| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp nào để TP.HCM hết ngập bền vững?

Thứ Ba 03/10/2017 , 09:05 (GMT+7)

GS.TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, về chiến lược dài hạn, chỉ có xây dựng công trình đê biển...

18-49-48_dscf2914
GS.TS Đào Xuân Học

Khẳng định giải pháp sử dụng máy bơm “siêu khủng” để giải cứu ngập lụt tại TP.HCM chỉ là biện pháp tình thế, GS.TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, về chiến lược dài hạn, chỉ có xây dựng công trình đê biển tại cửa hệ thống sông Sài Gòn – Soài Rạp mới có thể cứu được TP.HCM.
 

Không thể cứ bơm mãi được

Ông đánh giá thế nào về phương án sử dụng máy bơm “siêu khủng” để chống ngập mà TP.HCM vừa triển khai?

Đã phải dùng tới biện pháp bơm thì chẳng có gì phải bàn nữa, chuyện đó thì rất đơn giản. Thấp như đáy giếng còn bơm được chứ nói gì là TP.HCM. Ngập chỗ nào thì tính toán công suất máy bơm cho sát thực tế, rồi bơm là hết nước thôi. Nguyên tắc là cứ mưa bao lâu thì thời gian rút cũng bấy nhiêu là được.

Vấn đề bơm thì phải chịu tốn kém vô cùng, và không phải cứ bơm mãi được. Bởi hình dung TP.HCM bây giờ nó như là một lòng chảo bị bao vây nước tứ bề rồi, nguyên tắc giải quyết ngập lụt cứ bơm được chỗ này lại đẩy áp lực nước sang chỗ kia, rồi chỗ khác lại ngập. Vậy có bơm mãi, và bơm cả thành phố khổng lồ như TP.HCM không?

Vấn đề ở đây là cách làm thủy lợi, làm sao giải quyết được vấn đề ngập của TP.HCM trong chiến lược tổng thể của toàn vùng, chứ không chỉ riêng cho TP.HCM. Dĩ nhiên, cũng cần nhấn mạnh là để giải quyết bằng bài toán lớn, đòi hỏi kinh phí phải lớn, thời gian phải dài, nên có những vấn đề cần phải giải quyết trước mắt là cần thiết. Ví dụ trong hoàn cảnh cụ thể ở một số khu vực của TP.HCM hiện nay, nếu mưa lớn lại gặp triều cường thì chẳng còn cách nào khác là phải bơm cưỡng chế ra sông để giải quyết ngập lụt tạm thời mà thôi.

Vậy theo ông, có phương án dài hơi nào để đối phó với tình hình ngập lụt ngày càng nghiêm trọng cho TP.HCM?

TP.HCM nằm trong vùng chịu tác động của thủy triều, vì vậy để giải quyết tình trạng ngập lụt phải tuân theo hai nguyên tắc hàng đầu: Một là phải dựa vào nguyên tắc sử dụng năng lượng triều, bởi đây là khu vực có năng lượng triều rất lớn do có dao động triều lớn nhất cả nước, từ 3,5 – 4,5 m. Hai là muốn ngăn triều thì nguyên tắc là phải ngăn từ xa, chứ không ai ngăn gần ngay trong khu vực nội đô cả.

TP.HCM nằm trọn trong lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai – Soài Rạp và tình trạng ngập lụt chịu tác động rất lớn từ chế độ tiêu thoát nước của hệ thống sông này. Về nguyên tắc, bất luận việc tiêu thoát của con sông nào cũng đều phải phụ thuộc vào lũ, triều và khả năng chịu tải. Trong đó, xét tương tác giữa lũ và triều thì có thể chia một con sông thành 4 đoạn: Đoạn trên cùng thượng nguồn chịu ảnh hưởng lũ hoàn toàn; đoạn thứ hai là lũ chịu ảnh hưởng bởi triều; đoạn thứ ba là triều chịu ảnh hưởng bởi lũ và đoạn cuối cùng là chịu ảnh hưởng hoàn toàn của triều. TP.HCM chính là khu vực nằm ở đoạn thứ 3 và thứ 4 của hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai - Soài Rạp nên xem như mực nước sông lên xuống chịu chi phối hoàn toàn bởi thủy triều.

Với một con sông, khi xây đập ở thượng nguồn có thể cắt lũ thượng nguồn rất nhiều, nhưng tới đoạn thứ 3 thì xem như ảnh hưởng cắt lũ không còn đáng kể và tới đoạn cuối việc cắt lũ không còn tác dụng, nghĩa là thủy triều lên xuống bao nhiêu mực nước sông lên xuống bấy nhiêu. Tuy nhiên đối với hồ chứa ở cửa sông, nó lại có tác dụng chủ động hạ được mực nước sông ở hai đoạn cuối.

Ý tưởng xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công. Trong mô hình, rừng Cần Giờ không bị ảnh hưởng.

Hoàn toàn khả thi

Với một công trình lớn, kinh phí có thể rất lớn như vậy, liệu có khả thi không thưa ông?

Chúng ta có nhiều thuận lợi nếu xây dựng công trình này, bởi chiều dài không quá lớn (chỉ khoảng trên dưới 30km), bên cạnh đó khu vực cửa biển ở đây cũng rất nông, trung bình chỉ khoảng 6m.

Theo tham khảo, công trình đê biển tương tự tại Hàn Quốc có chiều dài 33km, chỗ sâu nhất tới 36 m, họ làm cũng chỉ có 2,7 tỉ USD. Dĩ nhiên là với kinh phí rất lớn, ban đầu Nhà nước vẫn phải có ngân sách để “mồi”. Tuy nhiên không hẳn là chúng ta không có cách, nhất là có thể triển khai theo cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng”...

Vì vậy, chỉ cần xây dựng một hồ chứa ở cửa hệ thống sông Sài Gòn – Soài Rạp sẽ giải quyết được một cách căn cơ, triệt để, dài hạn và bền vững không chỉ đối với vấn đề ngập lụt của TP.HCM, mà còn có nhiều tác động tích cực tới tổng thể điều tiết nguồn nước cho cả khu vực Đồng Tháp Mười cũng như phát triển tổng hòa KT-XH cho trục kinh tế ven biển các tỉnh Tiền Giang – TP.HCM – Vũng Tàu. Xây dựng các hồ chứa cửa sông là phương án mà nhiều nước có tình trạng tương đồng như TP.HCM đã xây dựng từ lâu như Hà Lan, Hàn Quốc, Nga...
 

Xây hồ chứa thế nào?

Ông có thể cho biết chi tiết hơn về ý tưởng, tác dụng chống ngập cho TP.HCM nếu xây dựng hồ chứa cửa sông Sài Gòn – Soài Rạp?

Đây là đề xuất không phải mới mẻ gì, trước đây đã từng được 4 Bộ gồm Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT, Bộ GT-VT và Bộ KH-ĐT nghiên cứu xin ý kiến Chính phủ. Hiện các công trình này đều đã hoàn thành và đã được nộp về cho Bộ KH-CN tổng hợp. Tôi rất mừng là mới đây, sau nhiều năm bỏ bẵng về phương án này, TP.HCM mới đây đã tái khởi động nghiên cứu để triển khai dự án này.

Theo đó, phương án được đặt ra đó là chúng ta sẽ xây dựng một tuyến đê biển (kết hợp đường giao thông) dài khoảng 28 km, nối từ mũi Gò Công (thuộc Tiền Giang) tới sát mũi bán đảo Vũng Tàu, sau đó làm đê phụ kéo vào khu vực rừng Cần Giờ của TP.HCM. Với phương án này, chúng ta sẽ tạo ra được một hồ chứa khổng lồ ở cửa sông Sài Gòn – Soài Rạp, theo tính toán diện tích mặt nước sẽ lên tới khoảng 43 nghìn ha, dung tích chứa lũ hữu dụng khoảng 1,5 tỉ m3.

Các chuyên gia đã tính toán với kịch bản lũ cực bất lợi ở các khu vực Phước Hòa, Dầu Tiếng và Trị An đổ về hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai, cộng thêm lũ lớn từ Đồng Tháp Mười đổ sang sông Soài Rạp với tần suất 200 năm/lần, kéo dài 12h liên tục thì lượng nước lũ đổ về hồ này chỉ vào khoảng 300 triệu m3, và mực nước hồ trong điều kiện có lũ cực đại vẫn sẽ ở mức rất thấp.

Vấn đề ngập lụt của TP.HCM hiện nay nghiêm trọng nhất là vào lúc mưa lớn kết hợp với triều cường. Vì vậy để khắc phục tình trạng này, khi có mưa lớn kèm triều cường, chúng ta có thể cho đóng cửa hồ để ngăn triều cường vào sông Sài Gòn, đồng thời vẫn có thể đảm bảo thoát lũ – trữ lũ cho hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai. Nếu mưa tiếp tục lớn, chúng ta có thể mở cửa hồ để thoát lũ khi thủy triều xuống. Như vậy, TP.HCM sẽ không còn chịu áp lực “thù trong” (tức mưa lớn) và “giặc ngoài” (tức triều cường) gây ngập lụt nữa. Khi không xảy ra mưa và lũ, chúng ta vẫn có thể mở cống của hồ cho chế độ thủy triều lên xuống như bình thường....

Không chỉ giải quyết được vấn nạn ngập lụt cho TP.HCM, công trình này còn có thể giúp chia lũ từ Đồng Tháp Mười qua sông Soài Rạp để giảm áp lực lũ, đồng thời cũng có thể tích ngọt để thau chua, rửa mặn cho Đồng Tháp Mười vào mùa khô.

Xét về mặt KT-XH , theo tính toán, với kịch bản xây dựng đê kết hợp với đường giao thông rộng 50 m, tuyến đê biển kết hợp với đường giao thông sẽ rút ngắn được khoảng cách từ các tỉnh miền Tây ra Vũng Tàu khoảng 130km. Nếu xây dựng thêm một cầu vượt biển dài khoảng 5 km từ điểm cuối đê biển kết nối với TP Vũng Tàu, có thể tạo nên hành lang kinh tế ven biển từ Tiền Giang – TP.HCM – Vũng Tàu thành một vùng kinh tế sôi động bậc nhất cả nước.

Xin cảm ơn giáo sư!

Theo các phương án đặt ra, với khoảng 43 nghìn ha mặt nước khi xây dựng hồ, chúng ta hoàn toàn có thể tiến hành nạo vét, hút đất để bồi đắp cho khoảng 3.000 ha dùng để xây dựng đô thị trong lòng hồ. Bên cạnh đó, có thể thu hút đầu tư tư nhân để tạo mặt bằng xây dựng đô thị ngay trên mặt nước hồ bằng cách tạo mặt bằng bê tông (phía dưới vẫn đảm bảo có mặt nước). Chỉ cần tính giá đất xây dựng đô thị ở đây khoảng 1 triệu đồng/m2 thôi, chúng ta đã có thể có khoảng 100-200 nghìn tỉ đồng. Đây là kinh phí hoàn toàn có thể đủ để xây dựng toàn bộ cơ sở hạ tầng cho tuyến đê kết hợp giao thông ven biển.
TP.HCM cũng phải rà soát lại toàn bộ hệ thống tiêu thoát nước nội đô hiện nay, tránh tình trạng nối mạng thoát nước toàn đô thị. Cái này trong ngành thủy lợi người ta gọi là phương châm “cao tiêu cao, thấp tiêu thấp”, không để nước nơi cao dồn hết xuống nơi thấp để tránh tình trạng khi mưa thì nước dồn hết về một nơi, gây ngập thêm nặng nề. Cái này cả Hà Nội và TP.HCM hiện nay đều gặp phải, bởi nối mạng thoát nước toàn bộ đô thị, khi mưa nước chỗ cao chưa kịp ra nơi tiêu thì đã tới nơi trũng.

 

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Bảo vệ lúa hè thu trước nắng hạn và xâm nhập mặn

HẬU GIANG Ngành nông nghiệp Hậu Giang khuyến cáo bà con nông dân triển khai các biện pháp bảo vệ lúa hè thu trước tình hình nắng hạn gay gắt và xâm nhập mặn tăng cao.