| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp tái canh cà phê hiệu quả

Thứ Năm 18/10/2012 , 09:57 (GMT+7)

Ngày 16/10, tại Lâm Đồng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng chủ trì hội nghị đánh giá chương trình tái canh cà phê...

Ngày 16/10, tại Lâm Đồng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng chủ trì hội nghị đánh giá chương trình tái canh cà phê và phương hướng, giải pháp thời gian tới.

VN là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, ngành cà phê phải đối mặt với nhiều vấn đề như nâng cao chất lượng và tính bền vững; đặc biệt là giải quyết vấn đề tái canh cây cà phê. Theo Cục Trồng trọt, diện tích cà phê của cả nước đạt 614.545 ha, trong đó cà phê trên 20 năm tuổi là 86.000 ha, 15 - 20 tuổi 140.000 ha chiếm 40% tổng diện tích cà phê.

Ông Lê Quốc Doanh, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Nhiều diện tích cà phê này có biểu hiện già cỗi, sinh trưởng kém, ít cành thứ cấp, nhiều cành không cho quả, năng suất và chất lượng quả thấp. Do vậy cần phải thay thế 140.000 - 160.000 ha trong 5 - 10 năm tới. Đây là vấn đề lớn cần phải có kế hoạch và giải pháp tốt để tái canh cà phê hiệu quả, không gây ra sự giảm sút về sản lượng.

TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, trở ngại lớn của việc tái canh cà phê là sau 2 - 3 năm trồng, nhiều diện tích bị vàng lá, dẫn đến rụng lá, khô cành và chết. Qua điều tra cho thấy số hộ tái canh thành công chỉ đạt 62%. Những mô hình tái canh thành công như Cty Cà phê Ea Pốk, Cty Cà phê Thắng Lợi, Phước An (Đăk Lăk) do thực hiện luân canh thời gian 3 - 4 năm. Còn những hộ không có thời gian luân canh thì đều thất bại.

Bên cạnh đó, mật độ tuyến trùng trong đất cũng quyết định đến việc tái canh thành công hay không. Những vườn tái canh thành công mật độ tuyến trùng biến động từ 0 - 120 con/100 g đất và từ 0 - 108 con/5 g rễ. Còn những vườn tái canh thất bại thì mật độ tuyến trùng trong đất và rễ rất cao.

Ông Lê Thế Chỉ, Phó TGĐ Tổng Cty Cà phê VN cho biết, tổng diện tích cà phê của TCty lên tới 11.000 ha. Các đơn vị thuộc TCty đã tiến hành tái canh tập trung được 1.400 ha và khoảng 600 ha cà phê tái canh phân tán. Thực tế đã có nhiều mô hình tái canh thành công như Cty Cà phê Ia Grai, Cty Cà phê 706, Cty Cà phê Ea Ktur…

Chất lượng vườn cây tái canh của các đơn vị này được đánh giá khá cao, sau 2 năm trồng năng suất đạt 2 tấn/ha, bộ cành cân đối, tán cây khỏe, khả năng cho năng suất cao các vụ tiếp theo. Tuy nhiên một số diện tích tái canh không thành công như Cty Cà phê Việt Thắng, Cty Cà phê 52, Cty Cà phê 705…. Những vườn cà phê của các đơn vị này đã phát triển tốt trong 2 - 3 năm đầu, sau đó bị vàng lá, khô cành rồi chết.

Theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt, diện tích cà phê có tầng đất mỏng và không tưới thì không tái canh mà chuyển sang trồng cây khác, diện tích cà phê đủ điều kiện ghép cải tạo thì chưa cần tái canh. Không tái canh theo phong trào và tái canh theo hướng cuốn chiếu, mỗi năm chỉ trồng lại khoảng 15 - 20% diện tích cần cải tạo.

Ông Nguyễn Xuân Thái, GĐ Cty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi nói: Diện tích cà phê tái canh của Cty đạt hiệu quả rất tốt, tỷ lệ sống gần 100% và năng suất đạt trên 4 tấn/ha. Nguyên nhân do đất đã được xử lý tốt và có thời gian cải tạo đất 3 năm. Khó khăn nhất là vốn, bởi nguồn vốn đầu tư trồng và 3 năm chăm sóc mỗi ha cần từ 120 - 150 triệu đồng, nhưng vay ngân hàng rất khó. Đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn, giảm tiền thuê đất trong 6 năm đối với cà phê tái canh...

Theo TS Lê Ngọc Báu, mặc dù nhiều mô hình tái canh cà phê thành công nhưng 3 năm đầu vẫn có 5 - 7% số cây bị chết do tuyến trùng gây hại. Để đạt hiệu quả cao phải tuân thủ nghiêm ngặt các giải pháp kỹ thuật. Giống là yếu tố quyết định đến chất lượng vườn tái canh, nên phải chọn giống cây sạch bệnh. Đồng thời phải nhổ bỏ cây cà phê ngay sau khi thu hoạch, thu gom toàn bộ thân, cành, rễ ra khỏi vườn để loại bỏ mầm bệnh. Khi tiến hành tái canh phải có thời gian luân canh từ 3 - 4 năm trở lên, trồng cây che bóng góp phần cải thiện và nâng cao hàm lượng hữu cơ trong đất…

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng chỉ đạo Cục Trồng trọt, Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên xác định rõ hơn cơ sở khoa học cho vườn cây cần tái canh, đó là hiệu quả về kinh tế, năng suất, chất lượng chứ không thể căn cứ vào độ tuổi của cây bởi thực tế nhiều vườn hơn 40 tuổi vẫn cho năng suất cao. Để việc tái canh hiệu quả và thống nhất, Bộ NN-PTNT sẽ ban hành quy trình chính thức về kỹ thuật tái canh cà phê để các địa phương, DN áp dụng triển khai. Bộ sẽ xây dựng chính sách trình Chính phủ nhằm hỗ trợ phát triển cây cà phê bền vững…

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất