| Hotline: 0983.970.780

Giải đáp trồng thâm canh rừng kinh tế

Thứ Năm 04/09/2008 , 10:00 (GMT+7)

Công tác trồng rừng ở cơ sở đang đặt ra nhiều vấn đề lớn...

Một góc rừng kinh tế ở Con Cuông (Nghệ An)

Trong mấy năm gần đây nhờ chính sách giao đất gắn với giao rừng đi kèm các khoản hỗ trợ về giống, trợ cấp gạo… nên công tác trồng rừng được đẩy mạnh ở hầu khắp các địa phương, đông đảo người trồng rừng đã có các khoản thu nhập đáng kể nhờ việc bảo vệ, chăm sóc và phát triển vốn rừng.

Nhiều hộ đã giàu lên từ việc trồng rừng nguyên liệu cho công nghiệp. Tuy nhiên, công tác trồng rừng ở cơ sở đang đặt ra nhiều vấn đề như: Thâm canh cây gỗ lớn trong rừng kinh tế nên làm theo mô hình nông lâm kết hợp hay chỉ trồng thuần? Trồng cây gì để lấy ngắn nuôi dài nhằm tháo gỡ được những khó khăn trước mắt cho các hộ trồng rừng? Nên chọn cây gì để vừa đạt được hiệu quả kinh tế cao cả trước mắt và lâu dài?… thì mỗi nơi làm một cách. Người trồng rừng đang tự mò mẫm và làm theo kiểu tự phát.

Bởi thế, để góp phần giúp người trồng rừng giải quyết những thắc mắc đó, sáng 26/8/2008, tại TX Cửa Lò- Nghệ An, Diễn đàn Khuyến nông @ công nghệ do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quốc gia đã phối hợp với Báo NNVN tổ chức chuyên đề “trồng thâm canh rừng kinh tế” cho các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ. Đây là 1 trong số 12 chuyên đề được Diễn đàn này triển khai trong 7 tháng đầu năm 2008.

Diễn đàn đã thu hút gần 20 nhà khoa học lâm nghiệp hàng đầu, lãnh đạo 6 Trung tâm KN-KL và gần 40 hộ trồng rừng điển hình của 6 tỉnh Bắc Trung bộ về dự. Tại diễn đàn, Ban tổ chức và Hội đồng tư vấn khoa học đã nhận được 28 phiếu chất vấn với trên 60 câu hỏi xung quanh những vấn đề về chính sách cho người trồng rừng; về kỹ thuật trồng rừng kinh tế; thời vụ; xử lý tác động của môi trường trong thâm canh rừng kinh tế; việc chuyển đổi giữa 3 loại rừng nên thực hiện theo cơ chế nào… đề nghị Hội đồng tư vấn khoa học có mặt tại hội nghị trả lời trực tiếp.

Về vấn đề trồng cây gì trong thâm canh rừng kinh tế, TS Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: Trả lời câu hỏi này là rất khó. Bởi vậy, trồng thâm canh rừng kinh tế của từng địa phương phải căn cứ vào vùng sinh thái, điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương mình người trồng rừng nên tham khảo kỹ các nhà chuyên môn để chọn được cây trồng đáp ứng được mục tiêu kinh doanh của mình. Rừng kinh tế có chu kỳ tối đa là 15 năm vì vậy tiến hành trồng cây gì phải cân nhắc liệu 15 năm sau còn có đầu ra hay không?

TS Phạm Quang Vinh, Đại học Lâm nghiệp cho rằng: Ngoài yếu tố vốn, kỹ thuật và điều kiện khí hậu việc chọn lập địa thích hợp và chọn loài cây trồng là vấn đề cực kỳ quan trọng. Nó sẽ quyết định năng suất, chất lượng và độ bền vững của rừng trồng trong tương lai. Theo ông, trồng thâm canh rừng kinh tế nên thực hiện theo mô hình nông lâm kết hợp. Trong đó người trồng rừng nên chọn một số trong các loại cây gỗ lớn sau đây để trồng chủ lực: Lim xanh, sến mật, lát hoa, lát Mêhicô, trám trắng, muồng đen, chò chỉ, de gừng, dổi xanh, dẻ đỏ, ràng ràng, xoan mộc, sa mộc, pơ mu, sưa, vạng trứng…

Các nhà khoa học trả lời những câu hỏi của người trồng rừng

Trả lời câu hỏi cây keo lai có được xem là cây gỗ lớn hay không? Làm gì để khắc phục tình trang keo lai bị đổ gãy khi chưa đến kỳ thu hoạch? GS Lê Đình Khả cho biết: Tại một số nước Đông Nam á cây keo lai được coi là cây gỗ lớn. Có những cây đến kỳ thu hoạch có đường kính tới 50 -60cm. Gỗ cây keo lai có nhiều màu sắc khác nhau nên một số nơi làm đồ gia dụng trông gần giống như gỗ trắc. Làm hom giống cây keo lai tuyệt đối không được dùng hạt để giâm cây vì năng suất thấp, chất lượng kém. Ở nước ta hiện nay các nhà khoa học đã chọn tạo ra hàng chục giống keo lai có chất lượng tốt và năng suất cao như BV71, BV 73, BV 75, KL2, KLTA 3, TB3, TB6… Vấn đề khắc phục hiện tượng đổ gãy đối với cây keo lai, theo GS Lê Đình Khả là phải trồng mật độ thưa để tránh bão và tạo điều kiện cho cây keo phát triển nhanh.

Trồng thâm canh rừng kinh tế nên chọn cây gì để lấy ngắn nuôi dài? GS Nguyễn Ngọc Lung cho rằng việc trồng kết hợp giữa cây gỗ nhỏ với cây gỗ lớn hoặc dùng phương pháp tỉa thưa cũng là một cách để lấy ngắn nuôi dài. Ông cho biết thêm: Hầu hết người trồng rừng tại các địa phương đều trồng xen các loại cây như: Ba kích, gừng, sắn, đậu, lạc khi rừng chưa khép tán. Khi cây đã khép tán thì trồng các loại cây lâm sản phi gỗ khác như mây, song, cây thuốc chữa bệnh khác để có thu nhập…

Phát biểu tổng kết hội thảo, TS Tống Khiêm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quốc gia đã đánh giá cao những câu hỏi thẳng thắn đi thẳng vào trọng tâm vấn đề của đại biểu cũng như những câu trả lời tâm huyết và tính thuyết phục cao của các nhà khoa học. Theo ông Khiêm, chắc chắn đội ngũ các nhà khoa học sẽ tiếp tục đồng hành với những người trồng rừng để trao đổi toàn diện và kỹ hơn những vấn đề đang tiếp tục nảy sinh trong lĩnh vực trồng thâm canh rừng kinh tế ở nước ta.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.