| Hotline: 0983.970.780

Giải nguy 11,5 triệu hộ nông dân!

Thứ Ba 25/06/2013 , 10:25 (GMT+7)

Việt Nam đang có tới 4 triệu hộ chăn nuôi heo và 7,5 triệu hộ nuôi gia cầm đang gặp khó khăn chồng chất vì dịch bệnh, giá cả, thị trường trồi sụt như “thủy triều”. Việc tái cơ cấu trong chăn nuôi nhằm thay đổi tận gốc những yếu kém của ngành đang được Bộ NN-PTNT đặt ra cấp bách.

Việt Nam đang có tới 4 triệu hộ chăn nuôi heo và 7,5 triệu hộ nuôi gia cầm đang gặp khó khăn chồng chất vì dịch bệnh, giá cả, thị trường trồi sụt như “thủy triều”. Việc tái cơ cấu trong chăn nuôi nhằm thay đổi tận gốc những yếu kém của ngành đang được Bộ NN-PTNT đặt ra cấp bách.

365 NGÀY… HẤP HỐI

Chúng tôi tìm đến trại chăn nuôi heo của anh Nguyễn Tự Cường (đường Mùng 4 Tết, ấp Đức Long 1, xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) đúng lúc anh đang cho bầy heo 700 con trong chuồng ăn. Thấy khách, anh nghỉ tay ra tiếp chuyện với tâm trạng chán nản, buồn bã: “Tính đến thời điểm này là tròn 1 năm giá thịt heo tụt dốc không “ngóc đầu” lên được!”.

Nhớ lại thời điểm huy hoàng vào đầu năm 2012, khi giá đạt trên 60.000 đồng/kg, bà con ai ai cũng đổ xô vào nuôi vì lãi quá. Đàn heo cứ thế tăng ầm ầm, đến cuối quý II/2012 giá giảm đột ngột theo chiều thẳng đứng, dưới 38.000 đồng/kg, khiến người người, nhà nhà chăn nuôi đều “méo mặt”.

“Ai cũng nghĩ chỉ vài tháng giá sẽ lên, ai ngờ suốt 1 năm trời nông dân phải chịu lỗ. Đây là lứa heo thứ 3 có giá bán thấp hơn giá thành, cứ thế này thì buộc phải ngừng nuôi” - anh Cường nói.

Không chỉ heo mà giá gà cũng chịu cảnh lỗ lã suốt 1 năm nay, thậm chí còn thê thảm hơn vì mức độ trồi sụt quá lớn. Anh Nguyễn Thanh Sơn trước đây từng có tới 11 trại gà với tổng đàn lên tới 70.000 con, đóng tại ấp Đức Long 1&2. Nhưng sau những cơn lốc suy thoái của ngành chăn nuôi, anh đã phải phá bỏ 5 chuồng, cắt giảm nuôi 30.000 con để duy trì sinh kế.

Chúng tôi theo anh vào khu chuồng trại nằm gần tận cùng con đường đất đỏ lầy lội, khung cảnh chuồng trại nhộn nhịp đầy sinh khí ngày nào, giờ khoác nặng vẻ u buồn, đìu hiu vì cả chủ và thợ đều trong tâm trạng rối bời. “Làm nghề mấy chục năm rồi, giờ bỏ ngang không được. Trước mắt, tôi cắt giảm đàn và các chi phí phát sinh khác để cầm cự cho qua giai đoạn khó khăn này” - anh Sơn nói.


Tái cơ cấu chăn nuôi nhằm “giải cứu” nông dân đòi hỏi từ TW đến địa phương phải 
rốt ráo vào cuộc

Không chỉ các gia trại gặp nạn, mà ngay cả các Cty chăn nuôi nức tiếng của tỉnh Đồng Nai cũng không thoát ra khỏi vòng xoáy khó khăn. Đơn cử, vào cuối năm 2012, Cty CP Chăn nuôi Phú Sơn (ấp Phú Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) đã phải đoạn tuyệt hẳn chăn nuôi gà và bán luôn cả máy ấp trứng, chỉ giữ lại đàn heo vốn là thế mạnh của đơn vị. Tuy nhiên, đợt bán tháo mấy chục nghìn gà Tam Hoàng đó đã khiến Phú Sơn lỗ mất 4 tỷ đồng.

Đại diện công ty này ca thán: Chăn nuôi của ta phụ thuộc nước ngoài nhiều quá, cái gì cũng nhập khẩu (TĂCN, con giống đến vacxin). “Vacxin cho chăn nuôi heo hầu hết đi nhập, nên xảy ra tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Con virus của ta có giống con virus ở các nước khác đâu, đặc biệt là tai xanh? Cái chủng virus của ta chỉ là tương đồng, chứ không phải “con tai xanh” chính thức của VN. Tiêm vacxin ngoại nhập vì thế cũng không triệt tiêu hoàn toàn mà chỉ “ém” virus xuống. Điều đó cũng giải thích vì sao người chăn nuôi VN phải chịu cảnh dịch bệnh liên miên không dứt”, vị này nói.

Cũng theo ông này, do nhập ngoại nên chi phí vacxin cho nuôi heo tại VN giờ rất cao. Tại Phú Sơn trung bình mất 150.000 đồng cho heo thịt và 250.000 đồng tiền tiêm vacxin cho heo nái/1 chu kỳ 6 tháng, khiến giá thành cứ đội lên ngất ngưởng.

“TRỊ BỆNH” PHẢI TẬN GỐC

Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chăn nuôi cho rằng, những khó khăn chồng chất của ngành thời gian qua là do chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao (65 - 70% về đầu con và 55 - 60% về sản phẩm).

Về tổng thể năng suất chăn nuôi của ta thấp, TĂCN nhập nhiều và giá cao, dịch bệnh luôn tiềm ẩn bùng phát, chất lượng con giống không ổn định. Trong khi đó, tổ chức hệ thống ngành chăn nuôi lại chưa hoàn thiện, đã làm ảnh hưởng chung đến hiệu quả của công tác quản lý, điều hành trong phạm vi toàn ngành.

Trước nhu cầu bức bách phải thay đổi, việc “bắt bệnh” đúng để đưa toa thuốc đặc trị cho ngành chăn nuôi đã được Bộ NN-PTNT chỉ rõ, trong đó việc tái cơ cấu sẽ được thực hiện rốt ráo, quyết liệt và có trách nhiệm trong thời gian tới.

Theo ông Dương, việc tái cơ cấu thực chất là sắp xếp, tổ chức lại ngành cho khoa học, hợp lý nhằm phát huy nội lực, tạo động lực cạnh tranh, gia tăng thu nhập cho người chăn nuôi. “Ví dụ như ở Thái Lan, việc thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi trước đây rất hiệu quả. Họ xây dựng được các tập đoàn, công ty chăn nuôi nội địa rất lớn, làm chủ thị trường và đánh bật cả các công ty nước ngoài. Còn các nông hộ cũng được chính phủ Thái Lan hỗ trợ bằng nhiều chính sách riêng, nhằm tăng quy mô thành các trang trại hoặc gia trại chuyên nghiệp”.

Ông Dương cho rằng, VN cũng có thể làm thế khi ngành chăn nuôi được quan tâm triển khai tốt 4 nội dung về tái cơ cấu ngành.

Một là thực hiện tái cơ cấu phương thức tổ chức sản xuất. Quan điểm chung của Bộ là tăng tỷ trọng sản xuất chăn nuôi trang trại quy mô vừa và lớn, tạo lượng hàng hóa lớn, năng suất cao, chất lượng tốt với giá thành hạ. Riêng chăn nuôi nhỏ lẻ từng bước tổ chức lại theo hướng chuyên nghiệp, có kiểm soát, bảo đảm an toàn sinh học và bền vững.

“Trong tương lai, chúng ta phải hình thành 2 phân khúc thị trường cụ thể: Một là chăn nuôi nông hộ, HTX nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng tại chỗ và nội địa. Hai là chăn nuôi trang trại, DN nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm của các thành phố lớn, KCN, nhằm hạn chế nhập khẩu và hướng tới XK” - ông Dương nhấn mạnh.

Thứ hai là tái cơ cấu về vật nuôi, phải khuyến khích phát triển những loại vật nuôi mà VN có lợi thế, trong đó phát huy tốt hơn sự tham gia sản xuất của các hộ nông dân. Cụ thể, đàn lợn sẽ ổn định đầu con nhưng tăng quy mô đàn lợn cao sản, áp dụng các yếu tố chăn nuôi công nghiệp. Đàn gia cầm khuyến khích phát triển gà thả vườn, thả đồi, vịt nuôi công nghiệp, bán công nghiệp và chăn thả có kiểm soát. Đặc biệt đẩy mạnh phát triển quy mô đàn bò sữa ở các vùng ven đô, cao nguyên và đất bãi ven sông.

Thứ ba, ngành cũng phải thực hiện tái cơ cấu về vùng chăn nuôi, chuyển dịch dần chăn nuôi từ vùng mật độ dân số cao (đồng bằng) đến nơi có mật độ dân số thấp (trung du, miền núi). Trong từng địa phương, hình thành các vùng hoặc liên vùng khuyến khích chăn nuôi, vùng hạn chế, hoặc vùng không chăn nuôi.

Cuối cùng, ngành cần tái cơ cấu về đầu tư phát triển, tăng tỷ trọng vốn cho giống, chế biến giết mổ, xử lý môi trường. Có chính sách tín dụng ưu đãi cho người chăn nuôi, khuyến khích tăng vốn đầu tư ODA và FDI. “Đặc biệt, đẩy mạnh xã hội hóa vốn đầu tư cho chăn nuôi thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước” - ông Dương nói.

"Các chính sách của Chính phủ cần ưu tiên nhiều hơn cho người nuôi nhỏ lẻ vì VN còn cả chục triệu hộ chăn nuôi, vấn đề an sinh, xã hội là rất lớn. Họ yếu về mọi mặt nhưng phải cạnh tranh với những DN “khổng lồ” của nước ngoài, đầy sức mạnh về tài chính, thị trường và khoa học công nghệ. Việc tái cơ cấu ngành phải làm sao đến năm 2030, VN sẽ không còn chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán mà hình thành các hộ chăn nuôi lớn chuyên nghiệp, các trang trại có trình độ công nghệ cao.

Trong quá trình tái cơ cấu, người chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực sản xuất và hạch toán kinh doanh, làm chủ được kỹ thuật và nắm bắt nhu cầu thị trường. Họ cũng sẽ không sản xuất đơn lẻ mà dần được gắn vào các hội, hiệp hội, HTX để cùng sản xuất và điều tiết theo thị trường. Từ đó, tổ chức thiết kế thành những chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm chăn nuôi, hạn chế tối đa khâu trung gian, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi". - Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chăn nuôi.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm