Để giải mã huyền thoại Lý Tiểu Long, nhà văn Mỹ - Mathew Polly đã bỏ nhiều năm nghiên cứu và hoàn thành cuốn sách “Một cuộc đời phi thường”. Ấn bản tiếng Việt của tác phẩm này dày hơn 800 trang vừa được Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ và Saigon Book phát hành!
Lý Tiểu Long được xem là một biểu tượng của văn hóa Hồng Kong. Không thể nói khác hơn, chính Lý Tiểu Long với cái tên quốc tế là Bruce Lee đã khiến thị trường giải trí quốc tế chú ý đến phim trường Hồng Kong. Và chính những vai diễn của Lý Tiểu Long đã kết nối nghệ thuật thứ bảy phương Đông và phương Tây một cách ngoạn mục.
Bây giờ, khi điện ảnh Hồng Kong đã mất đi vị trí dẫn đầu châu Á trước sự trỗi dậy của Hàn Quốc và nhiều nước trong khu vực, thì người dân Hồng Kong vẫn lấy hình ảnh Lý Tiểu Long làm niềm tự hào bất biến.
Tượng đài Lý Tiểu Long hiện nay vẫn là nơi được nhiều du khách ghé đến chụp ảnh nhất, khi đặt chân đến Hồng Kong. Tại xứ cảng thơm, vào mùa thu năm 1973, đã chứng kiến dòng khán giả hâm mộ lên đến 15 ngàn người vây quanh khu vực có thi hài Lý Tiểu Long được đặt trong quan tài bằng đồng trị giá 40 ngàn USD, để tiễn biệt nhân vật mà họ yêu mến. Đó là đám tang lớn nhất trong lịch sử Hồng Kong.
“Đó là thời khắc khủng khiếp”, báo chí Hồng Kong lúc ấy đã viết như vậy. Thế nhưng, người Hồng Kong không thể giữ lại Lý Tiểu Long như một báu vật. Ngày 26/7/1973, thi hài Lý Tiểu Long đã được vợ con ông đưa về Mỹ, và an táng tại Seattle.
Một chi tiết đáng chú ý, là vé máy bay Hồng Kong - Mỹ vốn được hãng phim Warner Bros mua sẵn để mời Lý Tiểu Long sang tham dự một cuộc giao lưu, không ngờ lại được dùng để đưa ông về chốn an nghỉ cuối cùng. Lý Tiểu Long đột ngột qua đời tại căn hộ ở tầng hai số 67 đường Beacon Hill với rất nhiều nghi vấn khác nhau.
Trước những thêu dệt lan rộng, Linda Emery- người vợ nhỏ hơn Lý Tiểu Long 5 tuổi, đã lên tiếng: “Bản thân tôi không quy kết trách nhiệm cho bất kỳ ai trong cái chết của anh ấy. Định mệnh đã an bài. Điều quan trọng duy nhất giờ đây là Bruce Lee đã ra đi và sẽ không bao giờ trở lại”.
Còn hãng phim mà Lý Tiểu Long đang cộng tác, cũng van nài thống thiết: “Một ngôi sao vĩ đại vừa tắt. Hãy để Bruce Lee ra đi như một anh hùng. Các đồn đoán chắc chắn sẽ làm hỏng hình ảnh của anh ấy, và làm tan vỡ trái tim những người hâm mộ!”.
Chỉ với 4 bộ phim võ thuật “Đường Sơn đại huynh”, “Tinh võ môn”, “Mãnh long quá giang” và “Long tranh hổ đấu”, Lý Tiểu Long đã trở thành bất tử.
Không ít người vẫn thắc mắc, những màn đánh đấm của Lý Tiểu Long trên phim có lẽ nào đã được cường điệu hóa? Ngoài đời, Lý Tiểu Long có giỏi võ như vậy không?
Thời diễn viên Lý Tiểu Long phô trương võ thuật, kỹ xảo điện ảnh vẫn còn rất sơ khai. Cho nên, có thể khẳng định Lý Tiểu Long rất giỏi võ thuật.
Lúc trẻ, Lý Tiểu Long từng theo danh sư Diệp Vấn để thọ giáo Vịnh Xuân Quyền. Ngày 9/7/1967, Lý Tiểu Long tự lập ra một hệ phái võ thuật, đặt tên là Triệt Quyền Đạo.
Khi truyền nghề cho môn sinh, Lý Tiểu Long giải thích: “Ta có ba cơ hội để đánh kẻ địch: trước khi hắn tấn công, trong khi hắn tấn công và sau khi hắn tấn công. Triệt Quyền Đạo có nghĩa là ta chặn đứng hắn ngay trước khi bị hắn tấn công, triệt tiêu các động tác, suy nghĩ và cả động cơ của đối phương”.
Giá trị của Triệt Quyền Đạo do Lý Tiểu Long thể hiện, được một môn sinh người Mỹ là Jesse Glover miêu tả: “Điều khiến anh ấy cực kỳ lợi hại là anh ấy có thể đoán trước đòn đánh, ngay cả khi nó chưa kịp xảy ra. Rất nhiều khái niệm tiến bộ của anh ấy được xây dựng trên sự nhận diện phản ứng đối thủ”.
Tuy nhiên, Triệt Quyền Đạo chỉ đắc dụng với khả năng thiên bẩm của Lý Tiểu Long mà thôi. Trước viễn cảnh ít người lĩnh hội được hệ thống võ thuật mà mình vun đắp, Lý Tiểu Long nhấn mạnh: “Triệt Quyền Đạo chỉ đơn thuần là một cái tên để gọi, một con thuyền để chở ta qua sông. Và khi đã qua bờ bên kia, ta sẽ vứt con thuyền đi, chứ không vác nó trên lưng suốt đời!”.