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư nông nghiệp Sinh Lợi ở TP.HCM (Tập đoàn Sinh Lợi), đơn vị chuyên xuất khẩu nông sản, chủ lực là trái cây sang thị trường Trung Quốc, trong xuất khẩu trái cây hiện nay, nếu không giảm được chi phí vận chuyển thì phải “chào thua” với trái cây của các nước trong khu vực, nhất là với Thái Lan.

Tập đoàn Sinh Lợi chủ động lực lượng xe tải và container với 36 chiếc để vận chuyển hàng. Ảnh: TĐSL.

Tập đoàn Sinh Lợi chủ động lực lượng xe tải và container với 36 chiếc để vận chuyển hàng. Ảnh: TĐSL.

Trước thực trạng trên, Tập đoàn Sinh Lợi phải tính đến chuyện tiết kiệm chi phí vận chuyển để giảm giá thành sản phẩm. Bởi, chi phí vận chuyển luôn chiếm từ 10 - 20% giá trị sản phẩm.

“Ví như dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ có giá 15.000 đ/kg, trong khi chi phí vận chuyển đã mất đến 5.000đ/kg, vị chi chiếm đến hơn 30% giá trị sản phẩm. Hoặc như bưởi da xanh, sầu riêng xuất sang Trung Quốc có giá 50.000 - 70.000 đ/kg, chi phí vận chuyển cũng 5.000đ/kg, chiếm 6 - 7%. Tính bình quân các loại trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, chi phí vận chuyển chiếm từ 10 - 20% là chắc mẩm”, ông Phan Thanh Bút nêu ví dụ.

Để tiết kiệm chi phí vận chuyển, Tập đoàn Sinh Lợi mở hướng đầu tư tại Bình Định, nơi rất thuận lợi về giao thông để xây dựng tỉnh này thành trung tâm xuất khẩu trái cây và các loại nông sản sang Trung Quốc. Ông Bút tính toán, Đà Nẵng có cảng Tiên Sa xuất khẩu cũng thuận tiện, nhưng nếu đặt “đại bản doanh” tại đây thì trái cây thu mua từ Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa chở ra Đà Nẵng phải đi đoạn đường dài đến 600 - 700km.

Còn đặt điểm tập trung tại Bình Định thì trái cây mua từ Quảng Nam, Quảng Ngãi chở về Bình Định đoạn đường chưa tới 300km; trái cây mua từ Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa chở ra cũng chỉ khoảng hơn 300km. Đường vận chuyển ngắn sẽ giúp chi phí giảm, trái cây không nằm trên xe dài ngày cũng ít bị hư hỏng. Thêm nữa, hiện nay từ Gia Lai xuống Bình Định xe tải chạy mất 3 tiếng, nhưng hiện nay Chính phủ đã đồng thuận xây dựng tuyến đường cao tốc nối Tây Nguyên - Bình Định, đến khi tuyến cao tốc này hình thành, xe chạy từ Gia Lai về Bình Định chỉ còn mất 1 tiếng rưỡi đồng hồ.

Tập đoàn Sinh Lợi có những chiếc xe tải nhỏ để vận chuyển cây giống, vật tư phân bón tới tận vườn trồng câu ăn quả cho nông dân. Ảnh: TĐSL.

Tập đoàn Sinh Lợi có những chiếc xe tải nhỏ để vận chuyển cây giống, vật tư phân bón tới tận vườn trồng câu ăn quả cho nông dân. Ảnh: TĐSL.

Cũng theo ông Bút, khi đã hình thành vùng nguyên liệu cây ăn quả từ Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định ra đến các tỉnh Bắc Trung bộ, thu mua thêm trái cây các tỉnh Tây Nguyên, Tập đoàn Sinh Lợi sẽ có đủ lượng hàng hóa để xuất khẩu số lượng lớn sang Trung Quốc thông qua Cảng Quy Nhơn. Đầu mối lo đầu ra cho sản phẩm vào thị trường Trung Quốc đã có Công ty Đầu tư quốc tế Hằng Sinh, một doanh nghiệp của người Trung Quốc sinh sống trên đất Việt Nam từ năm 2001 mới sáp nhập vào Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vạn Vạn Lợi để trở thành Tập đoàn Sinh Lợi.

“Mỗi chuyến chúng tôi đi 50 - 70 container hàng bằng đường biển thì chi phí vận chuyển sẽ thấp hơn chi phí vận chuyển bằng đường sắt, khi ấy có thể cạnh tranh được với những nước trong khu vực khi xuất hàng sang Trung Quốc.

Vận chuyển hàng trong nước, chúng tôi còn chủ động được phương tiện vận chuyển với lực lượng 36 chiếc xe tải và container. Xe của mình thì có thể chủ động được trong mọi tình huống, nếu gặp mưa bất chợt không thể thu hoạch trái cây, xe có thể nằm chờ 1 - 2 ngày mà không phải lo phát sinh chi phí vận chuyển.

Khi chủ động được phương tiện, cước vận chuyển ắt sẽ được giảm, theo đó giá thành sản phẩm cũng giảm theo, tạo thêm sức cạnh tranh cho doanh nghiệp”, Chủ tịch Tập đoàn Sinh Lợi, ông Phan Thanh Bút bộc bạch.

Tập đoàn Sinh Lợi làm việc với UBND tỉnh Bình Định về dự án mở rộng vùng nguyên liệu cây ăn quả. Ảnh: V.Đ.T.

Tập đoàn Sinh Lợi làm việc với UBND tỉnh Bình Định về dự án mở rộng vùng nguyên liệu cây ăn quả. Ảnh: V.Đ.T.

Khai thác nông nghiệp tuần hoàn để hạ chi phí

Theo tâm tư của ông Phan Thanh Bút, mục tiêu kinh doanh của Tập đoàn Sinh Lợi phải làm sao để nông dân có lời càng nhiều càng tốt, bởi như vậy nông dân mới gắn kết lâu bền với doanh nghiệp, khi ấy việc làm ăn của doanh nghiệp mới được bền vững. Muốn được vậy, doanh nghiệp phải tìm mọi cách giảm giá thành sản phẩm để nông dân có lãi tốt.

Trong chiến lược phát triển của Tập đoàn Sinh Lợi, sau khi hình thành vùng nguyên liệu cây ăn quả tại các tỉnh Nam Trung bộ, thu mua thêm trái cây của các tỉnh Tây Nguyên để vừa xuất tươi, vừa chế biến, Tập đoàn Sinh Lợi sẽ xây dựng tại Bình Định nhà máy chế biến trái cây và nông sản các loại.

Tập đoàn Sinh Lợi đóng thùng cây ăn quả chuẩn bị xuất khẩu. Ảnh: TĐSL.

Tập đoàn Sinh Lợi đóng thùng cây ăn quả chuẩn bị xuất khẩu. Ảnh: TĐSL.

Song song với nhà máy chế biến, Tập đoàn Sinh Lợi sẽ xây dựng nhà máy sản xuất phân hữu cơ. Khi ấy, vỏ các loại trái cây sau khi được chế biến sẽ được đưa sang nhà máy sản xuất phân hữu cơ. Doanh nghiệp không phải mất chi phí tiêu hủy phế, phụ phẩm trong chế biến trái cây, mà còn chủ động được nguồn phân hữu cơ với giá rẻ cung ứng cho nông dân. Chi phí đầu vào giảm, sẽ giúp giá thành sản phẩm giảm.

“Hiện nay, phân hữu cơ nhập từ nước ngoài về có giá 5.500 đ/kg, đến tới tay nông dân giá sẽ tăng đến 7.000 đ/kg. Trong khi sản xuất tại chỗ, giá thành phân hữu cơ chỉ có 3.000 đ/kg, doanh nghiệp lại không mất khoản chi phí thuê công ty môi trường chở vỏ các loại trái cây đi tiêu hủy. Mình bán rẻ phân hữu cơ cho nông dân bón cây, chi phí đầu vào của bà con sẽ được giảm mạnh.

Điều này rất quan trọng trong việc hạ giá thành sản phẩm, nhất là trong bối cảnh phân bón tăng giá “dựng đứng” như hiện nay. Khi giá thành sản phẩm giảm, sẽ tăng sức cạnh tranh với trái cây các nước trong khu vực khi xuất sang thị trường Trung Quốc”, ông Phan Thanh Bút phân tích.

Ông Phan Thanh Bút, Chủ tịch Tập đoàn Sinh Lợi (thứ 2 tính từ trái sang) cùng lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định và lãnh đạo UBND huyện Hoài Ân khảo sát vùng trồng cây ăn quả tập trung tại huyện Hoài Ân. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Phan Thanh Bút, Chủ tịch Tập đoàn Sinh Lợi (thứ 2 tính từ trái sang) cùng lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định và lãnh đạo UBND huyện Hoài Ân khảo sát vùng trồng cây ăn quả tập trung tại huyện Hoài Ân. Ảnh: V.Đ.T.

Mặt khác, khi xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả, Tập đoàn Sinh Lợi sẽ gắn bó mật thiết với các HTX nông nghiệp để triển khai sản xuất một cách đồng bộ theo hướng VietGAP, bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng trái cây nhằm tăng sức cạnh tranh với trái cây các nước trong khu vực.

Đơn cử như cuối tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Sinh Lợi đã về “thủ phủ” cây ăn quả Hoài Ân (Bình Định) để ký kết hợp tác xây dựng vùng trồng cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu tại địa phương như: Mít ruột đỏ, chuối sáp, bưởi da xanh, dừa xiêm, sầu riêng, xoài, cam sành, dưa lê, dưa lưới... Đồng thời, ký kết với HTX Nông nghiệp Thanh Niên về hợp tác cung ứng, thu mua nông sản trên địa bàn huyện Hoài Ân để tiêu thụ, tổ chức giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn đến với người tiêu dùng.

Tập đoàn Sinh Lợi bàn bạc với HTX Nông nghiệp Thanh Niên khi xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả cần thay đổi cách làm. Nếu như trước kia, nông dân bỏ tiền tự đi mua 1 bao phân với giá 1 triệu đồng về bón cây, thì nay HTX bao luôn việc cung ứng phân bón và bao luôn chuyện bón phân cho nông dân mà chi phí mỗi bao phân nông dân cũng chỉ bỏ ra 1 triệu đồng, nhưng bà con không mất công bón phân cho từng gốc cây.

Ông Phan Thanh Bút, Chủ tịch Tập đoàn Sinh Lợi (trái) và TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ bàn bạc việc mở rộng vùng nguyên liệu cây ăn quả tại Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Phan Thanh Bút, Chủ tịch Tập đoàn Sinh Lợi (trái) và TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ bàn bạc việc mở rộng vùng nguyên liệu cây ăn quả tại Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

“Nếu nông dân mua lẻ, mỗi bao phân 1 triệu đồng thì khi HTX đứng ra mua cả vài ba trăm bao, giá sẽ hạ, thậm chí HTX có thể mua tận gốc, giá sẽ còn hạ thấp. 

HTX bón phân theo quy trình sẽ giúp cây phát triển và cho ra quả đồng đều, chất lượng ngon đồng đều hơn là để nông dân tự bón lúc ít lúc nhiều, quả cho chất lượng không đồng đều, làm mất sức cạnh tranh trên thị trường. Thị trường nhập khẩu rất thích trái cây có trọng lượng đồng đều và chất lượng ngon ngọt như nhau, chứ nếu cùng 1 thương hiệu mà quả ngọt, quả chua là sau đó nhìn thấy thương hiệu ấy người tiêu dùng sẽ lơ ngay” Chủ tịch Tập đoàn Sinh Lợi Phan Thanh Bút phân tích.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.