| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp nào cho công nhân

Thứ Hai 08/08/2011 , 15:27 (GMT+7)

NNVN xin trích đăng một số ý kiến phân tích của các chuyên gia về vấn đề làm sao để nâng cao đời sống cho công nhân...

Nghị quyết số 20-NQ/TW của BCHTW Đảng khóa X, ngày 28/1/2010 về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” nêu rõ: “Từ nay đến hết năm 2010 phải phấn đấu quyết liệt để đạt được sự chuyển biến mạnh mẽ và rõ rệt trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân (về nhà ở tại các khu công nghiệp, tiền lương và thu nhập, bảo hiểm xã hội, nơi sinh hoạt văn hóa, cơ sở nuôi dạy trẻ...) tương xứng với những thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và những đóng góp của công nhân”.

Chủ trương của Đảng thì như vậy, nhưng xem ra thực hiện không dễ, bởi còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khách quan như chính quyền địa phương, các DN… Vậy làm thế nào để nâng cao đời sống của người công nhân để họ không quay lưng lại với DN? NNVN xin trích đăng một số ý kiến phân tích của các chuyên gia về vấn đề này. 

Nâng cao đời sống cho công nhân không phải là việc dễ dàng

PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa – Trưởng Bộ môn Đô thị học, ĐH KHXH & NV TP.HCM: Coi công nhân như công cụ làm giàu, họ bỏ đi là phải!

Tôi đã đi một số nước, thấy công nhân họ coi DN như nhà mình nên làm việc tận tình, có trách nhiệm, đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến công việc, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn với chủ DN. Họ cống hiến cả đời cho chỉ một DN cho đến lúc về hưu. Không ít gia đình có ba đời gắn bó với một công ty.

Sở dĩ được như vậy là do công nhân được tôn trọng, được trả lương xứng đáng, được tạo điều kiện về nơi ăn chốn ở, con cái được học hành tử tế. Khi gia đình công nhân có việc hiếu hỉ, đại diện DN đến hỏi thăm, hỗ trợ ngay; hằng năm công nhân có chế độ nghỉ mát, được tặng quà sinh nhật…

 Còn ở Việt Nam, các DN không biết quí trọng lực lượng mang lại thịnh vượng cho mình, trái lại còn tỏ ra rất coi thường công nhân, nhất là lúc ăn nên làm ra. Không ít DN coi công nhân như công cụ làm giàu cho mình, chỉ biết khai thác mà không biết nuôi dưỡng, không quan tâm đến nơi ăn chốn ở, điều kiện sinh hoạt và đời sống tinh thần của họ.

Tôi từng đi khảo sát đời sống của công nhân. Thật xót xa khi thấy họ phải sống trong những căn phòng trọ ọp ẹp, đời sống vật chất thì thiếu thốn, đời sống văn hóa tinh thần lại quá nghèo nàn. Với đồng lương 2 triệu đồng/tháng như hiện nay thì 80% trong số họ đang sống dưới ngưỡng nghèo đói. Lương thấp, điều kiện làm việc cực nhọc, ăn uống kham khổ, liên tục tăng ca…

Hiển nhiên với cách đối xử như thế thì làm sao họ gắn bó với DN, làm sao họ không quay lưng? Việc công nhân quay lưng với DN cho thấy một điều: Họ đã bị tổn thương trong thời gian làm việc cho DN. Nếu DN không nghiêm túc nhìn nhận để hiểu một chân lý rằng: không có công nhân thì không có DN, không có lợi nhuận và không có gì hết, về lâu dài, tình trạng này sẽ còn tồi tệ hơn. Nếu cho họ một đời sống tử tế thì không có lý do gì họ lại quay lưng với mình.

Ông Nguyễn Tấn Định, Phó ban Quản lý các KCN TP HCM: Luật chưa đủ chế tài

Theo qui định, DN phải có thỏa ước lao động tập thể và xây dựng thang bảng lương với mức tăng định kỳ tối thiểu 5%. Căn cứ vào qui định này, không DN nào làm thang bảng lương tăng 5,5%! Mình làm quản lý mà không đủ “đồ nghề” để chế tài. Nếu DN không có những văn bản này, chỉ bị phạt từ 2 đến 10 triệu, không thấm tháp vào đâu so với DN lớn, có hàng ngàn công nhân. Mà có khi nào phạt mức cao nhất đâu, phổ biến là 50% (5 triệu) thôi. Nhưng nhiều DN, đặc biệt các DN Đài Loan, có làm thang bảng lương mà không làm. Mỗi lần đến kiểm tra, họ cũng trưng ra và nói họ áp dụng cách tăng 1%/năm.

Trước tình hình đời sống quá khó khăn của hàng trăm ngàn công nhân, thời gian vừa qua, các cơ quan, ban ngành chức năng của TPHCM đã và đang nỗ lực tìm mọi biện pháp nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động. UBND TP đã chỉ đạo các quận vận động chủ nhà trọ trên địa bàn không tăng giá thuê phòng trọ, tiền điện nước đối với công nhân. Đến nay hơn 90% số nhà trọ trên toàn TP đã ký cam kết không tăng các loại tiền thuê đối với công nhân. Đặc biệt quận Thủ Đức và quận 7, có đến 99,9% số chủ nhà trọ ký cam kết.

 Ngành điện lực và cấp nước đang tiến hành gắn đồng hồ điện, nước riêng cho từng phòng trong các khu nhà trọ và thu tiền trực tiếp từ người thuê, coi đó như một hộ riêng biệt, khắc phục tình trạng chủ nhà trọ thu tiền điện nước vô tội vạ. Hiện đã gắn được hơn 4.000 đồng hồ tại khu vực các quận 7, Tân Bình, Thủ Đức.

Từ nay đến cuối năm, sẽ có khoảng 20 lốc nhà lưu trú, đáp ứng cho khoảng 14 ngàn công nhân thuộc các KCN, KCX. UBND TP cũng đã duyệt đề án xây nhà trẻ cho con em công nhân tại các KCN Hiệp Phước, Linh Trung 1 và 2, Vĩnh Lộc với tổng kinh phí 1.500 tỷ do TP hỗ trợ. Sắp tới đây, tất cả các KCN, KCX phải có siêu thị hoặc cửa hàng bình ổn giá phục vụ công nhân. Trong khi chờ cửa hàng, siêu thị ra đời, các doanh nghiệp đã tổ chức bán hàng lưu động tại các KCN, đáp ứng phần nào nhu cầu cho công nhân.

Từ đầu năm đến nay các KCN, KCX tại TPHCM đã tuyển hơn 38 ngàn lao động, nhưng chỉ có khoảng 10 ngàn người mới, lần đầu tham gia lao động. Phần lớn còn lại là nhảy việc. Họ nhảy việc một phần vì lương thấp, công việc không phù hợp, một phần muốn nhận tiền trợ cấp thất nghiệp. Đây là một việc làm không đúng, bởi nếu cứ nhảy việc thì công việc không ổn định, không thể nâng cao tay nghề. Và điều quan trọng hơn cả là nhảy việc liên tục sẽ rất khó đủ thâm niên để hưởng chế độ hưu sau này.

Ông Phạm Văn Cường, Trưởng phòng Lao động – Ban Quản lý các KCN Đồng Nai: Lạm phát, đời sống quá cực!

Đồng Nai hiện có khoảng 380 ngàn công nhân tại các KCN, trong đó có hơn 60% lao động nhập cư. Qua theo dõi, chúng tôi thấy đa số DN thực hiện tương đối đầy đủ chế độ chính sách cho người lao động theo qui định nhà nước, thậm chí có công ty của Mỹ hoạt động tại Việt Nam hơn 10 năm nay, nhưng số công nhân nghỉ làm vì lý do bất mãn với công ty chỉ đếm trên đầu ngón tay, bởi họ thực hiện đời sống cho người lao động rất tốt.

Nhưng đó chỉ là thiểu số, phần đông đời sống công nhân vẫn thiếu trước hụt sau, vì chỉ số giá tiêu dùng tăng quá nhanh! Đồng lương công nhân không thể theo kịp. Nhà nước cần tìm biện pháp kiềm chế lạm phát. Làm sao để tổng thu nhập của người công nhân có thể đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của họ như ăn, ở, và còn tích lũy được một ít nữa chứ không lẽ ở nhà thuê cả đời? Với giá cả hiện nay, đời sống công nhân quá cực. 

Xem thêm
Tôm hùm bông chết tại Vạn Ninh, Cục Thủy sản đề nghị tăng cường quản lý

Cục Thủy sản đề nghị Cục Thú y hỗ trợ, hướng dẫn địa phương tìm tác nhân để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng tôm hùm chết ở Khánh Hòa.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.