| Hotline: 0983.970.780

“Giải mã” việc Trung Quốc nhập ngô

Thứ Sáu 20/08/2010 , 09:21 (GMT+7)

Tình cảnh mất mùa ngô tương tự, nước láng giềng Trung Quốc còn khó khăn cho loại nông sản này bội phần...

Như NNVN đã phản ánh, miền Bắc đối mặt mùa ngô thất bát, khả năng phải tăng nhập khẩu một lượng ngô không nhỏ. Tình cảnh mất mùa ngô tương tự, nước láng giềng Trung Quốc còn khó khăn cho loại nông sản này bội phần...

Sự kiện lần đầu tiên Trung Quốc nhập khẩu một khối lượng lớn ngô từ Mỹ trong vòng 15 năm qua vào đầu tháng 6/2010 đã gây ra một cuộc tranh luận âm ĩ, chưa từng có. Và từ hành động làm “đảo lộn tất cả các dự báo” này thì Mỹ, quốc gia sản xuất ngô số 1 thế giới đã thực sự đặt chân vào “tân kỷ nguyên vàng” hay chưa, đến nay vẫn còn là một ẩn số.

Điều khó nói của chính phủ

Câu chuyện về ngô được khuấy lên sau 5 chuyến tàu ngô Mỹ cập cảng Longkou, tỉnh Sơn Đông, nâng lượng ngô nhập khẩu của Mỹ từ đầu năm đến nay lên tới 1,2 triệu tấn và có nguồn tin còn cho rằng nhu cầu ngô của Trung Quốc sẽ tăng lên gấp 10 lần hiện tại trong 5 năm tới. Trong khi đó, những năm trước đây, tổng lượng ngô nhập từ tất cả các nguồn chỉ vào khoảng 100.000 tấn. Thế là từ nông dân, các doanh nghiệp nhập khẩu và chuyên gia kinh tế đều không hiểu nổi điều gì đang xảy ra. Và câu trả lời chung nhất đã được đưa ra là do dân số tăng lên kéo theo nhu cầu và thiên tai hoành hành gây ra.

Nhà kinh tế Jay O'Neil, thuộc ĐH Kansas, Mỹ thì giải thích: Nhu cầu ngô của Trung Quốc tăng đột ngột là do nguồn cung từ các nước khác bị hạn chế và rất có thể thị trường ngũ cốc thế giới trong tương lai gần sẽ có nhiều biến động. Sở dĩ ngay cả các chuyên gia cũng chỉ phỏng đoán được có vậy là bởi lâu nay, các thông tin về nhu cầu ngô tiêu thụ tại Trung Quốc hết sức rối rắm và luôn được chính phủ giữ kín.

Trước đó, hồi đầu năm Trung Quốc đặt mục tiêu sản xuất đáp ứng tối thiểu 95% nhu cầu tiêu dùng ngũ cốc trong nước từ nay đến năm 2020, nhưng chi tiết của chiến lược kinh tế này không được công bố. Vì vậy đến nay chuyện nhập ngô vẫn là việc “nội bộ của chính phủ”, còn người bên ngoài chỉ có thể đoán già đoán non. Thậm chí lượng ngũ cốc dự trữ quốc gia cũng là thông tin mật (USDA ước đoán, lượng ngô tồn của Trung Quốc đạt khoảng 35 triệu tấn).

Có người cho rằng, tranh cãi về nhập ngô ít nhiều đã lộ ra xung đột giữa cung cách điều hành nền kinh tế trong giai đoạn toàn cầu hóa sau ba thập niên cải cách. Và sau các thương vụ nhập ngô Mỹ vừa rồi phần nào cho thấy không phải kế hoạch nào các nhà lãnh đạo chủ trương cũng có thể hoàn thành.

Cả Bộ Nông nghiệp, Bộ Thương mại và Ủy ban Cải cách phát triển Trung Quốc (NDRC) đều từ chối trả lời về các chính sách liên quan đến ngô, cho rằng vấn đề này quá nhạy cảm. Còn các chuyên gia phương Tây đang hoạt động tại nước này cũng chỉ dám nhỏ to khi đụng đến vấn đề này. Thông tin hiếm hoi liên quan được đăng trên website của NDRC chỉ ngắn gọn, việc nhập khẩu ngô vừa qua là nhằm hạ nhiệt thị trường nội địa và nhấn mạnh, nó không ảnh hưởng đến cuộc sống của nông dân trồng ngô trong nước cũng như lượng dự trữ quốc gia. NDRC cũng cho biết sẽ mạnh tay xử lý các hoạt động đầu cơ và tạo ra hiện tượng sốt giá giả nhằm bình ổn thị trường. Cơ quan này cũng không đưa ra bình luận nào về khả năng nước này sẽ tiếp tục nhập khẩu ngô trong thời gian tới.

Đi tìm nguyên nhân

Trước đó Giám đốc Cty tư vấn giao dịch và hối đoái Thượng Hải Hanver Li cho hay, Trung Quốc đã bước vào giai đoạn phát triển mới và lượng ngô nhập khẩu của Trung Quốc vào năm tới sẽ đạt 5,8 triệu tấn và đến 2015 sẽ là 15 triệu tấn. Sự thiếu hụt về nguồn cung và sự gia tăng nhanh chóng về nhu cầu đã khiến giá ngô ở Trung Quốc tăng mạnh, với giá ngô giao theo kỳ hạn 2.000 nhân dân tệ/tấn (tương đương 295 USD), tăng 20% so với cách đây gần 1 năm. Thống kê năm 2008, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 141,5 triệu tấn ngũ cốc, trong đó 2/3 phục vụ ngành chăn nuôi.

Theo ông Li, sở dĩ Trung Quốc phải đẩy mạnh nhập khẩu ngô là do phải hứng chịu thiên tai lũ lụt ở đông bắc, hạn hán ở vùng tây nam khiến sản lượng ngô giảm mạnh. Trong khi đó nhu cầu trong nước lại đang gia tăng do nền kinh tế liên tục tăng trưởng cao kéo theo nhu cầu về thịt, sữa, trứng tăng theo và đẩy nhu cầu thức ăn chăn nuôi lên. Bên cạnh đó, mấy năm gần đây Trung Quốc tăng tốc phát triển nhiên liệu sinh học nên nhu cầu ngô cho việc sản xuất ethanol cũng tăng mạnh. Hiện ba tỉnh vùng đông bắc gồm Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh và vùng Nội Mông đều đã sử dụng xăng pha ethanol, khiến cho khu vực vốn là vựa ngô của Trung Quốc trở thành đại bản doanh của ngành công nghiệp ethanol. Ước tính, mỗi năm các nhà máy sản xuất ethanol tại Trung Quốc tiêu thụ khoảng 4 triệu tấn ngô, chiếm khoảng 10% tổng nhu cầu chế biến nên càng làm tăng thêm áp lực về nguồn cung.

Box: Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu từ năm 2010 sẽ tiêu dùng trung bình mỗi năm 6,7 triệu tấn nhiên liệu hỗn hợp ethanol và 11 triệu tấn dầu diesel sinh học, để đáp ứng mục tiêu giảm 10% nguồn nhập khẩu. Theo đó nhu cầu trồng ngô phục vụ công nghiệp ethanol sẽ phải mở rộng và “xâm lấn” mất thị phần của ngành chăn nuôi là đương nhiên và có khả năng đe dọa an ninh lương thực và gia tăng lạm phát.

Cơ hội cho Mỹ?

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) hồi trung tuần tháng 6, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong năm 2010 sẽ đạt 9,5% so với 3,3% của Mỹ và 0,7% của khu vực châu Âu. Trong khi đó nhu cầu tiêu thụ ngô của các nước châu Á có thể sẽ tăng thêm 2%, đạt 159 triệu tấn trong niên vụ 2010-2011.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Trung Quốc từng là quốc gia xuất khẩu ngô hàng đầu thế giới, đối thủ trực tiếp cạnh tranh với Mỹ nhưng đến năm 2009 chỉ xuất khẩu được 172.000 tấn so với con số khổng lồ 15,2 triệu tấn vào năm 2003. Việc “gió bất ngờ đổi chiều” khiến không ít nhà phân tích đã đưa ra phỏng đoán, Trung Quốc nhập khẩu ngô để rồi tái xuất. Trong khi đó tại Mỹ, lượng ngô tồn kho vào thời điểm này đã xuống đến mức thấp nhất kể từ năm 2007 do nhu cầu sản xuất nhiên liệu ethanol tăng cao, hiện nay là 20%.

Tin từ USDA, tính đến ngày 10/6/2010, lượng ngô tồn kho của Mỹ ở vào khoảng 1.603 tỷ giạ (1 giạ = 25,2 kg), chiếm 57% lượng ngô xuất khẩu của thế giới và dự báo lượng dự trữ toàn cầu vào niên vụ tới sẽ tiếp tục sụt giảm. Năm ngoái Mỹ sản xuất khoảng 13,2 tỷ giạ ngô, trong đó có 2 tỷ giạ dành cho xuất khẩu. Và dự kiến nếu mỗi năm nước này không xuất từ 2,5 đến 3 tỷ giạ thì sẽ phải chịu tồn kho, thậm chí bỏ đi do xuống phẩm cấp. Theo nhà phân tích Jerry Norton của USDA, ngô hiện vẫn là loại cây lương thực lớn nhất thế giới, chiếm 37% tổng sản lượng ngũ cốc, tiếp đến là lúa mì 30% và gạo 20%.

Chuyên gia kinh tế Darrel Good (ĐH Illinois - Mỹ) cho biết, năm 2008 là năm Mỹ lập kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu ngô với 61 triệu tấn. Và nhân cơ hội này, nông dân Mỹ có thể sẽ gia tăng diện tích thêm khoảng 4 triệu mẫu trong thời gian tới mà không sợ giá thấp. Và nhận định lạc quan này cũng nhận được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia thị trường.

Xem thêm
Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024: Giảm tới 730 đồng/lít

Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024 đồng loạt giảm. Trong đó, giá xăng mất khoảng 300 đồng, còn giá dầu giảm tới 730 đồng.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

WinCommerce hướng đến mục tiêu 4.000 cửa hàng vào cuối 2024

Ngày 25/4/2024 tại TP.HCM, Công ty CP Tập đoàn Masan và hai công ty thành viên Masan Consumer, Masan MEATLife đồng tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024.

Bình luận mới nhất