| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp phát triển rừng gỗ lớn

Thứ Ba 03/10/2017 , 16:05 (GMT+7)

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Quảng Ninh vừa tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển rừng gỗ lớn khu vực miền núi phía Bắc” với sự tham gia của gần 250 đại biểu đến từ 7 tỉnh khu vực phía Bắc.

Hàng vạn lao động có việc làm

Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: "Phát triển rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao cho các hộ gia đình, mà còn giúp giảm xói mòn, rửa trôi đất hơn trồng rừng gỗ nhỏ, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó biến đổi khí hậu.

10-01-48_nh_1
Ban chủ tọa giải đáp những thắc mắc của người dân

Vì vậy, trồng rừng gỗ lớn là xu hướng tất yếu của kinh doanh rừng trồng SX của ngành lâm nghiệp Việt Nam. Những năm qua nước ta đã định hướng việc kinh doanh rừng trồng gỗ lớn và chuyển đổi diện tích trồng rừng gỗ nhỏ thành rừng trồng cho gỗ lớn, kết quả đạt được nhiều thành tựu đáng kể".

Ông Khởi cho biết thêm, từ năm 2008, Nhà nước đã có chính sách khuyến khích người dân trồng rừng SX gỗ lớn theo Quyết định 147/2007/QĐ-TTg nhằm tăng thu nhập cho người làm nghề rừng, đặc biệt là bà con đồng bào miền núi, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Đến nay, sau 10 năm thực hiện, phong trào trồng rừng SX gỗ lớn đã và đang phát triển rộng khắp, bước đầu giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động nông thôn và mang lại thu nhập cho người trồng rừng.

“Tuy nhiên, hiện phần lớn diện tích trồng rừng vẫn là rừng SX gỗ nhỏ, gỗ nguyên liệu, trồng theo phương thức quảng canh, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế nên năng suất, giá trị kinh tế thấp, tính bền vững kém và không ổn định. Nguyên nhân do đa số người trồng rừng có thu nhập thấp, không đủ điều kiện tài chính để theo chu kỳ khai thác dài trong khi thủ tục vay vốn từ các ngân hàng còn khó khăn…”, ông Khởi lý giải.

Theo ông Nhữ Văn Kỳ, Vụ Phát triển rừng (Tổng cục Lâm nghiệp), thống kê năm 2015, diện tích rừng trồng lớn nhất ở vùng Đông Bắc với 1.481.177ha, vùng Tây Bắc là 154.447ha, vùng Bắc Trung Bộ với 808.894ha, vùng duyên hải Nam Trung Bộ 649.919ha, vùng Tây Nguyên 315.901ha, thấp nhất là vùng đồng bằng sông Hồng 40.787ha.

Cũng theo ông Kỳ, diện tích trồng rừng trên chủ yếu là trồng rừng gỗ nhỏ, mặc dù trong quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2020 của các tỉnh đã có quy hoạch trồng rừng gỗ lớn, song những năm qua hầu hết các tỉnh chủ yếu tập trung cho phát triển trồng rừng nguyên liệu gỗ nhỏ phục vụ chế biến bột giấy, băm dăm, gỗ bóc, cung cấp gỗ trụ mỏ.

10-01-48_nh_2
Đoàn đại biểu tham quan mô hình trồng rừng gỗ lớn nhà anh Ty Văn Bích

Để phát triển trồng rừng gỗ lớn, ông Kỳ cũng nêu ra một số giải pháp cơ bản như giải pháp về kỹ thuật lâm sinh; về quản lý và tổ chức nhà nước; về cơ chế chính sách.
 

Giải đáp thỏa đáng

Tại diễn đàn, các đại biểu đã nghe 4 báo cáo tham luận. Ban chủ tọa cùng các chuyên gia tư vấn đã nhiệt tình giải đáp hơn 40 câu hỏi của người dân tập trung về các vấn đề như kỹ thuật chuyển đổi rừng gỗ lớn; giống cây, kỹ thuật tỉa thưa; chính sách hỗ trợ phát triển rừng gỗ lớn…

“Tôi được nghe cán bộ khuyến nông phổ biến trồng rừng lấy gỗ lớn thì mật độ rất thưa, chỉ bằng 1 nửa trồng rừng nguyên liệu truyền thống, như vậy còn nhiều khoảng trống, rất lãng phí đất. Vậy tôi xin hỏi, có thể trồng xen những loại cây ngắn ngày khác vào được không?”, bà Nguyễn Thị Lan (xã Quảng An, huyện Đầm Hà, Quảng Ninh) hỏi.

“Khi trồng rừng gỗ lớn với mật độ hơn 1.000 cây/ha thì chúng ta không trồng xen kẽ các cây khác được. Khoảng mấy năm sau, khi tỉa thưa cây ở mật độ 500 - 600 cây/ha, thì có thể trồng xen kẽ cây ba kích, cây quế và một số cây bản địa khác”, chuyên gia tư vấn.

Ông Tạ Minh Tâm (xã Quảng Thành, huyện Hải Hà, Quảng Ninh) có hỏi: “Năm 2012, gia đình tôi có trồng 6ha bạch đàn với các dòng khác nhau, nhưng 2 năm gần đây giống cây U6 có hiện trượng xù tán, không sinh trưởng được. Xin hỏi cây bị bệnh gì, cách phục hồi?”.

Ban cố vấn giải đáp: “Rất nhiều địa phương cũng có hiện tượng như gia đình bác, thời gian đầu giống cây phát triển rất tốt, nhưng sang năm thứ 4 bắt đầu xù tán, không sinh trưởng được, người dân phải chặt bỏ để chuyển đổi sang cây trồng khác. Vậy nên, gia đình sớm chuyển đổi sang cây trồng khác để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.

10-01-48_nh_3
Một cánh rừng đã được chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn

Hay bà Phan Thị Mai (xã Quảng An, huyện Đầm Hà, Quảng Ninh) bức xúc: “Gia đình tôi có truyền thống cách mạng, thế nhưng đến nay không có đất rừng để trồng cây, trong khi đó, nhiều gia đình chưa có sổ đỏ, khi khảo sát cán bộ lại chia tiếp cho những gia đình đó. Vậy việc làm đó đúng hay sai?”.

Với câu hỏi này, ông Hoàng Công Đãng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã giải đáp: “UBND tỉnh đang thực hiện đề án giao đất, giao rừng. Đề án này có rà soát lại các đối tượng trước đây đã nhận đất, nhận rừng, nếu như các đối tượng đã được giao đất, giao rừng với quy mô quá lớn nhưng không có điều kiện kinh tế để phát triển được thì theo Luật Đất đai, sau 2 năm mà không trồng rừng thì Nhà nước có quyền thu lại để giao cho những người có điều kiện. Trong trường hợp nhà chị chưa có đất, có nhu cầu chính đáng thì gia đình làm đơn gửi lên Phòng NN-PTNT huyện để được giải đáp”.

Trước đó, đoàn đại biểu đã đi tham quan 2 mô hình chuyển hóa rừng gỗ lớn của gia đình ông Ty Văn Bích (xã Quảng Lợi, huyện Đầm Hà) và gia đình ông Hoàng Văn Hà (xã Quảng Thành, huyện Hải Hà).

Chia sẻ với đoàn đại biểu, ông Bích cho biết: "Được cán bộ khuyến nông giúp đỡ về kiến thức trồng rừng gỗ lớn, gia đình tôi đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật, chuyển đổi 20ha rừng keo tai tượng tuổi 4 và tuổi 5 từ mục đích kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn và trồng mới 5ha rừng với mục đích kinh doanh gỗ lớn từ ban đầu. Qua theo dõi, cây gỗ đạt các yêu cầu, dấu hiệu hình thành cây gỗ có đường kính lớn là rất rõ rệt, vì vậy gia đình tôi tin tưởng vào sự thành công của mô hình".

 

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.